Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Bà Mẹ Công Giáo Anh Hùng

Tác giả: 
Lm Nguyễn Thành Long

Lễ thánh Monica

BÀ MẸ CÔNG GIÁO ANH HÙNG

 

Người ta nói rằng không ở nơi đâu có nhiều anh hùng như Việt Nam và cũng không ở nơi đâu có nhiều bà mẹ anh hùng như ở Việt Nam. Anh hùng theo nghĩa là hy sinh nhiều, hy sinh cả chồng con cho đất nước, cho tổ quốc. Tuy nhiên, nếu xét trên bình diện yêu thương thì nơi đâu cũng có các bà mẹ anh hùng. Anh hùng theo nghĩa là người có trái tim vĩ đại dành cho chồng cho con của mình.

 

Có một giai thoại kể rằng một gia đình nọ ở Trung Quốc rất nghèo. Chẳng may, khi đứa con đầu lòng của họ vừa bắt đầu đi học, thì người cha bị tai nạn qua đời. Người mẹ không đi thêm bước nữa mà ở vậy nuôi con ăn học. Được bù lại, đứa con học rất giỏi, giỏi đến độ giấy khen, bằng khen cậu nhận được dán kín hết cả một bức vách loang lỗ của họ.

 

Nhưng phúc bất trùng lai, khi đứa con vừa thi đậu vào trường huyện, thì người mẹ bị bệnh phong thấp nặng. Việc đồng áng làm không nổi, có khi cơm ngày hai bữa cũng không đủ ăn. Thời đó, học ở trường huyện, mỗi tháng phải nộp 30kg gạo và 100.000đ. Đứa con biết mẹ không có khả năng nên nói với mẹ: "Mẹ, con sẽ nghỉ học để giúp mẹ làm ruộng". Mẹ vò đầu con, âu yếm nói: “Con có lòng thương mẹ như vậy, mẹ rất vui; nhưng con không đi học, là không được. Con yên tâm, mẹ sinh con ra, mẹ sẽ có cách nuôi con. Con cứ đến trường ghi danh nhập học, mẹ sẽ mang gạo lên sau".

 

"Không, thưa mẹ. Mẹ bị phong thấp nặng làm sao mà làm ruộng được. Lấy đâu ra gạo để nộp, tiền để đóng. Con quyết định rồi, con sẽ nghỉ học ở nhà để giúp mẹ làm ruộng”. Mẹ nó chựng người lại, rồi nghiêm mặt và nói: “Không. Con phải nghe lời mẹ. Con phải đi học”. Đứa con cãi lời, không chịu lên trường, người mẹ bực mình, tát cho nó một cái. Đứa con khóc. Nó khóc không phải vì tức giận mẹ, nhưng vì nó thương mẹ.

 

Cuối cùng đứa con cũng cắp sánh đến trường. Không lâu, ông nhà bếp của trường cũng nhận được gạo của người mẹ bệnh tật mang đến. Bà mỉm cười nói: “Thưa ông, tôi gởi gạo cho con tôi”. Ông nhà bếp mở bao gạo ra, vốc một nắm lên xem, rồi ông hét lên: "Này gạo nhà bà đầy cỏ và lúa. Làm sao mà nấu được. Lần sau mà như vậy là đem về. Bà nhớ chưa!" Người mẹ ngượng ngùng, lí nhí nói lời xin lỗi: “Dạ dạ, thưa ông, tôi biết”. Rồi bà lần trong quần nhiều lớp, bà lấy ra toàn tiền lẻ: 500đ, 1000đ và 2000đ, mà nhàu lắm. Ông nhà bếp cười và trêu: “Trời ơi, tiền này bà nhặt được ở đâu vậy”! Bà như muốn ào nước mắt, nhưng bà kịp nén trở lại. Bà nói lời cám ơn rồi quay lưng đi.

 

Tháng thứ hai, bà khệ nệ mang 30 kg gạo tới. Ông nhà bếp nhìn thấy bà, mắt ông trừng trừng. Bà đặt bao gạo xuống, ông mở bao, vốc lên một nắm, rồi hét lớn: “Bà đem về. Đem về đi. Tôi đã nói với bà rồi, gạo lần trước có cỏ và lúa, lần này cả hàng trăm loại gạo như vậy. Nấu cơm nó sượng, bà hiểu không? Ai mà nấu gạo như vậy được! Nhà bà có hàng ngàn hét ta ạ! Sao hàng trăm loại gạo như vậy?” Bà lí nhí: “Dạ, tôi xin ông lần này nữa, xin ông nhận giùm cho”. Ông đăm mặt lại và nói: “Đây là lần cuối cùng. Tôi không bao giờ nhận loại gạo như thế này nữa. Bà hiểu chưa?” Rồi bà lấy ra một cục tiền lẻ như tháng trước và trao cho ông nhà bếp.

 

Đến tháng thứ ba, bà lại khó nhọc khiêng 30kg gạo tới, lưng bà như còng xuống. Vừa thấy ông nhà bếp từ xa, bà nở một nụ cười còn tội hơn là khóc. Ông nhà bếp nhìn thấy gạo, ông giận dữ quát lớn: "Tôi nói với bà hai lần trước rồi. Lần này cũng thứ gạo tạp nhạp. Bà đem về, đem về ngay”.

 

Như đã biết trước sự tình, bà quỳ sụp xuống trước mặt ông nhà bếp và bà oà lên khóc. Rồi bà nói: "Dạ, thưa ông, ông có biết không? Tôi bị bệnh phong thấp nặng, tôi không làm ruộng được. Mà con tôi nó ham học lắm. Tôi không muốn để mất tiền đồ của nó. Mỗi buổi sáng tôi phải thức dậy từ lúc 2,3 giờ sáng, rời ngôi làng của tôi cách 10 cây số. Tôi đến ăn xin ở một ngôi làng khác để láng giềng khỏi thấy. Mỗi nhà cho tôi một lon gạo. Nên ông thấy tại sao gạo của tôi có hàng trăm thứ như vậy, thưa ông. Và mỗi người còn cho tôi 500, 1000, 2000…, cho nên tại sao toàn tiền lẻ không thưa ông”. Ông nhà bếp nghe xong, lặng người hồi lâu, rồi ông nói: “Trời ơi, bà lão, sao bà không nói trước. Bà nói trước để tôi trình với nhà trường xin miễn tiền cho con bà”. Bà càng lạy nhiều hơn nữa: “Trời ơi, ông đừng nói với con tôi như vậy. Con tôi nó tự ái, nó nghỉ học. Đừng, đừng, tôi van xin ông”. Ông nhà bếp như muốn khóc. Ông đỡ bà lên và nói: “Bà vĩ đại lắm, thưa bà, tôi xin lỗi bà”.

 

Ba năm sau, đứa con đã thi đậu vào trường đại học Thanh Hoa. Ngày phát bằng Thầy Hiệu Trưởng không làm như mọi khi, mà thầy đánh ba hồi trống. Rồi thầy bước lên lễ đài kể lại câu chuyện người mẹ vĩ đại đi ăn xin để nuôi con ăn học. Dưới lễ đài mọi người im bặt. Cho đến khi giới thiệu tên của bà lão lên, đứa con đứng dậy. Nó không còn mắc cỡ gì nữa, nó chạy đến quỳ dưới chân mẹ, rồi bật khóc và nói: "Mẹ…mẹ của con… Con cám ơn mẹ thật nhiều”.

 

 Câu chuyện nói lên tình yêu thương hải hà của người mẹ dành cho đứa con của mình. Chính tình yêu đã làm cho người mẹ này trở nên vĩ đại.

 

Trong Giáo Hội chúng ta có một bà mẹ còn vĩ đại hơn nhiều, bà mẹ đã được Giáo Hội nâng lên hàng hiển thánh. Đó chính là thánh Mônica, Bổn mạng các Hiền mẫu Công giáo. Bà vĩ đại bởi vì bà đã yêu chồng con với một tình yêu vĩ đại. Vĩ đại không phải trên bình diện tình yêu tự nhiên: lo lắng nuôi nấng giáo dục con nên người. Nếu chỉ vĩ đại trên bình diện tình yêu tự nhiên: lo lắng nuôi nấng giáo dục con nên một người công dân tốt, cho dù là công dân ấy là một giáo sư lừng danh, thì Giáo Hội không phong thánh cho ngài đâu. Giáo Hội phong thánh cho ngài vì ngài vĩ đại trên bình diện tình yêu siêu nhiên: ưu tư lo lắng cho con nên người Kitô hữu tốt lành, nên người con cái Chúa thánh thiện.

 

Vì lo lắng cho con về mặt siêu nhiên, nên bao lâu con mình chưa trở về về với Chúa là Mônica còn thao thức, bao lâu con mình chưa thành Kitô hữu là ngài con con ưu tư: cầu nguyện, hy sinh, chay tịnh…

 

Bao nhiêu bà mẹ ngày hôm nay biết lo lắng cho phần rỗi của con cái mình? Nhiều bà mẹ ngày nay làm ngược lại cách làm của thánh Mônica, tức là lo lắng cho con cái mình ăn ngon mặc đẹp, có học thức chữ nghĩa, có nghề nghiệp, có nhà cửa… mà ít thao thức ưu tư lo cho phần rỗi, lo cho đời sống thiêng liêng của con cái mình.

 

Nếu bà mẹ nào đang sống khác với cách sống của mẹ Mônica thì xin điều chỉnh lại. Còn bà mẹ nào đang sống được như cách mẹ Monica đã sống thì xin Chúa tăng thêm nghị lực cho quý bà, để quý bà trở thành những người mẹ vĩ đại, những người mẹ “anh hùng” trong mắt của con cái mình.

 

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long