Mân Côi - Kinh suy niệm Phúc Âm
Lễ Mân Côi
MÂN CÔI – KINH SUY NIỆM PHÚC ÂM
Lc 1, 26-56
Xuất phát từ chữ La tinh Rosarium có nghĩa là vườn hoa hồng. Với ý nghĩa mỗi câu kinh Kính Mừng như những đóa hoa hồng dâng lên Đức Mẹ Maria.“Mân Côi” có nghĩa là “hoa hồng” (Rosary). Đức Mẹ đã lấy những đóa hoa hồng trên miệng của một tu sĩ đang đọc kinh Kính Mừng kính Đức Mẹ để kết thành tràng hoa hay triều thiên đội trên đầu.
Mỗi lần hiện ra với con cái loài người khắp nơi trên thế giới, như ở Lộ Ðức (Pháp) năm 1858, ở Fatima (Bồ Ðào Nha) năm 1917, ở Banneux (Bỉ) năm 1933,… Ðức Mẹ đều mang trên tay Chuỗi Tràng Hạt Mân Côi. Ðiều đó muốn nói lên tầm quan trọng của việc tôn thờ Thiên Chúa qua việc lần hạt Mân Côi. Ðặc biệt tại Fatima, một trong ba mệnh lệnh tối hậu mà Mẹ muốn nhắn nhủ con cái loài người là: « Chúng con hãy siêng năng lần hạt Mân Côi !»
Tuy Kinh Mân Côi mang danh là để tôn kính Mẹ Maria, nhưng nguồn gốc và nội dung thâm sâu của nó là một việc tôn thờ Chúa Giêsu. Các mầu nhiệm về cuộc đời, sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu được nhắc đi nhắc lại trong Kinh Mân Côi. « Những gì Chúa đã làm cho loài người chúng ta và cho phần rỗi chúng ta » là chính trọng tâm của Kinh Mân Côi. Ðức Giêsu « đầy phúc lạ », vì « Người đã yêu thương những kẻ thuộc về mình và Người yêu thương họ đến cùng » (Ga 13,1). Bởi vậy,cũng trong tông thư Marialis cultus, Ðức Phaolô VI còn viết: « Là kinh nguyện dựa trên Phúc Âm mà trọng tâm là mầu nhiệm Nhập Thể Cứu Chuộc, Tràng Hạt Mân Côi vì vậy có chiều hướng rõ rệt quy hướng về Ðức Kitô. Ðặc điểm quan trọng nhất của Kinh Mân Côi là việc lặp đi lặp lại Kinh Kính Mừng, và như thế là lặp đi lặp lại lời ca ngợi Ðức Kitô, đối tượng tối hậu của lời chào Thiên Sứ khi truyền tin và lời chào của thánh nữ Elisabeth dành cho Ðức Mẹ: ‘Con lòng Bà đây ơn phúc.' Kinh Kính Mừng là bối cảnh cho việc suy ngắm các mầu nhiệm : Trong mỗi Kinh Kính Mừng, Chúa Giêsu là chính Ðấng mà các mầu nhiệm tuần tự nhau đưa ra cho ta chiêm ngắm, như: Con Thiên Chúa, Con Ðức Trinh Nữ, được sinh ra trong hang đá Bêlem, được dâng vào đền thờ, trong tuổi niên thiếu đã hăng hái lo việc của Cha, sầu khổ trong vườn cây dầu, bị đánh đòn và bị đội mão gai, bị vác thập giá và chịu chết trên núi sọ, phục sinh và lên Trời ngự bên cạnh Chúa Cha trong vinh quang hầu tuôn đổ ơn Thánh Linh xuống tràn trề…. Qua Ðức Kitô, Thiên Chúa Cha được ca ngợi, vì chính Người « đã quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình làm hy lễ đền tội cho thế gian » (Ga 3,16).
Từ năm 1498, quân Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ chiếm Lepanto, một hải cảng quan trọng tại Hy Lạp ăn thông ra vịnh Côritô. Việc đòi lại Hải cảng Lepanto rất quan trọng để bảo vệ Châu Âu khỏi sự bành trướng của Hồi giáo qua bước chân chinh phục của Đại quân Đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ). Nên các Vua Kitô giáo phát động đánh chiếm lại Lepanto.
Trước trận chiến Lepanto, Đức Giáo Hoàng Pio V đã kêu gọi toàn thể các tín hữu Công Giáo đọc kinh Mân Côi để khẩn nài Đức Trinh Nữ Maria cầu bầu cho sự toàn an của Giáo Hội. Ngài cũng truyền cho các binh sĩ mang theo chuỗi hạt Mân côi luôn cầu nguyện khi chiến đấu. Và đã chiến thắng huy hoàng. Đức Giáo Hoàng Piô V đã xác tin rằng chiến thắng là nhờ sức mạnh đến từ “vũ khí” của chuỗi Mân côi hơn là do đại bác và sự dũng cảm của quân đội chiến đấu. Để tạ ơn Thiên Chúa qua lời bầu cử của Đức Maria và ghi nhớ chiến thắng diệu kỳ trong trận chiến Lepanto, Đức Piô V thiết lập lễ Đức Mẹ chiến thắng vào chính ngày 07/10. Chiến thắng diệu kỳ nhờ Mẹ Maria cầu bầu trong kinh Mân côi, vì thế sau này lễ Đức Mẹ Chiến thắng đổi thành lễ Đức Mẹ Mân Côi.
Kinh Mân Côi bao gồm Kinh Lạy Cha, do chính Đức Kitô dạy các tông đồ cầu nguyện, cho cuộc sống hàng ngày và thánh ý của Thiên Chúa được thể hiện (x. Mt 6, 9 -13 ; Lc 11,2-4), Kinh Kính mừng lời sứ Thần Gabriel chào Mẹ: « Trinh nữ đầy ân phúc vì Đức Chúa ở cùng Trinh Nữ » (Lc 1,25), và Bà Elisabeth vang lời ca tụng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc" (Lc 1, 42). Truyền thuyết cho chúng ta biết rằng Kinh Mân Côi được Mẹ Maria truyền dạy cho thánh Đa Minh (1170 – 1221), khi đó Mẹ của Chúa chúng ta đã trao cho thánh nhân kinh mân Côi như là một sự trợ giúp nhựng khi gặp xung khắc với lạc giáo Albi. Đức Pio V vào năm 1569 đã chính thức chuẩn nhận hình thức Kinh mân Côi như hiện nay (qua Sắc Chỉ Consueverunt Romani Pontifices) : Kinh Mân Côi đã được hoàn chỉnh với việc thêm vào phần sau của kinh Kính Mừng: Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, lời cầu nguyện tha thiết tín thác nơi Mẹ cầu bầu cùng Chúa trong mọi ngày cho đến khi lâm chung. Cũng như sau mỗi Mầu Nhiệm được kết thúc với một Kinh Sáng Danh : ca tụng Ba Ngôi Thiên Chúa. Đức Piô V đã cố công rất nhiều để quảng bá Kinh Mân Côi và rồi thời gian sau đó Kinh Mân Côi đã trở thành một trong những sự sùng đạo bình dân phổ biến nhất của thế giới Kitô giáo.
Kinh Mân côi cùng với mẹ Maria, chúng ta suy gẫm về các mầu nhiệm của cuộc đời Đấng Cứu Thế. Ban đầu suy niệm qua ba chuỗi :
- Năm sự Vui : Mẹ đón nhận truyền tin mang thai Đấng Cứu Thế, thăm viếng và giúp đỡ chị họ Elisabeth, đến sinh con, vui dâng con nơi đền thánh, lạc con và vui tìm thấy.
- Năm sự Thương: cùng Mẹ suy niệm Cuộc thương khó của con Mẹ, bắt đầu từ biến cố hấp hối trong vườn cây dầu, vác thập giá và chết tang thương trên Thập Tự.
- Năm sự Mừng : Đức Kitô con Mẹ Phục sinh lên Trời, hồng ân Thánh linh Hiện xuống và chính Mẹ được hưởng vinh quang Thiên Quốc.
- Và đến cuối thế kỷ XX, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thêm Năm sự Sáng: Những mầu nhiệm ánh sáng ấy bao gồm đời sống công khai của Đấng Cứu Thế, từ biến cố phép rửa ở sông Giocđan cho đến khi bắt đầu cuộc Khổ Nạn.
- Và đến cuối thế kỷ XX, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thêm Năm sự Sáng: Những mầu nhiệm ánh sáng ấy bao gồm đời sống công khai của Đấng Cứu Thế, từ biến cố phép rửa ở sông Giocđan cho đến khi bắt đầu cuộc Khổ Nạn
Đức Giáo Hoàng Pio XII (triều đại Giáo Hoàng 1939 – 1958) đã khẳng định: chuỗi Mân Côi “là một bản tóm lược của toàn bộ Phúc Âm” (AAS 38 [1946] trang 419). Tất cả các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi được rút ra từ Tân Ước và đặt trọng tâm vào các sự kiện chính của Mầu Nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc Phục sinh
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: “Thật vậy, trước bức phông có những lời ‘Kính Mừng Maria’ linh hồn thấy hiện lên trước mắt những cảnh đời chính của Chúa Giêsu Kitô. Những cảnh đời này hợp lại thành những mầu nhiệm vui, thương và mừng, và chúng giúp chúng ta sống hiệp thông với Chúa Giêsu, có thể nói, nhờ trái tim của Mẹ Người” (ĐTC GPII: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 29/10/1978
Chúng ta qua kinh Mân Côi trong mọi ngày, đặc biệt là tháng 10 – tháng Mân côi suy gẫm với Mẹ Maria những mầu nhiệm cuộc đời Đấng Cứu Thế, mà Mẹ như một người mẹ đã luôn suy gẫm trong lòng mình (x. Lc 2,19) (Osservatore Romano, 44; 30 tháng 10 năm 1979)
Mân Côi con tiếp nguyện luôn
Vui, Thương, Mừng, Sáng gẫm đường Chúa đi
Hai mươi mầu nhiệm tạc ghi
Từ khi Chúa đến tới khi Mẹ về…
(theo Hoài Việt
Lm. Vinh Sơn.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: