Đổi trắng thay đen
ĐỔI TRẮNG THAY ĐEN
(CN LỄ LÁ năm C)
Suy niệm về Lễ Lá, kẻ viết bài này cứ bị ám ảnh về câu tục ngữ “Lòng người đổi trắng thay đen”. Nói về lòng người đổi trắng thay đen thì không thể quên chuyện Thúy Kiều “bán mình chuộc cha” trong Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du: Hai cha con Vương viên ngoại (là Vương ông và Vương Quan) bị bọn sai nha bắt trói đánh đập (“Người nách thước, kẻ tay đao; Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi. Già giang một lão một trai, Một dây vô lại buộc hai thâm tình.”); khiến Thúy Kiều phải bán minh vào lầu xanh (cho Mã Giám Sinh) để có tiền đút lót cho bọn quan quyền, cứu cha và em khỏi cảnh tù tội. Nguyễn Du đã viết về tình đời thật thấm thía: “Trong tay đã sẵn đồng tiền, Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì.”
Trong Cổ Học Tinh Hoa cũng có truyện “LÚC ĐI TRẮNG, LÚC VỀ ĐEN” (trích từ “Liệt Tử truyện” của Liệt Ngữ Khấu – Trung Quốc). Truyện kể rằng:
“Một hôm trời nắng Dương Bố đi chơi. Khi ở nhà ra, thì mặc áo trắng, đi được nửa đường, gặp trời mưa, quần áo ướt hết, mới vào ẩn mưa ở nhà bà con. Người ấy thấy Dương Bố ướt cả cho mượn cái áo thâm.
Một lúc trời tạnh, Dương Bố mặc áo thâm về nhà. Con chó trông thấy, vừa cắn vừa xua đuổi. Dương Bố giận toan cầm gậy đánh.
Anh là Dương Chu chạy ra bảo: “Đừng đánh nó làm gì! Nó đuổi như thế cũng phải. Giả sử con chó trắng nhà ta, lúc đi thì trắng, lúc về thì đen, phỏng em có không lấy làm lạ mà không ngờ được không?"
Lời Bàn: Lúc đi mặc áo trắng, lúc về mặc áo thâm, chính mình không biết mình thay đổi, con chó thấy khác thì xua đuổi. Mình đánh nó chẳng hóa ra lầm lắm ru! Lỗi tại mình thay đổi, không tại con chó cắn xằng. Vậy nên ở đời khi mình làm điều gì khác thường, mà người ta không rõ, thì tất nhiên người ta bàn trái bàn phải. Nếu mình không tự xét mình thay đổi hay dở, chỉ biết trách người nghị luận nọ kia, thì chẳng khác nào như Dương Bố đánh chó trong truyện này.
Chúa nhật Lễ Lá Giáo hội tưởng niệm Chúa Giê-su Ki-tô vào thành Giê-ru-sa-lem để hoàn tất Mầu nhiệm Vượt Qua. Ngày lễ hôm nay gồm 2 phần chính: Phần đầu là cuộc rước kiệu lá kính nhớ Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem với tư cách là Đấng Mê-si-a và đã được “Một đám người rất đông lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá mà rải lên lối đi. Dân chúng, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: Hoan hô Con vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời.” (Mt 21, 1-10). Phần thứ hai là Thánh lễ tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa (trong Thánh lễ có đọc Bài Thương Khó trình thuật cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su), và vì thế nên Chúa nhật hôm nay còn được gọi là Chúa nhật Chịu Nạn.
Trong một Chúa nhật tưởng niệm hai mặt trái ngược nhau của cuộc đời. Một cách cụ thể, CN Lễ Lá phản ánh trung thực tâm trạng dân chúng Do-thái và nói chung là của con người trần thế: Vừa mới hoan hô, chúc tụng Chúa Ki-tô rất nồng nhiệt, bằng những lời lẽ tưởng chừng như chân thành nhất (“Hoan hô Con vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời” – Mt 21, 9); vậy mà chỉ mấy ngày sau, cũng chính những người hoan hô ấy lại hò reo: "Đóng đinh nó vào thập giá!" Thậm chí khi Tổng trấn Phi-la-tô thấy không cứu vãn được tình thế, đã lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói: "Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy!", thì đám đông còn gào thét như thách thức: "Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi!" (Mt 27, 24-25). Thế đấy!
Đám đông dân chúng thì như vậy, nhưng còn những môn đệ ở liền bên với Đức Ki-tô thì sao? Các ngài đi theo Đức Ki-tô vì tin tưởng Người chính là vị cứu tinh cho cuộc đời của mình và các ngài luôn sẵn sàng tuyên xưng niềm tin ấy. Cụ thể như Phê-rô khi nghe Đức Ki-tô hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?", thì tuyên xưng liền: "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16, 16) và khi nghe Thầy tiên báo sẽ chối Thầy, thì ngay lập tức khẳng định chắc nịch: "Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy". Thực ra, cũng không chỉ có một mình Phê-rô đâu, mà "Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy" (Mt 26, 35). Như vậy thì chẳng phải là ca tụng, tung hô đó sao? Nhưng đến khi Thầy gặp nạn thì "Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết" (Mt 26, 56), còn Phê-rô thì lẽo đẽo theo sau và chỉ cần một tớ gái nhà Cai-pha vặn hỏi đã vội vàng "Tôi thề là không biết người ấy" (Mt 26, 74) tới 3 lần. Ấy là chưa kể Giu-đa It-ca-ri-ốt đã bán Thầy cho quân dữ để lấy 30 đồng bạc. Bán Thầy, bỏ trốn hết, chối Thầy như vậy thì có khác gì đả đảo?
Thánh Phê-rô tuy có chối Thầy 3 lần trong một đêm, nhưng khi “sực nhớ lời Đức Giê-su đã nói: "Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần." Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.” (Mt 26, 75). Còn Giu-đa It-ca-ri-ôt thì sao? Cùng ở trong nhóm 12 với các môn đệ được coi là thân tín nhất của Đức Giê-su, thì hẳn nhiên Giu-đa cũng tin tưởng và tung hô Thầy như các môn đệ khác (“Khi Người đến gần chỗ dốc xuống núi Ô-liu, tất cả đoàn môn đệ vui mừng bắt đầu lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa, vì các phép lạ họ đã được thấy. Họ hô lên: "Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!” – Lc 19, 37-38). Ngay cả khi Đức Giê-su tiên báo có môn đệ sẽ nộp Người cho quân dữ, các môn đệ xôn xao thắc mắc không biết đó là ai, thì Giu-đa cũng vẫn thản nhiên hỏi: "Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?" Cho đến lúc "Đức Giê-su trả lời: "Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy." Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt. Y vừa ăn xong miếng bánh, Xa-tan liền nhập vào y." (Ga 13, 26-27), và thế là Giu-đa trở thành công cụ của Xa-tan bán Thầy lấy 30 đồng bạc! Cuối cùng lại phạm thêm một tội tày trời: Huỷ diệt công trình tạo dựng của Thiên Chúa (thắt cổ tự tử).
Thánh Phê-rô và Giu-đa chỉ là 2 nhân vật nổi cộm nêu bật hai chiều kích mâu thuẫn, đối nghịch nhau trong cùng một con người. Đến như đám đông người Do-thái khi đón tiếp Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem (kể cả những người đồng hương với Chúa khi đón tiếp Người về thăm Na-da-ret) còn tệ hại hơn nhiều. Ngày xưa thì như thế, còn ngày nay hẳn là còn hơn thế nữa là cái chắc. Ở Việt Nam tuy có gần 130.000 người chấp nhận cái chết chớ không chịu đả đảo Ki-tô (bước qua, đạp lên thánh giá, bỏ đạo), nhưng con số người sẵn sàng đạp lên thánh giá (chớ đừng nói chỉ bước qua), sẵn sàng gỡ bỏ bàn thờ để chưng hình lãnh tụ (đả đảo Giê-su, hoan hô lãnh tụ), sẵn sàng ghi vào sơ yếu lý lịch là "không tôn giáo"... thì không hiểu còn đông gấp bao nhiêu lần?
Tình đời đổi trắng thay đen như thay áo chẳng khác gì cảnh “lật mặt như trở bàn tay”. Ôi chao! "Còn bạc còn tiền, còn đệ tử. Hết cơm, hết gạo, hết ông tôi." ("Thế thái nhân tình" – Nguyễn Bỉnh Khiêm); "Suy ra cho kỹ, chi hơn nữa. Bạc quá vôi, mà mỏng quá mây" (xc Nguyễn Công Trứ trong cùng tiêu đề thơ vịnh "Thế thái nhân tình"). Thế thì đám người vừa mới “tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”, thì ngay lập tức “Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành - thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực.” (Lc 4, 28-30); hôm trước "Hoan hô Con vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời.", thì hôm sau đã "Đóng đinh nó vào thập giá! ... Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi!"; nào có khác chi những kẻ "Bề ngoài thơn thớt nói cười, Mà trong nham hiểm giết người không đao!" ("Đoạn Trường Tân Thanh" – Nguyễn Du).
Đã có phản biện: Ngày xưa vì Đức Giê-su là Thiên Chúa làm người – là một nhân vật bằng xương bằng thịt như bao người khác – nên mới có vụ hoan hô, đả đảo. Còn ngày nay thì đâu có một ông Giê-su Na-da-ret để mà hoan hô, đả đảo, đóng đinh vào thập giá. Vì thế, xin nhấn mạnh ở đây vấn đề đả đảo, đóng đinh Chúa, không nhất thiết là cứ phải thật sự trực tiếp bắt trói Chúa, cầm búa đóng đinh vào tay chân Chúa đâu. Ngày nay cũng chẳng có cái vụ bắt bước qua hoặc đạp lên thánh giá, mà hình thức bách hại đạo giáo còn tinh vi khủng khiếp hơn nhiều. Ngay đến cả những người bề ngoài thì rất siêng năng đi lễ, đọc kinh, cầu nguyện, nhưng chỉ cần một người nghèo khó (một hành khất chẳng hạn) đến "quấy rầy" thì ngay lập tức "Không có gì hết! Cút đi chỗ khác!" Vậy thì ai hoan hô, ai đả đảo? Hoan hô và đả đảo ai vậy? Cứ thử gẫm suy cho thấu đáo mà xem, có đúng là con người hôm nay gây chia rẽ bất hoà với anh em nhiều hơn là xây dựng, đoàn kết nhau không? Có phải là đố kỵ ghen ghét nhiều hơn là yêu thương đùm bọc nhau không? Những thái độ và hành động cư xử với anh em như vậy chẳng phải là đã làm cho Chúa đấy sao? Than ôi! "Ngày xưa Ta khát..., Ta đói..., Ta trần truồng... " thì ngươi đã đối xử như vậy đó!
Đối với con người thì chuyện thay lòng đổi dạ, đổi trắng thay đen chỉ là "chuyện thường ngày ở huyện". Vấn đề đặt ra là khi được ơn soi sáng thì có biết ăn năn hối cải hay không mà thôi. Nếu chỉ là hối hận thì Giu-đa It-ca-ri-ốt và đám đông người Do-thái đã biểu hiện ("Bấy giờ, Giu-đa, kẻ đã nộp Người, thấy Người bị kết án thì hối hận... ném số bạc vào Đền Thờ và ra đi thắt cổ." – Mt 27, 3-5; "Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: "Người này đích thực là người công chính!" Toàn thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra, đều đấm ngực trở về." – Lc 23, 47-48). Đến như thánh Phê-rô mới là thực lòng ăn năn hối cải (Hối: cảm thấy tiếc và băn khoăn, day dứt vì đã trót làm điều lầm lỗi; Cải: đổi khác đi. Hối cải 悔 改 : Hối lỗi và sửa đổi lại, ăn năn sửa chữa. – Từ nguyên). Vì thế, nên cần phải biết ăn năn hối cải, mà muốn được như vậy thì cần phải cầu nguyện xin Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn và thêm sức mạnh cho. Hoá cho nên “sám hối" không thôi thì chưa đủ, mà còn cần “canh tân" nữa, và đó cũng chính là chủ đích của mùa Chay Thánh. Vâng, “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo" (Rm 12, 20), “anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em." (Ep 4, 23).
Xin hãy noi gương tảng đá góc tường Phê-rô khi nhìn lại mình đã thực sự ăn năn hối cải để rồi cùng với các Tông đồ tiên khởi hiệp ý cùng Mẹ Maria khẩn thiết cầu nguyện (“Đó là các ông: Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su. ” – Cv 1, 13-14). Người Ki-tô hữu hãy cầu nguyện xin ơn soi sáng để nhìn thấy nơi người anh em mình hình ảnh Thiên Chúa, từ đó sống với nhau trong một sự hiệp thông liên kết như chi thể của cùng một thân mình. Nói cách khác, hãy coi “tha nhân thuộc về tôi, cuộc sống, phần rỗi của họ liên hệ tới cuộc sống và phần rỗi của tôi” (Sđ Mùa Chay 2012, số 2). Và chỉ có kết hiệp với nhau nên một trong Chúa Ki-tô, đồng tâm nhất trí cầu nguyện mới thực sự được Chúa ban Thần Khí như xưa Người đã ban trong ngày Lễ Ngũ Tuần.
Tóm lại, “Đối với tất cả chúng ta, Mùa Chay trong Năm Thánh này là thời gian thuận tiện để ta vượt thắng sự tha hóa hiện sinh của ta bằng cách lắng nghe lời Thiên Chúa và thực hành các việc thương người. Trong các việc thương người về phần xác, ta đụng tới da thịt của Chúa Ki-tô nơi các anh chị em của ta, những người cần được ăn, được mặc, được trú ngụ, thăm viếng; trong các việc thương người về phần hồn: khuyên bảo, dạy dỗ, tha thứ, khuyên răn và cầu nguyện, ta đụng tới tính tội lệ của ta một cách trực tiếp hơn. Các việc thương người về phần xác và phần hồn không bao giờ nên bị tách biệt với nhau. Nhờ đụng tới da thịt của Chúa Giê-su bị đóng đinh đang chịu đau khổ, người tội lỗi có thể nhận được ơn phúc để nhận ra rằng cả họ nữa cũng là những người nghèo và thiếu thốn “ (Sđ Mùa Chay 2016, phần kết luận).
Ôi! Lạy Chúa! Cúi xin Chúa ban Thánh Thần soi sáng cho con để con nhìn thấy tỏ tường Chúa nơi người anh em của con, đồng thời giúp con đủ dũng khí đổi mới con người của mình từ một "kẻ 2 lòng" trở nên người "một lòng một dạ" yêu thương và trung thành với Chúa, thương yêu anh em như chính bản thân mình, cho đến trọn đời.
Ôi! "Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn cho Ðấng cứu chuộc loài người phải sống kiếp phàm nhân và chịu khổ hình thập giá để nêu gương khiêm nhường cho thiên hạ noi theo. Xin cho chúng con biết đón nhận bài học Người để lại trong cuộc thương khó, và được thông phần vinh quang phục sinh với Người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen" (Lời nguỵên nhập lễ Lễ Lá).
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: