Chia sẻ lời Chúa thứ sáu CN8 TN
THỨ SÁU SAU CHÚA NHẬT 8 THƯỜNG NIÊN
NĂM CHẴN
1Pr 4,7-13 ; Mc 11, 11-26
BÀI ĐỌC : 1Pr 4,7-13
7 Anh em thân mến, thời cùng tận của vạn vật gần đến rồi. Anh em hãy sống chừng mực và tiết độ để có thể cầu nguyện được.8 Trước hết, anh em hãy hết tình yêu thương nhau, vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi.9 Hãy tiếp đón nhau mà không lẩm bẩm kêu ca.10 Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa.11 Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa; ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban. Như thế, trong mọi việc, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su Ki-tô. Kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. A-men.
12 Anh em thân mến, anh em đang bị lửa thử thách: đừng ngạc nhiên mà coi đó như một cái gì khác thường xảy đến cho anh em.13 Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ.
ĐÁP CA : Tv 95
Đ. Chúa ngự đến xét xử trần gian. (c 13b)
10 Hãy nói với chư dân: Chúa là Vua hiển trị,Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu chẳng chuyển lay,Người xét xử muôn nước theo đường ngay thẳng.
11 Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng,biển gầm vang cùng muôn hải vật,12a ruộng đồng cùng hoa trái, nào hoan hỷ.
12bHỡi cây cối rừng xanh,13 hãy reo mừng trước tôn nhan Chúa, vì Người ngự đến, Người ngự đến xét xử trần gian.Người xét xử địa cầu theo đường công chính, xét xử muôn dân theo chân lý của Người.
TUNG HÔ TIN MỪNG : x Ga 15,16
Hall-Hall : Chúa nói : Chính Thầy đã chọn anh em từ giữa thế gian, để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại. Hall.
TIN MỪNG : Mc 11, 11-26
11 Đang khi đám đông reo hò vang dậy, Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem và đi vào Đền Thờ. Người rảo mắt nhìn xem mọi sự, và vì giờ đã muộn, Người đi ra Bê-ta-ni-a cùng với Nhóm Mười Hai.12 Hôm sau, khi thầy trò rời khỏi Bê-ta-ni-a, thì Đức Giê-su cảm thấy đói.13 Trông thấy ở đàng xa có một cây vả tốt lá, Người đến xem có tìm được trái nào không. Nhưng khi lại gần, Người không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi, vì không phải là mùa vả.14 Người lên tiếng bảo cây vả: "Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa! " Các môn đệ đã nghe Người nói thế.
15 Thầy trò đến Giê-ru-sa-lem. Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu.16 Người không cho ai được mang đồ vật gì đi qua Đền Thờ.17 Người giảng dạy và nói với họ: "Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp! "18 Các thượng tế và kinh sư nghe thấy vậy, thì tìm cách giết Đức Giê-su. Quả thế, họ sợ Người, vì cả đám đông đều rất ngạc nhiên về lời giảng dạy của Người.19 Chiều đến, Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi thành.
20 Sáng sớm, khi đi ngang cây vả, các ngài thấy nó đã chết khô tận rễ.21 Ông Phê-rô sực nhớ lại, liền thưa Đức Giê-su: "Kìa Thầy xem: cây vả Thầy rủa đã chết khô rồi! "22 Đức Giê-su nói với các ông: "Anh em hãy tin vào Thiên Chúa.23 Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này: ÀDời chỗ đi, nhào xuống biển! , mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý.24 Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý.25 Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em. (26 Nhưng nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha lỗi cho anh em)."
CÙNG CHÚA GIÊSU PHỤC VỤ MỚI LÀ ĐỨC ÁI
Là người ai cũng ý thức rằng : ngày sinh vào đời không biết rồi mình sẽ có cái gì, trừ một điều chắn chắn ai cũng có là sự chết, và không ai biết bao giờ thần chết đến. Đối với người Kitô hữu lại càng phải ý thức giờ chết là lúc phải trả lẽ về những ân lộc đã được nhận nơi Chúa, giống như ông chủ trao cho mỗi người một số vốn tùy theo khả năng để làm sinh lợi, mới được Chúa cứu độ (x Mt 25,14t ; Mc 13,34). Vì “Chúa đến xét xử trần gian” (x Tv 96/95,13 : ĐC năm chẵn). Do đó, vị Giáo hoàng tiên khởi nhắc nhở mọi người : “Thời tận cùng – ngày Chúa quang lâm - đã đến rồi, anh em:
- Hãy sống chừng mực và tiết độ để có thể cầu nguyện.
- Ta sẽ được Chúa ban muôn vàn ân huệ để ra đi phục vụ (1Pr 4,7-13 : Bài đọc năm chẵn).
&&&
I. SỐNG CHỪNG MỰC VÀ TIẾT ĐỘ ĐỂ CÓ THỂ CẦU NGUYỆN.
“Sống chừng mực và tiết độ” phải hiểu là trong đời ta có nhiều việc phải làm, nhưng đối với người Kitô hữu thì việc cầu nguyện là quan trọng nhất, đặc biệt là Thánh Lễ, nên phải ưu tiên dành giờ cho việc đó.
Ta biết Hy Tế Chúa Giêsu thiết lập là trung tâm ơn cứu độ dưới đất cũng như trên trời (x Mt 6,10), Đức Giêsu đã phải mất mạng để dẹp bỏ mọi kiểu tế tự của loài người, kể cả lễ tế do luật Môsê truyền cho dân Do Thái. Chính vì vậy mà “Đức Giêsu tiến vào Đền Thờ xua đuổi quân buôn bán, lật nhào bàn của phường đổi bạc và ghế của kẻ bán bồ câu” (x Mc 11,15: Tin Mừng). Thực ra, những người buôn bán này họ không đưa vào Đền Thờ, vì đã có khu dành riêng cho họ ở ngoài, nhưng tác giả Marcô hữu ý ghi nhận Đức Giêsu đuổi bọn buôn bán trong Đền Thờ với chủ đích nhấn mạnh lễ tế theo Do Thái giáo bản chất chỉ là buôn bán, nơi trao đổi những lời “cầu nguyện giả bộ dài dòng để nuốt trửng tài sản của bà góa” (Mt 23,14). Vì thế Đức Giêsu dùng dây thừng bện thành roi mà đánh đuổi, và Ngài lên tiếng trách họ : “Nhà Cha Ta sẽ là Nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc, sao các ngươi lại biến thành hang trộm cướp” (Mc 11,17 : Tin Mừng).
Nhà Cầu Nguyện của dân Chúa đã biến thành hang trộm cướp, vì bản chất việc tế tự theo Do Thái giáo cũng chẳng hơn gì lễ tế của dân ngoại : tất cả là trộm cắp, vì lễ vật chỉ lợi cho hàng tư tế, mà linh hồn của những người làm việc tế tự vẫn bị Satan cướp mất! Điều này ngôn sứ Daniel đã minh chứng : Ở Babylon có đền thờ kính thần Bel, dân ngoại vào đó để dâng cho thần Bel 12 giạ tinh hoa bột mì, 40 con bò, 6 chum rượu và, người ta thấy tất cả các của lễ ấy thần Bel đều nhận hết. Ngờ đâu Daniel đã lập kế để vua có thể khám phá ra chẳng có thần nào nhận lễ vật của họ, khi vua biết có một đường hầm bí mật từ gầm bàn thờ kính thần Bel dẫn về nhà vợ con các tư tế. Nhờ đường hầm này, mà sau mỗi buổi lễ, dân chúng ra về, thì vợ con các tư tế chuyển hết đồ cúng về nhà của họ (x Dn 14,1-22).
Vì bản chất lễ tế của Do Thái giáo cũng như thế đó, nên Đức Giêsu dẹp bọn buôn bán nơi Đền Thờ, là dấu chỉ Ngài canh tân và làm hoàn hảo giá trị Phụng Vụ Do Thái. Quả thật Đức Giêsu nói : “Cứ phá Đền Thờ này đi, nội trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19). Ngài nói thế là cho biết trước người ta sẽ giết Ngài – Ngài là Đền Thờ của Thiên Chúa bị phá – nhưng ba ngày sau Ngài sống lại xây dựng Hội Thánh và truyền cho Hội Thánh tiếp tục làm hiện tại hóa Hy Tế Thập Giá của Ngài (x 1Cr 11,23), mới đem ơn cứu độ cho những ai đến tham dự vì tin Đức Giêsu là Thiên Chúa, Đấng cứu độ duy nhất. Đó mới thực là cách thờ phượng Thiên Chúa đích thực, vì thờ Thiên Chúa trong Thần Khí (Lời) và Sự Thật (Chúa Giêsu) mới được Chúa Cha ưng nhận (x Ga 4,23-24).
Thực vậy, chính lúc Đức Giêsu bị giết vào 12 giờ trưa Thứ Sáu Tuần Thánh, Ngài mới chính là Con Chiên được Chúa Cha ưng nhận thay cho con chiên của người Do Thái dâng cũng vào giờ đó tại đền thờ Giêrusalem. Nghi thức giết chiên theo Luật Môsê là, nhớ lại hồng ân Chúa bảo ông Môsê ra lệnh cho dân giết chiên, không được làm dập gẫy xương nào của nó và lấy máu bôi lên cửa, Thiên thần đi ngang qua nhà nào không có máu chiên, thì các con đầu lòng của nhà ấy bị giết! Thế là tất cả các con đầu lòng của Ai Cập từ vua đến dân, cả súc vật đều bị tiêu diệt! Lúc ấy vua mới chịu để cho ông Môsê dẫn dân đi ra khỏi Ai Cập (x Xh 12,43-51), tiến về miền đất chảy sữa và mật! (x Xh 3,8). Thì khi Đức Giêsu bị treo trên thập giá, họ cũng thọc tiết Ngài, và lính Roma thấy Ngài đã chết nên không đập gẫy một xương nào của Ngài (x Ga 19,31-37). Đó là tiệc Vượt Qua Mới Đức Giêsu thiết lập, ai đến tham dự thì được Ngài giúp vượt qua tội lỗi, vượt qua sự chết mà vào cõi sống.
II. TA SẼ ĐƯỢC CHÚA BAN MUÔN VÀN ÂN HUỆ ĐỂ RA ĐI PHỤC VỤ.
Ta biết chỉ nhờ Hy Tế của Chúa Giêsu, ai đến hiệp dâng thì được lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác (x Ga 1,16).Cụ thể :
- Được Chúa Giêsu cầu nguyện cho để ta được ăn theo muôn vàn ân sủng do công nghiệp của Ngài trước mặt Chúa Cha, như Ngài đã dạy ta cầu nguyện: “Điều gì các ngươi xin nhân danh Ta,Ta sẽ làm, ngõ hầu Cha được tôn vinh nơi Con. Và nếu các ngươi xin gì với Ta, nhân danh Ta, Ta sẽ làm” (Ga 14,13-14). Và Đức Giêsu còn hứa : “Mọi điều các ngươi cầu xin hãy tin là đã được và các ngươi sẽ thấy thành sự”, một khi biết tha thứ cho những người xúc phạm đến mình (x Mc 11,24-25 : Tin Mừng). Ta lấy danh Con Một Thiên Chúa mà cầu xin, thì đạt hiệu quả cao hơn thuở xưa ông Môsê dựa vào danh các tổ phụ như Abraham, Isaac, Israel, để xin Chúa tha tội cho dân đã bỏ Chúa mà thờ bò vàng (x Xh 32,13).
- Được đồng hóa với Chúa Giêsu Phục Sinh.Thánh Phaolô nói : “Đấng tác thánh và những kẻ được thánh hóa cùng một nguồn gốc, cùng một xương thịt, cùng một sự sống với Ngài, vì thế Ngài không hổ thẹn gọi họ là anh em” (Dt 2,11.14 ; Ga 6,57 ; Gl 2,20). Do đó ta có chết cách nào cũng được sống lại vinh hiển giống Thiên Chúa vào ngày cánh chung (x Ga 6,54 ; 1Ga 3,2).
- Được trở nên công chính. Thánh Phaolô nói: “Nếu Đức Kitô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm,Thánh Thần cũng làm cho anh em được sống,vì anh em đã được trở nên công chính” (Rm 8,10). Vì “ai thuộc về Chúa Kitô thì không còn vấn đề lên án nữa” (Rm 8,1). Bởi lẽ Bí tích Thánh Thể là trung tâm các ơn, là nguồn thanh tẩy tâm hồn ta.
- Được Chúa đồng công cộng tác, biến mọi sự nên tốt đẹp (x Rm 8,28), nhất là nhờ hiệp thông Thánh Thể, Chúa ở cùng ta, để ta được phục vụ trong Chúa, việc ấy mới trở thành Đức Ái Kitô giáo, có giá trị cứu độ và tồn tại muôn đời (x Cv 5,39). Vì vậy Đức Giêsu nói : “Cây nho chính là Ta, các ngươi là nhánh, ai lưu lại trong Ta và Ta trong kẻ ấy, thì nó sinh nhiều quả, vì ngoài Ta các ngươi không thể làm gì được” (Ga 15,5).
Chân lý này đã được diễn tả qua cây vả lớn có lá sum suê, Đức Giêsu đến tìm quả mà không có, nên Ngài nói : “Muôn đời không ai ăn trái mày nữa”. Vì lời nguyền rủa này mà sáng hôm sau các môn đệ nhìn cây vả đã khô héo từ rễ đế ngọn,dù đó không phải là mùa vả (x Mc 11,12-14.20-21 : Tin Mừng).
Nếu cây vả biết nói thì, nó có thể phàn nàn với Đức Giêsu : “Không phải là mùa có trái, tại sao Ngài đến kiếm quả không có lại nguyền rủa tôi ?” Nhưng Đức Giêsu dùng hình ảnh cây vả này để nói với mọi người rằng : Đã là người được Chúa chăm sóc đến trưởng thành như cây vả lớn, thì bất cứ lúc nào cũng phải sống đẹp lòng Chúa. Cụ thể sống như lời thánh Tông Đồ dạy : “Dù ăn, dù uống, dù làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31). Chứ không phải đợi đến mùa này mùa kia mới sống tốt. Bởi vì Chúa xét xử mỗi người căn cứ vào tình trạng họ sống lành hay ác, theo từng giây phút hiện tại (x Ed 18,26-27).
Có được bốn ân huệ trên ta mới góp phần xây dựng Hội Thánh như lời thánh Phêrô nói : “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô” (1Pr 2,5). Được như thế mới thực là sống yêu và được tha thứ tội lỗi.Vì “Đức ái phủ lấp muôn vàn tội lỗi, và đã trở thành người quản lý giỏi giang về ân sủng muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa. Ai nói thì nói Lời Chúa, ai phục vụ thì hãy phục vụ do mãnh lực Thiên Chúa ban, ngõ hầu trong mọi sự, Thiên Chúa được tôn vinh nhờ Đức Giêsu Kitô”. Một khi chỉ muốn nói Lời Chúa và được mãnh lực Chúa ban nhờ hiệp dâng Thánh Lễ, thì càng thêm nghị lực, để khi ta phục vụ mà gặp đau khổ giống Chúa Giêsu, thì ta càng mừng vui hơn (1Pr 4,8.10-11.13 : Bài đọc năm chẵn). Và như thế đã trở thành vĩ nhân, được Thánh Kinh ca ngợi : “Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ. Có những người không còn ai nhớ nữa, họ qua đi như chẳng bao giờ có, họ sinh ra mà như chẳng chào đời, con cháu của họ cũng thế thôi! Nhưng các vị sau đây là những người đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng.Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con.Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước; nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ” (Hc 44, 1.9-13 : Bài đọc năm lẻ). Vì “Chúa mến chuộng dân Người” (Tv 50/49,4a : ĐC năm lẻ).
Đây mới thực là những người theo Chúa Giêsu, Ngài đã chọn gọi họ, như Ngài nói : “Chính Thầy đã chọn anh em từ giữa thế gian, để anh em ra đi sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15, 16 : Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG
Ai có nói thì nói Lời Thiên Chúa, ai phục vụ thì phục vụ bằng sức lực Chúa ban. Có thế trong mọi việc ta làm mới tôn vinh Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô (1Pr 4, 11).
http://phaolomoi.net
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: