Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Bước vào Mùa Chay Thánh

Tác giả: 
Lm Vinh Sơn

 

 

Chúa Nhật I Mùa Chay

 

BƯỚC VÀO MÙA CHAY THÁNH

Dnl 26,4-10; Rm 10,8-13; Lc 4,1-13

 

 

Vua Ðavít đi bách bộ trong Vườn Thượng Uyển. Từ sân thượng, vua thấy một người đàn bà  nhan sắc tuyệt vời, vua sai người đi điều tra và được biết đó là  phu nhân Bát Seva, vợ của tướng Urigia. Sắc dục đã cám dỗ, nhà Vua đã phạm tội ngoại tình với Bà Bat Seva. Khi biết nàng có thai vua Ðavít cố tình che đậy tội lỗi của mình. Vua sai chồng bà đang ở ngoài mặt trận về nhà với vợ, để mai mốt bà có sinh con, thì thiên hạ sẽ cho rằng đó là con của vị tướng.

 

Tuy nhiên tướng Urigia nhất định không chịu về nhà vì ông là một tướng lãnh chuyên nghiệp,  biên thùy đang có chinh chiến nên ông không muốn bỏ hàng ngũ, mà sống chết với binh sĩ ngoài mặt trận. Giấu giếm bằng cách này không được, vua Ðavít quyết tâm che đậy tội lỗi của mình bằng cách lập kế cho giết vị tướng ngoài trận địa để vua có thể cưới bà (x. 2 Sm 11). Thiên Chúa sai ngôn sứ Nathan đến để làm thức tỉnh lương tâm của nhà vua. Vị Ngôn sứ vạch trần tội ác của Đấng Quân Vương. Nghe vị Ngôn sứ, thức tỉnh lương tâm, vua Ðavít liền ăn năn sám hối, vội trở về với Chúa. Nhà vua thốt lên: Tôi đã đắc tội với Thiên Chúa (2Sm 12,13). Vua tỏ lòng ăn năn sám hối cho tội lỗi đã phạm được bầy tỏ trong Thánh vịnh 51 mà truyền thống cho rằng đó là tâm tình sám hối của vua Đavid:

 

Lạy Thiên Chúa,xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.
Xin rửa con sạch hết lỗi lầm
   tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy…

 

Giáo Hội bắt đầu bước vào Mùa Chay Thánh với sắc màu phụng vụ tím. Mầu tím là mầu của sự ăn năn sám hối. Màu tím truyến thống cũng mang bầu không khí trầm buồn tưởng niệm cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô, Đấng bước vào cuộc Thương Khó và cái chết để con người được sống.

 

Mùa Chay trong tiếng La-tinh là Quadragesima nghĩa là “40”, con số 40 gợi cho chúng ta tinh thần sống chay tịnh với Đức Kitô 40 ngày trong sa mạc, xa hơn nữa với  hành trình thanh luyện 40 năm của dân It-ra-en tiến về Đất hứa. Trong 40 đêm ngày, Ngôn sứ Elia làm hành trình vất vả để đến Núi Chúa gặp Chúa (Đnl 8,1-5; 1V 19,8 )…

 

Mùa Chay 40 đêm ngày  không kể các ngày Chúa Nhật (vì ngày Chúa Nhật dù trong mùa Chay luôn Mừng Chúa Phục Sinh), hành trình Mùa Chay bắt đầu từ thứ tư lễ Tro được hoàn tất vào thứ năm Tuần Thánh, với Tam nhật Vượt qua, đặc biệt với đêm Đại Canh thức Cực Thánh: khi lời hứa khi chịu Phép Rửa tội, một lần nữa chúng ta tuyên xưng Đức Kitô Phục Sinh là Chúa của đời mình, Ngài ban cho chúng ta khi được tái sinh “từ nước và từ Chúa Thánh Thần”.

 

Trong 40 ngày của Mùa Chay, Giáo hội nhấn mạnh đến những cách thế hy sinh hãm mình như Chúa Giêsu chay tịnh trong Sa mac. Ăn chay, hãm mình, Hội Thánh nhắc lại cho chúng ta mục đích và ý nghĩa: Thanh tẩy tâm linh, qui hướng và tôn vinh Thiên Chúa, đồng thời cũng hướng về tha nhân, để lưu tâm giúp đỡ, sống tình bác ái huynh đệ qua những hy sinh gom góp được nhờ việc ăn chay. Chính vì mang tinh thần sống cùng với Đức Kitô 40 đêm ngày, cho nên Mùa chay là một thời gian hồng ân, một tiếng gọi thay và biến đổi đời sống như Chúa đã mặc khải với thánh Gioan : "Đây ta làm một thế giới mới " (Kh 21,5).

 

Sám Hối chúng ta mang tâm tình mới, trái tim mới như Lời Chúa phán qua ngôn sứ Edêkien: “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt” (Ed 36,26),  vang lên trong tâm hồn của chúng ta lời khấn nguyện tha thiết:"Lạy Chúa xin đưa con trở về" (Gr 31,18),  và  Ngài đến bên tâm hồn chúng ta: "Này đây Ta đứng ngoài cửa và ta gõ" (Kh 3,20).

 

Chúa nhật I của hành trình Mùa Chay, Tin Mừng gợi cho chúng ta hình ảnh Chúa Giêsu trong sa mac 40 đêm ngày, Ngài bước vào kinh nghiệm của thân phận con người chúng ta trong ba cơn cám dỗ nặng nề của kiếp nhân sinh: của ăn của uống, giàu sang, quyền bính...  Ngài mang nhân tính cùng với con người bước với những thử thách cuộc đời. Cuối cùng Ngài đã chiến thắng vinh hiển. Những cơn cám dỗ, thử thách vẫn kéo dài suốt cuộc sống của Ngài, như Kinh Thánh đã viết: “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ cơ hội khác” (Lc 4,13).

 

Chúa Giêsu vào  “hoang địa”, hoang địa  là nơi sống lại nỗi cô liêu và thanh tĩnh, để con người đối diện và thấy mình một cách chân thật  không  tránh né, và không mang  những mặt nạ, sức ép  mà xã hội đem đến cho. Chính vì sống trong hoang địa với chay tịnh Chúa Giêsu đã nhận định sáng suốt về những mưu đồ của tên cám dỗ và vì thế Ngài đã chiến thắng.

 

  • Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong sa mac, Ngài được giới thiệu như một Israel mới. Dân Chúa xưa trong sa mạc 40 hành trình về đất hứa, bị thử thách vì đói và khát, đã sa ngã trong khi lẩm bẩm kêu trách Chúa (Xh 6,8). Đức Giêsu bị cám dỗ nhưng người chiến thắng.
  • Trong sa mạc 40 năm, dân Chúa bị thử thách về lòng tin, đã xin Chúa cho những dấu hiệu lạ lùng để chứng tỏ Ngài hiện hữu vì nghi ngờ: Chúa có ở với chúng tôi không, có hay không? (x. Xh 17,1-7). Suốt cuộc đời Đức Giêsu bị cám dỗ thoát ra khỏi thân phận con người của mình để dùng quyền năng Thiên Chúa khẳng định mình: như lời tên cám dỗ: Nếu ông là con Thiên Chúa hãy….(x. Mt 4, 3.5)
  • Dân Israel trong cuộc Xuất hành, bị cám dỗ bỏ giao ước - hôn ước tình yêu với Thiên Chúa thật, để hiến thân cho các “thần tượng”, như là ngoại tình với ngẫu tượng (x. Xh 23,20-33).  Xatan cũng muốn Đức Giêsu quy phuc hắn khi hứa hẹn các vương quốc trên thế gian... Đức Giêsu đã mạnh mẽ dứt khoát đi trên đường Thiên ý, Ngài lột mặt nạ và chỉ thẳng tên Xatan; đó là một tên phản Thiên Chúa và : “phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi" (Mt 5,10)

 

Chúng ta là thành phần của Dân mới, trong hành trình Mùa Chay nói riêng và cả cuộc đời chúng ta nói chung theo bước chân của Chúa Kitô vào… Cuộc chiến đấu của Chúa Giêsu chống lại tên cám dỗ là một lời kêu gọi chúng ta ý thức về thân phận mỏng giòn của mình trong cuộc  sống  hằng  ngày  cùng  đối diện  bao nhiêu thử  thách và cám dỗ: cơm gạo áo tiền, danh vọng, quyền  bính. Và để lãnh nhận Ơn giải thoát, chúng ta như Đức Kitô và trong Ngài - Đấng là Đường, là sự Thật và là sự Sống, cùng ta vượt qua trong vinh quang. Thật thế, đây là lời mời gọi thôi thúc chúng ta, theo gương Chúa Kitô và kết hiệp với Người, nhớ rằng đức Tin Kitô giáo là một cuộc chiến đấu, Thánh Phaolô đã khuyên nhủ chúng ta chống lại các lực lượng bóng tối: « Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này …» (Ep 6,11-12). Và ngay lúc này  cám dỗ vẫn luôn ở bên người đang muốn tiến đến gần Chúa. Đức Kitô đã ra bước ra khỏi cuộc chiến này trong vinh quang, để mở lòng chúng ta hướng đến hy vọng và dẫn dắt chúng ta đi đến cuộc chiến thắng đối với mọi thử thách và cám dỗ của sự dữ…

 

Trong thân phận của kiếp người, chúng ta khi chiến đấu với mọi cám dỗ, như Đức Hồng Y Phanxicô gợi mở: “Hãy cố gắng, dù yếu đuối ngã sa, con hãy xin Chúa thứ tha và tiếp tục tiến. Trên võ đài, trong vận động trường quốc tế, các lực sĩ cũng lắm lần ngã quỵ, bị nhiều cú đấm, bị thương tích, nhưng cứ vùng dậy, cứ hy vọng, họ đã đoạt giải vô địch quốc tế” (ĐHV 971)

 

Chúa ơi! Con quá yếu hèn

Xin thương nâng đỡ ngày đêm trọn đời

                                    (Trầm Thiên Thu).

 

   Lm. Vinh Sơn scj, Sài gòn 13/2/2016