Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Thừa kế di sản lòng thương xót

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

THỪA KẾ DI SẢN LÒNG THƯƠNG XÓT (CN VI/PS-C)

 

Mặc dù Đức Giê-su đã tiên báo cuộc Thương Khó tới ba lần (Lần thứ nhất: Mt 16, 21-23; Mc 8, 31 -33; Lc 9, 22; Lần thứ hai: Mt 17, 22-23; Mc 9, 30 -32; Lc 9, 43-45; Lần thứ ba: Mt 20, 17-19; Mc 10, 32 -34; Lc 18, 31 -34), nhưng các môn đệ vẫn hoang mang lo lắng, vì thế trước khi bước vào cuộc khổ nạn là cái chết trên Thập tự, Người phải trấn an: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi." (Ga 14, 1-4).

 

Tuy vậy, nhưng các môn đệ vẫn băn khoăn thắc mắc. Ông Tô-ma thì hỏi: "Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?"; ông Phi-líp-phê thì nói: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện."; còn ông Giu-đa (không phải Giu-đa Ít-ca-ri-ốt) thì lại hỏi: "Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?" (Ga 14, 6.8.22). Bài Tin Mừng hôm nay (CN VI.PS-C – Ga 14, 23-29) là trich đoạn trình thuật Lời Đức Giê-su trả lời ông Giu-đa: "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” (Ga 14, 22-26).

 

Đến cuối phần những lời dặn bảo, khi thấy quân dữ đã tới gần (“Thủ lãnh thế gian đang đến” – Ga 14, 30), Đức Ki-tô nhấn mạnh: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: "Thầy ra đi và đến cùng anh em". Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.” (Ga 14, 27-29). Toàn bộ những lời dặn bảo này phải được coi là một di chúc của Lòng Thương Xót để lai di sản thừa kế cho các môn đệ và nói chung là các tín hữu. Xin cùng tìm hiểu:

 

Di sản thừa kế là tài sản của người chết để lại. Di sản thừa kế không chỉ là nhà cửa, tiền bạc hay những đồ quý giá, nhưng còn là những giá trị tinh thần và đạo đức nữa. Tất cả những thứ đó thường được ghi lại trong di chúc (lời dặn bảo, ủy thác) của người đã chết. Trường hợp người để lại di chúc không biết chữ thì nhờ người thân viết giúp, cũng có thể tập họp con cái quây quần bên giường bệnh nghe lời dặn dò sau cùng. Với trường hợp Đức Giê-su thì cũng vậy, trước khi bước vào cuộc Thương khó và cái chết thập giá, Người đã tập họp các môn đệ trong “bữa ăn cuối cùng: bữa Tiệc Ly” (Mt 26, 17-19; Mc 14, 12 -16; Lc 22, 7-13). Trong bữa ăn đó, Người đã trao lại cho các môn đệ một di sản thừa kế “không như thế gian ban tặng”, đó là ân huệ tình yêu và bình an. Đây chính là ân sủng phát sinh từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi đã được Ngôi Lời Nhập Thể – hiện thân của Lòng Thương Xót – lập đi lập lại trong “những lời dăn bảo sau cùng” của Người vào bữa Tiệc Ly.

 

Xét theo kiểu trần gian “sinh ký tử quy” (sống gửi thác về) thì không những đây là những di ngôn (lời nói để lại) của người sắp chết, mà còn được coi là di ngôn của người sắp trở về cõi trường sinh. Đức Giê-su sắp tử nạn trên thập giá, để về cùng Chúa Cha trên Nước Trời vinh hiển, thì những di ngôn của Người chính là di chúc để lại những di sản thừa kế cho các thế hệ tín hữu kế nghiệp là Giáo Hội. Nói cụ thể thì đây chính là di chúc của Lòng Thương Xót. Trong di chúc này, Đức Ki-tô đã để lại 2 tài sản vô cùng cao quý: Đó là Tình Yêu và sự Bình An. Hai tài sản đó xuất phát từ Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng thể hiện cụ thể nhất nơi Ngôi Ba Thánh Thần và vì thế, Đức Giê-su mới truyền dạy: ”Thầy sẽ xin Chúa Cha ban cho anh em Đấng Bảo Trợ đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em.” (Ga 14, 16-17).

 

Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (số 735-736) đã lý giải ân huệ cao quý này: “Thánh Thần ban cho chúng ta "bảo chứng" hoặc "ân huệ mở đầu" của Gia Sản (x. Rm 8, 23; 2Cr 1, 21) là chính sự sống của Ba Ngôi Chí Thánh. Sự sống này là yêu thương "như Thiên Chúa đã thương yêu chúng ta" (x. 1Ga 4, 11-12). Tình yêu này (Đức Ái của 1Cr 13) là nguyên lý đời sống mới trong Đức Ki-tô. Chúng ta có thể sống được như thế, vì chúng ta đã "nhận được sức mạnh của Thánh Thần" (Cv 1, 8). Nhờ quyền năng của Thánh Thần, con cái Thiên Chúa có thể làm được những viêc tốt lành. Đấng đã tháp chúng ta vào Cây Nho thật, sẽ giúp chúng ta trổ sinh "hoa quả của Thánh Thần là bác ái, hoan lạc, bình an, quảng đại, nhân từ, lương thiện, trung tín, hiền hòa, tiết độ" (Gl 5, 22-23). "Thánh Thần là sự sống của chúng ta"; chúng ta càng từ bỏ ý riêng (x. Mt 16, 24-26), "Thánh Thần càng hướng dẫn đời ta" (Gl 5, 25).” Người tín hữu cần ý thức 2 chiều kích bất khả phân ly của Di sản Thừa kế, đó là Tình Yêu và sự Bình An:

 

1- Di sản Tình Yêu: "Thiên Chúa là Tình Yêu" (1Ga 4, 8.16) và Tình Yêu là hồng ân tuyệt diệu chứa đựng tất cả các ơn khác. Tình yêu này "Thiên Chúa đã đổ vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta" (Rm 5, 5).”  Thiên Chúa đã biểu lộ tình yêu ngay từ khởi nguyên: Dựng nên con người có nam có nữ và ban cho họ toàn bộ công trình sáng tạo vũ trụ vạn vật. Cũng vì tình yêu, khi con người bất trung, sa vòng tội lỗi, Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót sẵn sàng tha thứ những lỗi lầm của họ, bằng việc sai Đức Giê-su đến dạy cho loài người nhận biết tinh yêu của Thiên Chúa và sẵn sàng hiến thân chịu chết trên thập giá để cứu độ những ai tin và đi theo con đường yêu thương của Người, như Người đã nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). (GLHTCG, số 733).

 

Không những vậy, mà trong quá trình thực hiện Lòng Thương Xót, Đức Ki-tô còn dạy các môn đệ phải yêu thương nhau, vì đó là dấu hiệu để người ngoài nhận ra họ thực sự là môn đệ của Người (Ga 13, 35); đồng thời hãy thi hành lời Người truyền là: luôn luôn tha thứ cho những người đã xúc phạm đến mình (“Thầy không bảo là tha đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” – Mt 18, 22); thậm chí còn yêu thương cả kẻ thù (“Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” – Mt 5, 44; Lời cầu xin tha cho kẻ đã đóng đinh giết Người trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” – Lc 23, 34). Cuộc đời của Đức Giê-su đầy những hành động yêu thương: chữa lành các bệnh tật như bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt, đui mù, câm điếc (Mt 4, 23-25); nhân bánh ra nhiều nuôi những kẻ đói được ăn no (Lc 9, 12-17); thiết lập bí tích Thánh Thể để ban sự sống đời đời (Ga 6, 48-51) và dù có trở về cùng Chúa Cha nhưng vẫn “ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).

 

Tất cả đều nêu bật ý nghĩa: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta,và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta… Thiên Chúa là Tình Yêu: Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.” (1Ga 4, 10.16). Rõ ràng Tình yêu là “nhận về” và “cho đi”, chúng ta đã nhận về từ Thiên Chúa biết bao ân sủng, nhưng Người không đòi chúng ta phải đáp trả, mà Người muốn: "Anh em đã được cho không thì cũng phải cho không như vậy." (Mt 10, 8), cũng bởi vì “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20, 35). Thánh Phao-lô đã nhận chân được vấn đề khi ngài viết cho tín hữu Cô-rin-tô: “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết... Ngài đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình." (2Cr 5, 14-15).

 

2- Di sản Bình An:  Giáo hội quy định mỗi Thánh lễ là một cuộc tái hiện Hy Tế Thập Giá (“Hy tế của Đức Ki-tô chỉ diễn ra một lần là đủ. Thế nhưng trong Thánh Lễ, hy tế ấy được hiện tại hóa và thông ban hiệu quả cho chúng ta: “Mỗi lần hy tế thập giá, qua đó Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm Chiên lễ Vượt Qua của chúng ta, được cử hành trên bàn thờ, thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện” (LG 3). Thánh lễ là một hy tế vì hiện tại hóa hy tế thập giá, vì tưởng niệm và ban phát các hiệu qủa của hy tế này.” – Giáo lý HTCG, số 1364-1366).

 

Trong mọi Thánh lễ, sau khi đọc lời kinh cầu nguyện bình an cho mọi người và cho Giáo Hội, vị chủ tế chúc: “Bình An của Chúa hằng ở cùng anh chị em!” Tiếp liền lời chúc đó là lời mời gọi “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau” để bày tỏ lòng yêu mến và hòa hợp với nhau, trước khi rước Mình và Máu Thánh Chúa. Suy niệm Lời Chúa sẽ thấy mỗi khi Chúa Giê-su Phục Sinh hiện ra với các Tông Đồ, Người đều chúc: “Bình An cho anh em!”, và trong bài Tin Mừng hôm nay, Người xác định sự Bình An do Người ban tặng không phải là sự Bình An tạm thời của thế gian, nhưng là sự Bình An thật, sự Bình An bền vững trong tâm hồn có Chúa ngự. Sự Bình An thật trong Chúa giúp người tín hữu luôn biết sống tin tưởng và phó thác mọi sự trong tay Chúa, dù khi được mọi sự như ý hay khi gặp những khó khăn, nghịch cảnh, hay những bách hại vì Đức Tin. Đó cũng là sự Bình An thật  trong tâm hồn có thể cảm nghiệm được khi sống trong sạch, sống theo các giới răn của Chúa và hòa hợp yêu thương mọi người trong tình yêu Chúa.

 

Tóm lại, tuy tách ra 2 di sản cho dễ phân tích học tập, nhưng hồng ân Tình Yêu và Bình An vẫn chi là một di sản tột cùng cao quý mà các môn đệ được thừa kế từ Lòng Thương Xót. Cứ nhìn vào thế giới hiện tại sẽ thấy Tình Yêu và Bình An luôn gắn kết với nhau, tuy hai mà một. Vâng, vì sao mà thế giới luôn luôn có chiến tranh (từ chiến tranh cục bộ trong một quốc gia đến chiến tranh giữa các nước với nhau), rồi thì khủng bố, áp bức, bóc lột… xảy ra nhan nhản khắp nơi? Đó chẳng phải vì thiếu tình yêu, thiếu vắng lòng thương xót đó sao? Không có Tình Yêu thì không thể có Bình An, mà không có Bình An thì đào đâu ra hạnh phúc đích thực?

 

Hóa cho nên có thể kết luận: Di sản Lòng Thương Xót đươc trao ban trong di chúc của Đức Giê-su không gì khác hơn là chính “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy” (Ga 14, 26). Và đó cũng là lý do “Những lời cáo biệt – Những lời dặn bảo sau cùng” của Đức Ki-tô – hiện thân của Lòng Thương Xót – trong bữa Tiệc Ly, được Phụng vụ Giáo hội xếp vào Chúa nhật VI/PS trước lễ Thăng Thiên (CN VII/PS). Người Ki-tô hữu chì có thể đón nhận di sản Tình Yêu và Bình An – di sản thừa kế Lòng Thương Xót – khi thực sự được Thánh Linh bảo trợ. Vâng, “Thánh Thần ban cho chúng ta "bảo chứng" hoặc "ân huệ mở đầu" của Gia Sản (x. Rm 8, 23; 2Cr 1, 21) là chính sự sống của Ba Ngôi Chí Thánh.” (Giáo lý HTCG, số 735).

 

Ôi! “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, nhờ mầu nhiệm Ðức Ki-tô sống lại, Chúa đã thương đổi mới chúng con cho đáng hưởng sự sống đời đời. Xin làm cho mầu nhiệm ấy sinh hoa kết quả tốt đẹp trong tâm hồn chúng con, và làm cho thần lương chúng con vừa lãnh nhận trở nên nguồn sinh lực dồi dào. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  Amen.” (Lời nguyện hiệp lễ Chúa nhật VI Phục Sinh).

JM. Lam Thy ĐVD.