Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Biến hình cùng với Chúa Ki-tô

Tác giả: 
Lm Vinh Sơn

Chúa Nhật II Mùa Chay C

BIẾN HÌNH CÙNG VỚI CHÚA KITÔ

St 15,5-12.17-18; Pl 3,17–4,1; Lc 9,28b-36

 

 

Năm 1982, các nữ tu Dòng Con Đức Bà Phù Hộ (Dòng nữ Salêsiên) ở Cáp bên Haiti, muốn thuê nhà điêu khắc nổi tiếng Pêrikhêt làm một cây thánh giá lớn để đặt trong nhà thờ mới. Nhưng lúc đó, ông Pêrikhêt đã bị ung thư nặng.

 

Các chị nhờ một nữ tu cùng dòng đến gặp nhà điêu khắc để nói về ý định này. Hôm đó viên bác sĩ của ông cũng có mặt, ông nói với chị nữ tu: Lẽ ra chị phải đến đây sớm hơn. Rất tiếc là bây giờ căn bệnh ung thư của ông Pêrikhêt đã quá nặng rồi.

 

Im một lát, bác sĩ quay sang nói với nhà điêu khắc: Ông là người có đức tin, vậy ông cứ tiếp tục hy vọng dù có điều gì xảy ra đi nữa.

 

Từ ngày đó, trong tâm trạng tuyệt vọng nhà điêu khắc Pêrikhêt chẳng muốn cầm bút, cầm búa, hay các dụng cụ để rèn tác phẩm nghệ thuật nào nữa vì ông đang đi vào sự chết.

 

Vài ngày sau, một nữ tu lại đến gặp ông và năn nỉ: Ông Giovani Pêrikhêt à, các nữ tu ở nhà thờ mới tại Cáp mong muốn ông làm cho các chị ấy một cây thánh giá thật đẹp, dài hai mét. Họ biết tài năng của ông. Trước khi trả lời dứt khoát cho họ, tôi muốn hỏi ý kiến ông một lần nữa. Nhà điêu khắc trầm ngâm suy nghĩ và cầu nguyện, rồi ông bình thản nói với chị nữ tu: Tôi xin nhận lời. Cây thánh giá này sẽ là tác phẩm cuối cùng, tôi sẽ làm cây thánh giá này để chuẩn bị chết, và xin Chúa thương xót tôi.

 

Thế là nhà điêu khắc bắt tay vào công việc với tất cả tâm hồn của một người mong gặp được Chúa Giêsu. Đây thật là một công việc nặng nhọc vì bệnh tình của ông. Nhưng ông cảm thấy một điều thật lạ lùng, mỗi nhát búa đập trên thanh sắt nóng đỏ, thay vì làm cho ông mệt mỏi thêm, thì lại làm cho ông cảm thấy như được bồi dưỡng sinh lực trở lại. Ông tiếp tục làm việc ngày qua ngày, và khi ông hoàn thành cây thánh giá thật đẹp, ông cảm thấy như khoẻ hẳn. Chúa Giêsu đã giải thoát ông khỏi căn bệnh quái ác.

 

Cả con người của nhà điêu khắc đã biến đổi, từ thể xác đến tinh thần…Ngày nay, cây thánh giá do ông thực hiện vẫn còn được treo ở nhà thờ thành phố Cáp và tiếp tục thu hút nhiều tín hữu: người lành mạnh cũng như kẻ yếu đau đến kính viếng thường xuyên.

 

Tin mừng Luca trình bày đường Thập giá và phục sinh của Đức Kitô trong hành trình tiến về Giêrusalem, để chuẩn bị cho các môn đệ và đặc biệt cho ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan bước vào hành trình Thập giá: Ba ông là những người cùng Chúa vào vườn Cây Dầu khi Chúa cầu nguyện (Mc 14, 33). Cả ba môn đệ này đã chứng kiến cảnh Chúa hấp hối trong vườn Giêtsimani, bị bắt (x. Mt 26, 56. 69-75 ; Mc 15, 50. 66-72 ; Lc 22, 55-62 ; Ga 18, 15-27). Ba ông mang trong trách trong Giáo Hội sau nay: Phêrô – Tông đồ trưởng – lãnh đạo Giáo Hội, Gioan – môn đệ yêu dấu viết Tin mừng Tình yêu, Giacôbê là vị Tông đồ tử đạo tiên khới.

 

Đức Giêsu đưa riêng ba môn đệ lên một ngọn núi cao và biến hình trước mắt các ông. Cả Ba Tin Mừng Nhất Lãm trình thuật Chúa Giêsu biến hình trên núi cao (x. Mt 17, 1-8 ; Mc 9, 2-8; Lc 9, 28 -36) cũng như được Phêrô đề cập trong thư thứ 2  (2 P 1, 16-18). Tuy nhiên cả ba Tin Mừng không nói rõ Chúa Hiển dung trên ngọn núi nào và chúng ta không thể xác định là ngọn núi nào. Nhiều tác giả chú giải Thánh Kinh cho là núi Hermon nhưng truyền thống Giáo Hội ngay từ thời giáo phụ, thời đại rất gần với thời các môn đệ lại xác nhận núi Tabor là nơi chúa Giêsu biến hình: văn sĩ Origen ở thế kỷ thứ III đã nhắc đến và  được hai thánh Giáo phụ Cyril  thành Jerusalem và Thánh Jerome, vị Giáo phụ chuyên về Kinh Thánh trong thời cổ đại và là người đầu tiên dịch Kinh Thánh từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Latinh, được gọi là bản dịch Vulgate – bản dịch phổ thông, vào thế kỷ thứ IV. Sau này ở thế kỷ thứ V, núi Taborb nơi Chúa Biến hình cũng được nói tới trong tác phẩm thần học Transitus Beatae Mariae Virginis (Về Sự Ra Đi của Đức Maria Nữ Trinh Rất Thánh).

 

Các môn đệ thấy được Y phục sáng ngời của Chúa Giêsu và Vinh quang Người tỏ hiện, theo nhà chú giải Kinh Thánh Hugues Cousin xác định: "Mặc lấy vinh quang" có nghĩa là tham dự vào ánh sáng huy hoàng của Thiên Chúa hằng sống, được nâng lên địa vị siêu tôn; y phục trắng ánh chớp, có nghĩa Đức Giêsu đã tiến vào khung cảnh thiên đường. Như thế, Đức Giêsu như được tạm thời mặc trước nguồn vinh quang Phục sinh mà Người sẽ được thừa hưởng khi sống lại. Tuy nhiên Luca nghĩ rằng có lẽ nguồn vinh quang này đã tiềm ẩn trong Đức Giêsu từ trước Phục sinh và do kết quả của việc cầu nguyện, Đức Giêsu không thể ngăn chặn luồng vinh quang ấy chiếu toả từ thân thể Người ( "Tin Mừng theo thánh Luca" Centurion, trg 137).

 

Sự hiện diện của hai khuôn mặt lớn trong Cựu ước: Môsê  tóm tắt tất cả Lề Luật và Êlia, đại diện cho các tiên tri, hai nhân vật loan báo rằng: "Đức Kitô phải chịu đau khổ rồi mới bước vào vinh quang" (Lc 24,26-27), đường Thập giá, đường lên Giêrusalem để chết, xuyên qua cái chết đến phục sinh huy hoàng.

 

Thấy sự vinh quang cùng tiếng phán của Chúa Cha về Chúa Giêsu, Cả ba Phúc âm đều nhấn mạnh đến thái độ hoảng sợ của các môn đệ. “Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông hoảng sợ” (Mc 9,6); “Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ” (Lc 9,34); “Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng ngã sấp mặt xuống đất” (Mt 17,6). Sự kinh hoàng (hoảng sợ)  tương tự sự kinh hoàng của các phụ nữ khi sứ thần hiện ra tại mộ loan báo sự phục sinh của Chúa Giêsu (x. Mc 16,5-8), cả ba hoảng sợ vì chuyện bất thình lình và chưa hiểu việc gì xảy ra. Cho nên các ông hoảng sợ, chứng tỏ các ông khó mà hiểu, thậm chí không thể hiểu, tầm mức thiên sai của những lời nói và hành vi của Đức Giêsu.

 

Chúa biến hình nhắc ba môn đệ và qua đó cho chúng ta một sứ điệp phải thay hình đổi dạng con người. Sự thay đổi mà Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta phải cởi bỏ con người cũ, tội lỗi để mặc lấy con người mới tốt lành thánh thiện hơn:”Hãy lột bỏ con người cũ mặc lấy con người mới. Hãy để Thần Khí Thiên Chúa canh tân tận tâm linh anh em”(Ep 4,22). Ngài còn khuyên nhủ chúng ta hãy làm một cuộc canh tân toàn diện để cho con người nội tâm của chúng ta biết nghe theo luật của Chúa mà bỏ đường lối của xác thịt như Ngài viết trong thư gửi tín hữu Êphêsô :”Anh em hãy cởi bỏ kiểu sống xa xưa, con người cũ đã ra hư hốt buông theo những đam mê lầm lạc. Hãy để Thần Khí canh tân đổi mới thấu tận trí khôn. Hãy mặc lấy người mới đã được tạo dựng nên theo Thiên Chúa, trong công chính và thánh thiện bắt nguồn trong sự thật”(Ep 4,22-24).

 

Sự thay đổi trong tinh thần Tabor: Dù những gian nan thử thách, nhưng với niềm tin Thập giá như Nhà điêu khắc thay đổi tâm tư theo niềm tin và sự cố gắng của bản thân mỗi ngày, từ con người thất vọng chán nản trong bệnh tật đang đi dần vào cõi chết, ông đã được chữa lành trong niềm tin sống động vào Thiên Chúa. Thật thế, sống mầu nhiệm thập giá: là đi từ Thabor đến đỉnh đồi Canvê là sống sự thay đổi chính con người:

 

Cùng Chúa, con lên núi cao

Chiêm ngắm Chúa toả sáng ngời vinh quang

Bước vào tình Chúa tuyệt vời

Chữ yêu rạng rỡ - đường thập tự dâng.

 

Lm. Vinh Sơn, Sài Gòn 20/02/2015