Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Trái tim bị đâm thâu

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

TRÁI TIM BỊ ĐÂM THÂU             

 

(LỄ KÍNH THÁNH TÂM CHÚA GIÊ-SU)

 

Nói về trái tim với những trạng thái biểu hiện của nó thì có muôn hình vạn trạng: Có trái tim hớn hở vui mừng thì cũng có trái tim sầu não đớn đau; có trái tim bằng thịt (chan chứa tình cảm) thì cũng có trái tim bằng đá (chai đá, khô khan nguội lạnh – Ed 36, 26); có trái tim nhân hiền (thiện tâm) thì cũng có trái tim ác hiểm (ác tâm – "Đừng trao Người cho ác tâm quân thù" - Kinh cầu cho ĐGH); có trái tim trung hậu, không biết dối gạt, lừa phỉnh (tâm bất điêu trá) thì cũng có trái tim bất trung, không ngay thẳng (tâm bất chính). Rồi thì "Trái tim cô đơn", "Trái tim khô héo", "Trái tim băng giá", "Trái tim không ngủ yên"..., nhiều, nhiều lắm, nhiều không kể xiết. Chung quy cũng chỉ vì đó là những trái tim của loài người, mà trái tim là biểu tượng của tình cảm con người. Có lẽ tại khi có những biến cố thuộc lãnh vực tình cảm (yêu thương, cảm động, giận hờn, căm thù …) xảy đến với con người, thì trái tim là điểm đầu tiên trong cơ thể biểu lộ những phản ứng, những động thái rõ rệt nhất. Còn những suy nghĩ, phán đoán, lý luận thì không thấy trái tim biểu lộ rõ rệt như vậy, nên thường cho đó là thuộc lãnh vực lý trí nằm ở bộ não. Thực ra, tất cả những cảm xúc ấy đều xuất phát từ bộ não (được hệ thống thần kinh báo, bộ não ngay lập tức nhận định, phán đoán và truyền cảm xúc xuống cho trái tim và trái tim bộc lộ ra động thái: tim đập nhanh hơn, mạnh hơn, máu ở trái tim như dồn lên đầu làm cho mặt mũi đỏ bừng, đầu óc hồi hộp, toàn thân nóng rực, run rẩy... ).

 

Tuy nhiên, nói đến trái tim là nói đến một điểm chung nhất của nhân loại, là đều lấy trái tim làm biểu tượng cho tình yêu (tình yêu nam nữ,  tình yêu  mẫu  tử – phụ tử, tình yêu gia đình, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu nhân loại, và bao trùm lên tất cả là Tình Yêu Thiên Chúa dành cho loài người). Thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” (số 10) đã viết: “Chiều kích triết học đáng nêu ra trong hình ảnh Thánh Kinh này, và tầm quan trọng từ quan điểm lịch sử các tôn giáo, là một mặt chúng ta thấy mình đứng trước một hình ảnh rất siêu hình của Thiên Chúa: Thiên Chúa là Đấng Tuyệt Đối và là nguồn mạch của mọi loài ; nhưng mặt khác, chủ tể tác tạo hoàn vũ này – Logos, Đấng Thượng trí – lại đồng thời là một người biết yêu với tất cả đam mê của một tình yêu thật sự. Eros vì thế đã nên tột cùng cao quý, nhưng đồng thời thuần khiết đến độ nên một với agape.”

 

Tình yêu là "cho" (chủ thể yêu "cho đi") và "nhận" (đối tượng được yêu "nhận về"), hai yếu tố không thể tách rời ("Tuy nhiên, eros và agape – tình yêu nhận về và cho đi – không bao giờ có thể hoàn toàn tách rời. Hai thứ tình này, trong những khía cạnh khác nhau của chúng, càng tìm được sự tương đồng thích đáng trong cùng một thực tại tình yêu thì bản chất thực sự của tình yêu càng thường được nhận ra rõ ràng." – Tđ Thiên Chúa là Tình Yêu “Deus Caritas Est”, số 7). Đó là lý do giải thích tại sao Giáo Hội bày tỏ lòng tôn sùng cách đặc biệt  Trái Tim Cực Thánh Chúa Giê-su. Nói về việc Hội Thánh bày tỏ lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su, thì không thể quên Thông điệp “Haurietis Aquas In Gaudio” (Sẽ Hoan Vui Múc Nước). Xin dựa vào Thông điệp để tìm hiểu vấn đề:

 

Giáo Hội hằng đánh giá rất cao việc Tôn Thờ Trái Tim Chúa Giê-su, và quảng bá khắp nơi, cổ võ bằng nhiều cách, và xử dụng cả uy thế của mình để bảo vệ sự tôn thờ này. Có hai lý do khiến Giáo Hội bày tỏ lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giê-su: 1- Trái Tim Chúa Giê-su, một chi thể đặc biệt cao quý của Nhân Tính Ngài đã “Hợp thành một thể cùng Ngôi Lời Thiên Chúa”. Đó là nguyên nhân việc thờ phương Trái Tim Chúa Giê-su, như chính Giáo Hội hằng dâng lên cho con Thiên Chúa Nhập Thể,... Đây là một tín điều đã được long trọng tuyên bố tại Công Đồng Ê-phê-sô và Công đồng Constantinople. 2- Bởi vì hơn tất cả mọi thành phần khác của thân thể mình Chúa, Trái Tim Ngài là biểu hiệu tự nhiên của Tình Yêu vô bờ bến của Ngài đối với nhân loại.

 

Tình Yêu Thiên Chúa tỏa sáng ngay từ Khởi nguyên cho đến Tận cùng vũ trụ. Tình yêu đó đã được Thánh Kinh ghi nhận qua các Giao ước Thiên Chúa lập với nhân loại. Điển hình là 8 Giao ước: 1- Giao Ước Nô-ê trước cơn nước lụt (St 6, 13-22) – sau cơn nước lụt (St 9, 8-17); 2- Giao Ước Áp-ra-ham (St 15, 18-21); 3- Giao Ước I-xa-ác (St 17, 19-21); 4- Giao Ước Gia-cóp (St 28:10-15): 5- Giao Ước Xi-na-i, Đức Chúa ghi 10 lời giao ước (tức mười điều răn) trên bia đá (Giao Ước Xi-na-i còn gọi là Giao Ước Luật Pháp hoặc Giao Ước Mô-sê hoặc Giao Ước Cũ – Xh 20, 1-26): 6- Giao Ước Đất Hứa còn gọi là Giao ước Pa-lét-tin (Xh 12, 1-20; Đnl 16, 1-17); 7- Giao ước Đa-vít: (2Sb 13, 4-12) trong Giao ước Đa-vit có tiên báo về Đấng Christ (Lu-ca 1, 31-33). 8- Giao Ước Mới (còn gọi là Giao Ước Lời Hứa hoặc Giao Ước Ân Điển). Giao Ước Mới: được hứa ban từ Cựu Ước (Gr 31, 31), được ấn chứng bằng máu của Đức Ki-tô trên thập tự giá nên được coi là Giao Ước Máu.

 

Trong 8 Giao ước đó, thì 7 Giao ước được ban hành trước công nguyên nên gọi là Giao ước Cũ (Cựu Ước) còn Giao Ước Lời Hứa (Giao ước Ân Điển) thì gọi là Giao ước Mới (Tân Ước). Có một điều rất đáng suy gẫm là Giao ước Mới được ban hành đúng vào ngày ăn mừng lễ Vượt Qua (lễ Bánh Không Men trong Giao ước Đất Hứa – Xh 12, 1-20): “Trong bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy." Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: "Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.” (Mt 26, 26-28). Vì thế, nên 2 giao ước được coi là nền tảng Giáo Hội, đó là: Giao ước Đất Hứa (Cựu Ước) và Giao ước Lời Hứa (Tân Ước).

 

Giao Ước Mới được Ngôi Lời Nhập Thể thiết lập và kiện toàn: Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đem ơn hoà giải lại cho nhân loại. Tân Ước không phải được ký kết bằng máu chiên bò, nhưng bằng chính Máu cực Thánh của ”Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian”. Giao Ước này không căn cứ trên sự thần phục và sợ hãi; trái lại trên tình yêu giữa người Cha và con cái. Để có thể thực sự – tuỳ khả năng con người – hiểu được mọi chiều rộng, dài, cao, sâu của Tình yêu huyền nhiệm của Ngôi Lời Nhập Thể, đối với Cha trên trời, với nhân loại hoen ố vì tội lụy, thì cần phải lưu ý đến điểm này: Tình yêu của Đức Ki-tô không chỉ là Tình Yêu Thần linh (bản tính Thiên Chúa), mà còn thể hiện cách cụ thể nơi thân xác người phàm (bản tình nhân loại nơi chàng thanh niên Giê-su Na-da-ret),

 

Thần học Ki-tô giáo đã định tín: Ba Tình Yêu nơi Chúa Cứu Thế: Thần Linh, Thiêng Liêng, và Khả Giác. Sự hòa hợp giữa ba tình yêu ấy, hoàn toàn đến nỗi không gì có thể bất ổn xảy ra. Quả thật, Ngôi Lời Nhập Thể không phải mặc lấy một thân xác giả tạo. Đức Ki-tô là Ngôi Lời đã được kết hợp với một nhân tính, đầy đủ và hoàn hảo, được cưu mang trong cung lòng cực sạch của Đức Trinh Nữ Maria, do quyền năng Chúa Thánh Thần. Đây là một chân lý mà Giáo Hội, qua các vị Giáo Hoàng, qua các Công Đồng chung, đã long trọng tuyên bố và không ngừng xác nhận: ”Nơi Đức Ki-tô, Thần tính thật là hoàn hảo. Toàn cả Thiên Chúa làm người; và toàn cả con người được Thiên Chúa hoá.” Nói cách khác, nơi Đức Ki-tô, thần tính và nhân tính kết hợp thật hoàn hảo và biểu lộ cụ thể nhất nơi Trái Tim Người.

 

Chính Trái Tim Chúa Giê-su Biểu tượng Tình Thương Hoàn Hảo đã phát sinh việc Tôn thờ Thánh Tâm Chúa Ki-tô. Những tư tưởng được Phúc Âm soi chiếu đã chứng minh một cách xác đáng là việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giê-su chính là việc tôn thờ tình yêu thuộc thần tính và nhân tính nơi Ngôi Lời Nhập Thể. đó cũng chính là việc tôn thờ tình yêu của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần hằng ấp ủ tội nhân (là đàn con đắm chìm trong tội lỗi noi trần thế). Vì lẽ tình yêu của Ba Ngôi Chí Thánh thật là nguyên thủy của công trình cứu chuộc loài người. Tình yêu này đã ảnh hưởng trên Trái Tim đáng tôn thờ của Chúa Giê-su và đã thúc đẩy Ngài đổ máu để giải thoát nhân loại khỏi vòng nô lệ tội lỗi. Khi chiêm ngắm Trái Tim bị đâm thâu của Chúa Giê-su Đấng Cứu Thế, người tín hữu cảm thấy được thúc đẩy mỗi lúc một mãnh liệt phải tôn thờ tình yêu vô biên của Ngài đối với loài người.

 

Nếu muốn gợi lại những giai đoạn vinh quang của việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giê-su trong suốt dòng lịch sử đạo đức của các tín hữu, Giáo hội ghi được ngay tên tuổi những vị thời danh đã được tuyên dương là “Tiên phong” khi việc tôn sùng này mới phát triển. Có thể ghi nhận: Thánh Bonaventura, Thánh Alberto Cả, Thánh Gertrude, Catherine, Francois de Sales,… còn Thánh Jean Eudes là tác giả bản lễ nghi phụng vụ đầu tiên về Thánh Tâm Chúa Giêsu. Lễ nghi này được long trọng cử hành lần thứ nhất ngày 20/10/1672. Nhưng trong số các danh nhân từng cổ võ cho việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giê-su, một địa vị quan trọng phải được dành cho Thánh nữ Maria Margarita. Thánh nữ Maria Margarita đã được chân phước Claude de la Colombière làm linh hướng, và trợ tá đắc lực cho vị nữ tu này trong việc hăng say cổ võ cho việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giê-su được lan rộng. Những thành công tốt đẹp của vị nữ tu khiến các tín hữu xa gần phải ngạc nhiên, thán phục. Chị đã khéo léo canh tân việc tôn thờ đó bằng cách dựa vào những hình thức đạo đức hướng về tình yêu và đền tạ.

 

Riêng các Đức Giáo Hoàng với lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su thì phải kể: Đức GH Clê-men-tê XIII ban hành Sắc lệnh (ngày 6/2/1765) chấp thuận cho cử hành Thánh Lễ phụng vụ Thánh Tâm Chúa Giê-su. cho phép các Giám mục Ba-lan và Liên Tu Hội Rô-ma dòng Thánh Tâm mừng lễ kính Thánh Tâm Chúa Giê-su. Gần hai thế kỷ sau ngày thánh nữ Maria Margarita qua đời, vào 23/8/1856, qua lời thỉnh cầu của các Giám mục Pháp và một số Giám mục trên thế giới, Ðức Pi-ô IX (1846-1878) mới chấp thuận và lập lễ kính Thánh Tâm Chúa Giê-su trên toàn Giáo Hội, và lễ này được cử hành một cách long trọng và được đưa vào lịch Phụng vụ.

 

Sau khi lễ kính Thánh Tâm được đưa vào lịch Phụng vụ của Giáo Hội, ngày 25/5/1899 Ðức Lê-ô XIII (1878-1903) ban hành Thông điệp “Annum Sacrum”, ấn định việc cử hành long trọng và công khai trên toàn thế giới lễ nghi dâng nhân loại cho Trái Tim cực thánh Chúa Giê-su. Ngày 8/5/1928, Đức Pi-ô XI (1922-1939) công bố Thông điệp “Miserentissimus Redemptor” (Đấng Cứu Chuộc rất nhân hậu) về việc cần thiết tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giê-su với tinh thần đền tạ. Trong Thông điệp “Haurietis Aquas In Gaudio”, Đức Pi-ô XII đã khẳng định: “Lòng sùng kính rất thánh Trái Tim Chúa Giê-su quan trọng đến nỗi khi được thực hành đúng đắn, có thể được coi như sự tuyên xưng đức tin Ki-tô giáo cách hoàn hảo. Nó không phải chỉ là một hình thức đạo đức bình thường mà ai nấy tùy ý thực hiện, như thể không có hiệu quả gì hay bỏ qua một bên như là thua kém các việc đạo đức khác.” Và ngài cũng nhấn mạnh thêm: “Ý nghĩa thâm sâu của việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giê-su là lấy tình yêu đáp trả tình yêu!”

 

Trong cuốn “Nhật Ký Tâm Hồn”, Thánh GH Gio-an XXIII (1958-1963) đã minh định “Tôi muốn lòng sùng kính Trái Tim Người, ẩn dấu trong Bí tích Tình Yêu, là thước đo cho tất cả sự tiến bộ tâm linh của tôi. Tôi quyết tâm không để mình ngơi nghỉ cho đến khi tôi có thể thực sự nói rằng tôi đã được tan hòa vào trong Trái Tim Chúa Giê-su.” Vị Giáo Hoàng đắc cử đúng vào Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su ngày 21/6/1963, Đức Phao-lô VI (1963-1978) đã viết trong Huấn dụ “Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa Giê-su” (ban hành ngày 6/2/1965 nhân kỷ niệm 200 năm thành lập Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su): “Sự tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giê-su là việc rất cao quí và đặc biệt cần thiết cho thời đại này. Ta ước mong việc này được tổ chức với Nghi thức Phụng vụ để phát triển mỗi ngày mỗi rộng lớn hơn, hầu cho mọi Ki-tô hữu được say sưa lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa và nhờ đó, được đổi mới về mọi phương diện.”

 

Nhưng đặc biệt, với Thánh GH Gio-an Phao-lô II, vị Giáo Hoàng đắc cử ngày 16-10-1978, đúng vào ngày lễ kính nhớ thánh nữ Margarita Maria Alacoque – vị Tông đồ của Thánh Tâm – đã mạnh mẽ minh xác sự cần thiết của lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su trong thời đại chúng ta như sau: “Trong nhiều dịp khác nhau, tôi đã bày tỏ lòng xác tín của tôi là lòng sùng kính Thánh Tâm phù hợp hơn bao giờ hết với những mong đợi của thời đại chúng ta. Tôi đã nhấn mạnh rằng, những yếu tố căn bản của lòng sùng kính này thuộc về linh đạo của Hội Thánh suốt dòng lịch sử của mình một cách ổn định.” (Diễn văn với Dòng Thừa Sai Thánh Tâm, 5/10/1987).

 

Đức Bê-nê-đíc-tô XVI cũng xác tín: “Trong Trái Tim của Đấng Cứu Thế, chúng ta tôn thờ tình yêu nhân loại của Thiên Chúa, ý muốn cứu độ toàn thể nhân loại của Ngài, lòng thương xót vô biên của Ngài. Tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, do đó, còn có nghĩa là tôn kính Trái Tim mà sau khi đã yêu chúng ta cho đến cùng, đã bị đâm thủng bởi lưỡi đòng, và từ nơi cao trên thập giá, đã đổ máu và nước, một nguồn mạch vô tận của đời sống mới… Việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa là căn bản cho đời sống giáo hữu, việc đó có thể cải hoán được cá nhân, gia đình và xã hội. Việc đạo đức này không những hợp thời mà còn là hi vọng độc nhất nhằm cứu thoát nhân loại khỏi con đường tục hoá ngày nay.”

 

Kết thúc Thông điệp “Haurietis Aquas In Gaudio”, Đức Pi-ô XII viết: Sau những gì được trình bày chúng ta thấy là chính Thánh Kinh truyền thống phụng vụ là những nguồn suối của việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giê-su. Chính ở những nguồn suối này mà các tín hữu phải tìm đến để đi vào bản chất thâm sâu của việc tôn sùng này và nhận lãnh, nhờ suy niệm những thức ăn để nuôi dưỡng và gia tăng lòng sốt sắng của họ. Vậy để kết luận việc tôn thờ Trái Tim của Chúa Giê-su trong thực chất sâu xa của nó, chính là việc tôn thờ TÌNH YÊU THIÊN CHÚA đối với chúng ta trong Đức Ki-tô việc tôn thờ này nhằm tôn vinh lòng mến Thiên Chúa đối với nhân loại và nhìn nhận Thiên Chúa tình yêu là đối tượng việc phụng thờ và tạ ơn.

 

Thiên Chúa là Tình Yêu, mà Thiên Chúa vốn giàu lòng thương xót nên phải xác tín “lòng thương xót của Thiên Chúa, là trái tim đang đập của Tin Mừng” là chính Trái Tim Cực Thánh Chúa Giê-su, mà Giáo Hội luôn mong mỏi người tín hữu một lòng một dạ tôn thờ. Quả thật “Với đôi mắt của chúng ta dán chặt vào Chúa Giê-su và ánh mắt xót thương của Ngài, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Sứ vụ của Chúa Giêsu được Chúa Cha trao phó là mạc khải mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa trong sự viên mãn của tình yêu ấy: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4: 8,16), Mầu nhiệm của Chúa Kitô.. . buộc tôi phải rao giảng lòng thương xót như tình yêu từ bi của Thiên Chúa, đã được mạc khải trong cùng một mầu nhiệm của Chúa Kitô.” Vì thế, “Giáo Hội được ủy thác công bố lòng thương xót của Thiên Chúa, là trái tim đang đập của Tin Mừng, là điều phải tìm được cách thấm nhập trái tim và tâm trí của mỗi người. Hiền thê của Chúa Ki-tô phải rặp khuôn hành vi của mình như Con Thiên Chúa, Đấng đã vươn ra với mọi người không coi ai là ngoại lệ.” (Tông chiếu Dung Mạo Lòng Thương Xót “Miserricordiae Vultus”, số 8).

 

Ôi! “Lạy Chúa, vì tội lỗi chúng con, Chúa đã muốn cho Thánh Tâm Con Một Chúa bị đâm thâu, khiến kho tàng tình yêu vô biên được mở ra để chúng con hưởng nhờ. Xin cho chúng con hằng sốt sắng tôn sùng Thánh Tâm Người, và biết đền tội chúng con cho cân xứng. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ kính Thánh Tâm Chúa Giê-su).

 

JM. Lam Thy ĐVD.