Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tân Phúc Âm hóa nền kinh tế - Chính trị

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

TÂN PHÚC-ÂM-HÓA NỀN KINH TẾ-CHÍNH TRỊ

 

            Chủ đề Mục vụ tháng 8/2016 là: “Lòng từ bi hay thương xót: Động lực của Tân Phúc-Âm-hóa nền kinh tế-chính trỊ” (xc “Gợi ý Mục vụ Năm Thánh Lòng Thương Xót”). Vì sao lại gọi là “nền kinh tế-chính trị”? Theo từ nguyên thì “kinh tế” là từ viết tắt của “kinh bang tế thế” (trị nước giúp đời) hay “kinh thế tế dân” (trị đời giúp dân). Cả 2 cách nói đều ngụ ý “trị nước giúp dân”, đó là công việc của nhà vua (thời phong kiến), nhà nước (thời hiện tại); mà nói đến nhà vua hay nhà nước tức là nói đến quyền lực chính trị. Có lẽ cũng vì thế nên có quan niệm gắn kết đời sống kinh tế với quyền lực chính trị để nói về nền tảng của một quốc gia trong xu hướng phát triển (Ví dụ: Người dân một nước có được cuộc sống vật chất ổn định là nhờ đất nước ấy có một nền kinh tế-chính trị ổn định và phát triển). Xin cùng tìm hiểu:

 

I- Khái niệm về nền kinh tế - chính trị: 

Sách Tóm lược Hoc thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo (1) đã dành cả Chương VII (số 323-376) để lý giải về Kinh tế và Chương VIII (số 377-427) để phân giải rất cụ thể về Chính trị. Xin dựa vào văn kiện này để tìm hiểu vấn đề:

1. Kinh tế: Kinh tế là các công việc mà chính quyền (thời xưa là nhà vua, hiện nay là nhà nước) phải đảm nhiệm: chăm lo đời sống cho cộng đồng dân nước. Nói chung, khái niệm kinh tế đề cập đến các hoạt động của con người có liên quan đến sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu thụ hàng hóa và lương thực, thực phẩm.

Trong công trình tạo dựng, con người được Thiên Chúa đặt trong vườn Ê-đen để canh tác và giữ gìn nó, tận dụng nó trong giới hạn đã được xác định (St 2,16-17) và với sứ mạng là làm cho khu vườn ấy nên hoàn hảo (St 1, 26-30; 2, 15-16; Kn 9, 2-3). Thiên Chúa đã cho con người được hoàn toàn tự do quản lý các ân huệ đã lãnh nhận và các của cải vật chất tự làm ra được. Đó là một hành vi công lý đối với bản thân mình và với người khác. Những gì đã lãnh nhận thì phải được sử dụng cách thích đáng, phải được duy trì và gia tăng, như dụ ngôn “Những yến bạc” đã gợi ý (Mt 25, 14-30; Lc 19, 12-17).

Hoạt động kinh tế và sự tăng trưởng vật chất là nhằm phục vụ con người, nên chức năng của kinh tế là làm công cụ giúp phát triển toàn diện phẩm chất nhân bản của đời sống cá vị con người và cộng đồng xã hội. Mọi người đều có quyền tham gia vào đời sống kinh tế và đều có nghĩa vụ tùy theo khả năng của mình mà đóng góp vào sự tiến bộ của quê hương mình và của toàn thể gia đình nhân loại. Nếu mọi người đều có trách nhiệm về người khác tới một mức độ nào đó, thì mọi người cũng có nghĩa vụ dấn thân vào công cuộc phát triển kinh tế chung của hết mọi người. Đây là một nghĩa vụ được thực hiện trong tình liên đới và công lý, đồng thời cũng là phương cách hay nhất để đem sự tiến bộ kinh tế đến cho toàn thể nhân loại. Khi được thi hành theo đúng luân lý, hoạt động kinh tế trở thành sự phục vụ lẫn nhau giữa con người, được biểu hiện qua việc sản xuất hàng hoá và cung cấp các dịch vụ cần thiết cho sự phát triển của mỗi người; đồng thời nó sẽ trở thành cơ hội cho mỗi người thể hiện tình liên đới và sống lời mời gọi “hiệp thông với người khác mà Thiên Chúa đã nhắm tới khi tạo dựng con người”. Nỗ lực sáng tạo và thực hiện các dự án kinh tế và xã hội có thể thúc đẩy một xã hội công bằng hơn và một thế giới nhân bản hơn..

            2. Chính trị:  Theo Từ nguyên thì "Chính trị là toàn bộ những hoạt động có liên quan đến các mối quan hệ giữa các giai cấp, giữa các dân tộc, các tầng lớp xã hội, mà cốt lõi của nó là vấn đề duy trì và sử dụng quyền lực nhà nước, sự tham gia vào công việc của nhà nước, sự xác định hình thức tổ chức, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của nhà nước." Chính trị theo nghĩa rộng hơn là hoạt động của con người nhằm làm ra, gìn giữ và điều chỉnh những luật lệ chung có tác động trực tiếp lên cuộc sống cộng đồng. Chính trị giữ vai trò hết sức quan trọng đối với từng con người cũng như toàn xã hội. Trong bất kỳ xã hội nào thì cũng cần những luật lệ chung để hoạt động nhịp nhàng và khoa học, tránh tình trạng vô tình hay cố ý xâm phạm tới lợi ích, tài sản, sức khỏe (thậm chí đến cả tính mạng) của người khác.

Ki-tô giáo ở giai đoạn đầu lịch sử, dân It-ra-en đã không có vua như các dân tộc khác, mà họ chỉ nhìn nhận sự cai trị của Gia-vê Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa can thiệp cho dân It-ra-en thông qua các cá nhân được ban cho đoàn sủng, như đã ghi lại trong sách Thẩm Phán (Thủ Lãnh). Sau đó, dân chúng mới đến gặp vị thẩm phán cuối cùng là Sa-mu-en, cũng là tiên tri, để xin một vị vua (1Sm 8, 5; 10, 18-19). Bước sang Tân Ước thì vì các Thủ lãnh luôn bị cám dỗ bởi ma lực quyền bính, chỉ ham làm bá chủ thiên hạ; vì thế, Đức Ki-tô đã mạc khải cho biết ý nghĩa đích thực và đầy đủ của quyền lực: Quyền lực không phải là cai trị, mà là phục vụ. Chỉ có Thiên Chúa là Cha, chỉ có Đức Giê-su Ki-tô là Thầy của toàn thể nhân loại, còn mọi người đều là anh chị em với nhau. Quyền hành cai trị hẳn nhiên là của Thiên Chúa; nhưng “Thiên Chúa không muốn dành cho mình đủ mọi thứ quyền hành. Ngài trao cho mỗi thụ tạo những nhiệm vụ mà chúng có thể hoàn thành tuỳ theo khả năng thuộc về bản tính của mỗi thụ tạo. Phương cách Thiên Chúa dùng để cai trị thế giới cho thấy Người rất tôn trọng quyền tự do của con người. Đó phải là đường hướng chỉ đạo cho những ai cầm quyền trong các cộng đồng nhân loại.” (Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1884).

Con người là nền tảng và mục tiêu của đời sống chính trị. Vì được phú cho bản tính có lý trí, nên con người sẽ chịu trách nhiệm về những lựa chọn của mình và có thể theo đuổi những dự phóng mang lại ý nghĩa cho cuộc sống trên bình diện cá nhân cũng như trên bình diện xã hội. Bản chất cởi mở đối với Đấng Siêu Việt cũng như đối với người khác chính là đặc điểm và là nét đặc trưng của con người. Chỉ khi biết liên kết với Đấng Siêu Việt và với người khác, con người mới đạt được sự thành toàn bản thân cách trọn vẹn và đầy đủ. Điều này có nghĩa là đối với con người – một hữu thể có bản tính xã hội và chính trị – “đời sống xã hội không phải là một cái gì thêm vào”, mà là một khía cạnh thiết yếu và không thể phai mờ.

Chính vì xã hội dân sự khai sinh ra cộng đồng chính trị, nên cộng đồng này có trách nhiệm phục vụ xã hội dân sự. Giáo hội Công Giáo đã đóng góp nhiều trong việc phân biệt cộng đồng chính trị với xã hội dân sự, chủ yếu là nhờ cái nhìn của Giáo hội về con người, được coi là một hữu thể vừa tự chủ vừa có tương quan cởi mở đối với Đấng Siêu Việt. Xã hội dân sự là tổng hợp các mối quan hệ và các nguồn lực về văn hoá lẫn hiệp hội, mà các mối quan hệ và các nguồn lực này độc lập một cách tương đối với lĩnh vực chính trị và kinh tế (“Mục đích của xã hội dân sự là phổ quát, vì nó có liên quan tới công ích, một điều mà mỗi một công dân đều có quyền hưởng cách tương xứng.” – Thông điệp Tân Sự “Rerum Novarum”, số 11). Xã hội ấy có khả năng hoạch định, tạo điều kiện cho cuộc sống xã hội được tự do và công bằng hơn, trong đó các tập thể công dân có thể lập ra các hiệp hội, ra sức phát triển và bày tỏ sở thích riêng, nhằm đáp ứng các nhu cầu căn bản và bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình.

3. Quan hệ hỗ tương giữa kinh tế và chính trị: Hành động của Nhà Nước pháp quyền và của các cơ quan công quyền khác phải ăn khớp với nguyên tắc bổ trợ và phải tạo ra những tình huống thuận lợi cho mọi người được tự do hoạt động kinh tế. Hành động ấy cũng phải xuất phát từ nguyên tắc liên đới, và phải đặt ra được những giới hạn cho sự độc lập của các bên, để có thể bảo vệ những bên yếu kém hơn.

Nhiệm vụ căn bản của Nhà Nước trong các vấn đề kinh tế là xác định một khung pháp lý thích hợp để điều hành các sự việc kinh tế, hầu bảo đảm nguyên vẹn “những điều kiện tiên quyết của một nền kinh tế tự do, giả thiết như một sự bình đẳng nào đó giữa các bên, làm sao cho bên này không quá mạnh để bắt bên kia phụ thuộc mình”. Hoạt động kinh tế, nhất là trong bối cảnh của thị trường tự do, không thể được tiến hành trong một khuôn khổ thể chế, pháp lý hay chính trị vô nghĩa; ngược lại, hoạt động kinh tế đòi phải có những sự bảo đảm chắc chắn cho sự tự do cá nhân và quyền tư hữu, cũng như một hệ thống tiền tệ ổn định và các dịch vụ công cộng hữu hiệu.

            Khi đã coi hoạt động kinh tế và sự tăng trưởng vật chất là nhằm phục vụ, ngõ hầu giúp phát triển toàn diện phẩm chất nhân bản của đời sống cá vị con người và cộng đồng xã hội, cũng tức là coi kinh tế phục vụ cho công ích. Trong khi đó, “cộng đoàn chính trị chỉ hiện hữu là vì công ích. Công ích nói đây bao gồm tất cả những điều kiện của đời sống xã hội; nhờ những điều kiện này, cá nhân, gia đình và đoàn thể có thể triển nở cách trọn vẹn và dễ dàng hơn. Chính công ích là lý do tồn tại, ý nghĩa và là căn bản pháp lý cho cộng đoàn chính trị.” (Hiến chế “Gaudium et Spes”, số 74). Rõ ràng kinh tế và chính trị có quan hệ hỗ tương, bổ túc cho nhau. Nói cách cụ thể thì một quốc gia chỉ có thể tồn tại và phát triển khi có một nền kinh tế-chính trị phù hợp với công lý (phục vụ cho công ích của nhân dân).

 

II- Tân Phúc-Âm-hóa nền kinh tế-chính trị:

Phúc-Âm-hóa là phương cách biến đổi con người theo Phúc Âm, “Mục tiêu của Phúc-Âm-hoá là dẫn mọi người vào cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giê-su Ki-tô, trong Thánh Thần, nhờ đó gặp gỡ Thiên Chúa Cha của Người, cũng là Cha của chúng ta, và để đời sống mình được biến đổi theo tinh thần Phúc Âm.” (Thư Chung của  HĐGMVN – 2013, số 3). Công cuộc Phúc-Âm-hóa xã hội loài người không gì khác hơn là “phục vụ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người." (Mt 24, 25-28). Phục vụ anh em cả tinh thần và vật chất theo gương Thầy chì thánh, luôn biết “chạnh lòng thương” đối với đồng loại, nhất là “những trải nghiệm của việc mở lòng mình ra với những người đang sống bên rìa ngoài cùng của xã hội.” (Tông chiếu Dung Mạo Lòng Thương Xót “Misericordiae Vultus”, số 15).

Xã hội phải đặt mục tiêu hoạt động kinh tế và sự tăng trưởng vật chất, là để phục vụ con người và xã hội. Vâng, “Nếu người ta xả thân làm các việc ấy với lòng tin, cậy, mến của các môn đệ Đức Ki-tô, thì ngay cả kinh tế và tiến bộ cũng có thể biến thành những địa điểm cứu độ và thánh hoá. Vì trong các lĩnh vực này, người ta cũng có thể bày tỏ một tình yêu và một sự liên đới mang tính nhân bản hơn, và đồng thời có thể góp phần làm tăng trưởng một nhân loại mới, báo trước thế giới tương lai. Đức Giê-su tóm tắt tất cả những mạc khải trên đây bằng cách kêu gọi người tín hữu hãy “trở nên giàu có trước mặt Thiên Chúa” (x. Lc 12, 21).” (Tóm  lược HTXHCG, số 326).

Một khi những hoạt động xây dựng nền kinh tế-chính trị đã đạt được mục tiêu thực sự phục vụ công ích con người và cộng đồng xã hội “thì ngay cả kinh tế và tiến bộ cũng có thể biến thành những địa điểm cứu độ và thánh hoá” (ibid), tức là gặt hái được thành quả của sứ vụ Phúc-Âm-hóa bằng cách làm mới lại phương cách rao truyền Tin Mừng Cứu Độ (“Tân Phúc-Âm-hóa”). Rõ ràng Giáo hội Công Giáo luôn mong mỏi con cái mình “Tân Phúc-Âm-hóa nền kinh tế-chính trị” bằng chính Lòng Thương Xót của Đấng Giàu Lòng Từ Bi Nhân Hậu.

 

III- Lòng Từ bi hay Thương xót: Động lực Tân Phúc-Âm-hóa nền kinh tế-chính trị:

Sứ mạng của Giáo hội là loan báo Tin Mừng Cứu Độ, là Phúc-Âm-hóa. Thời đại ngày nay luôn có những biến chuyển, nên công cuộc Phúc Âm hóa đòi hỏi phải được liên tục đổi mới (Tân Phúc-Âm-hóa). Điều tối quan trọng đối với Giáo hội, cũng như để làm cho lời rao giảng của Giáo hội đáng tin, chính là sống và làm chứng cho lòng thương xót. Ngôn ngữ và hành động của Giáo hội cần phải thông truyền lòng thương xót, để đến với trái tim con người và giúp họ tìm thấy đường lối dẫn về Thiên Chúa Tình Yêu.

Vì Tình Yêu, Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ và loài người. Nói cách cụ thể thì khi sáng tạo vũ trụ và vạn vật, Thiên Chúa đã bày tỏ lòng thương xót luôn hướng về tập thể, cộng đồng, tức là lo cho công lý và hòa bình của xã hội loài người. Công lý và hòa bình của nhân loại chính là hệ quả của nền kinh tế-chính trị, là khởi nguyên Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, nên khi con người đem hết tâm lực ra để mưu cầu lợi ích chung cho cộng đồng xã hội chính là đã thể hiện lòng thương xót cách cụ thể. Vì thế, nên “Không lạc đề ở đây để nhắc nhớ về mối quan hệ giữa công lý và lòng thương xót. Đây không phải là hai thực tại mâu thuẫn, nhưng là hai chiều kích của một thực tại duy nhất mở ra dần dần cho đến khi đạt đến đỉnh điểm trong sự viên mãn của tình yêu.” (Tông chiếu “Misericordiae Vultus”, số 20).

Đến như trong khuôn viên Tòa Thánh Vatican, vấn đề quản trị tài sản mà Giáo hội sở hữu cũng đòi hỏi phải theo một khung pháp lý thích hợp để điều hành các sự việc kinh tế, hầu bảo đảm nguyên vẹn mục đích tối hậu mà Đấng Phu Quân Giê-su Ki-tô đã trao phó cho hiền thê Giáo hội: Đó là chiếu tỏa Công Lý và Lòng Thương Xót đến tận cùng trái đất. Vấn đề này đã được ĐTC Phan-xi-cô viết trong phần mở đầu của Tự sắc về CÁC THẨM QUYỀN TRONG LÃNH VỰC KINH TẾ TÀI CHÁNH VATICAN (ban hành ngày 9/7/2016): “Các tài sản tạm thời mà Giáo Hội sở hữu được chỉ định cho viêc theo đuổi các mục đích của Giáo Hội là việc thờ phượng, trợ giúp hàng giáo sĩ, làm việc tông đồ và các công tác bác ái, đặc biệt trong việc phục vụ người nghèo. Vì thế, Giáo Hội cảm thấy có trách nhiệm phải rất chú ý để việc quản trị các tài nguyên kinh tế luôn phục vụ các mục đích này.”

Tất cả những biện giải trên đều quy về một mối duy nhất: Động lực chính thúc đẩy công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa nền kinh tế-chính trị của cộng đồng xã hội, không gì khác hơn là chiếu giãi Lòng Từ bi hay Thương xót mà Giáo hội nói chung, và mỗi Ki-tô hữu nói riêng đã lãnh nhận từ Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót. Đó chính là sứ vụ “Chiếu tỏa Lòng Thương Xót ra môi trường xã hội”. Thật vậy, “Chân lý đầu tiên của Giáo Hội là tình yêu Chúa Ki-tô. Giáo Hội muốn trở thành nữ tỳ và người trung gian của tình yêu ấy, một tình yêu tha thứ và tự hiến. Vì thế, nơi đâu có Giáo Hội hiện diện, thì nơi đó lòng thương xót của Chúa Cha phải được tỏ hiện. Trong các giáo xứ, các cộng đoàn, hiệp hội và phong trào, nói chung, ở đâu có các Ki-tô hữu hiện diện, thì ở đấy bất cứ ai cũng sẽ gặp thấy một tụ điểm chan hòa lòng thương xót.” (Tông chiếu “Misericordiae Vultus”, số 12).

 

Kết luận:

            Tóm lại, người Ki-tô hữu cần nhận chân được vấn đề thiết thân là mình có trách nhiệm phải “loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” trong sứ vụ nhất quán của Giáo hội. Sứ vụ đó phải luôn luôn được đổi mới: “Mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp, và mới trong cách diễn tả”. Mới về lòng nhiệt thành là làm mới lại tương quan giữa bản thân chúng ta với Đức Giêsu Kitô, để mối tương quan ấy hướng dẫn toàn bộ đời sống chúng ta. Mới trong phương pháp là biết vận dụng những phương pháp thích hợp để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thời đại về nhiều mặt, văn hoá, xã hội cũng như kỹ thuật. Mới trong cách diễn tả là cố gắng nghiên cứu và sử dụng những cách diễn tả phù hợp, để con người hôm nay có thể hiểu và lĩnh hội được sứ điệp Phúc Âm.” (Thư Chung – 2013 của HĐGMVN).

            Để hoàn thành được sứ vụ do Thiên Chúa và Giáo hội trao phó, người Ki-tô hữu phải kiên định trong nhận thức: Lòng Từ bi hay Thương xót của Thiên Chúa chính là động lực Tân Phúc-Âm-hóa nền kinh tế-chính trị của quê hương đất nước mình đang sinh sống. Đồng thời chạy đến với Đức Mẹ của Lòng Thương Xót  “Cầu xin sự dịu ngọt trên thánh nhan Mẹ dõi theo chúng ta trong Năm Thánh này, để tất cả chúng ta có thể tái khám phá niềm vui về sự dịu dàng của Thiên Chúa. Không ai đã bước vào mầu nhiệm sâu xa của việc nhập thể như Đức Maria. Toàn bộ cuộc sống của Mẹ được hun đúc theo sự hiện diện của lòng thương xót đã hóa thành nhục thể. Mẹ của Đấng Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh đã bước vào cung thánh của lòng thương xót Chúa vì Mẹ đã tham gia mật thiết trong mầu nhiệm tình yêu của Ngài.” (Tông chiếu “Misericordiae Vultus”, số 24). Ước được như vậy. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.

--------------------------

Chú thích: (1)- Năm 2004, Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình đã thực hiện cuốn sách “Compendium of the Social Doctrine of the Church” (bao gồm 12 Chương, từ số 01 tới 583). Năm 2007, Uỷ ban Bác ái Xã hội thuộc HĐGM/VN đã dịch sang tiếng Việt với tên gọi “Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo”, nhằm mục đích “giới thiệu cho đồng bào Công giáo và không Công giáo những nguyên tắc nền tảng và đường hướng hoạt động của Giáo hội Công giáo trong lĩnh vực xã hội. Nội dung cuốn sách được in thành hai ấn bản: Một ấn bản “Phổ thông” dành cho quảng đại độc giả và một ấn bản tạm gọi là “đầy đủ”, có thêm phần tra cứu, dành cho những độc giả nào muốn tham khảo, đối chiếu chi tiết về nội dung Học thuyết XHCG.” (x. “Lời nói đầu”)

(xc nguồn: www.vatican.va/.../rc_pc_justpeace_doc_20060526_compendio-dott-soc...).