Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi
Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi *
Trên internet có câu chuyện vui như sau :
“ Thượng đế muốn thay đổi vận mệnh của một kẻ ăn xin, bèn biến thành một lão già đến làm phép cho anh ta. Thượng đế hỏi kẻ ăn xin:
- Nếu ta cho cậu mười triệu, cậu sẽ dùng nó như thế nào?
Kẻ ăn xin đáp:
- Vậy thì tốt quá, tôi có thể mua một chiếc điện thoại!
Thượng đế không hiểu, hỏi:
- Tại sao lại muốn mua điện thoại?
- Tôi có thể dùng điện thoại để liên lạc với các khu vực trong cùng một thành phố, nơi nào đông người, tôi có thể tới đó ăn xin.
Thượng đế rất thất vọng, lại hỏi:
- Nếu ta cho cậu một trăm triệu thì sao?
Kẻ ăn xin nói:
- Vậy thì tôi có thể mua một chiếc xe. Sau này, tôi ra ngoài ăn xin sẽ thuận tiện hơn, nơi xa đến mấy cũng có thể đến được.
Thượng đế cảm thấy rất bi thương, lần này, ngài nói:
- Nếu ta cho cậu một trăm tỷ thì sao?
Kẻ ăn xin nghe xong, hai mắt phát sáng:
- Tốt quá, tôi có thể mua tất cả những khu vực phồn hoa nhất trong thành phố này.
Thượng đế lấy làm vui mừng. Lúc này, kẻ ăn xin bổ sung một câu:
- Tới lúc đó, tôi có thể đuổi hết những tên ăn mày khác ở lãnh địa của tôi đi, không để họ cướp miếng cơm của tôi nữa.
Thượng đế nghe xong, lẳng lặng bỏ đi.”
Một nhà tư tưởng đã nói :
Hãy chú ý đến suy nghĩ của bạn; chúng sẽ trở thành lời nói.
Hãy chú ý đến lời nói của bạn; chúng sẽ trở thành hành động .
Hãy chú ý đến hành động của bạn; chúng sẽ trở thành thói quen
Hãy chú ý đến thói quen của bạn; chúng sẽ trở thành tính cách
Hãy chú ý đến tính cách của bạn; chúng sẽ trở thành số phận.
Như vậy, tính cách hay số phận của một con người là kết quả của một quá trình đào luyện trong từng suy nghĩ, lời nói, hành động được thực hiện một cách thường xuyên và có định hướng lâu dài trong suốt cuộc sống của chúng ta chứ không thể ngày một ngày mai mà hình thành được.
Tất cả tạo nên thái độ sống và thái độ sống đó tốt hay xấu, tích cực hay tiêu cực tùy thuộc vào tác động giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội và nổ lực của chính bản thân người đó. Yếu tố cuối cùng này rất quan trọng vì cho dù chúng ta có nhận được bao nhiêu sự giúp đỡ, được sống trong một môi trường tốt đến bao nhiêu đi nữa, được có cơ hội tiếp xúc, lắng nghe nhiều lời khuyên nhủ quý giá đi nữa thì tất cả cũng trở nên vô hiệu hóa nếu chúng ta không kết hợp một cách tích cực với sự nổ lực của bản thân.
Mọi người có thể giúp cho ta cách sống nhưng không ai có thể sống giúp chúng ta. Vì thế, nếu trong quá trình sống, nếu người ăn xin không biết tự trang bị cho mình một thái độ sống tích cực, phù hợp thì cho dù có cơ hội nắm được trong tay mười triệu hay thậm chí là một trăm triệu hay một trăm tỷ đi nữa thì anh ta vẫn lại trở lại với nghề ăn xin. Anh ăn xin không thể thoát cái kiếp ăn xin chỉ nhờ cơ hội nhưng chính là anh dám thay đổi thái độ sống của mình.
Trong cuộc sống xã hội, một vấn đề thực tế ở nước ta hiện nay là tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại khá phổ biến. Bạo lực gia đình là một trong những hậu quả của sự bất bình đẳng giới.
Xuất phát từ nguyên nhân sâu xa và căn bản nhất là với tư tưởng trọng nam khinh nữ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, người chồng cho rằng mình có quyền chửi mắng hay đánh đập vợ. Nhưng lỗi có phải hoàn toàn thuộc về người đàn ông, hay chính người phụ nữ cũng góp phần tạo nên bi kịch cho cuộc đời mình ?
Phần lớn những người vợ - nạn nhân chủ yếu trong các cuộc bạo hành gia đình thì hiếm khi nhờ đến sự can thiệp của cha mẹ, bạn bè và nhất là luật pháp. Với suy nghĩ đó là việc riêng của gia đình, họ không muốn vạch áo cho người xem lưng vì " xấu chàng thì hổ thiếp". Pháp luật có thể giúp cho người phụ nữ đòi lại công bằng, nhưng cái khó là chính người phụ nữ lại không muốn nhờ pháp luật can thiệp. Trong suy nghĩ của nhiều người, thậm chí là của ngay chính nạn nhân cho rằng, nếu như họ có lỗi thì bạo lực gia đình đối với phụ nữ là điều chấp nhận được. Chính quan niệm và thái độ nhẫn nhịn, cam chịu của những người vợ đã tạo điều kiện cho sự tồn tại của bạo lực gia đình. Các nạn nhân bị bạo lực vẫn quan niệm rằng đó là những mâu thuẫn hàng ngày không tránh khỏi trong gia đình chứ họ không nghĩ rằng đó là hành vi bạo hành và nạn nhân cần được bảo vệ.
Mỗi lần đọc thấy những tin tức, hình ảnh những người phụ nữ bị chồng đánh đập, đối xử không thua gì súc vật, tôi vừa thương lại vừa giận. Bởi lẽ không thể nào trong suốt cuộc đời mình, người phụ nữ ấy không thể tìm ra một cơ hội để tự giải phóng, tự đòi lại công bằng cho vận mệnh sống của mình. Họ thiếu đi điều cần phải có là cách thức tư duy đúng đắn. Chính tư duy này sẽ quyết định số phận của họ. Không dám thay đổi tư duy, khư khư ôm lấy những định kiến, những quan niệm xưa cũ cho rằng “ giá trị của người phụ là ở tấm chồng” mà không công nhận một thực tế là “ phụ nữ không hơn nhau ở tấm chồng, mà hơn nhau ở bản lĩnh dám cầm dám buông” (1) thì đừng bao giờ mong rằng mình cũng có quyền tôn trọng cuộc sống và quyết định của mình, và thay vào đó là thái độ chấp nhận “ trong nhờ, đục chịu” như một sự an bài của số phận.
Bàn rộng hơn trong phạm vi một đất nước cũng thế . Như chúng ta đã biết, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay (Hà Lan) vừa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông sau 3 năm thụ lý, theo đó tòa tuyên bố "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có chủ quyền lịch sử" tại Biển Đông.(1)
"Tòa Trọng tài Thường trực kết luận rằng không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc đòi chủ quyền lịch sử đối với tài nguyên, vượt quá các quyền mà Công ước về Luật Biển cung cấp, trong vùng biển thuộc phạm vi 'đường chín đoạn'," thông cáo báo chí của PCA viết (1).
Thế nhưng, tưởng cũng nên nhắc lại vào tháng 9.2009, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã tổ chức cuộc toạ đàm dân sự đầu tiên để quốc tế hoá vấn đề biển Đông. Trong cuộc toạ đàm có một phóng viên ở Thủ đô Washington hỏi Đức Cha Phaolô rằng”: “ Có biết tàu lạ vào biển Đông là tàu gì không?” . Ngài đáp : “ Tôi nói đáng lẽ ông phải hỏi công an hay bộ đội biên phòng chứ còn tôi chỉ là một linh mục làm sao tôi biết mà trả lời. Nhưng anh đã hỏi thì tôi xin phép được trả lời là: “Đối với chúng tôi, tàu mới hay tàu cũ, tàu lạ hay tàu quen, tàu to hay tàu nhỏ đều là tàu cả.”
Nghĩa là trong khi cách đây 3 năm phía Philippines khởi kiện Trung Quốc và được PCA ra phán quyết thắng kiện, bác bỏ "đường lưỡi bò" thì Việt Nam - một trong những quốc gia trong vùng tranh chấp với Trung Quốc lại không hề lên tiếng, thậm chí không dám thừa nhận những “ tàu lạ” có mặt trên biển Đông là tàu của Trung Quốc. Và bây giờ, câu trả lời đầy thông minh và dí dỏm của Đức Cha Phaolô đã nêu lên đúng thực trạng là Trung Quốc đã và đang thực hiện mưu đồ xâm lấn biển Đông .
Trước những thực tế đó, chính quyền vẫn tiếp tục đàn áp những người biểu tình yêu nước trong ôn hòa để phản đối âm mưu xâm lấn Biển Đông của Trung Quốc. Trong khi với hiểm họa xâm lăng, nhà cầm quyền vì một lý do gì đó, nói như nhận định của Đức Cha Phaolô rằng : “...” nhìn một cách khách quan, đối diện với những gì nhà nước thực hiện cho đến hôm nay thì chúng ta phải đau lòng mà nói rằng chưa đúng mức “” (3) . Và cái sự “ chưa đúng mức” đó chính là kết quả của nhận thức , không dám thay đổi cái tâm thế nhu nhược của chính quyền đối với kẻ thù xâm lược. Do vậy, cho dù có được sự đồng lòng phản đối âm mưu xâm lấn Biển Đông của Trung Quốc, sự ủng hộ của đa số người dân Việt trong cũng như ngoài nước thì chính quyền đương thời khó tránh khỏi cái nguy cơ mất nước, phụ công dựng nước và giữ nước của cha ông ta từ bao đời nay.
Trong đời sống đạo, nhiều người Kitô hữu trong chúng ta cũng xem việc lãnh nhận bí tích Rửa Tội, được gia nhập vào Giáo Hội, được trở thành con cái Chúa là bảo đảm vững chắc cho đời sống đức tin của mình. Nhưng thực ra, để có một đức tin trưởng thành, chúng ta phải không ngừng học hỏi, tìm hiểu Kinh Thánh và để Lời của Ngài thấm đượm trong từng tế bào cuộc sống của chúng ta.
Đồng thời, muốn có một thái độ sống của một người thực sự thuộc về Chúa,trở nên giống hình ảnh của Chúa, chúng ta cũng miệt mài trau luyện, cố gắng đổi mới mình trong từng hy sinh, tháp nhập đời sống của mình vào Thiên Chúa trong từng giây phút của cuộc đời.
Lạy Chúa, vì tình thương vô lượng vô biên, Chúa đã cho chúng con được làm người và trở thành con cái Chúa. Xin Thánh Thần Chúa hãy ban cho chúng con niềm tin và sức mạnh để chúng con luôn biết canh tân đời sống mình. Nhờ đó, chúng con mới trang bị cho mình một thái độ sống cho đúng với danh hiệu một con người với đầy đủ những giá trị của nó cũng như luôn biết sống xứng đáng với địa vị là con cái Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Amen .
Điền Phương Thảo
(1)http://www.baomoi.com/phu-nu-khong-hon-nhau-o-tam-chong-ma-hon-nhau-o-ban-linh-dam-cam-dam-buong/c/19227294.epi
(2)http://www.vietnamplus.vn/pca-phan-quyet-trung-quoc-khong-co-chu-quyen-lich-su-o-bien-dong/395622.vnp
3) BIỂN ĐÔNG DẬY SÓNG—“VIÊN ĐẠN CẦN BẮN LÀ SỰ ĐOÀN KẾT DÂN TỘC” conggiaovietnam.net )
* Tựa tác phẩm của Andrew Matthews
--
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: