Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Chứng nhân hiện đại

Tác giả: 
AM Trần Bình An

Chia sẻ Tin Mừng CN Chúa Thăng Thiên 2016 (Lc. 24, 46-53)

 

Chứng nhân hiện đại

 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đến Albania vào ngày Chúa Nhật 21.9.2014, bất chấp lời cảnh báo trước đó của đại sứ Iraq tại Toà Thánh rằng, Ngài có thể bị những kẻ thánh chiến Nhà nước Hồi giáo nhắm mục tiêu tấn công. Dù vị trí địa lý ở ngay sát bên thủ đô của Giáo Hội Công Giáo, Albania là một quốc gia cộng sản tồi tệ nhất tại Âu Châu, là nước vô thần đầu tiên trên thế giới. Điều 37 trong Hiến Pháp 1967 của cộng sản tuyên bố:“Nhà nước không công nhận tôn giáo nào, ủng hộ và thực thi chính sách tuyên truyền vô thần nhằm kiến tạo một thế giới tương lai khoa học và duy vật.”

 

Các nhà lãnh đạo Giáo Hội bị bắt, bị giam cầm trong các trại cải tạo, bị giết, có cả những Giám Mục và linh mục bị xô xuống từ những tầng lầu cao, bể sọ chết…Tất cả 2.167 nhà thờ và các cơ sở của Giáo Hội bị tịch thu, nhiều đền thờ lâu đời, như Vương Cung Thánh Đường ở Shkodër, bị biến thành một vận động trường. Trước sự tàn bạo của cộng sản Albania, chỉ một phần tư thế kỷ trước không ai dám nghĩ có một ngày người dân được hưởng chút tự do tôn giáo. Chuyện một vị Giáo Hoàng đến thăm Albania có lẽ nằm mơ cũng không dám nghĩ tới.

 

Cha Ernest Simoni, 84 tuổi, từng bị kết án tử hình, nhưng rồi được giảm xuống còn 27 năm lao động khổ sai trong các trại lao động khác nhau. Cha bị nhà nước cộng sản bắt giam từ lễ Giáng Sinh năm 1963, bị kết án tử hình vì đã cử hành 3 lễ cầu nguyện cho Tổng thống Kennedy của Mỹ bị ám sát chết một tháng trước đó. Cha bị tra tấn và đối xử vô nhân đạo. Sau đó, án tử hình được biến cải thành 18 năm tù, trong đó có nhiều năm lao động khổ sai, và sau khi được trả tự do một thời gian, rồi cha bị bắt trở lại, tổng cộng là 27 năm tù đày. Trong thời gian đó, cha vẫn cử hành thánh lễ thuộc lòng bằng tiếng la tinh, giải tội và bí mật phân phát Mình Thánh Chúa cho các tín hữu. Ngày 05-12-1990, cha được thả tự do, và bắt tay ngay vào các hoạt động mục vụ của mình, việc mà cha chưa bao giờ ngừng ngay cả khi ở trong tù. Điều đầu tiên cha làm là khẳng định tha thứ cho những người đã hành hạ mình.“Tôi luôn xin Chúa thương xót họ.”

 

Khi đươc hỏi cha đã đấu tranh thế nào để chịu đựng sự hành hạ như thế mà không bỏ cuộc, thì cha mĩm cười và tiết lộ bí mật:”Tôi chẳng làm gì phi thường cả, thật đấy, chỉ là tôi luôn luôn cầu nguyện với Chúa Giêsu, luôn luôn nói chuyện với Chúa Giêsu.”Khi cha Simoni dứt lời, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiến đến ôm vị linh mục thật lâu và cảm động khóc. Sứ thần Tòa Thánh tại Albania, Đức Tổng Giám mục Ramiro Moliner Inglés, nhận định chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến đất nước Albania, muốn nhấn mạnh rằng, sự thiện cuối cùng đã chiến thắng cái ác.

 

Theo hãng tin AFP, cuộc du hành một ngày qua Albania của Đức Phanxicô vào ngày 21 tháng Chín, nhằm đề cao nước này như một kiểu mẫu của hoà hợp liên tôn, giữa lúc ở Trung Đông đang có rối loạn và tại Âu Châu làn sóng bất khoan dung đang dâng cao. Tháng Tám vừa qua, Đức Phanxicô cho biết: Albania đã thành công trong việc tạo ra một “chính phủ đoàn kết quốc gia gồm người Hồi Giáo, Chính Thống Giáo và Công Giáo, với một hội đồng liên tôn rất có ích và cân bằng”và nói thêm: sự hiện diện của ngài “sẽ là một cách nói với mọi người rằng: qúy vị xem, tất cả chúng ta đều có thể làm việc với nhau!” Albania là một quốc gia tại Đông Nam Âu với Montenegro ở phía Bắc, Serbia ở phía Đông Bắc, Cộng hoà Macedonia ở phía Đông, và Hy Lạp ở phía Nam. Dân số chỉ 3.581.655 người. Những người cộng sản lên nắm quyền sau Thế chiến II. Sau sự sụp đổ của chính phủ cộng sản, Albania theo mô hình Cộng hoà nghị viện. Công giáo đã bắt đầu có mặt tại Albania vào giữa thế kỷ 1 CN khi đó còn thuộc Đế quốc La Mã. Albania từng là nước có số tín đồ Công giáo ưu thế, với mười tám tòa giám mục, một số chúng có lịch sử liên tục từ khi bắt đầu có Cơ Đốc giáo cho tới ngày nay. (Lữ Giang, Đức Giáo Hoàng đến thăm Albania, Vietcatholic)

 

Ông Mimmo Muolo, nhà báo Công giáo người Ý, đã viết một quyển sách về cha Simoni. Ông cho biết: “Cha Simoni đã chịu hơn 11.000 ngày tra tấn và lao động cưỡng bức.” Hôm Thứ Tư, 20-04-2016 vừa qua, trong buổi tiếp kiến chung, Cha Ernest Simoni đã đến gặp và trao quyển sách này cho Đức Giáo Hoàng. Và ngài đã chào đón cha bằng cách hôn tay đầy kính trọng.

 

Cha Simoni cho biết: “Tôi chịu bách hại, bắt đầu từ Đêm Giáng Sinh 1963, khi bị bắt và biệt giam, tra tấn và tuyên án tử hình, đơn giản chỉ vì tôi là linh mục.” Bạn cùng phòng giam với cha cho biết, đáng ra vị linh mục này hẳn sẽ căm thù chế độ, nhưng cha Simoni chẳng làm gì ngoài cầu nguyện và tha thứ cho những người hành hạ mình. Rồi bản án của cha được đổi thành 25 năm lao động khổ sai, tại hầm mỏ và cống rãnh ở vùng Scutari. (J.B. Thái Hòa chuyển dịch, Vatican Insider 20/04/2016)

 

Trong Tin Mừng Chúa Nhật Thăng Thiên hôm nay, Đức Giêsu trao cho các môn đệ sứ vụ cấp bách và quan trọng cần phải thực thi: “Ðức Kitô phải chịu khổ nạn và ngày thứ ba thì sống lại từ cõi chết; và nhân danh Ngài, phải được rao giảng cho mọi dân tộc việc hối cải để được tha thứ tội lỗi - khởi từ Yêrusalem.  Về các điều ấy, các ngươi là chứng nhân." Người mong tất cả Kitô hữu, những ai tin và theo Người, đều là những nhà truyền giáo mọi thời và mọi nơi, đồng thời cũng trở thành chứng nhân cho chính niềm tin vào Đức Giêsu.

 

Cha Ernest Simoni đã và đang là chứng nhân thời đại của Chúa Giêsu, giữa một thế giới thực dụng, tôn sùng vật chất, đang ra sức chối từ Thiên Chúa. Ngài vẫn không hề lùi bước, không chán nản lội ngược dòng đời, vẫn tiếp tục dũng cảm thảo nên những chứng từ cụ thể, khả tín, hết sức thuyết phục, mà không ai có thể công kích, có thể phủ nhận hay phản bác.

 

Chứng từ khổ giá

 

Theo Chúa tiên quyết phải bỏ mình, vác thập giá mà bước theo chân Chúa. Điều kiện tưởng chừng thật dễ dàng và đơn giản, nhưng thực hiện không dễ và cũng chẳng giản đơn như ngộ nhận. Tuy nhiên, có thể tóm tắt và diễn giải điều kiện đó, là từ bỏ ý riêng, để hoàn toàn “Xin Vâng” theo Thánh Ý Chúa, cùng chấp nhận tất cả sự khốn khó xảy đến vì danh Chúa.

 

Từ bỏ mình là không lấy bản thân mình làm tâm điểm, chẳng quy về mình, cũng chẳng kiếm lợi cho mình. Nhưng lấy Đức Giêsu làm tâm điểm cuộc đời, làm kim chỉ nam, làm cùng đích tại thế. Tất cả suy nghĩ, tư tưởng, nói năng, hành động, ứng xử, đều quy hướng về Chúa làm chuẩn mực, gương mẫu. Nếu Chúa cũng ở vào hoàn cảnh như mình, sống trong môi trường xã hội hiện nay, gặp những vấn đề nan giải, phức tạp, đau khổ, thì Chúa sẽ nghĩ sao? Người sẽ nói gì? Người sẽ hành động ra sao? Người sẽ ứng xử thế nào? Thánh Kinh, Tông truyền, Giáo truyền, các Chủ Chăn, Linh mục, tu sĩ, giáo dân tốt lành, luôn sẵn sàng trả lời chính xác. Nhất là dành cho những ai tha thiết tìm hiểu Thánh Ý, trước tất cả biến cố trong đời người.

 

Khi từ bỏ mình, xả kỷ, sẵn sàng chấp nhận những khổ giá, thách đố, đau thương, nhục hình vì danh Chúa, cũng là lúc Kitô hữu viết nên những chứng từ minh bạch và thuyết phục nhất. Điển hình như Cha Ernest Simoni đã viết chứng từ bằng11.000 ngày tra tấn và lao động cưỡng bức. Mặc dầu, có thể bị coi là khờ khạo, dại dột, ngu dốt, không thức thời, dưới mắt thực dụng của người đời. Nhưng “những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh.” (1Cr 1, 27)

 

Chứng từ tình yêu

 

Trên thập giá, Đức Giêsu không chỉ tha thứ cho những người âm mưu và sát hại Người, mà còn khoan dung, thân thương cầu nguyện cho họ, như chính lời Người đã dạy: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23, 34) Vậy tha thứ chính là đỉnh cao của tình yêu. Làm chủ bản thân, không nhương bộ bản năng, không chiều theo ham muốn, không chịu khuất phục bởi dục vọng, sẵn sàng chịu đóng đinh vào thập giá, đành cam chịu chết đi, mới có thể sẵn lòng khoan dung, tha thứ cho kẻ hại mình.

 

“Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con, hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con: để như vậy các con nên con cái Cha các con, Ðấng ngự trên trời: Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương.” (Mt 5, 44-46) Cha Ernest Simoni đã thực hành trung thực Lời Chúa, khi tha thứ và cầu nguyện cho những người hành hạ, đày ải:“Tôi luôn xin Chúa thương xót họ.”

 

Chứng từ tín thác

 

Chứng nhân còn là người luôn liên lỉ trông cậy vào Thiên Chúa qua cầu nguyện và Thánh Thể. Noi gương Đức Giêsu hằng sáng tối chuyên chủ cầu nguyện, để kếp hợp chặt chẽ với Thiên Chúa Cha, người Kitô hữu cũng cần luôn cầu nguyện, để lắng nghe tiếng Chúa, Thánh Ý, cũng như tâm sự mọi sự với Người. Kể cả những thất bại, những đau khổ, hoạn nạn, những ân oán, oan ức, nhục mạ, ganh ghét, tị hiềm, những lời thị phi đố kỵ. Người sẽ luôn lắng nghe, sẽ luôn thấu hiểu, luôn an ủi, nâng đỡ, chở che.

 

Như vậy, cầu nguyện là hoàn toàn tín thác vào Lòng Thương Xót, cũng như là chứng từ đặc biệt, để được cứu rỗi khỏi mọi gian nguy, nhất là khỏi phải chết đời đời.

 

“Con ngạc nhiên vì sao nhiều người mất ơn Chúa gọi, mất đức tin, phản bội Hội Thánh? Trong bao nhiêu lý do, luôn luôn có một lý do chính: họ bỏ cầu nguyện từ lâu.” (Đường Hy Vọng, số 125)

 

Khi hỏi về bí quyết chịu đựng sự hành hạ, bạc đãi, tù đầy với niềm tin vững mạnh, trung kiên vào Thiên Chúa, Cha mỉm cười tiết lộ: ”Tôi chẳng làm gì phi thường cả, thật đấy, chỉ là tôi luôn luôn cầu nguyện với Chúa Giêsu, luôn luôn nói chuyện với Chúa Giêsu.” Hơn nữa, Cha còn được bổ sung, tăng thêm sức chịu đựng nhờ âm thầm dâng Thánh lễ hằng ngày trong nhà tù. Thánh Thể là nguồn sinh lực vô biên cho những ai trân trọng đón rước.  

 

“Đèn không sáng nếu hết dầu, xe không chạy nếu cạn xăng, hồn tông đồ sẽ suy mạt nếu không đến vói Thánh Thể: "Ai không ăn thịt Ta và uống máu Ta, chẳng được sống đời đời." (Đường Hy Vọng, số 360) 

 

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin luôn dạy chúng con biết rao giảng, làm tông đồ, làm chứng nhân, không phải chỉ bằng lời nói suông, nhưng chính bằng những chứng từ khổ giá, chứng từ tình yêu khoan dung với tha nhân, cùng chứng từ tín thác vào Lòng Thương Xót vô ngần.

 

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ cầu bầu cho chúng con biết vinh danh Chúa qua việc chu toàn bổn phận, trách nhiệm trong đời sống thường nhật. Đó cũng chính là vâng theo Thánh Ý Chúa trong từng phút giây hiện tại, như Mẹ từng vâng phục. Amen.

 

AM Trần Bình An