Suy niệm các ngày trong tuần 12 TN
SUY NIỆM CÁC NGÀY TRONG TUẦN 12 THƯỜNG NIÊN
Jos. Vinc. Ngọc Biển
THỨ HAI
KHÔN NGOAN KHI SỬA LỖI
(Mt 7, 1-5)
Ở một đền thờ Hylạp, ngay lối cổng vào, có khắc câu: “Hãy tự biết mình”. Tại sao lại có câu nói đó? Thưa, bởi vì biết mình là một điều khó, nhưng nếu khó mà không làm được thì làm sao biết được người khác? Không biết mình thì không thể tồn tại theo hướng tích cực, mà nếu có tồn tại thì cũng trở thành trò cười cho thiên hạ, bởi vì nhiều khi: “Ngôn hành bất tất”.
Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dùng lối nói ngoa ngữ để cho thấy tác hại của việc kiêu ngạo, háo danh nên không biết mình. Vì không biết, nên đâu thấy nơi mình có khuyết điểm, lỗi lầm trầm trọng, vì thế mới thích “lên mặt dạy đời”.
Trong thực tế, có rất nhiều người hăng say, vội vã sửa lỗi cho anh em, dù là lỗi nhỏ, nhưng thực tế, lỗi mình thì lớn hơn rất nhiều mà không thấy hay cố tình che lấp để như một ngụy biện nhằm khẳng định mình là người đạo đức hơn người.
Đức Giêsu không có ý cấm chúng ta sửa lỗi cho anh em, bởi vì sửa lỗi cho anh em bằng việc nêu gương sáng và chân tình thì đây là đức ái. Tuy nhiên, vì hiềm khích thì lại trở thành gương mù và phản tác dụng.
Vì thế, nguyên tắc hữu lý và đạt tình chính là bao dung với tha nhân, và nghiêm khắc với chính mình. Không thổi phồng tội người khác, không thu nhỏ lỗi của mình. Khiêm tốn sửa mình trước khi góp ý cho tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu, theo Lời Chúa dạy hôm nay, chắc có lẽ chúng con sẽ bị xét đoán thật nhiều vì lối sống thiếu bác ái khi hay xét đoán anh chị em của chúng con. Xin cho chúng con luôn biết thưa với Chúa: xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con. Biết Chúa để yêu mến Chúa. Biết con để sống khiêm tốn. Chỉ khi nào chúng con biết sống như thế, chúng con mới yêu thương anh chị em cách thật lòng. Amen.
THỨ BA
KHUÔN VÀNG THƯỚC NGỌC
(Mt 7, 6. 12-14)
"Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì hãy làm cho người ta". Đây là khuôn vàng thước ngọc để ta thi hành đức ái theo thánh ý Chúa.
Thật vậy, chẳng ai muốn điều xấu đến với mình bao giờ. Vì thế, không có lẽ gì lại mong muốn điều xấu đến với anh chị em mình. Chỉ có ai nuôi lòng hận thù, hay vì ích kỷ thì mới làm điều bất chính cho tha nhân và muốn điều tốt cho riêng mình mà thôi.
Hôm nay, Đức Giêsu đã đưa ra kim chỉ nam cho các môn đệ và cũng cho mỗi người chúng ta là: hãy muốn và làm điều tốt cho tha nhân trước khi thi hành điều tốt cho chính mình. Phải quên đi bản thân để mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân trước. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của anh chị em và hãy đối xử với họ như chính mình muốn được đối xử khi ở địa vị của họ.
Lời Chúa hôm nay không chỉ kêu mời chúng ta “hãy làm cho người khác những điều mình muốn họ làm cho mình” mà Ngài muốn chúng ta đi xa hơn nữa là hãy cư xử với tha nhân tốt hơn là họ đáng được cư xử. Không chỉ “yêu tha nhân như chính mình” mà hãy “yêu tha nhân như Chúa đã yêu thương chúng ta”. Đó là yêu vô điều kiện, yêu đến mức hy sinh cả mạng sống.
Khi yêu như thế, ấy là lúc chúng ta đang đi trên con đường hẹp, con đường của hy sinh, từ bỏ, của yêu thương, quảng đại và vô vị lợi. Sẵn sàng từ bỏ con đường thênh thang là con đường của kiêu ngạo, ích kỷ, nhỏ nhen, trục lợi cho cá nhân mình.
Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa hôm nay vạch ra cho chúng con con đường về trời. Con đường đó là hy sinh, yêu thương và bác ái vô vị lợi.
Xin cho chúng con biết chọn con đường hẹp ấy để tiến bước trên hành trình sứ vụ của chúng con. Amen.
THỨ TƯ
HÃY TRỞ NÊN “QUẢ TỐT”
(Mt 7, 15-20)
Nhiều người tỏ ra bị sốc khi nghe câu tuyên bố của Đức Giêsu: “... cây tốt thì sinh trái tốt, còn cây xấu thì sinh trái xấu. Cây tốt không thể sinh trái xấu, và cây xấu không thể sinh trái tốt”. Thật ra, trong thực tế, vẫn có nhiều người “gần mực mà không đen”, hay “gần đèn mà chẳng rạng”!
Tuy nhiên, điều mà Đức Giêsu nói ở đây đó là hãy biết cách nhận định khôn ngoan chứ không phải xét đoán hời hợt hay mang sẵn lòng hận thù hoặc tính kiêu ngạo. Nhận định tức là căn cứ vào kết quả để biết con người một cách khách quan. Tiêu chuẩn là: “Xem quả biết cây”.
“Cây” ở đây chính là mình, còn “hoa, lá, cành” chính là những việc đạo đức như: dâng lễ, kinh sách, cầu nguyện, tham gia các hội đoàn và những việc lành khác.... Còn “quả” ở đây chính là gương sáng, hy sinh, yêu thương, tha thứ..., tức là từ bi - bác ái, yêu Chúa hết lòng và thương yêu anh chị em cách chân thành.
Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều người trong chúng ta lại có quá nhiều “hoa, lá, cành”, mà “quả” thì không có, hay có nhưng lại bị “sâu”. Tức là hăng say làm việc chỉ vì ham danh, huênh hoang, tự phụ, ích kỷ nên không thể sinh ra “quả” tốt được. Những người đó họ làm mọi việc vì thực dụng cá nhân, không vì yêu mến Chúa và tha nhân, nên họ chẳng khác gì chiếc phèng la kêu inh ỏi, nhưng bên trong thì rỗng tuếch.
Thánh Phaolô cũng khuyên dạy tín hữu thành Corintô như sau: "Giả như tôi nói được các thứ tiếng, giả như tôi được ơn tiên tri như tôi có đem hết tài sản mà bố thí mà không có đức mến thì cũng chẳng có ơn ích gì cho tôi" (x. 1 Cr 13,1-3). Vì thế: “Không phải những ai nói: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời, mà chỉ những ai thực hành ý Chúa mới được vào mà thôi”.
Muốn làm được điều đó, chúng ta phải trở nên những tiên tri thật của lòng mến, chứ đừng trở nên tiên tri giả của tham sân si. Hãy trở nên con chiên hiền lành của Chúa chứ đừng trở nên sói dữ. Không được mang danh và hình ảnh của chiên, nhưng thực ra chỉ là mặt chiên, mà là dạ sói!
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn gắn chặt cuộc đời của chúng con vào Chúa, để như một sự tác sinh, chúng con được trở nên giống Chúa, hầu trở nên những hoa trái tốt như lòng Chúa mong ước. Amen.
THỨ NĂM
NGƯỜI KHÔN XÂY NHÀ TRÊN ĐÁ
(Mt 7, 21-29)
Xem lại CN 9 TN A,
thứ Năm tuần 1 MV.
Gần cầu Bình Triệu, quận Thủ Đức – Sài gòn, nơi ven sông có một căn nhà biệt thự rất đẹp. Người người nhìn thấy đã trầm trồ, khen ngợi công trình tuyệt mỹ này. Hai tháng sau, người dân thấy lạ kỳ đến ngỡ ngàng vì không còn thấy nó đâu nữa! Hóa ra, trong hai tháng vừa qua, căn nhà mà người ta đã từng thích thú, giờ đây, nó đã bị nước cuốn trôi ra xa bờ khoảng 15m. Phải chăng ngôi nhà này móng không vững, hay ở dưới đã có dòng nước xoáy ngầm lớn làm cho đất bị sụt?
Hôm nay, Đức Giêsu đưa ra hình ảnh người xây nhà. Nếu người xây nhà khôn ngoan, kinh nghiệm thì sẽ xây nhà mình trên nền đá, còn nếu thiếu khôn ngoan và hiểu biết thì sẽ xây nhà trên những thứ tạm bợ. Tiếp theo, Ngài đưa ra hình ảnh của những trận mưa lớn và nước dâng. Hậu quả là những ai xây nhà trên nền đá sẽ vững vàng, còn xây trên cát sẽ sụp đổ tan tành.
Hình ảnh của người xây nhà trên đá chính là hình ảnh của những người trung thành với giáo huấn của Chúa và tuân theo. Họ gắn bó ngôi nhà cuộc đời của họ trên nền tảng Lời Chúa, gắn bó trong Chúa, nên không có gì và không ai có thể phá đổ được họ.
Còn hình ảnh những người xây nhà trên cát, chính là những người làm việc đạo đức vì hình thức, chiếu lệ, chứ không dựa trên nền tảng Lời Chúa, vì thế họ là những người thất bại tan tành. Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận cũng nói về những hạng người giả hình này như sau: "Ðường Hy vọng dài thăm thẳm, Con đừng làm ‘Thánh lâm thời’: Phong ba dồn dập, nước sơn sẽ phai nhạt và tượng thánh sẽ hiện hình quỷ" (ÐHV. 44).
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết gắn bó cuộc đời của mình trên nền tảng Lời Chúa chứ không phải thuần túy qua công việc của Chúa. Như thế, chúng con sẽ đứng vững ngay cả khi thử thách dồn dập đến với chúng con. Amen.
THỨ SÁU
LẠY NGÀI, XIN CHO TÔI ĐƯỢC SẠCH
(Mt 8, 1-4)
Có một câu chuyện thật ấn tượng về một linh mục đã trọng tuổi thuộc dòng Phanxicô. Chuyện là thế này: ngài là một linh mục rất thương người, vì thế, sau lễ truyền chức linh mục cho ngài, có một người sẵn sàng tài trợ mọi mặt để tổ chức thánh lễ tạ ơn tại quê hương cho thật “hoành tráng”. Tuy nhiên, ngài đã từ chối, và không quên ngỏ lời xin toàn bộ số tiền đó để xây nhà, khoan giếng, thuốc thang cho anh chị em bị phong cùi mà ngài đã biết đến họ cách đó vài năm trong một khu rừng sâu thẳm không một bóng người qua lại.
Tại sao họ lại có một cuộc sống khổ đến vậy? Thưa! Chỉ vì bị kỳ thị và sợ liên lụy cũng như sợ bị lây nhiễm, nên người ta đã đẩy anh chị em đó vào trong một thế giới riêng, tách biệt khỏi xã hội bên ngoài.
Hôm nay, Đức Giêsu đã chữa lành cho người phong cùi vì anh ta có lòng tin: "Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch".
Tưởng cũng nên nhắc thêm: bệnh phong hủi, vào thời ấy, là một thứ bệnh ghê tởm, không có thuốc chữa mà tác hại của nó lại quá lớn và mức độ lây lan nhanh. Ai mắc thứ bệnh đó là đã cầm trong tay án tử.
Bệnh thể xác rất đau đớn, nhưng có lẽ không đau đớn cho bằng tinh thần. Người bị bệnh phong hủi bị ruồng bỏ, bệnh nhân muốn đi lại phải hô to mình bị ô uế để người khác biết mà tránh xa. Họ bị bỏ rơi ngay từ những người thân, xóm làng, xã hội và ngay cả tôn giáo thời bấy giờ.
Tuy nhiên, hình ảnh hiền từ và cử chỉ giơ tay chạm vào anh ta của Đức Giêsu hôm nay đã làm cho người phong hủi thêm niềm hy vọng, cậy trông và ấm lòng. Vì thế, anh ta đã can đảm tiến lại gần Đức Giêsu, mặc cho mọi lời dèm pha, khinh khi, nhục mạ. Anh ta tin và đi đến với Đức Giêsu. Còn Đức Giêsu đã giơ tay và chạm vào anh ta, khiếm anh ta được sạch.
Hành động này của Đức Giêsu đã xóa tan đi biết bao ngăn cách, đã trả lại cho anh một chỗ đứng trong xã hội, đã phục hồi nhân phẩm cho anh trong cuộc sống còn lại.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta, một mặt biết noi gương người phong cùi, can đảm, tin tưởng và bỏ qua mọi rào cản để đến với Chúa là mối lợi tuyệt đối và duy nhất của cuộc đời. Mặt khác, cũng mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ đến bệnh cùi tâm linh của chúng ta là những ích kỷ, kiêu ngạo, bất nhân và ham danh, trục lợi... Đồng thời, như một lời mời gọi hãy bước theo Đức Giêsu trên con đường yêu thương, xóa bỏ ngăn cách do kỳ thị ...
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tin tưởng vào tình thương của Chúa. Biết yêu thương anh chị em đồng loại như Chúa, nhất là những người thấp cổ, bé họng, khổ đau, nghèo đói chung quanh chúng con. Amen.
THỨ BẨY
ƠN CỨU ĐỘ DÀNH CHO MỌI NGƯỜI
(Mt 8, 5-17)
Câu nói của Đức Giêsu hôm nay đã làm cho không biết bao nhiêu người sững sờ, chưng hửng: “... nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong nước trời. Còn con cái trong nước sẽ bị vứt vào nơi tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng".
Đây là nỗi băn khoăn, lo lắng, thắc mắc của bao nhiêu người, đặc biệt dân Dothái thời đó.
Thật vậy: “... những người không do lỗi của mình mà không biết đến Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài, nhưng thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và nhờ ơn sủng của Ngài mà hành động để làm trọn thánh ý Ngài theo như lương tâm của họ mặc khải và truyền dạy cho họ, thì những người này có thể đạt tới ơn cứu độ muôn đời” (x. SGLGHCG, số 847; LG, số 16; DS 3866-3872).
Còn: “Những ai đã biết rằng Giáo Hội Công Giáo, được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Giêsu-Kitô, như phương tiện cứu rỗi cần thiết, mà vẫn không gia nhập hoặc không muốn kiên trì sống trong đó thì không thể được cứu rỗi” (x. LG, số 14; SGLGHCG, số 846).
Như vậy, điều quan trọng là muốn được cứu hay không? Nếu muốn được hưởng ơn cứu độ của Chúa thì:
Trước tiên, “hãy phấn đấu qua cửa hẹp mà vào”. Cửa hẹp là những gian nan thử thách, dù gặp khổ cực đến đâu vẫn phải quyết tâm sống theo Lời Chúa dạy. Phải chịu rèn luyện mới được gặt hái những hoa trái; phải “có công mài sắt mới có ngày nên kim”; phải chịu “lửa thử vàng, gian nan thử đức”.
Thứ hai, hãy vào cho kịp thời: “Một khi chủ đã đứng dậy và khóa cửa lại mà anh còn đứng ngoài… thì chỉ còn ở đó, khóc lóc nghiến răng thôi”. Nước trời không dành cho những người khô khan lười biếng, thờ ơ, chểnh mảng, say sưa, ăn chơi, gian ác hay nước đến chân mới nhảy. Những người như thế, họ sẽ lãnh nhận lời than trách nặng nề của Đức Giêsu như xưa Ngài đã nói với dân chúng thời của Ngài: “Hỡi quân gian ác, đi cho khuất mắt Ta”.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết làm theo ý Chúa muốn để được vào Nước Trời, chính là vào qua cửa hẹp và vào kịp thời để không bị loại ra ngoài. Amen.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: