Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Thánh Thể - Của Ăn Của Tình Yêu

Tác giả: 
Lm Vinh Sơn

Chúa Nhật Lễ Mình và Máu Thánh Chúa C

THÁNH THỂ - CỦA ĂN CỦA TÌNH YÊU

St 14,18-20; 1Cr 11,23-26; Lc 9,11b-17

 

Lúc tôi bị bắt, tôi phải đi ngay và đi tay không. Hôm sau tôi được phép viết về nhà để xin đồ cần dùng nhất như áo quần, kem đánh răng... Hàng đầu tiên, tôi viết: "Xin gửi cho tôi ít rượu thuốc trị bịnh đường ruột". Bên ngoài, giáo dân hiểu ngay.

 

Hôm sau, ông trưởng ban chấp pháp cầm đến một ve nhỏ bên ngoài có dán giấy đề chữ "thuốc trị bịnh đường ruột" và bánh lễ xé nhỏ bỏ trong một cái lọ chống ẩm, ông ta hỏi:

- Ông có bị bịnh đường ruột không?

- Có.

- Ðây là thuốc bên ngoài gửi vào cho ông!

 

Không bao giờ tôi vui bằng hôm đó: từ đấy mỗi ngày với ba giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay, tôi dâng thánh lễ.

 

Đó là chứng từ hy vọng của bậc tôi tớ Chúa Phanxicô Nguyễn Văn Thuận khi ngài mang trách nhiệm Tổng Giám Mục Phó giáo phận Sài Gòn.

 

Đức Tổng Giám Mục Phanxicô cử hành Thánh Thể mỗi ngày trong nhà tù như thế. Không ai biết, chỉ có Ngài với Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn trao ban chính Thánh Thể Ngài trong nhà tù khi Đức cha Phanxicô cử hành Thánh lễ với ba giọt rượu lễ trong lòng bàn tay và mẩu bánh lễ xé nhỏ…

 

Thánh Thể là mầu nhiệm của tình thương, Thiên Chúa luôn thương xót Dân Ngài. Như xưa khi nhìn thấy đoàn lũ theo Ngài, Ngài nói: "Tôi thương xót dân này" (Mt 15,32). Ngài đã làm phép lạ cho bánh và cá hóa nhiều để nuôi họ. Ðây là dấu hiệu loan báo phép Thánh Thể mà Ngài sẽ thiết lập và truyền phải thi hành. Vì lẽ đó chúng ta hiểu vì sao trong cảnh tù đầy Đức cha Phanxicô vẫn tín trung cử hành Thánh Thể, không phải chỉ cho ngài nhưng cho toàn thể Dân Chúa…

 

Từ năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa Giêsu nuôi sống cho năm ngàn người ăn chưa kể đàn bà và con trẻ. “Bánh hóa nhiều” nói lên tình trạng dồi dào, mà  Chúa Giêsu đã nói về ý nghĩa nhiệm vụ người mục tử mà chính Ngài là mục tử nhân lành, luôn muốn và làm cho chiên của mình được no thỏa dồi dào. Được nuôi dưỡng  “no thỏa” (x. Lc 9,17). Hình ảnh nói về dân Chúa được no thỏa, dồi dào thực sự bằng Thánh Thể như Ngài nói: Đến để cho anh em sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10). Hơn nữa, bánh ăn vẫn còn dư nói lên lòng quảng đại vô biên của Thiên Chúa, Đấng ban phát của ăn cho mọi người. Như là dấu hiệu báo trước về Thánh Thể: của ăn nuôi dưỡng dư tràn đầy ân sủng. Tất cả cho thấy phép lạ hóa bánh ra nhiều có giá trị đặc biệt, và là phép lạ duy nhất được bốn Tin Mừng cùng thuật (x. Mt 14,13 -21; Mc 6,30 -44; Lc 9,10-17 Ga 6,1-15).

 

Trong diễn biến của phép lạ bánh hóa nhiều, trung tâm là lời chúc tụng tạ ơn: “Chúa Giêsu cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng” (Lc 9,16), Ngài chúc tụng, tạ ơn và kết hợp với Chúa Cha để thi ân giáng phúc qua phép lạ trong đời sống. Lời chúc tụng  tạ ơn của Chúa Kitô mời gọi chúng ta tham dự vào hiến tế Thánh Thể. Nơi Thánh Lễ hằng ngày Chúa Kitô hiến tế tạ ơn Thiên Chúa Cha  như lời mời gọi: “Phần con, giữa tiếng hát tạ ơn, con sẽ tiến dâng Ngài hy lễ” (Gn 2,10), nơi đó con người đóng góp của lễ thánh thiện là bánh và rượu là hình ảnh chính cuộc sống Tôi, cuộc sống bạn làm thành hy lễ sống động, đó là sự đóng góp nhỏ bé nhưng hiệu quả như từ   “năm chiếc bánh và hai con cá” của các Tông đồ có và đóng góp. Sự đóng góp nhỏ bé đó cho phép lạ cuộc đời: được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể,  con người luôn vững vàng tiến bước theo Chúa. Theo Chúa, là lắng nghe, là đảm đương cuộc sống, sứ vụ, việc học hành dù rằng trước mắt chúng ta bao nhiêu là gian nan khốn khổ, nhưng vẫn tin tưởng Chúa làm phép lạ trong đời… Trong Hy lễ Thánh Thể, chúng ta cùng với Chúa Giêsu  tạ ơn Thiên Chúa Cha như Thánh Phaolô khuyên: “Anh em đừng lo lắng gì cả..Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện” ( Pl 4,6). Tạ ơn vì được Thiên Chúa tuôn trào bao hồng ân, được trao ban cho bản thân chúng ta và làm nên « phép lạ của cuộc đời” : Thánh Thể nuôi sống và giúp chúng ta vững vàng tiến bước xuyên qua mọi hoàn cảnh.

 

Các từ ngữ được tác giả Luca dùng để mô tả hành động Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều: Cầm lấy, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho...  giống cử chỉ của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly khi  thiết lập Bí tích Thánh Thể: cầm lấy, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho... Ngài trao Mình Ngài cho nhân loại trong Bí Tích Thánh Thể ( x. Mt 26,26-29; Mc 14,22 -25; Lc 22,19-20; 1Cr 11,23-25) cũng cùng những cử chỉ của Chúa Giêsu Phục sinh trao ban Thánh Thể trong hành trình của hai môn đệ đi Emmau (x.Ga 24,30). Theo lệnh truyền của Chúa: “các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, các môn đệ của Đức Giêsu sẽ tiếp tục nuôi dưỡng dân Chúa bằng Bí tích Thánh Thể.

 

Cho nên, Hiến tế - phép lạ Thánh Thể này được luôn tiếp diễn qua thừa tác vụ linh mục trong Hội Thánh diễn ra hàng ngày. Chúa Giêsu chính là Bánh hằng sống được bẻ ra trên bàn thờ để nuôi nhân loại như Ngài đã chuẩn bị trước bằng diễn từ Thánh Thể ở Caphanaum (x. Ga 6) mà đoàn dân Chúa trên đường lữ hành trần gian được quy tụ trong của ăn Thánh Thể - Thánh Lễ mỗi ngày và chung cuộc chính Chúa Giêsu sẽ quy tụ toàn thể nhân loại trong bữa tiệc trên Trời (x. Lc 14,15).

 

Như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II xác tín:

“Quanh bàn tiệc Thánh Thể được thực hiện và được tỏ bày sự hiệp nhất hài hòa của Hội Thánh, mầu nhiệm hiệp thông truyền giáo, trong đó mọi người nhận thấy mình là con Chúa và là anh chị em trong một đại gia đình” (Sứ điệp NQTGT XII, số 7).

Mong rằng nơi tôi, nơi bạn luôn cảm nghiệm được hồng ân Chúa ban trong hiến tế Thánh Thể mà chúng ta lãnh nhận hằng ngày…

Ôi yến tiệc Mình và Máu Thánh

Chúa Ki-tô thành lương thực nuôi ta!

Tiệc nhắc nhở Người đã chịu khổ hình

và đổ đầy ân sủng xuống cõi lòng nhân thế,

tiệc bảo đảm cho ta

một ngày mai huy hoàng rực rỡ. Ha-lê-lui-a.

 

                                        Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn 28/5/2015