Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Cuộc xuất hành sắp hoàn thành tại Giêrusalem

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

CUỘC XUẤT HÀNH SẮP HOÀN THÀNH TẠI GIÊRUSALEM (CN II/MC-C) 

 

Bài Tin Mừng hôm nay (CN II Mùa Chay – Lc 9, 28b-36) trình thuật biến cố “Đức Giê-su hiển dung” trên núi Ta-bo. Khi ba môn đệ theo Đức Giê-su lên núi Ta-bo, thì các ngài vẫn thấy Thầy của mình với dung mạo bình thường như các ngài đã được chứng kiến, được “thực mục sở thị” hàng ngày trong suốt hành trình đi khắp đó đây rao giảng Tin Mừng. Nhưng đến khi Thầy cầu nguyện thì “dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà” (Lc 9, 29). Có 2 điểm rất đáng lưu ý trong biến cố này:

 

1- Biến cố hiển dung đã xảy ra vào khoảng 8 ngày sau Lời dạy về mầu nhiệm Tử nạn: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” (Lc 9, 22). Điều đáng nói ở đây là ánh sáng vinh quang mà các môn đệ nhìn thấy nơi Đức Ki-tô, không phải là điều gì đến từ bên ngoài, nhưng là sự biểu lộ từ bên trong, từ nơi thiên tính của Đức Giê-su Ki-tô. Người rời bỏ nhân tính để con người có thể chiêm ngắm vinh quang của Người; và nhờ đó, họ nhận ra căn tính đích thực của Đức Giê-su: Con Thiên Chúa.

 

2- Có hai nhân vật đàm đạo với Đức Giê-su, đó là ông Mô-sê – vị anh hùng của Lề Luật, và ông Ê-li-a – thủ lãnh các ngôn sứ, “Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem.” (Lc 9, 30-31). Sự hiện diện của hai chứng nhân thời Cựu Ước cho thấy tính siêu việt của thời đại cuối cùng, đổng thời loan báo vị Ngôn Sứ thiên hạ vẫn mong chờ, nay đã xuất hiện. Ngoài ra, nội dung cuộc đàm đạo giữa Đức Giê-su với Mô-sê và Ê-li-a tuy không được trình thuật chi tiết, nhưng đã bao hàm đầy đủ ý nghĩa (“cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem”). Nói về Xuất hành, ai cũng nghĩ ngay đến cuộc giải phóng dân Chúa khỏi ách nô lệ Ai-cập và trở lại Đất Hứa, nơi Thiên Chúa hứa ban cho các tổ phụ dân Ít-ra-en, để con cháu các ngài có một nơi vĩnh viễn mà thờ phượng Người (Xh 3, 5-17). Cuộc “xuất hành sắp hoàn thành” lần này đem áp dụng vào sứ mệnh của Chúa Giê-su sẽ giúp nhận ra được ý nghĩa cuộc Thương khó Người sắp phải chịu tại Giê-ru-sa-lem, mở đầu cho hành trình đưa người tín hữu về Đất Hứa đích thực là quê trời.

 

Như vậy thì cũng có thể nói biến cố hiển dung lại một lần nữa hiển linh (bày tỏ sự rực rỡ, vinh quang) mầu nhiệm Phục Sinh. Ðiều này cho thấy mầu nhiệm Phục Sinh luôn đi liền với mầu nhiệm Tử Nạn. Đức Ki-tô muốn cho các môn đệ được thấy trước ánh sáng Phục sinh để họ khỏi nao núng khi Người chính thức buớc vào cuộc khổ nạn thập giá. Tất cả sứ vụ cao trọng của Con Người (từ khổ nạn thập giá đến chiến thằng tử thần để cứu độ nhân loại) đều đã được tiên báo.

 

Được báo trước bằng lời (Lc 9, 22) thì môn đệ Phê-rô trách Thầy khiến Người phải quở mắng: “Xa-tan! Lui lại đằng sau Thầy” (Mc 8, 33); được báo trước bằng biến cố “hiển dung” thì “ông Phê-rô và đồng bạn ngủ mê mệt”, rồi đến lúc tỉnh dậy được chứng kiến tận mắt Thầy mình đang đàm đạo với các vị ngôn sứ (Mô-sê, Ê-li-a) đã khuất bóng từ mấy thế kỷ trước, thì lại “hoảng sợ” nữa (Lc 9, 32-34). Cho tới khi những sự kiện được báo trước ấy xảy ra, đến nỗi khiến Thầy “lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất.” (Lc 22, 44), thì các môn đệ lại… ngủ (!), khiến Người phải thắc mắc "Sao anh em lại ngủ?" (Lc 22, 46). Ấy là chưa kể khi Thầy bị bắt thì các môn đệ bỏ trốn hết, chỉ còn một mình Phê-rô lẽo đẽo theo Thầy từ xa xa, để rồi chối Thầy 3 lần trong một đêm. Rồi tới khi Thầy sống lại và hiện ra với các môn đệ thì các ngài lại “kinh hồn bạt vía tưởng là thấy ma” (Lc 24, 37). Thế đó! Tất cả đã nói lên điều gì? Câu trả lời thật rõ ràng: Đức tin của các môn đệ vẫn còn chao đảo, nếu không muốn nói là các ngài bị khủng hoảng đức tin.

 

Chính vì thế nên có thể nói: Với biến cố hiển dung, Đức Giê-su Ki-tô muốn cho mọi người – thông qua các môn đệ thân tín của Người – hiểu rõ được Người chính là Con Thiên Chúa (“Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người! " – Lc 9, 36), là Thiên Chúa thật. Từ đó, giúp củng cố đức tin ngõ hầu biến đổi con người các môn đệ và nói chung là biến đổi con người các Ki-tô hữu. Biến đổi con người không chỉ là thay hình đổi dạng bên ngoài, vì nếu chỉ thay hình đổi dạng bên ngoài thì ở thế kỷ XXI này, con người dư sức qua cầu. Ôi chao! Nào là giải phẫu thẩm mỹ, cấy da, cắt mắt, kẻ môi, nhuộm tóc, rồi thì tô son trét phấn, tắm sữa đắp kem…, ấy là chưa kể thời trang nọ, mô đen kia, thậm chí còn thay đổi cả giới tính nữa… Như vậy, vấn đề đặt ra cho các tín hữu không phải là thay hình đổi dạng bên ngoài, mà chính là làm sao biến đổi được cõi lòng bên trong, canh tân được đời sống tâm linh. Bởi vì và trên hết, trong Mùa Chay, chúng ta “hãy xé lòng, chớ đừng xé áo” (Ge 2, 13). Đừng xé áo để mặc áo mới cho hợp thời trang, cho đúng mốt thời đại, mà cần phải xé lòng ra để rũ bỏ hết những tì ố, những xấu xa, tội lỗi, đồng thời “hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô” (Rm 13, 14) ngõ hầu đón nhận “luồng ánh sáng chói lọi” là chính Con Người đến để thanh tẩy tâm hồn, biến đổi bản thân nên đồng hình đồng dạng với Người.

 

Dân Chúa thời Cựu Ước mới chỉ được biết Con Một Thiên Chúa sẽ giáng trần cứu độ nhân loại thông qua các lời tiên tri của các ngôn sứ, các lời rao truyền về sấm ngôn của Đức Chúa, chưa được trực diện chứng kiến cuộc biến hình của Đức Giê-su, chưa được như ba môn đệ thân tín của Đức Ki-tô được trực tiếp nghe Lời của Đức Chúa Cha phán "Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!" (Lc 9, 36). Vậy mà Cựu Ước đã có lời nhắn nhủ “Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của anh em.” (Ge 2, 13). Đến như người tín hữu ngày nay thì không những được nghe lời tiên tri, tiên báo về Đấng Cứu độ Giê-su, mà còn được chính các môn đệ thân tín của Đức Ki-tô tường thuật lại biến cố hiển dung của Con Thiên Chúa và nghe Lời phán dạy của Chúa Cha. Rõ ràng Dân Chúa ngày hôm nay được biết nhiều hơn Dân Chúa thời Cựu Ước; nhưng thử hỏi đã mấy ai dám mạnh dạn xé lòng hơn là xé áo? Kể ra thì con số những người dám “xé lòng” đã là con số khá nhiều, đó là các vị Tông đồ tiên khởi, và biết bao nhiêu vị hiển thánh – nhất là các thánh Tử vì Đạo – hiện đang được diễm phúc vui hưởng thành quả của hành động “xé lòng” trên Thiên quốc. Tuy nhiên, con số người chỉ thích “xé áo” vẫn là những con số nhiều hơn, áp đảo cả con số những kẻ biết “xé lòng”. Người ta chỉ thích xé áo để khoác vào người bộ áo sặc sỡ thế trần.

 

Mùa Chay chính là thời gian để người Ki-tô hữu chọn lựa một hành động thiết thực: hoặc xé áo, hoặc xé lòng. Muốn xé áo thì dễ thôi, chỉ cần một động tác nhỏ là khoác lên mình bộ vó kiêu căng tự phụ, bộ áo lười nhác ích kỷ, không thèm đếm xỉa đến mọi người xung quanh. Tuy nhiên, để xé lòng thì không dễ dàng đâu, bởi phải quyết tâm không khua chiêng gõ mõ khi cầu nguyện, không méo miệng ngoẹo đầu rầu rĩ khi ăn chay, không biểu ngữ khoa trương khi làm từ thiện, không sáo rỗng màu mè khi an ủi anh em, không hứa lèo hứa cuội khi hoà giải, không mặc áo thày tu khi mình không phải là tu sĩ, không đánh trống bỏ dùi, tiền hậu bất nhất khi đòi đi theo Thầy Chí Thánh. Chỉ có như vậy, kèm theo sự sám hối chân thành, mới thực sự hoán cải, đổi mới con người của mình, để được biến đổi toàn diện (biến hình) theo Chúa; đồng thời phản chiếu dung mạo Lòng Thương Xót ra môi trương xã hội.

 .

Rõ ràng Tin Mừng về biến cố Hiển Dung của Chúa Giê-su đặt trước mắt người tín hữu vinh quang của Đấng Cứu Độ, báo trước cuộc phục sinh vinh hiển của Người. Biến cố này cũng đồng thời giúp cộng đoàn Ki-tô hữu ý thức mình được dẫn lên núi cao (Mt 17, 1) như các Tông đồ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an, để tái đón nhận món quà Ân Sủng của Thiên Chúa Cha ban tặng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!” (Lc 9, 35). Một cách cụ thể, “Với đôi mắt của chúng ta dán chặt vào Chúa Giê-su và ánh mắt xót thương của Ngài, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Sứ vụ của Chúa Giê-su được Chúa Cha trao phó là mạc khải mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa trong sự viên mãn của tình yêu ấy. “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4: 8,16),” (Tông chiếu “Misericordiae Vultus”, số 8).

 

Tóm lại, trước biến cố tiên báo “Cuộc Xuất Hành sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem” nhằm hiển dương mầu nhiệm Phục Sinh – cũng tức là lời hứa ban sự sống đời đời cho những kẻ tin – người Ki-tô hữu còn chần chờ gì nữa mà không mạnh dạn bước vào Mùa-Chay-cuộc-đời với quyết tâm như một lời đoan hứa: Tôi quyết tâm từ bỏ tất cả những thói hư tật xấu, như một lần nữa tôi tuyên xưng đức tin. Hãy ao ước được “xé lòng” cho thật sự chảy máu ra như chính Người Thầy Chí thánh “lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất.” (Lc 22, 44) và nhất là đã xé Trái Tim Giàu Lòng Thương Xót để “máu cùng nước chảy ra” trên Thập giá (Ga 19, 34).

 

Vâng, để hoán cải được cuộc đời trong Mùa Chay Thánh – trong mùa-chay-cuộc-đời – người Ki-tô hữu đừng phung phí cuộc đời cho hành động xé áo, mà hãy mạnh dạn xé lòng. Muốn được như vậy, hãy chạy đến với Đức Mẹ của Lòng Thương Xót, như lời khuyên của ĐTC Phan-xi-cô trong Sứ điệp Mùa Chay 2016 (phần kết): “Chúng ta đừng phung phí Mùa Chay này, nó thuận lợi để ta hoán cải xiết bao! Ta xin cho được điều này nhờ lời cầu bầu đầy tình mẫu tử của Nữ Trinh Maria, đấng, nhờ gặp được sự cao cả của lòng thương xót nơi Thiên Chúa, một lòng thương xót được hậu hĩnh ban xuống cho ngài, đã là người thứ nhất thừa nhận sự đớn hèn của mình (xem Lc 1:48) và tự gọi mình là nữ tỳ hèn mọn của Chúa (xem Lc 1:38).”

 

Ước được như vậy. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.