Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Bất lương hay khôn khéo?

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

 BẤT LƯƠNG HAY KHÔN KHÉO?                       

  (CN XXV/TN-C)

 

Theo Từ nguyên thì “đầu cơ” là hành vi của chủ thể, lợi dụng cơ hội của thị trường đi xuống để  tích lũy sản phẩm, hàng hóa và sau khi thị trường ổn định trở lại thì bán ra để thu lợi. Đầu cơ chủ yếu là thu lợi nhờ chênh lệch về giá. Đầu cơ thường đi liền với tích trữ là hành động mua rất nhiều những hàng hóa, đồ dùng có giá trị, đợi nó lên giá rồi bán ra để kiếm lợi nhuận. Cứ tưởng cái cảnh gian lận và đầu cơ chỉ có ở thời đại văn minh tiến bộ ngày nay, thật không ngờ cách đây hơn 2.000 năm đã diễn ra tai It-ra-en. Bài đọc 1 hôm nay (CN XXV/TN-C – Am 8, 4-7) trình thuật cơn giận của Đức Chúa đối với “bọn người gian lận và đầu cơ, đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ”. Đầu óc bọn họ luôn luôn “thầm nghĩ: “Bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa; bao giờ mới hết ngày sa-bát, để ta bày thóc ra? Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm; Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ. Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ; cả lúa nát gạo mục, ta cũng đem ra bán."

 

Vấn đề gian lận trong việc cân đong mua bán (“lường thưng, tráo đấu”) ở Việt Nam đã có từ khuya. Về “cân” thi dùng loại quả cân nặng khi đi mua gom, tới lúc bán lẻ cho người tiêu dùng thì lại dùng loại quả cân nhẹ. Đến việc “đong” như đong thóc, gạo, ngô (bắp). đỗ (đậu), thì khoét những cái đấu, cái thưng (bằng gỗ xoan, gỗ mít) tuy rất đúng kích cỡ với khuôn mẫu, nhưng lòng đấu (thưng) nông hơn khiến dung tích (sức chứa) ít hơn. Ở miền Nam VN, thì dân có thói quen dùng lít để đong thóc, đong gạo. Khuôn mẫu là một lon sắt có dung tích 1 lít nước, khi đong thóc hay gạo thì xúc cho đầy, rồi dùng một khúc cây (gỗ hoặc tre, dài khoảng 20 cm) gạt miệng lon. Nguyên tắc thì khúc cây này phải thật thẳng, nhưng thường bị chuốt hai đầu (gần giống hình con thoi dệt cửi) để khi gạt thì mặt gạo ở miệng lon bị trũng xuống; ngoài ra, còn dùng búa hoặc chày đóng vào đáy lon cho lồi lên. Mặt gạo (thóc) ở phía trên miệng lon bị trũng xuống. ở dưới đáy bị trồi lên, khiến dung tích bị giảm bớt, mỗi lon gian lận được một ít gạo thóc, bán số lượng nhiều sẽ gian lận được số lượng lớn (“tích tiểu thành đại”). Thời gian gần đây sử dụng cân bàn thì tìm cách sửa lò xo cho kim chỉ nặng hoá nhẹ (khi mua) hoặc nhẹ hoá nặng (khi bán) xảy ra nhan nhản.

 

Đến bài Tin Mừng hôm nay (CN XXV/TN-C – Lc 16, 1-13) thì lại trình thuật cái tính gian lận của một người quản gia. Đó là dụ ngôn “Người quản gia bất lương”. Anh ta bị mất vịêc chỉ vì bản tính “là anh này đã phung phí của cải nhà ông chủ”. Nghĩ đến cái tương lai đen tối của mình, với bản tính bất lương ấy, anh ta lên kế hoạch bằng cách giảm nợ cho các con nợ của chủ, nhằm mục đích được hưởng sự đền ơn đáp nghĩa của họ (“để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!” – Lc 16, 4). Hành động ấy đến tai chủ, ai cũng tin chắc chủ sẽ nổi cơn thịnh nộ, không ngờ chủ lại khen là khôn khéo. Cổ học tinh hoa Việt Nam cũng có một truyện kể về người quản gia có hành động tương tự (xoá nợ cho những con nợ của chủ mình), nhưng mang một ý nghĩa khác, đó là truyện  “MUA NGHĨA” :

 

“Mạnh Thường Quân nhà giàu cho vay mượn nhiều. Một hôm sai Phùng Huyên sang đất Tiết đòi nợ. Lúc sắp đi, Phùng Huyên hỏi: “Tiền nợ thu được, có định mua gì về không?” Mạnh Thường Quân nói : “Ngươi xem trong nhà ta còn thiếu thứ gì, thì mua.”

 

Khi đến đất Tiết, Phùng Huyên cho gọi dân lại, bảo rằng: “Các ngươi công nợ bao nhiêu, Thường Quân đều cho cả.” Rồi đem văn tự ra đốt sạch. Lúc về, Phùng Huyên thưa với Mạnh Thường Quân rằng: ‘”Nhà tướng quân châu báu đầy kho, chó ngựa đầy chuồng, người đẹp đầy nhà, không còn thiếu gì nữa. Chỉ còn thiếu một cái “nghĩa”, tôi trộm phép  Tướng quân, đã mua về.”

 

Mạnh Thường Quân nghe nói thế, cũng không hỏi gì đến tiền nữa. Sau, Mạnh Thường Quân phải bãi quan về ở đất Tiết. Dân đất Tiết nhớ đến ơn xưa, ra đón rước đầy đường. Mạnh Thường Quân bấy giờ mới ngoảnh lại bảo Phùng Huyên rằng: “Trước tiên sinh vì tôi mua ‘nghĩa’, cái nghĩa ấy ngày nay tôi mới trông thấy.” (Quốc Sách – “Cổ học tinh hoa”, quyển Thượng, tr. 157).

 

Hai con người có cùng một cương vị (quản gia), cùng một việc làm, nhưng ý nghĩa khác hẳn nhau, ấy cũng chỉ vì mục đích của vịêc làm trái ngược nhau. Người quản gia trong Cổ học tinh hoa” xoá nợ cho các con nợ của chủ, vì nghĩ đến tương lai khi chủ mình không còn đắc thế như hiện tại, sẽ không bị lâm vào cảnh “giàu sơn lâm lắm kẻ tìm, khó giữa chợ ít người hỏi”, chẳng ai đoái hoài. Tất nhiên khi làm việc này, người quản gia cũng không quên nghĩ rằng lúc chủ được hưởng kết quả việc làm của mình sẽ không quên ơn mình (“vinh cùng hưởng, hoạ cùng chịu” là vậy). Còn người quản gia trong bài Tin Mừng thì hoàn toàn khác hẳn. Anh ta chỉ nghĩ đến cá nhân mình ("Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!” – Lc 16, 3-4).

 

Cũng đã có nhiều bài chia sẻ cho rằng Đức Giê-su Ki-tô muốn dạy môn đệ nên làm theo việc làm của người quản gia bất lương (vì được chủ khen). Thực chất, nếu đọc kỹ câu nhận định của Đức Ki-tô khi kết thúc dụ ngôn (“Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.” – Lc 16, 8), thì vấn đề sáng tỏ ngay. Có thể diễn nôm câu này: Con cái trần gian ranh ma quỷ quyệt hơn con cái Thiên Chúa. Rõ ràng Đức Ki-tô không dạy nên bắt chước làm theo tên quản gia bất lương. Bởi tiếp liền sau dụ ngôn này, Người dạy “trung tín trong việc sử dụng tiền của” (“Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?” – Lc 16, 10-12).

 

Cái hấp lực (sức quyến rũ) của tiền bạc quả thực là ghê gớm. Có nó là có tất cả, bởi “Đồng tiền liền khúc ruột”, và cũng bởi “Đồng tiền là tiên lả phật, Là sức bật của tuổi trẻ, Là sức khoẻ của tuổi già, Là cái đà của danh vọng, Là cái lọng để che thân”. “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền” là vì thế. “Có tiền mua tiên cũng được” cũng là vì thế! Đến như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm còn phải thốt lên: “Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử, Hết cơm, hết gạo, hết ông tôi”, hoặc như Nguyễn Du trong Đoạn Trường Tân Thanh: “Trong tay đã sẵn đồng tiền, Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì.” Thật đúng là “Hoàng kim hắc thế tâm” (tiền vàng làm đen tối lòng người). Vì tiền bạc mà vợ chồng lục đục, cha mẹ con cái bất hoà, anh em chia rẽ, gia đình ly tán. Rộng ra hơn nữa, trong hội đoàn, làng xóm thì chia bè kết phái tranh giành đấu đá nhau. Đến như một quốc gia, hay trên thế giới, các cuộc chiến tranh (tuy có nhiều hình thái và khoác nhiều bộ mặt khác nhau), nhưng chung quy phần lớn đều do tiền bạc của cải mà ra cả.

 

Suy cho cùng, tiền của là do con người sáng tạo ra để trao đổi mua bán thực phẩm, vật dụng phục vụ cho đời sống, đáng lẽ ra con người phải làm chủ và dùng nó như một phương tiện mưu sinh. Không dè đến một lúc nào đó, nó lại quay ngược làm chủ con người, khiến con người trở nên như một đầy tớ, và từ đó sinh ra đủ thứ chuyện, đủ thứ tội ác. Vâng, của cải tiền bạc thế gian có thể là một tên đầy tớ trung thành, nhưng cũng có thể trở thành một ông chủ bất lương. Ăn thua là người có nhiều tiền của đã coi nó như một phương tiện sống, hay quỵ luỵ nó và coi nó như một ông chủ với thế lực vạn năng. Chính vì thế, Đức Giê-su mới dạy: "Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được." (Lc 16, 13).

 

Nói về tiền của thì không biết thế nào là cùng, dù ai cũng luôn miệng bô bô “tiển của chỉ là phù vân”. Trong kinh Lạy Cha, lời cầu xin đầu tiên cho bản thân là “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày”. Muốn có lương thực thì phải lao động, phải vã mồ hôi, vắt sức ra, chớ không thể “há miệng chờ sung rụng”. Có thể không trực tiếp làm ra lúa gạo lương thực, nhưng vẫn có thể làm công việc khác kiếm tiền để mua lương thực. Kiếm tiền mưu sinh là lẽ đương nhiên, Chúa không cấm cản, nhưng kiếm tiền theo kiểu bất lương như anh chàng quản gia trong bài Tin Mừng thì dứt khoát không được.

 

Nếu là dùng những phương cách chân chính mà kiếm được nhiều tiền của trở nên những phú gia địch quốc, những đại gia vô địch thì đó không phải là một cái  tội; nhưng khi sử dụng những tiền của ấy thì phải biết cách sử dụng, phải coi nó chỉ là phương tiện giúp ích cho đời sống, chớ không thể coi nó như một ông chủ, một bà chúa. Làm giàu bằng chính mồ hôi nước mắt của mình thì chẳng có gì đáng trách, nhưng làm giàu bất chấp thủ đoạn, làm giàu theo kiểu “ích kỷ hại nhân”, thì dứt khoát không chấp nhận. Khi sử dụng tiền của của chính mình thì không xa hoa phung phì, phè phỡn phô trương, chỉ cốt “ăn để mà sống chớ không sống để mà ăn”. Của cải dư thừa thì phải nhớ đến những anh em bất hạnh hơn mình, nghèo khổ hơn mình… mà chia sẻ từng miếng cơm manh áo. Chỉ có như thế, vâng, thực sự chỉ có như vậy mới xứng đáng “vác thập giá mình mà theo Đức Ki-tô”. Vẫn còn đó tấm gương tổ phụ Ap-ra-ham (St 13, 1-4); ông  Gia-cóp (St 13, 1-43); ông Gióp (1, 1-3; 42,10-15); vua Sa-lô-môn (2Sb 9, 22; Gv 2, 9) là những người giàu có nhưng khôn ngoan biết nghe Lời Đức Chúa mà thương người nghèo khổ, hoạn nạn.

 

Tóm lại người Ki-tô hữu chân chính hãy khắc ghi trong lòng Lời dạy: “Trung tín trong việc sử dụng Tiền Của: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn… Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được." (Lc 16, 9-13).

 

Vâ nếu có đầu cơ tích trữ thì xin hãy dùng những tiền của mình tích trữ được mà gửi vào kho tàng Nước Trời, như Lời dạy của Đấng rất nghèo ở trần thế nhưng lại rất giàu – giàu vô kể – tại Nước Trời. Đó chính là Đức Giê-su Ki-tô Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót, Người đã dạy: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi.” (Mt 6,19-20; Lc 12, 33-34). Nói cách cụ thể là hãy đến với “những kẻ đang sống bên rìa ngoài cùng của xã hội”, mà chia sẻ những của cải mình đã tích trữ được (Tông chiếu Dung Mạo Lòng Thương Xót “Misericordiae Vultus” số 15). Ước được như vậy. Amen.

 

JM, Lam Thy ĐVD.