Nóng giận: Trái bom nổ chậm trong gia đình
Suy niệm CN.13 TN – C:
NÓNG GIẬN:
TRÁI BOM NỔ CHẬM TRONG GIA ĐÌNH
(Lc 9, 51-62)
Từ cuộc sống: Đôi vợ chồng được xã quyền công nhận ‘Gia đình Văn hoá’ cãi nhau ầm ĩ, xem ra mức độ ngày càng tăng. Họ không chỉ lôi ra chuyện quá khứ, mà ngay cả ông bà cha mẹ đã mồ yên mả đẹp cũng bị quật dậy nghe chửi…
Chuyện gì kinh khủng thế?
Thử tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến vợ chồng gây gỗ thật lãng nhách, nếu không muốn nói, vô lý. Tất cả bắt đầu từ chuyện… con chuột.
Thì ra vợ chồng đang ăn cơm vui vẻ, bất chợt con chuột nhắt chạy ra, vợ sợ qúa hét lên… Ông chồng càu nhàu: Dạo này nhà ta sạch sẽ quá lên chuột thích vào trú ngụ… Thế là lời qua tiếng lại, ban đầu chỉ là những câu khích bác nhau, rồi chửi nhau… Câu chuyện trở nên trầm trọng khi chồng bạt tai vợ…
Có lẽ cảnh vợ la chồng- mắng con, hay chồng chửi vợ- quát con, hoặc vợ chồng cãi nhau nhiều khi khởi xuất từ chuyện con chuột, nhỏ hơn con chuột. Chuyện như thế, xem ra hơi trẻ con và vô lý song vẫn cứ thường gặp trong cuộc sống, có khi trong ngay cả gia đình mình.
Vậy nguyên nhân tại sao từ chuyện con kiến biến thành chuyện con voi, chuyện bé xé to?
Trở về bài Tin Mừng.
Tin mừng Chúa Nhật 13 TN- năm C cho biết, Chúa Giêsu bắt đầu hành trình lên Giêrusalem để hoàn tất ơn Cứu độ theo ý Cha. Trên hành trình ấy, dân làng Samaria từ khước tiếp đón Chúa Giêsu, các môn đệ cảm thấy bị xúc phạm. Hai môn đệ anh em ruột Giacôbê và Gioan đã tỏ ra thái độ giận dữ đầy tự ái: đòi xin lửa từ trời xuống thiêu rụi cho chết rũ lũ người vô ơn bội nghĩa, vuốt mặt không nể mũi, thứ tai điếc mắt đui. Danh tiếng Thầy Giêsu nổi tiếng khắp nơi ai cũng biết, ai cũng ngưỡng mộ, thế mà…
Nói cách khác: trước sự trái ý, hai môn đệ thuộc hàng trụ cột nhóm 12 này đã bộc lộ theo phản ứng tự nhiên, với những thói xấu tầm thường mà ai trong chúng ta cũng dễ rơi vào.
Cụ thể:
1. Tính nóng nảy, cả giận: hễ gặp chuyện không vừa ý là lập tức muốn trừng phạt, nổi tam bành;
2. Óc bè phái: phân biệt bạn thù và hở một chút là muốn tiêu diệt kẻ thù;
3. Lạm dụng quyền hành: ỷ mình là môn đệ Chúa Giêsu nên muốn dùng lửa trời để thỏa mãn tính nóng giận cá nhân. (x. Hạt giống nảy mầm)
Chung quy lại, mẫu chốt của mọi vấn đề bởi thói kiêu ngạo, coi mình hơn người khác, coi mình đúng, người sai.
Và chúng ta cũng dễ rơi vào tâm trạng tầm thường, nông nổi như thế khi la mắng, chửi bới người khác, mà ‘người khác’ ở đây thường lại chính là thịt thân của mình: cha mẹ- vợ chồng- con cái- anh chị em.
Khi biết chuyện, Chúa Giêsu đã trách thẳng: “Các con không biết thần trí nào xúi dục mình. Con Người đến không phải để giết nhưng để cứu chữa”.
Thánh Gioan Vianey, Cha sở họ Ars nói cho ta biết rõ thần trí nào xúi dục ta nổi loạn, giận dữ. Ngài nói: Giận dữ đến từ ma quỷ. Khi ta giận dữ, điều đó cho biết ta đang ở trong tay ma quỷ, bị chúng điều khiển. Người giận dữ giống như một con rối, họ không biết mình nói gì làm gì, bởi ma quỷ đã khống chế hoàn toàn.
Tại sao ta lại cho phép mình ở trong tình trạng như thế? Bởi vì chúng ta không yêu mến Chúa. Lòng trí chúng ta thuộc về thằng quỷ kiêu ngạo, lúc nào cũng giận dữ vì nghĩ mình bị coi thường; thuộc về thằng quỷ tham lam, lúc nào cũng gắt gỏng vì bị mất mát điều gì; thuộc về thẳng quỷ trụy lạc lúc nào cũng căm phẫn vì bị người khác cản trở con đường bất chính của mình”[1].
Và không nói đâu xa, ông bà ta vẫn cảnh cáo ‘giận mất khôn’. Vì mất khôn, nên từ chuyện chẳng đáng gì thành chuyện có vấn đề, thành thù hận, ly tán … Cứ thế nó kéo theo nhiều thứ tội ác khác. Với những người có thế quyền chỉ vì lòng giận, thù riêng hay ‘lợi ích nhóm’ có thể gây ra những thảm cảnh cho bao người vô tội, cho dân đen tội nghiệp…
Khi đã sa vào tội ác khởi di từ nóng giận thì vấn đề trở thành nghiêm trọng, vì ảnh hưởng đến ơn cứu độ đời đời.
Chính vì thế, Thánh Phaolô khuyến cáo: “Anh Em đừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn, đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng’ (Ep 4, 26-27)
Vì thấy rõ sự nguy hiểm của kiêu ngạo- giận dữ nên Chúa Giêsu minh nhiên đòi hỏi các môn đệ học nơi Người hai điều: Hiền lành và khiêm nhường: Hãy học nơi ta vì ta hiền làng và khiêm nhường (x.Mt 11, 29)
Năm Thánh Lòng thương xót của Chúa, Gia đình giáo phận Xuân Lộc mời gọi mỗi chúng ta sống cụ trong việc Sống và Loan báo Lòng thương xót của Chúa, bởi đó ta cố tránh và loại bỏ những gì có thể gây tổn hại đến tình hiệp thông và yêu thương, trong đó điều đặt nên hàng đầu là sự nóng giận, la mắng.
Chẳng ai muốn gia đình mình bất hoà, bầu khí căng thẳng bởi sự nóng giận và những triếng la mắng. Không muốn mà vẫn cứ thường xảy ra, thường xảy ra…
Tôi coi việc nóng giận, la mắng chồng -vợ- con cái… trong gia đình nguy hiểm như những trái bom nổ chậm. Nếu chúng ta không biết tháo ngòi nổ, cứ để tích tụ, chắc chắn một lúc nào đó chúng ta phải trả giá rất đắt khi bom nổ làm cả gia đình đổ vỡ, tan hoang.
Vậy thì làm sao?
Nhịn nhục, hay nhịn một câu chín câu lành, hoặc ‘thương người dể ta’- trong kinh Thương Người có mười bốn mối[2]- ta thường đọc ngày Chúa Nhật như là liệu pháp giúp ta làm chủ chính mình, tránh được ‘quả bom’ nóng giận. Và là cách cụ thể ta biểu lộ Lòng Thương xót Như Cha trong Năm thánh.
Một Cha sở già kia có nhiều kinh nghiệm thường khuyên các đôi tân hôn như sau : “Khi các con thấy trong nhà sắp xảy ra cãi vã, các con hãy nói với nhau : “Để sáng mai rồi hãy gây gổ”. Sáng hôm sau các con sẽ thấy rằng việc hôm qua thật là nhỏ nhoi không đáng gây gổ chút nào. Khi các con sắp có chuyện cãi vã, chúng con hãy ngậm hoài một ngụm nước lạnh cho đến khi ngụm nước nóng lên. Rồi cứ tiếp tục ngậm ngụm nước khác. Làm như thế các con sẽ bớt được những xô xát đổ vỡ trong gia đình.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đến đến không phải để giết nhưng để cứu sống, xin cho chúng con biết Hiền lành và Khiêm nhường theo chân Chúa để góp phần vun chăm sự sống, làm cho đời sống đáng sống, làm cho gia đình thực sự là mái ấm yêu thương.
Lm. Đaminh Hương Quất
[1] x. Những bài giảng bât hủ của Cha thánh Gioan Maria Vianey, Tập 1, Phaolô Vũ Đức Thành chuyển ngữ, bài Giận dữ, NXB Tôn giáo- 2012, tr 23tt
[2] Thương xác bảy mối: Thứ nhất: Cho kẻ đói ăn- Thứ hai: Cho kẻ khát uống -Thứ ba: Cho kẻ rách rưới ăn mặc -Thứ bốn: Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc -Thứ năm: Cho khách đỗ nhà-Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi-Thứ bảy: Chôn xác kẻ chết
Thương linh hồn bảy mối: Thứ nhất: Lấy lời lành mà khuyên người - Thứ hai: Mở dậy kẻ mê muội- Thứ ba: Yên ủi kẻ âu lo -Thứ bốn: Răn bảo kẻ có tội-Thứ năm: Tha kẻ dể ta-Thứ sáu: Nhịn kẻ mất lòng ta-Thứ bảy: Cầu cho kẻ sống và kẻ chết
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: