Kinh Mân Côi, con đường của Đức Maria
KINH MÂN CÔI: CON ĐƯỜNG CỦA ĐỨC MARIA
Vào thế kỷ XVI, các nước Công giáo Tây phương lâm nguy trước sức mạnh của quân Hồi giáo, Thánh GH Pi-ô V đã tổ chức liên minh Công giáo để chống với đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ). Ngài lên tiếng kêu gọi các vua chúa gia nhập Thập Tự Quân. Sau khi hai thành Nicosia và Famagouste thất thủ (vào ngày 6/8/1571), Đức Pi-ô V xúc tiến việc tiến quân. Ngày 8/9/1571, đội Thập Tự quân tập trung chuẩn bị lên đường. Khởi hành từ Messina ngày 16/9, đội quân với 209 chiến thuyền kéo thẳng tới vịnh Lepanto gần Hy-lạp. Ngày 7/10/1571, hai bên gặp nhau. Theo lệnh của Đức Pi-ô V, khi kèn đồng vang lên, mọi quân binh phải kêu cầu Chúa Ba Ngôi và đọc kinh Kính Mửng Maria. Một biến cố đã xảy ra khi mặt trời đột ngột chuyển hướng khiến cho Thập Tự quân chuyển bại thành thắng. Sau đó, để ghi nhớ chiến thắng này, Đức Pi-ô V đã thiết lập lễ “Đức Mẹ chiến thắng” để ghi ơn "Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu". Lễ này về sau được ĐGH Grê-gô-ri-ô XVI đổi tên, gọi là lễ Đức Mẹ Mân Côi, mừng long trọng vào ngày 7/10. Từ đó, Giáo hội cổ võ tín hữu dành trọn tháng mười để đặc biệt cầu nguyện bằng kinh Mân Côi; và hơn thế nữa, cổ võ mọi người cầu nguyện bằng chuỗi hạt quý giá này trong suốt cuộc sống (xc “Giáo hoàng Pi-ô V” – nguồn: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).
Kể từ đó, trong suốt quá trinh Giáo hội truyền bá Phúc Âm, các Đức Giáo hoàng liên tiếp ca ngợi, sùng kính Kinh Mân Côi. Cũng bởi vì Kinh Mân Côi là “bản tóm tắt Tin Mừng” như Thánh GH Gio-an Phao-lô II khẳng định: “Kinh Mân Côi, dầu rõ ràng gắn liền với Đức Maria, chủ yếu là một lời kinh lấy Đức Ki-tô làm trung tâm. Qua vẻ giản dị của các yếu tố, lời kinh có được chiều sâu của toàn bộ sứ điệp Tin Mừng, mà ta có thể gọi là một bản tóm lược. Qua lời kinh ấy vang vọng lại lời kinh của Đức Maria, kinh Magnificat ca ngợi việc nhập thể cứu chuộc đã khởi sự trong cung lòng trinh khiết của ngài. Với Kinh Mân Côi, dân Ki-tô giáo theo học tại ngôi trường của Đức Maria và được dẫn đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp trên dung nhan của Đức Ki-tô và kinh nghiệm chiều sâu thẳm của tình yêu của Người. Qua Kinh Mân Côi, các tín hữu lãnh nhận vô vàn ơn thiêng, hầu như qua chính đôi tay của Mẹ Đấng Cứu Thế.” (Tông thư Kinh Mân Côi “Rosarium Virginis Mariae”, số 1). Không những thế, Thánh GH còn nhấn mạnh Kinh Mân Côi là “Mầu nhiệm của các mầu nhiệm” và bổ sung thêm 5 mầu nhiệm Ánh Sáng, nâng tổng số lên thành 20 mầu nhiệm (Tông thư “Rosarium Virginis Mariae”, số 21).
Quả nhiên Kinh Mân Côi là một hình thức cầu nguyện thật đơn giản nhưng vô cùng phong phú, đã được Giáo hội phổ biến qua nhiều thế kỷ. Đơn giản, vì bất cứ ai cũng dễ dàng thực hiện, dễ dàng đọc một mình trong mọi tình huống, ở mọi nơi, mọi lúc, và dễ dàng khi cầu nguyện chung mà ai ai cũng có thể tích cực tham gia. Nhưng kinh Mân Côi lại rất phong phú, vì có bao nhiêu sách viết về kinh Mân Côi đã tìm ra trong các mầu nhiệm nguồn suy niệm dồi dào, không bao giờ cạn kiệt. Từ suối nguồn Thiên Chúa Tình Yêu – cụ thể là Đức Giê-su hiện thân của Lòng Thương Xót, tâm điểm của Tin Mừng – cùng với Người Mẹ của Lòng Thương Xót, Đấng chan đầy ân sủng; kinh Mân Côi chính là nguồn gia tăng sinh lực cho con người và là lời ngợi ca cuộc sống.
Sở dĩ vậy, vì “Kinh Mân Côi là con đường của Đức Nữ Trinh Maria” như Tông thư “Rosarium Virginis Mariae” (số 24) xác tín: “Kinh Mân Côi trao ban bí mật dễ thực hiện để dẫn đến một sự hiểu biết sâu xa và nội tâm về Đức Ki-tô. Chúng ta có thể gọi đó là con đường của Đức Maria. Đó là con đường của mẫu gương Đức Nữ Trinh Na-da-rét, một người phụ nữ của lòng tin, của thinh lặng, của lắng nghe chăm chú. Đó cũng là con đường của lòng sùng kính Đức Maria, được khiến hứng bởi sự hiểu biết về mối dây không thể phân ly giữa Đức Ki-tô và Mẹ thánh Người: các mầu nhiệm của Đức Ki-tô theo một nghĩa nào đó cũng là các mầu nhiệm của Mẹ Người, ngay cả khi chúng không dính dáng Mẹ cách trực tiếp, bởi vì Mẹ sống bởi Người và qua Người. Khi xem những lời của Thiên thần Gap-ri-en và Bà Ê-li-sa-bét trong Kinh Kính mừng như của chúng ta, chúng ta cảm thấy luôn bị lôi kéo tìm kiếm cách luôn mới mẻ nơi Đức Maria, trong vòng tay và trong con tim của Mẹ, hoa quả được chúc phúc của lòng Bà (Lc 1, 42).”
Con đường của Đức Maria hay nói cách khác, hành trình cộng tác với Thiên Chúa trong sứ vụ cứu độ nhân loại của Đức Mẹ đã được tiền định từ trước khi Chúa Con nhập thể, được tỏ rõ từ khi Ðức Maria thụ thai Chúa Giê-su cách trinh khiết cho đến lúc Chúa Ki-tô tử nạn, phục sinh và lên trời vinh hiển. Dựa theo Hiến chế Tín lý về Giáo Hội “Lumen Gentium” (số 55-59), xin được trình bày “con đường của Đức Nữ Trinh Maria”:
Thiên Chúa Cha rất nhân từ đã muốn sự ưng thuận của người mẹ được tiền định trước khi Chúa Con nhập thể, để như một người nữ đã hợp tác cho sự chết (E-và), thì cũng một người nữ hợp tác cho sự sống. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Ðấng tràn đầy thánh thiện, không tì vết ngay từ lúc mới được tượng thai trong lòng thánh nữ Anna. Ðức Trinh Nữ thành Na-da-ret được Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en truyền tin và kính chào là "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà." Và Trinh Nữ đã đáp lời Thiên Sứ rằng: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." (Lc 1, 26-38). Các sách Cựu Ước thuật lại lịch sử cứu rỗi, trong đó ngày Chúa Ki-tô xuất hiện trên thế giới được chuẩn bị cách tiệm tiến. Theo ánh sáng mạc khải ấy, người nữ này đã được phác họa trước trong lời hứa chiến thắng con rắn, lời hứa mà Nguyên tổ đã nhận được sau khi phạm tội (St 3, 15). Cũng thế, Mẹ là Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh con trai tên là Emmanuel (Is 7, 14; Mk 5, 2-3; Mt 1, 22-23). Sau đêm dài mong đợi lời hứa được thực hiện, với Mẹ, người Thiếu Nữ cao sang của Sion, thời gian đã nên trọn và Nhiệm Cuộc mới được thiết lập: Con Thiên Chúa mặc lấy bản tính nhân loại nơi Mẹ để giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết đời đời.
Hành trinh cộng tác giữa Mẹ và Con trong công cuộc cứu rỗi được tỏ rõ từ khi Ðức Maria thụ thai Chúa Ki-tô cách trinh khiết cho đến lúc Chúa Ki-tô tử nạn, phục sinh và lên trời vinh hiển. Thực vậy, trước hết, Ðức Maria vội vã đến thăm bà Ê-li-da-bet và được bà chào mừng là người có phúc vì đã tin vào sự cứu rỗi Chúa đã hứa, trong lúc đó Gio-an Tiền hô nhảy mừng trong lòng mẹ (Lc 1, 41-45). Trong Đền Thánh, sau khi hiến lễ vật ấn định cho người nghèo, Ðức Maria dâng Con lên cho Thiên Chúa, và đã nghe Si-mê-on báo trước: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà." (Lc 2, 34-35). Khi trẻ Giê-su lạc mất, Cha Mẹ đã lo âu tìm kiếm và gặp lại Con trong Đền Thánh đang bận tâm lo việc của Cha Người. Các Ngài không hiểu lời Con nói; nhưng Mẹ vẫn “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng.” (Lc 2, 19-51).
Trong cuộc đời công khai của Chúa Giê-su, Đức Mẹ cũng đã xuất hiện ngay từ đầu, trong tiệc cưới thành Cana, vì động lòng thương xót, Mẹ đã cầu bầu, khiến Đức Giê-su Thiên Chúa làm phép lạ đầu tiên của Người (Ga 2, 1-11). Trong thời gian Chúa truyền giảng Tin Mừng, Ðức Maria đã đón nhận Lời của Con – những lời nâng cao Nước Trời lên khỏi những lý do và liên hệ huyết nhục – và tuyên bố là có phúc cho những ai nghe và giữ Lời Thiên Chúa (Mc 3, 35; Lc 11, 27-28) như chính Mẹ hằng thực hành những điều đó cách trung tín (Lc 2, 19.51). Như thế Ðức Nữ Trinh cũng đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên thập giá, là nơi mà theo ý Thiên Chúa, Mẹ đã đứng đó, đau đớn chịu khổ cực với Con và dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra. Cuối cùng chính Chúa Giê-su Ki-tô khi hấp hối trên thập giá đã trối Ngài làm Mẹ của môn đệ: "Thưa Bà, này là con Bà" (Ga 19, 25-27) và đó chính là dấu chỉ Mẹ là Mẹ Giáo hội do Người Con thiết lập.
Cũng vì Thiên Chúa không muốn tỏ bày mầu nhiệm cứu rỗi nhân loại cách long trọng trước khi Người đổ tràn Thánh Thần như Lời Chúa Ki-tô đã hứa, nên trước ngày Hiện Xuống, các Tông Ðồ "đã kiên tâm hiệp ý cầu nguyện, cùng với các phụ nữ, với Ðức Maria, Mẹ Chúa Giê-su, và với anh em Người." (Cv 1, 14). Ðức Maria cũng tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban Thánh Thần, là Ðấng đã bao phủ lấy Mẹ trong ngày Truyền Tin. Kết quả vô cùng rực rỡ là các môn đệ được đầy tràn Thánh Thần và hăng say ra đi thi hành sứ vụ. Với Mẹ Maria thì vì được gìn giữ tinh sạch khỏi mọi tì vết của tội nguyên tổ, và sau khi hoàn tất hành trình cộng tác mật thiết với Thiên Chúa trong nhiệm cuộc cứu rỗi, Mẹ đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ, để nên giống Người Con chí ái chí tôn trọn vẹn hơn, là Chúa các Chúa, Vua muôn Vua (Kh 19, 16), Ðấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. (Hiến chế “Lumen Gentium”, số 59).
Nhìn khái quát hành trình của Đưc Trinh Nữ Maria thì thấy có vẻ êm xuôi, phẳng lặng; nhưng suy niệm thấu đáo thì sẽ thấy đó là một hành trình vô cùng cam go, chan đầy đau đớn. Chiêm ngắm và suy niệm “Bảy sự đau đớn Đức Bà” thì đủ rõ: 1- Ông Thánh Si-mê-on nói tiên tri cùng Đức Mẹ “một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2, 33-36). 2- Vì hung thần Hê-rô-đê lùng giết hài nhi Giê-su, Đức Mẹ phải đem Con trốn sang nước Ai-cập (Mt 2, 13-18). 3- Đức Giê-su ở lại trong Đền thờ, mà Đức Mẹ tìm kiếm ba ngày liền vì tưởng Người đi lạc. (Lc 2, 41-50). 4- Đức Mẹ gặp Đức Giê-su đang vác cây Thánh giá (Lc 23, 26-32). 5- Đức Mẹ đứng kề bên Thánh giá để chứng kiến Người Con rất yêu dấu khi Người trút linh hồn (Lc 23, 44-46). 6- Hai môn đệ (Giu-se và Ni-cô-đê-mô) hạ xác Đức Giê-su mà trao cho Đức Mẹ ẵm kính (Ga 19, 38-42). 7- Môn đệ táng xác Đức Giê-su trong hang đá. (Lc 23, 50-56).
Tóm lại, con đường của Đức Maria là môt hành trình theo nghĩa Mẹ dành toàn bộ đời sống mình để đi theo Đức Giê-su, Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ. Trong khi đó, Người Con chí ái chí tôn của Mẹ đã từng dạy: “Thầy là đường là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6). Như vậy, Mẹ chính là con đường, là lối đi dẫn đưa người tín hữu đến với nguồn chân lý sự sống viên mãn nơi tâm điểm của Tin Mừng cứu độ là Đức Giê-su Ki-tô. Con đường của Đức Maria – hay nói cách khác, hành trình đức tin của Đức Mẹ – không phải luôn luôn bằng phẳng, êm xuôi, dễ dàng. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã thanh luyện Mẹ, uốn nắn Mẹ. Và vì thế đã để Mẹ trải qua những kinh nghiệm đớn đau khi tin nhận và bước theo Chúa
Ý thức được vấn đề, “Tất cả mọi Ki-tô hữu hãy thiết tha khẩn nguyện Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ loài người, để như Ngài đã trợ giúp Giáo Hội sơ khai bằng lời cầu nguyện của mình, thì ngày nay được tôn vinh vượt trên các Thần Thánh trên trời, Ngài cũng cầu bầu cùng Con Ngài trong sự hiệp thông toàn thể các Thánh cho tới khi mọi gia đình dân tộc hoặc đã mang danh hiệu Ki-tô hữu, hoặc chưa biết Ðấng Cứu Chuộc mình, đều hân hoan đoàn tụ trong an bình và hòa thuận, hợp thành một dân Thiên Chúa duy nhất, hầu vinh danh Ba Ngôi Thiên Chúa rất thánh và không phân chia.” (Hiến chế Tín lý về Giáo Hội “Lumen Gentium”, số 69).
Ôi! Lạy Mẹ Maria, xin cho con biết noi gương Mẹ, biết từ bỏ ý riêng mình để thực hiện ý Thiên Chúa. Xin giúp con can đảm vượt qua mọi thử thách và giữ vững niềm tin tưởng phó thác trong tay Chúa, để con có thể vững bước trên con đường cùng với Mẹ tiến về quê hương bất diệt. Ôi! Lạy Mẹ! Con xiết bao mừng rỡ khi lại được thêm một lần trong muôn muôn triệu lần Ki-tô hữu chúc tụng Mẹ qua Kinh Mân Côi mà Mẹ đã truyền dạy chúng con. Cúi xin Mẹ thương đoái, chuyển cầu lời khấn nguyện của chúng con lên Đức Ki-tô Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ:
“Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời thiên sứ truyền tin cho chúng con biết thật Ðức Ki-tô con Chúa đã xuống thế làm người. Xin đổ ơn thánh đầy lòng chúng con để nhờ công ơn Con Chúa chịu khổ hình thập giá, và nhờ lời Thánh Mẫu Ma-ri-a chuyển cầu, Chúa cũng cho chúng con được sống lại hiển vinh. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ). Ôi! “Lạy Chúa, xin biến đổi đời sống chúng con cho xứng hợp với hiến lễ này, và giúp chúng con biết để tâm suy gẫm những mầu nhiệm cuộc đời Con Một Chúa hầu đáng hưởng những phúc lộc người đã hứa ban. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.” (Lời nguyện tiến lễ lễ Đức Mẹ Mân Côi).
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: