Mẹ Sầu Bi
MẸ SẦU BI
Xếp lại chồng báo cũ, tính đem bán ve chai kiếm tí tiền còm uống cà phê, bất chợt đọc được một phóng sự tường thuật câu chuyện xảy ra tại Pháp đình Saigon cách nay gần nửa thế kỳ, khiến tâm hồn xao xuyên cách lạ lùng. Phóng sự kể về một vụ án giết người:
Vừa khi nghe công tố viên đề nghị mức án tử hình cho bị cáo, cả toà án lặng ngắt trong một tích tắc, rồi oà vỡ vì một tiếng kêu thảm thiết “con ơi!”, cùng với tiếng động của một người té xỉu. Cả toà xôn xao trong khi vị thẩm phán chủ toạ ngồi lặng im, quên cả sử dụng cái búa để vãn hồi trật tự. Người bị ngất xỉu – là mẹ của bị cáo – mãi một lúc sau mới tỉnh và cứ thế liên tục gọi con trong tiếng khóc nghẹn ngào. Hình như mọi người trong phiên toà cũng không còn ai nhớ tới bản cáo trạng công tố viên vừa tuyên đọc trước đó, mà chỉ chăm chăm nhìn bà mẹ đang quằn quại trong tay người con gái đi cùng. Rất nhiều người đưa tay quệt nước mắt lặng lẽ khóc theo tiếng gọi con từng hồi nấc lên. Không biết đến bao lâu, vị chủ toạ mới chợt nhớ đến cái búa và giọng nói vãn hồi trật tự của ông cũng trầm hẳn xuống, không còn hùng hồn dõng dạc như lúc thẩm vấn bị can, tranh luận với luật sư hoặc khi tuyên án.
Sau tiếng búa gõ xuống bàn của chủ tọa phiên tòa, không khí trong phòng xử trở lại vẻ trang nghiêm cổ kính, nhưng thỉnh thoảng vẫn nổi lên những tiếng nấc não lòng. Bỗng nhiên, nơi hàng ghế bên nguyên, có một bà già – có lẽ tuổi tác cũng tương đương với bà mẹ bị cáo (khoảng trên 60 tuổi) – đưa tay xin phát biểu ý kiến. Giọng nói của bà run run cất lên: “Kính thưa quý toà! Đằng nào thì con tôi cũng đã chết, không còn cách nào hay sự gì có thể làm cho nó sống lại được. Hơn một năm qua, sống trong sự đau đớn tột cùng của một người mẹ mất con, tôi tưởng chừng không còn đứng vững nổi trên đời này nữa. Giờ đây, mặc dù công lý đã xét xử đúng tội của can phạm, tôi vẫn thấy sự mất mát của tôi còn y nguyên, không gì bù đắp nổi. Lại nhìn thấy một người mẹ nữa cũng sắp bị mất con. Cái chết của con tôi không được báo trước, nhưng cái chết của bị cáo đã được báo trước qua lời luận tội. Là những người mẹ, đứng trước cái chết của con mình, chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng con mình chết như vậy là đáng hay không đáng, do phạm tội hay oan uổng. Vì thế, kính đề nghị toà xem xét khoan hồng cho bị cáo, tôi xin bãi nại dù biết nói ra lúc này là muộn màng.” Cả toà án lại lặng đi, trừ tiếng khóc của hai bà mẹ càng to hơn trước.
Phóng sự chấm dứt, nhưng không cho biết kết quả cuối cùng của phiên tòa. Có lẽ mục đích của phóng viên chỉ là nêu bật tấm lòng của những bà mẹ. Quả thực lòng người mẹ – nhất đó lại là người mẹ Việt Nam – thương con không bút mực nào có thể tả cho hết được. Thương con đã đành, còn thương cả kẻ thù đã giết con mình một cách dã man, có lẽ rất hiếm trong cái thế giới xô bồ những tội ác chất chồng hiện nay. Nhạc sĩ Y Vân đã rất thấm thía cảm được “Lòng Mẹ” nên mới viết: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào. Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào.” Thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cũng đồng một cảm nhận trong 2 bài thơ (có trích đăng trong “Quốc Văn Giáo khoa thư – Lớp Đồng ấu” vào khoảng những thập niên 40 – 50 thế kỷ XX); đó là: *1- Bài “Lên Tám”: “Thân con liền ruột mẹ; Lòng mẹ khôn xiết kể; Mẹ rét con thường ấm, Mẹ đói con thường no; Thân mẹ, mẹ không lo…”; *2- Bài “Cảnh vui của nhà nghèo”: “Tan buổi học mẹ ngồi tựa cửa. Mắt trông con đứa đứa về dần. Xa xa con đã tới gần, Các con về đủ quây quần bữa ăn. Cơm dưa muối khó khăn mới có. Của không ngon nhà khó cũng ngon. Khi vui câu chuyện thêm giòn, Chồng chồng, vợ vợ, con con một nhà.”
Nhiều, nhiều lắm những lời ca ngợi tình mẹ khắc sâu trong tâm khảm mỗi người chúng ta. Sự liên tưởng của kẻ viết bài này đi từ những bà mẹ Việt Nam suốt đời hai sương một nắng lo cho chồng con, đến một người mẹ vĩ đại – Mẹ của Thiên Chúa – Mẹ của những người mẹ: Đức Mẹ Đồng Trinh Maria với một tước hiệu đặc biệt: MẸ SẦU BI.
Được nhìn thấy (hoặc đọc trên báo, nghe kể lại) những khuôn mặt rạng rỡ, tự mãn của những bà mẹ có con làm giám đốc, thứ trưởng, bộ trưởng… (chưa dám nói đến thủ tướng, tổng thống) thời hiện tại; cứ lẩn thẩn nghĩ rằng Đức Mẹ khi đón nhận ơn Thiên triệu làm Mẹ Thiên Chúa, hẳn phải sung sướng lắm, hạnh phúc lắm, mãn nguyện lắm. Sau khi từ giã cõi đời, Mẹ còn được tôn vinh là Nữ Vương Thiên Đàng, Nữ Vương các thánh, Nữ Vương Hội Thánh, Nữ Vương các gia đình…, thì phải nòi là không một người phụ nữ nào trên đời này dám mợ ước được đến thế. Như vậy, hẳn nhiên Đức Mẹ phải là người hạnh phúc, sung sướng nhất trần đời. Có thể sẽ không có các biểu hiện ra mặt như quý vị hiền mẫu vừa nhắc đến ở trên, nhưng ít ra thì trong lòng Đức Mẹ cũng vui mừng mãn nguyện vô cùng, chớ lẽ nào còn buồn thảm đến độ được gọi là “Mẹ Sầu Bi”? Tuy nhiên, nói Đức Trinh vương Maria là Mẹ Sầu Bi, thì tất cả những Ki-tô hữu chân chính cũng vẫn thấy, vẫn tin là rất đúng, đúng vô cùng. Tại sao lại thế? Xin cùng lần giở lại ít trang Thánh sử:
1- Lời tiên báo của ông Si-mê-on (Lc 2, 33-35): Sự vui mừng vì được cưu mang Con Thiên Chúa trong cung lòng bởi phép Thánh Linh, đến ngày trọng đại là ngày sinh con, chưa được bao lâu, thì ngày dâng con vào đền thờ đã… có chuyện! Cụ già Si-mê-on khi ẵm kính Đức Giê-su đã nói tiên tri: “Con trẻ này sẽ nên như mũi gươm đâm thâu qua lòng bà”. Chao ôi! Có người mẹ nào khi biết trước tương lai của con mình như thế (“sẽ nên như dao sắc đâm thâu qua lòng mẹ”) mà có thể yên lòng được chăng?
2- Cuộc chạy trốn sang Ai-cập (Mt 2, 13-21): Khi Hê-rô-đê hạ lệnh giết hết con trẻ mới sinh, chỉ vì muốn triệt hạ cho được “Vua Do-thái” theo cách hiểu nông cạn của ông ta, Đức Mẹ phải bồng con lánh nạn sang Ai-cập. Rồi đây phải tha hương đồng đất nước người, nơi ăn chốn ở sẽ ra sao không thể biết trước được, nhưng một điều biết chắc chắn là lời tiên báo của Si-mê-on đã thành hiện thực, không thể chối bỏ. Sự đau đớn lớn dần trong lòng Mẹ.
3- Lạc mất Chúa ba ngày (Lc 2, 41-50): Năm Chúa Con 12 tuổi bị lạc trong đền thờ, lòng Mẹ như bị dao cắt trong đau đớn kiếm tìm. Sau 3 ngày tìm kiếm, đến lúc tìm đuợc Con thì Mẹ lại nghe Con nói một điều thật chua chát (nếu chỉ hiểu theo hướng xác thịt trần gian): “Bố mẹ tìm con làm gì? Bố mẹ không biết con phải thu xếp công việc cho Cha con sao?”
4- Chúa Con vác thập giá lên đỉnh Can-vê (Ga 19, 16-18): Sau khi được Thiên sứ truyền tin, Đức Mẹ sang thăm viếng người chị họ Ê-li-da-bet, qua lời chúc mừng, Mẹ biết rõ hơn ai hết Người Con mà Mẹ cưu mang chính là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật. Vậy mà giờ đây trên đường lên Núi Sọ, Mẹ gặp Con với thân xác bầm dập vì đòn roi của quân dữ, đang vác cây thập giá nặng nề, ngã lên ngã xuống trước tiếng nhạo cười của đám đông. Thử hỏi còn gì đau đớn hơn?
5- Chúa bị đóng đinh và tử nạn trên thập giá (Ga 19, 18-30): Khi Con bị treo trên thập giá, Mẹ đứng kế bên chứng kiến giờ phút hấp hối của Con, mà sự đau đớn sâu thẳm trong tâm hồn khiến Mẹ không nói lên được một lời. Người mẹ trong câu chuyện toà án nêu trên biết rõ tội trạng của con mình, mà khi nghe đề nghị án tử hình còn bị đau đớn đến ngất xỉu. Ngược lại, Đức Mẹ biết rõ Con mình không hề mắc tội tình gì dù nhỏ nhặt nhất, vậy mà đã bị tuyên án tử bằng một hình phạt quá nhơ nhuốc: chết trần truồng trên cây thập ác. Nhất là khi nghe Con trối Mẹ cho Gio-an “Người ấy là con bà… Bà ấy là Mẹ ngươi”. Biết chắc chắn sau lời trối trăng, Con sẽ trút hơi thở cuối cùng. Nỗi đau trong lòng Mẹ lên tới tột cùng không gì so sánh nổi.
6- Hạ xác Chúa (Ga 19, 38-40): Người Con mà Mẹ hằng bồng bế nâng niu từ nhỏ, thì nay được hạ xuống khỏi thập ác, đặt nằm trên tay Mẹ, chỉ còn là một thân xác bèo nhèo, đầy mình thương tích máu me, khiến trái tim Mẹ quặn thắt liên hồi. Thà rằng cứ ngất xỉu, có lẽ sẽ không ý thức được hiện tình thảm khốc, đàng này Mẹ không ngất đi được, để niềm đau vô hạn vò xé tâm can, thử hỏi còn sự chịu đựng nào được hơn thế?
7- Táng xác Chúa (Ga 19, 38-42): Cho đến khi xác Con được xức dầu, khâm liệm và táng trong hang đá, thì lòng Mẹ tan nát còn hơn cả dao đâm, gươm xé (Mt 27, 57-61; Mc 15, 42-47; Lc 23, 50-55; Ga 19, 38-42). Vẫn biết rằng Con mình là Thiên Chúa thì với quyền năng vô hạn, Người có thể sống lại từ cõi chết. Nhưng cho đến giờ phút ấy, Mẹ vẫn chỉ là người trần thế như bao người phụ nữ khác, sự đau khổ sẽ lên đến tột cùng, không còn một hình ảnh hay sự kiện nào có thể so sánh nổi, cũng như không còn lời nói, câu văn nào có thể diễn tả cho hết.
Bảy sự đau đớn mà Đức Mẹ gánh chịu bằng 2 tiếng “xin vâng” khởi từ giờ phút đón nhận Thiên sứ truyền tin, cũng đã quá đủ để Giáo hội tôn xưng Mẹ là Mẹ Sầu Bi. Nguồn gốc Lễ Đức Mẹ Sầu Bi xuất hiện trong thế kỷ XII, nhưng đã thấy có dấu vết từ cuối thế kỷ XI trong các bài viết của thánh An-sel-mô và nhiều tu sĩ Bê-nê-đic-tô hoặc Cisterciens. Tới năm 1423, Công Đồng Cologne đã quy định thành lập lễ kính Đức Mẹ Sầu Bi (điều luật 11). Thánh lễ được cử hành vào ngày thứ Sáu của tuần III sau lễ Phục Sinh. Năm 1482, Bảy sự thương khó của Đức Mẹ mới được khai triển và truyền giảng ở Âu Châu. Năm 1725 Đức Giáo hoàng Bê-nê-đic-tô XIV đưa vào lịch Phụng vụ lễ Đức Mẹ Sầu Bi cử hành vào ngày thứ Sáu trước Lễ Lá. Năm 1668, ấn định vào ngày Chúa nhật sau 14/9, lễ được kính chung với lễ kính Bảy sự Thương Khó Đức Bà. Năm 1912, Đức GH Pi-ô X quyết định toàn thể Giáo hội cử hành lễ Đức Mẹ Sầu Bi vào ngày 15/9 hàng năm, sau lễ Suy tôn Thánh Giá. (xc. nguồn: www.vietcatholic.net).
Sự tưởng thưởng của Thiên Chúa dành cho Mẹ (hồn xác lên trời, Nữ Vương Thiên Đàng, Nữ Vương Hoàn Vũ… ) quả thực rất xứng đáng, nhưng ngoài những tước hiệu vinh quang đó, thiết nghĩ Mẹ vẫn còn và mãi mãi còn là Đức Mẹ Sầu Bi, bao lâu mà con người trên trái đất này vẫn còn xâu xé chém giết lẫn nhau, vẫn còn chìm đắm trong đam mê dục vọng để ngày càng sản sinh ra những thứ bệnh lạ kỳ khủng khiếp, giết người hàng loạt. Nơi những Lộ Đức, những Fatima, những La Vang… phải chăng Đức Mẹ hiện ra với sự vui mừng hoan hỉ, hay là với sự đau đớn buồn thương vì những bệnh tật, tội lỗi của con cái nơi trần gian?
Tóm lại, “Trong cuộc đời công khai của Chúa Giê-su, Mẹ Người cũng đã xuất hiện rõ ràng, và ngay từ đầu, trong tiệc cưới thành Ca-na xứ Ga-li-lê-a, vì động lòng thương xót, Ngài đã cầu bầu, khiến Chúa Giê-su, Ðấng Thiên Sai, làm phép lạ đầu tiên của Người (x. Ga 2, 1-11). Trong thời gian Chúa truyền đạo, Ðức Maria đã đón nhận lời của Con Ngài, những lời nâng cao Nước Trời lên khỏi những lý do và liên hệ huyết nhục, và tuyên bố là có phúc cho những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa (x. Mc 3, 35; Lc 11, 27-28) như chính Ngài hằng thực hành những điều đó cách trung tín (x. Lc 2, 19.51). Như thế Ðức Nữ Trinh cũng đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên thập giá, là nơi mà theo ý Thiên Chúa, Ngài đã đứng đó (x. Ga 19, 25). Ðức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con một của mình và dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra.” (Hiến chế Tín lý về Giáo Hội “Lumen Gentium”, số 58).
Hiện diện trong phiên toà kể trên, hoặc chỉ đọc những thông tin qua báo chí, hay nghe kể lại, biết bao người đã khóc theo 2 bà mẹ. Nhưng khi suy niệm mầu nhiệm Đức Mẹ Sầu Bi với “Bảy sự đau đớn” Mẹ đã xin vâng gánh chịu để đồng công cùng Con của Mẹ cứu chuộc nhân loại; thử hỏi đã có mấy ai thực sự xúc động đến rơi lệ? Chính vì thế, người Ki-tô hữu cần thiết “hướng tâm trí về Người Mẹ của Lòng Thương Xót. Xin ánh mắt dịu hiền của Mẹ luôn dõi theo chúng ta trong suốt Năm Thánh này, để mỗi người chúng ta có thể tái khám phá niềm vui đến từ lòng khoan dung của Thiên Chúa. Không ai thấu hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa làm người cho bằng Đức Maria. Toàn bộ cuộc sống của Mẹ được hun đúc theo sự hiện diện của lòng thương xót đã hóa thành nhục thể. Mẹ của Đấng Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh đã bước vào cung thánh của lòng thương xót Chúa vì Mẹ đã tham gia mật thiết trong mầu nhiệm tình yêu của Ngài.” (Tông chiếu Dung Mạo Lòng Thương Xót “Misericordiae Vultus”, số 24).
Trong tâm tình đó, xin hiệp dâng lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, khi Ðức Ki-tô chịu treo trên thập giá, Chúa đã muốn cho Thánh Mẫu của Người đứng kề bên mà thông phần đau khổ. Xin cho Hội Thánh Chúa biết noi gương Thánh mẫu mà kết hiệp với Ðức Ki-tô chịu khổ hình, để mai ngày được phục sinh vinh hiển cùng với Ðức Ki-tô là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ “Đức Mẹ Sầu Bi”).
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: