Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi

Tác giả: 
Điền Phương Thảo

 

 

“Sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi”

 

“Theo thống kê chưa đầy đủ của PV Báo điện tử CAND, chỉ tính riêng khu vực núi Hòn Bồ, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng ít nhất đã khoảng 50 cây thông có đường kính gốc từ 50cm trở lên bị cưa hạ. Lâm tặc chỉ lấy khoảng 5m phần gốc, số còn lại vứt bở ngay tại hiện trường. Điều đáng nói là việc rừng thông cổ th bị lâm tặc chặt hạ, tàn phá nặng nề để lấy gỗ nhưng nhà chức trách không hay biết.”

 

Theo như mô tả của bài báo, chúng ta hãy lưu ý yếu tố không gian và thời gian trong quá trình tàn phá cả rừng thông bạt ngàn.

 

Xét về yếu tố không gian thì sự tàn phá môi trường thiên nhiên này diễn ra trên một diện rộng. Người ta chặt hay đốt cháy hàng loạt cây thông, tiêu diệt cả vạt thông bao la, không gian bị tàn phá là cả một khu rừng chứ không phải một gốc, một cây hay một phạm vi nhỏ hẹp, kín đáo. Và dĩ nhiên, để phá hủy thành công một cái gì đó trên một diện rộng như thế, tất nhiên kẻ có hành động xấu cần phải có nhiều thời gian. Cũng theo bài báo cho biết việc cả khu rừng thông bị cưa hạ hàng loạt đã diễn ra từ nhiều tháng qua thì không thể nào là hành động một sớm một chiều.

 

 “ Ngay cả những cây thông trên đỉnh núi Hòn Bồ, việc di chuyển rất khó khăn vì đỉnh núi dốc đứng nhưng vẫn bị lâm tặc cưa hạ khi phía dưới chân núi thông cổ thụ đã bị cưa gần như đã hết sạch” . Để thực hiện được công việc khó khăn này, lâm tặc không thể làm một cách gọn gàng, kín đáo và nhanh chóng như móc túi cắp vặt , và càng “ khó hiểu “ hơn nữa khi “ vị trí rừng thông bị tàn sát chỉ cách trụ sở UBND phường 12 khoảng 4km” . Vậy mà  “ khi phóng viên đem vấn đề rừng thông cổ thụ ở núi Hòn Bồ bị cưa hạ hàng loạt ra hỏi ông Nguyễn Văn Ron, Chủ tịch UBND phường 12, TP Đà Lạt thì ông Ron tỏ ra hết sức ngạc nhiên không tin đó là sự thật” .

 

“ Người dân sinh sống và canh tác tại địa phương cho biết, lâm tặc thường cưa hạ thông vào ban đêm rồi dùng xe tải (loại nhỏ) để vận chuyển ra khỏi khu vực này”. Như vậy, nếu chính quyền sở tại thực sự tích cực trong trách nhiệm bảo vệ môi trường thiên nhiên mình đang quản lý thì thiên nhiên vô tội không dễ dàng bị tàn phá như thế. Vì để phát hiện hành động được diễn ra trên một diện rộng, và được thực hiện với một thời gian không thể quá ngắn ngủi là điều không phải hoàn toàn bất khả thi, ngoại trừ khả năng người có trách nhiệm cố tình không nghe-không biết và không thấy .

 

Một trong những đặc tính ưu việt nhất của chế độ Cộng Sản đó là khả năng bảo vệ trật tự xã hội, triệt hạ các tổ chức chống phá chính quyền với những hệ thống trinh sát, công an chìm nổi dày đặc. Họ luôn đạt những thành tích cao trong việc bảo vệ thể chế chính trị của mình. Vì thế nếu chính quyền sở tại có tâm huyết với việc bảo vệ môi trường, kiên quyết với bọn người khai thác các nguồn tài nguyên một cách bừa bãi, thì việc thiên nhiên bị phá hoại không thể cứ tồn tại như một thách trước mắt mọi người?

 

Đây cũng là một nghịch lý khi chính quyền đương thời luôn thực hiện được những chủ trương chính sách của mình bất chấp sự phản đối của dư luận, của công chúng dù dưới bất cứ hình thức nào. Đồng thời chính quyền cũng sẽ không dung thứ cho bất cứ kẻ nào có hành động chống đối hay phê phán đối với chế độ. Chúng ta có quá nhiều những dẫn chứng cụ thể về điều này. Vậy thì cứ thử đặt một giả thuyết rằng nếu có nhóm người nào đó tới từng gốc cây thông mà dán những tờ truyền đơn tuyên truyền chống phá chế độ, thì có phải là rất nhanh chóng những người ấy sẽ bị truy bắt và điệu ra trước vành móng ngựa để xử tội hay không ?

 

Như vậy, tại sao việc theo dõi và xóa bỏ một nhóm người hám cái lợi trước mắt của cá nhân mà quên đi lợi ích của cộng đồng, nhất là việc làm này được sự đồng thuận của dư luận toàn xã hội thì chính quyền lại “ bó tay” một cách khó hiểu ?

 

“ Sau đó phóng viên đã cung cấp cho ông Nguyễn Văn Ron một số hình ảnh về rừng thông bị tàn phá và đề nghị ông Ron cho người cùng phóng viên tới lập biên bản hiện trường nhưng vị lãnh đạo UBND phường từ chối vì “hiện đang rất bận cho công tác bầu cử”.

 

Và, “ngày 19-5 vừa qua, khi khi phóng viên tiếp cận hiện trường, hàng loạt những cây thông mới bị chặt hạ cách đây một vài ngày vẫn còn ứa ra những dòng nhựa tươi rói rỉ xuống mặt đất”. Nghĩa là việc rừng thông bị bức tử vẫn tiếp tục diễn ra và kẻ thủ ác cũng không phải là những kẻ tàng hình. Vấn đề là thái độ can thiệp và xử lý của chính quyền sở tại. Tuy nhiên, sự  xử lý thiếu kịp thời và nghiêm khắc hay cái sự không nghe- không biết- không thấy một cách khó hiểu của chính quyền khiến người ta không thể không nghĩ đến câu “ sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi” mà một số nhà văn mô tả hình ảnh các quan tham ngày xưa.

 

Trong bài chia sẻ đoạn Kinh Thánh 1 Ga 3,11-17 nói về Cain và Abel, linh mục Vinh Sang  có viết :

“ Cain đã không chăm sóc công việc đồng áng của mình cho đúng mức, có lẽ ông bỏ bê nên đã không thu hoạch được những sản phẩm tốt, kết quả là Thiên Chúa không nhận lễ vật do ông tiến dâng. Trái lại Abel đã tích cực làm việc và chăm sóc đất đai, vì thế sản phẩm tiến dâng của Abel đươc Chúa thương nhận.

 

Bỏ bê, khai thác vô trách nhiệm, hủy hoại thiên nhiên dẫn đến hệ lụy mất liên lạc với Thiên Chúa. Đánh mất mối tương quan với Thiên Chúa, Cain mất khả năng nhận ra anh em đồng loại, ngay cả người em ruột mình Cain cũng không thể giáo hảo, trái lại anh em trở thành kẻ thù và Cain đã thủ ác. Giết em mình ! ”

 

Ước mong những người có thẩm quyền trong xã hội hãy biết đặt lợi ích chung của con người lên trên những tư lợi để những tấn bi kịch Cain-Abel đừng lập lại, vì khi còn người tàn ác với thiên nhiên thì hệ lụy kéo theo sẽ là tàn ác với chính đồng loại của mình.

 

Điền Phương Thảo

 

Bài sử dụng tư liệu từ :

http://m.cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/Rung-thong-co-thu-o-da-La...