Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Suy Niệm Lễ Thăng Thiên C

Tác giả: 
Lm. Anthony Trung Thành

Suy Niệm LỄ THĂNG THIÊN C

 

Con người qua mọi thời đại vẫn có những người không tin có đời sau, không tin có Thiên Đàng. Nhưng với chúng ta là những người Kitô hữu, chúng ta tin có sự sống đời sau, tin có Thiên Đàng. Chúng ta tuyên xưng niềm tin đó qua Kinh Tin Kính : “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy”. Vậy, Thiên Đàng là gì? Ai nói với chúng ta về Thiên Đàng? Làm thế nào để được lên Thiên Đàng?

 

1. Thiên Đàng là gì?

Những ai chết trong ân sủng và ân nghĩa của Thiên Chúa, và đã hoàn toàn được thanh tẩy, sẽ sống muôn đời với Chúa Kitô. Họ sẽ mãi mãi giống như Thiên Chúa, vì họ thấy Ngài “Đúng như Ngài là” (1Ga 3,2), “Mặt giáp mặt”, không qua trung gian của một tạo vật nào hết. Sự sống hoàn hảo như thế với Ba Ngôi cực thánh, sự hiệp thông về sự sống và tình yêu với Chúa Ba Ngôi, với Trinh Nữ Maria, các Thiên thần và tất cả các Thánh, được gọi là “Thiên Đàng”. Như vậy, Thiên Đàng là cùng đích tối hậu và là sự thực hiện những khát vọng sâu xa nhất của con người, đó là tình trạng hạnh phúc cao nhất và vĩnh viễn (x. GLHTCG số 1023-1024).

 

2. Ai nói với chúng ta về Thiên Đàng?

“Kinh Thánh nói về Thiên Đàng qua những hình ảnh: sự sống, ánh sáng, bình an, bữa tiệc cưới, rượu của Nước Trời, nhà Cha, thành Giêrusalem trên trời, Thiên Đàng: Mắt chưa từng thấy, tai chưa từng nghe thấy, lòng trí con người chưa từng nghĩ tới, đó là tất cả những gì Thiên Chúa đã dành sẵn cho những ai yêu mến Ngài” (x. GLHTCG số 1027). Trong ba năm sống công khai, Chúa Giêsu bằng cách này hay cách khác đã nói với nhân loại về Thiên Đàng. Xin được đơn cử một số dẫn chứng sau đây: Ngài khẳng định : "Tôi tự trời mà xuống" (Ga 6,38); Ngài còn nói với người Do-Thái rằng: "Các ông bởi hạ giới; còn Tôi, Tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn Tôi, Tôi không thuộc về thế gian này" (Ga 8,23); Khi đưa các Tông đồ lên núi Taborê, Ngài đã hé mở vinh quang Thiên Đàng cho các Tông đồ thấy; Ngài kể dụ ngôn người phú hộ và ông Lazarô để nói lên số phận khác biệt giữa hai người là Thiên Đàng và Hoả Ngục (x. Lc 16, 19-31); Ngài còn nói: “Nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở”(Ga 14,2); Đặc biệt, trên Thánh giá, Ngài nói với kẻ trộm lành rằng: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng" (Lc 23,43)…

 

Thánh Phaolô thì khẳng định : “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta, nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,20-21). Sách Khải Huyền cũng diễn tả về hạnh phúc Thiên Đàng như sau: “Bấy giờ Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ, sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,4). Chính bài đọc I và bài Tin mừng hôm nay, cũng cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu rời các Tông đồ mà lên trời (x. Cv 1,11; Lc 24, 51). Như vậy, chính những lời của Chúa Giêsu và các Tông đồ làm chứng cho chúng ta có Thiên Đàng.

 

3. Làm thế nào để được lên Thiên Đàng ?

Có nhiều cách để lên Thiên Đàng, xin được gợi ý một số cách thế sau đây:

 

Thứ nhất, xa tránh tội lỗi. Có những vị thánh sống trên đời này không hề phạm bất cứ một tội trọng nào, chẳng hạn: Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu; Thánh Louis Gonzaga, Đức Mẹ, Thánh Cả Giuse…Đúng như thánh vịnh 15 diễn tả: Đó là những “Kẻ sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng, bụng nghĩ sao nói vậy, miệng lưỡi chẳng vu oan, không làm hại người nào, chẳng làm ai nhục nhã. Coi khinh phường gian ác, trọng ai kính CHÚA TRỜI, lỡ thề mà bị thiệt, thì cũng chẳng rút lời, cho vay không đặt lãi, chẳng nhận quà hối lộ mà hại đến người ngay. Phàm ai làm những điều này không hề nao núng chuyển lay bao giờ” (Tv 15, 2-5).

 

Thứ hai, thống hối ăn năn tộiBản chất của con người là yếu đuối, hay nghiêng chiều về sự dữ, nên con người thường sa ngã phạm tội. Vì thế, tội lỗi như là rào cản lớn nhất làm cho con người không đến được với Thiên Chúa. Đó cũng là rào cản không cho phép con người lên Thiên Đàng. Chính vì vậy, để đến với Chúa, để được lên Thiên Đàng, con người cần phải cố gắng xa tránh tội lỗi. Thánh Gioan khuyên dạy chúng ta “Đừng phạm tội nữa"(x. 1Ga 2,1). Bởi vì: "Ai phạm tội thì là người của ma quỷ, vì ma quỷ phạm tội từ lúc khởi đầu. Sỡ dĩ Con Thiên Chúa xuất hiện, là để phá công việc của ma quỷ"(1 Ga 3,8). Nhưng Ngài vẫn biết, con người không dễ gì mà làm được điều đó, vì bản tính con người yếu đuối dễ sa ngã phạm tội, nên Ngài khuyên chúng ta hãy đến với Bí tích Giao hoà để được khỏi tội: "Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng bảo trợ trước mặt Chúa Cha, đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng công chính. Chính Đức Kitô là của lễ đền tội cho chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta, mà còn vì tội lỗi cả thế gian nữa"( 1 Ga 2,1).

 

Thực tế cho chúng thấy có rất nhiều tội nhân, nhờ thống hối ăn năn trở về với Thiên Chúa nên đã được lên Thiên Đàng, các Ngài trở thành thánh, nghĩa là trở nên gương mẫu cho mọi người chúng ta noi theo, ví dụ: Kẻ trộm lành, Thánh Maria Mađalêna, Thánh Augustinô, thánh Phêrô...

 

 Thứ ba, yêu thương anh em. Yêu thương là chu toàn lề luật. Yêu thương nhau là thực hiện lệnh truyền của Chúa Giêsu. Trong ngày phán xét chung, Chúa Giêsu, vị thẩm phán chí công sẽ dựa vào điều này như là tiêu chuẩn, là giấy thông hành để nhận hay không nhận chúng ta vào Thiên Đàng (x. Mt 25, 31- 46).

 

Bởi vì: Ai yêu thương thì đi trong ánh sáng (x. 1Ga 2,9), đi trong ánh sáng thì chắc chắn sẽ đến cùng Thiên Chúa là nguồn gốc của ánh sáng. Ánh sáng đó chính là Thiên Đàng. Còn ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối và đi trong bóng tối (x. 1Ga 2,9-10), đi trong bóng tối là đi theo đường lối của ma quỷ và chắc chắn sẽ không thể tìm thấy ánh sáng vĩnh cửu trên Thiên Đàng.

 

Yêu thương là dấu chỉ của sự sống thiêng liêng. "Chúng ta biết rằng : Chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống, vì chúng ta yêu thương nhau" (1 Ga 3,14).

 

Yêu thương là dấu chỉ của người môn đệ Chúa, chính Chúa Giêsu đã khẳng định điều đó, Ngài nói: "Cứ dấu này mà mọi người nhận ra anh em là môn đệ của Thầy là anh em yêu thương nhau" (Ga 13,35).

 

Như vậy, ở đâu có tình yêu thì ở đó có Thiên Chúa, và ở đâu có Thiên Chúa thì ở đó có Thiên Đàng. Trên Thiên Đàng người ta sống bằng Tình Yêu.

 

Khi nói về sự khác nhau ở Thiên Đàng và Hoả Ngục, người ta tưởng tượng câu chuyện sau đây: Cả Thiên Đàng và Hỏa Ngục đều dùng bữa với thức ăn như nhau trong một khung cảnh giống hệt nhau, trong đó mỗi người phải dùng một đôi đũa dài cả thước để ăn. Trên Thiên Đàng mọi người không tự gắp thức ăn cho mình, mà lại gắp thức ăn cho người khác. Vì thế, ai cũng ăn được no. Còn những người trong hỏa ngục thì chỉ biết nghĩ đến mình, chỉ biết gắp thức ăn đút vào miệng mình, mà đũa thì dài nên chẳng ai có thể đút được thứ gì vào miệng mình. Thế nên ai cũng đói, đến khi hết giờ ăn mà họ vẫn cứ đói, vì thế nên họ chỉ biết gây gỗ và căm thù nhau.

 

Thứ tư, chu toàn bổn phận loan báo Tin mừng. Chúa Giêsu đã lên trời sau khi chu toàn bổn phận Chúa Cha trao phó. Mỗi người kitô hữu chúng ta muốn được lên Thiên Đàng cũng phải chu toàn bổn phận Chúa Giêsu trao phó. Đó chính là bổn phận loan báo Tin mừng. Trước khi về trời Chúa Giêsu nói với các Tông đồ rằng : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,17). Như vậy, loan báo Tin Mừng là lệnh truyền. Lệnh truyền thì bắt buộc người thừa lệnh phải tuân giữ. Công đồng Vatican II khẳng định: “Loan báo Tin mừng là bản chất của Giáo hội Chúa Kitô” (x. Sắc lệnh Ad Gentes, số 4;16) và đó cũng là bản chất của mỗi người kitô hữu chúng ta. Chúng ta hãy chu toàn bổn phận đó trong gia đình và nơi mọi môi trường chúng ta sống: Vợ chồng loan báo Tin mừng bằng cách hãy Phúc Âm hoá đời sống gia đình bằng cách chu toàn bổn phận yêu thương, chung thuỷ, sinh sản và giáo dục con cái. Giáo viên, học sinh, sinh viên loan báo Tin mừng bằng cách hãy Phúc Âm hoá trường học. Công nhân viên chức, bác sỹ, y tá loan báo Tin mừng bằng cách hãy Phúc Âm hoá công sở, bệnh viện…Tóm lại, dù ở đâu, trong cương vị nào chúng ta hãy trở thành những cuốn Tin Mừng sống để qua chúng ta mọi người nhận biết Chúa và được lãnh nhận ơn cứu độ. Bởi vì, Thiên Chúa “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4).

 

Chúa Giêsu đã từng nói: “Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được” (Mt 11,12). Đó chính là sức mạnh của sự gìn giữ mình vô tội. Đó là sức mạnh của sự hy sinh từ bỏ tính mê nết xấu tội lỗi. Đó là sức mạnh của yêu thương tha thứ. Đó là sức mạnh của việc chu toàn bổn phận loan báo Tin mừng. Xin cho mỗi người chúng ta biết cố gắng gìn giữ mình khỏi mắc tội, nhưng nếu sa ngã phạm tội thì hãy cố gắng thống hối ăn năn, đồng thời biết sống yêu thương tha thứ và chu toàn bổn phận loan báo Tin mừng để ngày sau được lên Thiên Đàng. Amen

 

Lm. Anthony Trung Thành