Trong ánh sáng Phục Sinh
Chúa Nhật Phục Sinh.
TRONG ÁNH SÁNG PHỤC SINH
Lc 24,1-12; Ga 20,1-9
Một dòng suối mát rơi từ ngọn núi, chảy qua một đồng bằng cho đến khi chạm đến một sa mạc. Tại đây, với ánh sáng và sức nóng của mặt trới, nó chợt nhận ra nước của mình bắt đầu bốc hơi và khô dần… Dù vậy, dòng nước vẫn quyết tâm băng qua sa mạc. Nó nghe có tiếng thì thầm :
- Nếu ngươi muốn, ngươi có thể băng qua sa mạc được, bởi vì gió vẫn làm được điều đó.
Dòng suối giận dữ:
- Nhưng ta có phải là gió đâu ?
Nó thấy gợi ý của tiếng thì thầm là điều ngu xuẩn, nhưng tiếng nói vẫn tỏ ra kiên nhẫn:
- Gió sẽ mang ngươi đi. Dĩ nhiên với điều kiện là ngươi phải tan biến đi trong gió.
Dòng suối suy nghĩ miên man và vẫn chưa hiểu được tại sao mình phải tan biến đi, phải chăng phải đánh mất chính mình ? Điều gì bảo đảm được rằng khi băng qua hết sa mạc, mình sẽ tìm lại được bản thân một cách nguyên vẹn ? Đọc được ý nghĩ của nước, gió mới lên tiếng:
- Ngươi chỉ cần tin tưởng nơi ta, không còn cách nào khác nữa đâu.
Dòng suối vẫn tiếp tục giữ giọng kiêu hãnh:
- Đồng ý, nhưng ta không thể chấp nhận tan biến được.
Tiếng nói thì thầm giải thích:
- Ngươi không thể băng qua sa mạc mà vẫn giữ nguyên hình nguyên trạng được. Làm thế ngươi chẳng khác nào một con rắn xấu xí, nhưng nếu ngươi để cho gió mang ngươi đi xuyên qua sa mạc, thì bên kia sa mạc, ngươi sẽ hiện nguyên hình là một dòng suối xinh đẹp.
Dòng suối thắc mắc:
- Vẫn một dòng suối như cũ ư ?
Giọng nói giải thích:
- Dĩ nhiên, ngươi sẽ tìm gặp lại bản thân, tóm lại nếu ngươi cứ chần chừ đứng ở đây, ngươi cũng sẽ đánh mất chính mình ngươi mà thôi.
Thế là dòng suối chấp nhận biến thành hơi nước và để cho gió mang đi. Nó cùng với gió băng qua sa mạc. Và khi cả hai đến đầu ngọn núi bên kia sa mạc, gió để cho nó rơi từ từ như mưa. Không mấy chốc, dòng suối gặp lại chính nó ở đầu nguồn nước mới, đẹp hơn, trong suốt hơn… ( theo R. Veritas, Mạch nước trường sinh, tr. 96-97)
Dòng suối chấp nhận tan biến trong gió nên gặp lại bản thân, nhưng trong vắt và trinh khiết hơn. Hình ảnh này gợi cho chúng ta Hạt lúa mà Chúa Giêsu nói về thân phận chính mình: lúa có được gieo vào lòng đất để thối làm một với đất, từ đó có thể ra sức sống mới sinh nhiều hoa trái. Dòng nước tưởng như là biến mất trong gió khi thành hơi, nhưng rồi sẽ thành những hạt mưa trong vắt tạo thành dòng suối trinh khiết ở bên kia vách núi… Chúa Kitô đã đi vào cái chết, nhưng không phải chết mà từ trong cõi chết Ngài đã phục sinh, Thánh Phaolô xác tín: "Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh"(1 Cr 15,1-4). Ngài Phục sinh mang sức sống mới cho cả nhân loại. Từ nay ai tin là đi vào mầu nhiệm sự chết và tiến bước trong sự sống phục sinh của Chúa Kitô, như Thánh Phêro xác tín Đức Kitô chịu chết để “kẻ chết sẽ nghe tiếng của Con Thiên Chúa, và ai nghe thì được sống” (x. 1 Pr 4,6). Chúa Giêsu, “tác giả của sự sống”, bằng cái chết, Ngài đã hủy diệt sức mạnh của tử thần, nghĩa là ma quỷ, và những người qua nỗi sợ của sự chết được phải khuất phục mãi mãi” (x. Ga 5,25; Mt 12,40; Rm 10,7; Ep 4,9).
Tham dự vào mầu nhiệm Chúa chết và phục sinh, con người cũng được mang sức sống mới, Thánh Phaolô so sánh thân xác trước khi phục sinh như hạt lúa gieo xuống đất. Còn thân xác sau phục sinh khác với thân xác trước phục sinh tự căn bản, giống như hạt lúa khác với cây lúa,thân xác sau phục sinh mang sức sống mới tràn ngập thần khí (x.1 Cr 15,36-38,42-44).
Mầu nhiệm Vượt Qua: chết và Phục Sinh là trung tâm điểm của cuộc sống Kitô hữu và là cao điểm của năm Phụng Vụ. Cho nên, Thánh Phaolo nói: ”Nếu Chúa Kitô đã không sống lại, thì sự rao giảng của chúng tôi trống rỗng và lòng tin của anh chị em cũng trống rỗng” (1 Cr 15,14). Cuộc sống của người Ki-tô hữu là tham gia vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô : Vượt qua cái chết đến sự sống. Thật thế, trong phép Rửa Tội, người Kitô hữu đang chết với Chúa Kitô cho tất cả những gì bất toàn, khuyến khuyết, tội lỗi làm tách ta xa Thiên Chúa, và sống lại với Đức Kitô Phục Sinh bằng con người mới.
Tin vào mầu nhiệm Chúa Phục sinh và tuyên xưng sẽ mang lại ơn cứu độ, cho nên tín hữu Kitô phải rao truyền niềm tin như Thánh Phaolô khẳng định: ”Nếu miệng bạn tuyên xưng rằng Đức Giêsu là Chúa và con tim bạn tin rằng Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết thì bạn sẽ được cứu rỗi” (Rm 10,9).
Mầu nhiệm Phục Sinh mời gọi chúng ta gặp gỡ với Chúa Kitô Phục Sinh và nhận biết hoạt động trao ban sự sống của Ngài trong các biến cố của cuộc sống thường ngày:
- Hãy yêu thương hơn dù tình yêu bị chối từ, hay chúng ta đang bị cám dỗ hay ghen ghét người khác.
- Hãy luôn hy vọng hơn, dù chúng ta đang tan nát thất vọng ê chề vì bị thử thách trăm chiều.
- Hãy tin mạnh, dù đức tin của chúng ta đã lung lay, đang bị cám dỗ nghi ngờ.
- Hãy nhặt lại từng mảnh vỡ trong cuộc đời mà tái thiết với tất cà sức lực khả nặng cùng tinh thần phó thác, dù chúng ta đã từng bị thất vọng, đã bi đè bẹp, làm chúng ta nhìn thấy đời là một màu đen, bóng tối khiến chúng ta sắp sửa buông xuôi, bỏ cuộc… Nhưng kìa sự sáng của Chúa Kitô đang chiếu tỏ…
Trong Chúa Phục sinh không gì có thể hủy diệt chúng ta được, dù đau khổ, ưu phiền, dù là chối bỏ, dù là tội lỗi, và ngay cả đến cái chết. Thật thế, sự Phục sinh của Đức Giêsu chia sẻ với chúng ta sức sống và quyền năng của Ngài. Chính nhờ Ngài và trong Ngài chúng ta cũng được như Ngài. Cho nên, vinh quang được chiến thắng và khát vọng được sống đời đời của người tin vào Chúa Phục sinh, không còn là một điều viển vông, nhưng trở nên hiện thực.
Đức Giêsu phục sinh đang sống và hiện diện trong thế giới chúng ta, sẵn sàng thực hiện những phép lạ của sự sống mới giữa chúng ta, qua chúng ta và cho chúng ta – nếu chúng ta tin vào Ngài.
Mong rằng như Thánh Theresa Avila, hướng đi cho cuộc sống là mở lòng cho: "ước muốn làm vinh danh Thiên Chúa và cho mầu nhiệm Phục Sinh".
Vâng,
… Ôi phục sinh như nắng nồng soi tỏa
Đến hồng hoang, hồn công chính xưa xa
Thấm vào dòng Hy Bá lẫn Rôma
Đông sang Tây, ngàn sau Lễ Giao Hòa.
(NPH, Sự Chết Và Phục Sinh).
Lm. Vinh Sơn scj
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: