Khát vọng hòa bình của nhân loại
KHÁT VỌNG HÒA BÌNH CỦA NHÂN LOẠI
Hòa bình là cột trụ chính trong 12 giá trị sống của nhân loại đã được Ủy ban UNICEF của UNESCO công nhận vào tháng 08 năm 1996 tại New York bao gồm: Hòa bình, Tôn trọng, Tình yêu thương, Khoan dung, Trung thực, Khiêm tốn, Hợp tác, Hạnh phúc, Trách nhiệm, Giản dị, Tự do và đoàn kết.
Đó là kết quả sau cuộc hội thảo của 20 nhà giáo dục đến từ 5 châu lục đã được Unesco ủy thác nghiên cứu.
Hòa bình theo nghĩa rộng (Tích cực, chủ động)
UNESCO đã định nghĩa và giải thích hòa bình như sau:
“Hòa bình là đặc trưng nổi bật của những gì mà chúng ta gọi là “xã hội văn minh”, là mơ ước của biết bao thế hệ người về một trạng thái tinh thần bình an, một cuộc sống hạnh phúc không có chiến tranh và bạo lực, trong đó mọi người đều yêu thương và hợp tác cùng nhau.
Hòa bình cần phải bắt đầu từ mỗi người trong số chúng ta. Thông qua sự suy ngẫm lặng lẽ và nghiêm túc về ý nghĩa của hòa bình, mỗi người, mỗi dân tộc lại có được các cách thức và sáng tạo mới để có thể hiểu biết, cảm thông và chia sẻ cùng nhau hướng tới tình bạn và sự hợp tác.
Hòa bình bao gồm có các tư tưởng, tình cảm, ước muốn và hành động trong sáng. Để giữ được hòa bình chúng ta cần có tri thức, tình cảm, lòng quyết tâm và sức mạnh”.
Hoặc: “Chủ nghĩa hòa bình tích cực dựa trên sự hợp tác quốc tế, trong đó con người có thể dàn xếp mọi dị biệt của họ bằng đối thoại tránh bạo lực” (Thủ tướng Shizo Abe tháng 12 năm 2013)
Hòa bình theo nghĩa hẹp (Tiêu cực, thụ động)
“Hòa bình là tình trạng không có chiến tranh” (Từ điển Viện Ngôn Ngữ Học, nhà xuất bản Phương Đông năm 2002).
Hay: hòa bình là tình trạng vắng bóng chiến tranh, hay các hình thức xung đột khác; hoặc càng phi vũ trang, thế giới càng hòa bình (Hiến pháp Nhật Bản năm 1946)
Khát vọng hòa bình và lên án chiến tranh của nhân loại
Từ ngàn xưa, và tận đến hôm nay, hòa bình theo cả hai nghĩa hẹp và nghĩa rộng vẫn luôn là khát vọng chính đáng của con người, và chiến tranh luôn bị những người yêu chuộng hòa bình lên án. Điều đó được thể hiện trong nhiều hình thức, thể loại khác nhau như: Triết học, văn, Thơ, Tiểu thuyết, Kịch, Họa, Đối thoại, Bàn bạc, Hội nghị.... Nhưng có lẽ rõ nhất, phổ thông nhất vẫn là qua các bài hát về hòa bình như: Hòa Bình Ơi! Việt Nam Ơi! Hòa Bình Là Cơm Áo, Chúng Ta Mong Hòa Bình, Nếu Mai Này Hòa Bình. Đặc biệt hơn cả là hơn 600 ca khúc của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, một nhạc sỹ đã làm rung động hàng triệu trái tim con người không những ở Việt Nam, mà còn ở cả hải ngoại. Ông đã nói nên sự khủng khiếp, dã man và tàn ác của chiến tranh: “Đại bác đêm đêm dội về thành phố người phu quét đường dừng chổi đứng nghe... Hàng vạn chuyến xe claymore lựu đạn. Hàng vạn chuyến xe mang vô thị thành, từng vùng thịt xương có mẹ có em…” Ông cũng đã nói lên sự khao khát, mong ước hòa bình sớm trở lại trên quê hương thân yêu: “Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm, tôi sẽ đi thăm nhiều nghĩa địa buồn, đi xem mộ bia nhiều như nấm. Khi đất nước tôi không còn chiến tranh. Mẹ già lên núi tìm xương con mình…Khi đất nước tôi không còn giết nhau…Mọi người ra phố mời rao nụ cười…”
Một điểm cần chú ý nữa là dòng nhạc Jazz đang thịnh hành hôm nay, đã được UNESCO coi là thông điệp hòa bình cho toàn thế giới. Nhận định này đã được bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc đưa ra nhân “Ngày Nhạc Jazz quốc tế”. bà nói: “Tinh thần của nhạc Jazz là nguồn cảm hứng của các nhạc sỹ cũng như các nhà thơ, họa sỹ và nhà văn trên toàn thế giới, đồng thời nhắc nhở chúng ta rằng văn hóa hoàn toàn khác với giải trí; văn hóa là cửa sổ tâm hồn, là công cụ để chúng ta bày tỏ cảm xúc…Lịch sử nhạc Jazz là sự pha trộn giữa nhiều dân tộc và nền văn hóa, bao gồm châu Phi, châu Âu và vùng Caribbean. Do vậy dòng nhạc này thể hiện quyền lực của âm nhạc trong việc kiến tạo hòa bình, đoàn kết người dân đến từ moị nền văn hóa và có hoàn cảnh khác nhau”
Cũng trong lãnh vực âm nhạc, gần đây cô bé Ghina Bou Hemdan người Syria 9 tuổi đã bật khóc khi biểu diễn nửa chừng ca khúc: “Give us childhood, give us peace” (Cho em tuổi thơ, cho em hòa bình): “Người Syria ăn cây cỏ để chống đói hàng ngày…Những bộ xương di động vật vờ trong thị trấn Syria…” khiến ban giám khảo cuộc thi The voice Kids, và bao khán giả trong thính phòng, cũng như trên màn hình nhỏ vỡ òa vì xúc động.
Con người đi tìm đường xây dựng hòa bình
Chiến tranh đã để lại biết bao đau thương cho con người ngay từ thuở khởi đầu của nhân loại cho đến hôm nay. Bình tâm lại, con người đã nhận rõ được những tội ác khủng khiếp do chiến tranh gây ra. Và cũng từ đó, đã có nhiều người, nhiều bộ lạc, nhiều quốc gia và nhân loại đã suy nghĩ, bàn bạc trao đổi trong nhiều hội nghị, để cùng thống nhất đưa ra được những Qui ước, Luật lệ, Hiến pháp, Hiến chương …giúp việc sống chung giữa các công dân trong một nước, và các quốc gia với nhau bớt xung đột, ngăn chăn thảm họa chiến tranh.
Cùng những lời khuyên tuy ngắn ngủi, nhưng đầy ý nghĩa của bao bậc vĩ nhân của nhân loại đã thực sự giúp ích nhiều cho thế giới hôm nay: “Không thể gìn giữ hòa bình bằng bạo lưc, nó chỉ có thể đạt được bằng sự thông hiểu lẫn nhau” (Albert Einstein); “Hòa bình là đức hạnh của nhân loại, chiến tranh là tội ác” (Victor Hugo); “Nói về hòa bình là không đủ, bạn phải tin vào nó. Và tin vào hòa bình là không đủ, bạn phải hành động vì nó” (Tổng thống Franklin. D. Roosevelt Hoa Kỳ); “Hòa bình bắt đầu với một nụ cười” (Mẹ Teresa); “Trong khi bạn tuyên bố hòa bình với đôi môi của mình, hãy cẩn thận để có nó, thậm chí còn nhiều hơn trong trái tim của bạn” (Francis Assisi).
Lời cầu nguyện của Thánh Phanxicô Assisi, nay được Lm. JB. Nguyễn Sang chuyển thành bài hát: Kinh Hòa Bình là một định hướng sống chung mầu mực để đem lại hòa bình cho con người: “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…”
Một cố gắng của Giáo Hội Phật Giáo về xây dựng hòa bình trong dịp Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc Năm 2014 với chủ đề “Con đường dẫn đến hòa bình thế giới” kết hợp giữa hai quan điểm, triết gia Emmanuel Kant (1724-1804) và Phật Giáo được tóm tắt: “HÒA BÌNH là sự kết thúc mọi thù địch, mọi hành động chiến tranh. Với nhãn quan triết học, trong “Hướng tới nền hoà bình vĩnh cửu”, E. Kant đã vạch ra những điều kiện, nguyên tắc cơ bản để nhấn mạnh rằng, hoà bình phải được thiết lập một cách tích cực, được bảo vệ bằng luật pháp quốc tế và hiến pháp dân sự; rằng con người phải có quyền công dân thế giới – một quyền cao hơn, hay chí ít, cũng không thấp hơn quyền tự do cá nhân. Theo đó, có thể khẳng định “Hướng tới nền hoà bình vĩnh cửu” không chỉ là tư tưởng triết học độc đáo, có ý nghĩa nhân văn cao cả của E. Kant, mà hơn thế, còn là một khát vọng chân chính của nhân loại.” (Đõ Kim Thêm)
Tóm lại, những cố gắng của con người dù mang tính cá nhân hay tập thể, quốc gia hay thế giới để chấm dứt chiến tranh, tái tạo hòa bình, mưu cầu hạnh phúc cho con người được sống tự do, dân chủ, bình đẳng, nhân quền được bảo đảm, dù chưa được trọn vẹn, xong điều đó thật đáng mừng và trân trọng biết bao!
Chiến tranh hận thù, vô cảm đến dửng dưng vẫn còn quanh ta.
Khát vọng về hòa bình đến nay loài người vẫn chưa được toại nguyện. Nhân loại tưởng như sau hai cuộc thế chiến với hàng triệu người bị giết chết, con người sẽ mãi mãi được sống trong hòa bình. Nhưng không như thế, kết thúc cuộc chiến bằng bom đạn, loài người lại lao vào cuộc chiến tranh lạnh gầm ghè nhau suốt mấy chục năm, với những ý thức hệ trái ngược xung đột, cùng với các loại vũ khí nguy hiểm ngấm ngầm được chế tạo từ hai phía để đe dọa và đề phòng nhau. Nào là tầu ngầm hạt nhân, máy bay tiêm kích, xe tăng chiến đấu chủ lực, tiểu liên AK-47, súng trường FN- FAL… Và ngày nay, khi chiến tranh lạnh trôi qua, thì với những hình thức chiến tranh man rợ khác, như trong thời trung cổ đang tràn lan trên mặt đất. Điển hình là cuộc chiến khủng bố của IS trên thế giới; cuộc chiến chống lại lòng tham vô đáy, sự vô cảm, thờ ơ, dửng dưng của con người, với đồng loại, với Tạo Hóa; cuộc chiến chống lại tham nhũng với nhóm người “ăn trên ngồi trốc” đang có quyền hành thống trị xã hội…Buồn biết bao!
Phần kết
Là người Kitô hữu, và cũng là một Cursillista (Người đã học Khóa Ba Ngày Phong Trào Cursillo) chúng tôi xác tín rằng: Vũ trụ cùng muôn loài đã được Thiên Chúa yêu thương tạo dựng trong một trật tự cực kỳ diệu kỳ, mà khả năng con người dù tiến bộ cỡ nào, vẫn không hiểu hết được. Con người được Thiên Chúa yêu thương dựng nên giống hình ảnh của người để cai quản làm chủ muôn loài trong HÒA BINH và đầy AN VUI . Tiếc rằng, con người vì kiêu ngạo, muốn bằng Thiên Chúa đã lỗi luật. Tội ác, chiến tranh và chết chóc từ đó sinh ra trên trái đất này. Và ngày nay, còn khá đông nhân loại không những thờ ơ, dửng dưng mà còn chống lại Thiên Chúa, kể cả có những người đã biết Chúa. Chính điều đó không thể có hòa bình đích thực cho nhân loại.
Hòa bình chân chính đích thực chỉ có thể đến với nhân loại khi nhân loại không thờ ơ dửng dưng với Thiên Chúa, và cũng không thơ ơ, dửng dưng với con người và môi trường sống của mình. Ta cần đọc và suy gẫm, cùng thực hiện: “Vượt thắng sự thờ ơ để có hòa bình” (Chủ đề Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phancicô, nhân ngày hòa bình thế giới năm 2016).
Như thế việc tái loan báo, và loan báo Tin Mừng cho muôn dân là điều cấp bách hơn bao giờ hết. Đúng như Chúa đã Phán: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng” (Mc 16, 9-18) vì: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại thiếu” (Lc 10, 2)
Cursillista Inhaxiô Đặng Phúc Minh
* UNICEF (United Nations Children’s Fund: Quĩ nhi đồng Liên Hiệp Quốc)
* UNESCO (United Nations Educational Scientific and cultural organization: Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: