Lòng tin yêu xóa sạch tội lỗi
LÒNG TIN YÊU XÓA SẠCH TỘI LỖI
(CN XI/TN-C)
Cứ theo thường tình thế sự, được cho nhiều thì yêu nhiều, được cho ít thì yêu ít. Thật vậy, khi lâm cảnh con nợ về vật chất, ai cũng cầu mong được chủ nợ tha bổng món nợ mà mình không có khả năng chi trả. Món nợ được tha càng lớn thì con nợ càng cảm động và yêu mến chủ nợ nhiều hơn. Bài Tin Mừng hôm nay (CN XI/TN-C – Lc 7, 36-50) trình thuật câu chuyện một người Pha-ri-sêu tên là Si-mon mời Đức Giê-su Ki-tô dùng bữa với mình. Biết được tin này, một người phụ nữ tội lỗi cũng đến để được gặp Đức Ki-tô. “Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: "Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!"
Si-mon là người Pha-ri-sêu, mà những người Pha-ri-sêu thường hay có lòng ghen tức, chỉ muốn đưa mình lên cao, hạ bệ người khác, thậm chí đến cả Đức Giê-su, họ cũng không tha. Vẫn còn đó câu chuyện đám kinh sư Pha-ri-sêu lấy “Người đàn bà ngoại tình” làm cái bẫy để tìm cách gài độ Đức Giê-su “nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người” (Ga 8, 6); thậm chí đám người này còn cố “tìm chứng gian buộc tội Đức Giê-su để lên án tử hình” (Mt 26, 59) nữa. Biết rõ được cái tâm trạng của Si-mon, Đức Giê-su đã kể câu chuyện hai người mắc nợ làm ví dụ (Lc 7, 41-43), cốt ý khiến cho ông ta tự bộc bạch quan điểm của mình trước lập luận “được tha nhiều thì yêu nhiều, được tha ít thì yêu ít”. Sau đó, Đức Giê-su phân tích rạch ròi 2 thái độ đến với Người (một của ông Pha-ri-sêu, một của người phụ nữ). Cuối cùng, Người kết luận: “Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít."
Có một mâu thuẫn nảy sinh trong câu chuỵên này. Về ví dụ “hai người mắc nợ” minh hoạ cho lập luận “được tha nhiều thì yêu nhiều, được tha ít thì yêu ít”, rất đúng với tâm lý chung của con người với đặc tính “tham sân si” cố hữu. Tuy nhiên, khi vận dụng vào câu chuyện của người phụ nữ tội lỗi sẽ thấy không ăn khớp. Tại sao vậy? So sánh với ông Si-mon, người phụ nữ đã đến với Đức Giê-su bằng tất cả lòng yêu mến chân thực của mình, chứng tỏ nàng đã “yêu mến nhiều” trước khi được tha nhiều. Và câu kết luận của Đức Giê-su “yêu nhiều đuợc tha nhiều, yêu ít được tha ít” tuy phù hợp với trường hợp người phụ nữ, nhưng lại trái ngược với ví dụ Người đưa ra (câu chuỵên hai người mắc nợ “được tha nhiều thì yêu nhiều, được tha ít thì yêu ít”).
Ró ràng “được tha nhiều thì yêu nhiều, được tha ít thì yêu ít” là nhắm đến tâm lý chung của những con nợ, nhưng “yêu nhiều đuợc tha nhiều, yêu ít được tha ít” lại nhắm đến tâm lý người chủ nợ. Như vậy thì chẳng hoá ra Đức Giê-su vì được người thiếu phụ yêu mến nhiều hơn ông Si-mon, nên Người tha tội cho chị ta nhiều hơn ư? Và với cái đà suy luận này vấn đề sẽ rối tung lên, khó tìm được lối ra. Vì thế, đã có những bài suy niệm lâm cảnh lúng túng, khi thì cho câu chuyện hai người mắc nợ là thừa, không cần thiết, khi thì lại nói “nếu cắt bỏ đi thì thật là tiếc”! Đó chỉ là những ý kiến khen chê Thánh sử Lu-ca trong trình thuật “Người phụ nữ tội lỗi đã được tha thứ và đã yêu mến Chúa nhiều”. Tuy nhiên, ở đây phải hiểu là Thánh Lu-ca chỉ là người tường thuật, ngài chỉ viết lại những điều mắt thấy tai nghe, nên không có vấn đề thêm hay bớt, thừa hay thiếu được.
Vậy tác nhân chính yếu chỉ có thể là Đức Giê-su Ki-tô. Quy về Đức Ki-tô thì vấn đề sẽ sáng tỏ ngay. Người thường hay dùng cách dẫn chứng hoặc lập luận tương phản để nêu bật ý chính (“Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng.” – Mt 10, 35; “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” – Lc 9, 24; “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.” – Lc 9, 60 v.v…). Thật vậy, suy nghĩ cho kỹ câu chuỵên được trình thuật trong bài Tin Mừng hôm nay, sẽ thấy mọi chi tiết không thừa không thiếu, mà thật vừa đủ để suy niệm thấu đáo vấn đề:
Trước hết, phải hiểu đây lại một lần nữa Đức Giê-su muốn nói đến Tình Yêu, mà nói đến Tình Yêu là nói đến “cho” và “nhận”. Tâm lý chung của con người thường hay so đo tính toán, chỉ thích “nhận” nhiều hơn “cho”, và vì thế nên khi được cho nhiều thì yêu mến nhiều, còn cho ít tất nhiên sẽ yêu mến ít. Đối với Thiên Chúa thì ngược lại, Người luôn “cho” mà không hề “nhận” lại. Tuy nhiên để “nhận” được Tình Yêu “cho không” ấy, thì lại hoàn toàn do con người định đoạt số phận của mình, đó là mình có muốn “nhận về” hay không và “nhận như thế nào” mà thôi. Một cách cụ thể là Thiên Chúa luôn muốn đến với con người, nhất là với những con người tội lỗi, để trao ban ân sủng. Vâng, “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5, 20). Ân sủng chứa chan mà con người lòng chai dạ đá thì cũng kể như không. Vì thế nên cần phải có một lòng tin yêu chân thực, một lòng sốt mến nhiệt thành, để dón nhận nguồn ân sủng chan chứa đó.
Người phụ nữ tội lỗi đã đến với Đức Giê-su như vậy đó. Lòng sốt mến nhiệt thành của chị đã thúc đẩy chị đến với Đức Ki-tô. Khi được gặp Người, thì cũng vì lòng tin yêu Chúa, chị đã bộc bạch hết nỗi lòng thầm kín của chị (nhận thấy mình quá nhhiều tội lỗi và thực lòng ăn năn hối cải) qua những dòng nước mắt tuôn chảy ướt chân Chúa, qua việc lấy tóc mình mà lau chân cho Người rồi xức dầu thơm lên đó. Như thế thì chẳng phải chị đã tin và hành động nhờ thực lòng yêu mến Chúa nhiều đó sao? Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Ga-lát đã có nhận định thật chí lý: “Quả thật, trong Đức Ki-tô Giê-su, cắt bì hay không cắt bì đều không có giá trị, chỉ có đức tin hành động nhờ đức ái.” (Gl 5, 6). Kết quả tất yếu là “Yêu mến nhiều thì được tha nhiều” vậy.
Tông chiếu Misericordiae Vultus (số 16) viết: “Trong Tin Mừng Thánh Luca, chúng ta tìm thấy một yếu tố quan trọng khác giúp chúng ta sống Năm Thánh với đức tin.” Bài Tin Mừng hôm nay Thánh sử Lu-ca đã trình thuật một câu chuyện điển hình về Đức Tin của người phụ nữ tội lỗi. Phải hết lòng tin tưởng mới có những hành động biểu lộ tình yêu đến độ Đức Giê-su Ki-tô phải thốt lên: “tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều.” Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng “Evangelii Gaudium” (số 179) cũng khẳng định: “Ngay cả việc phục vụ của đức ái cũng là một chiều kích cấu thành của việc truyền giáo của Hội Thánh và là một cách diễn tả không thể thiếu được về bản chất Hội Thánh". Như thế, Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo, vì vậy chắc chắn bản chất này phải phát sinh ra hiệu quả đức ái đối với những người lân cận, là lòng trắc ẩn, cảm thông, giúp đỡ và khuyến khích họ.”
Tóm lại, người Ki-tô hữu hãy học theo gương người phụ nữ tội lỗi mà chạy đến với Chúa bằng tất cả lòng Tin Yêu chân thành nhất, đồng thời biểu lộ ra bằng hành động, bằng cả cuộc sống làm chứng tá cho điều răn quan trọng nhất ”Mến Chúa, yêu người”. Năm Thánh Lòng Thương Xót chỉ là một chặng đường ngắn nhưng vô cùng cần thiết trong hành trình sống đức tin của người Ki-tô hữu. Đây chính là dịp thuận tiện nhất để người tín hữu nhìn lại bản thân xem mình đã sống đức tin cách chân thực chưa. Sống đức tin mà thiếu đức mến thì cũng kể như không. Vâng, "Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi." (1Cr 13,3).
Chính vì thế, xin hãy “xoay cái nhìn ra khỏi cái tôi” đầy tham sân si, mà đến với tất cả anh em xa gần – như đến với chính Đức Giê-su Ki-tô – bằng những “chứng tá bác ái” cụ thể nhất, chân thành nhất. Ấy cũng bởi vì “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10, 8). Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: