Hấp lực của chiếc ghế
HẤP LỰC CỦA CHIẾC GHẾ (CN XXII/TN-C)
Cổ nhân sáng tạo ra bàn ghế chỉ có mục đích phục vụ cho cuộc sống con người. Chiếc ghế chỉ là một dụng cụ dùng để ngồi ăn uống hay làm việc trong sinh hoạt hàng ngày nơi gia đình hay những nơi công cộng tại làng xóm, rộng ra là xã hội. Cũng vì loài người coi trọng chức quyền, danh vọng, từ đó phân biệt ngôi thứ và chỗ ngồi trong xã hội, nên chiếc ghế trở thành một thứ hấp lực gây nên những cuộc tranh chấp. Ai cũng thích ghế cao và bảo vệ ghế của mình bằng mọi giá. Con người luôn bị ám ảnh bởi những chiếc ghế. Chiếu trên, chiếu dưới, ghế cao, ghế thấp chẳng phải là chuyện cổ xưa ở đình làng. Ngày nay vẫn có những bạn trẻ cố kiếm cho được mảnh bằng, ngõ hầu có được chỗ làm lương cao để ung dung hưởng thụ một chỗ ngồi trên chiếc ghế danh vọng trong xã hội. Mảnh bằng đó, nếu là do sự cố gắng “dùi mài kinh sử” (học tập) thì không có vấn đề gì; nhưng nếu là chạy chọt, mua bán những tấm bằng giả, ấy mới là chuyện đáng bàn.
Nhìn vào hương thôn Việt Nam thủa xưa sẽ thấy ngay cái hủ tục “mua quan bán tước” để giành chỗ ngồi (chiếc ghế) trong làng xã. Nhỏ thì mua nhiêu mua xã, lớn lên thì mua chức mua tước (từ trương tuần đến phó lý, rồi lý trưởng, phó tổng, chánh tổng v.v…). Tất cả đều phải mua bằng tiền (hoặc gán đất, gán ruộng). Rồi khi mua được những thứ đó, còn phải tổ chức khao vọng đãi tổ, đãi làng. Ngoài ra, nếu học hành đỗ đạt (từ Khoá sinh đến thi Hương, thi Hội, thi Đình) cũng đều phải tổ chức khao vọng (vinh quy bái tổ). Và nếu cứ đà ấy mà phất lên, đến tuổi lão niên sẽ được xếp vào “cỗ nhất” trong hương đẳng, đó là “tứ trụ” – 4 vị cao trọng nhất của làng: Ngồi thì ngồi chỗ cao trọng nhất, ăn thì được ăn những thứ được cho là ngon bổ nhất, như thủ lợn (đầu heo) chẳng hạn; bất cứ thứ gì dành cho “tứ trụ” cũng “nhất” hết trơn!.
Đã có không ít những cảnh cười ra nước mắt vì cái hủ tục này: Chồng lo chạy chọt mua được chức lý trưởng, bao nhiêu ruộng nương cầm cố cho bằng hết, cuối cùng phải cho vợ đi ở đợ (làm người giúp việc cho một gia đình giàu có), cho con đi làm tôi mọi cho người khác (ở những nơi thật xa làng để tránh thiên hạ chê cười, đàm tiếu), ngõ hầu có tiền trang trải nợ nần chồng chất vì cái chỗ ngồi của mình (câu tục ngữ “cầm vợ đợ con vì miếng đỉnh chung” đã nói lên cảnh này). Đi đâu cũng khăn đóng áo dài và gặp ai cũng được chào là “cụ lý”, “cụ chánh”, hách lắm; nhưng về đến nhà, chẳng có ai phục dịch miếng cơm chén nước, đêm nằm vắt tay lên trán mới thấm thía sự đời dâu bể!
Ngày nay, hủ tục khao vọng đình đám tuy không còn, nhưng lại nảy sinh những mưu ma chước quỷ để tranh bá đồ vương, tiếm quyền tiếm chức, tranh danh đoạt lợi, để được nổi danh nổi tiếng, tiền hô hậu ủng, xe hơi nhà lầu, võng lọng xênh xang. Và câu “một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp” vẫn luôn luôn và mãi mãi đúng. Tâm lý chung con người ai chẳng muốn chọn cho mình phần tốt nhất, ai chẳng muốn đi ăn tiệc được ngồi vào cỗ nhất. Ngay đến các Tông đồ ở cận kề với Người Thầy luôn dạy dỗ môn đệ phải khiêm nhường, vậy mà cũng có hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an muốn ngồi cỗ nhất (bên tả và bên hữu Chúa: Tả hữu Thừa tướng của vua Giê-su!). Không phải chỉ có 2 môn đệ này đâu, mà các môn đệ khác cũng tỏ ra tức tối ("Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an. " – Mc 10, 41). Tức tối tức là ghen tị, là mong muốn mình phải được coi trọng hơn. Các kinh sư và Pha-ri-sêu thích ngồi ghế danh dự trong hội đường. Đến ngay cả Phi-la-tô vẫn cho rằng Ðức Giê-su vô tội, nhưng vì sợ mất ghế cao (Tổng trấn), nên vẫn cho đóng đinh Người. Bài Tin Mừng hôm nay (CN XXII/TN-C – Lc 14, 1-7.14) cho thấy các khách dự tiệc cứ thích chọn ghế cao, cỗ nhất mà ngồi.
Thấu hiểu được tâm địa con người như vậy, nên Đức Ki-tô luôn răn dạy các môn đệ: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." (Mc 9, 35). Rõ ràng "Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi", nên Người mới dạy: "Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: "Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối." (Lc 14, 8-9). Người còn chỉ rõ những người ham ngồi “cỗ nhất”, đó là : "Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được chào hỏi ở những nơi công cộng, ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc." (Lc 20, 46). Ngay đến cả việc đãi khách, mời khách dự tiệc, Người cũng dạy trái ngược với thông lệ của người đời: "Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có… Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù…" (Lc 14, 12-13).
Lời dạy của Đức Ki-tô mới thoạt nghe sẽ thấy là mâu thuẫn, khó chấp nhận được, chẳng hạn như Người muốn ai đi theo Người thì phải từ bỏ tất cả, từ của cải vật chất đến cha mẹ anh em họ hàng, kể cả từ bỏ chính mình. Trong khi đó, Người lại dạy phải yêu thương mọi người như yêu thương chính bản thân mình, thậm chí còn yêu thương cả kẻ thù của mình nữa. Tuy nhiên, suy nghĩ cho thấu đáo, thì thấy Đức Ki-tô chuyên dùng dụ ngôn với những cách nói tương phản, phản đề, cốt ý nhấn mạnh để nêu bật ý chính (chủ đề). Như Lời dạy trên, nếu trích đầy đủ, sẽ là: "Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại." (Lc 14, 12-14). Và như vậy, mục đích nhắm tới của Lời dạy là "ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại." Rõ ràng Đức Giê-su chỉ luôn mong muốn Lời dạy của Người có tác động mạnh mẽ, làm cho người nghe hiểu được ý nghĩa sâu xa và cái mục đích tối hậu cần đạt tới.
Trở lại với bài Tin Mừng hôm nay, Đức Ki-tô chỉ muốn dạy môn đệ đức tính khiêm nhu tự hạ. Và nếu anh biết khiêm nhường chịu luỵ, anh sẽ được mời lên ngồi “cỗ nhất”. Anh đừng nghĩ khi được ngồi cỗ nhất là anh sẽ được kẻ hầu người hạ, anh sẽ vênh vang nhìn đời bằng nửa con mắt. Trái lại, "Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa." (Hc 3, 18), "Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người." (Mt 20, 43-44). Khiêm nhường cũng có nhiều cách thể hiện, có thể thực lòng và cũng có thể màu mè bên ngoài, thậm chí còn có trường hợp giả bộ khiêm nhường để nói móc, nói xỏ nói xiên. Và cũng vì thế nên cách đây 2.000 năm, Đức Giê-su Thiên Chúa đã vâng lời Chúa Cha xuống thế làm người khó nghèo và dùng chính cuộc sống cùng những Lời truyền giảng của Người để dạy dỗ loài người về đức khiêm nhường. Người đã khiêm nhường vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu để cái tính kiêu ngạo của loài người hành hạ, đánh đòn, sỉ nhục, đóng đinh Người trên thập tự. Người đã thức tỉnh nhân loại bằng cách hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.
Tuy nhiên, cho đến ngày nay, thử hỏi đã được bao nhiêu người ý thức được tội kiêu ngạo đứng hàng đầu trong 7 mối tội đầu, hiểu được chính tội kiêu ngạo đã đóng đinh Chúa Giê-su vào thập giá? Và chẳng hiểu có được bao nhiêu con người dám hy sinh chỗ ngồi “cỗ nhất” (chưa dám nói hy sinh mạng sống mình) cho anh em, cho đồng loại, để sẵn sàng xuống ngồi “chỗ cuối” mà phục vụ mọi người? Quả thực “Kẻ kiêu ngạo lâm cảnh khốn cùng thì vô phương cứu chữa, vì sự xấu xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó.” (Hc 3, 28). Ôi! “Lạy Chúa, mọi sự tốt lành đều bởi Chúa mà ra, xin cho chúng con thêm lòng tin yêu Chúa, để những gì tốt đẹp nơi chúng con ngày càng phát triển, và được Chúa chăm sóc giữ gìn. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen. (Lời nguyện nhập lễ CN. XXII/TN-C).
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: