Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Lại quấy rầy

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

LẠI QUẤY RẦY   

  (CN XXIX/TN-C)

 

Trước đây Đức Ki-tô đã kể dụ ngôn “Người bạn quấy rầy” (CN XVII/TN-C – Lc 11, 5-8) nói về một người bạn đến xin bạn bánh vào nửa đêm. Dù cho người bạn có bánh trả lời: "Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được?”; nhưng người xin “cứ lì ra đó” để cuối cùng người bạn “không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.” Người xin bánh đạt kết quả nhờ anh ta biết kiên trì. Bài Tin Mừng hôm nay (CN XXIC/TN-C – Lc 18, 1-8), Đức Ki-tô lại kể một dụ ngôn về “quấy rầy”. Chuyện lần này không phải là bạn bè ngang vai phải lứa quấy rầy nhau, mà là chuyện một bà goá quấy rầy một ông quan toà. Quan hệ hai bên là quan hệ giai cấp, giữa một bên là giai cấp thống trị và bên kia là giai cấp bị trị. Không có chuyện bạn bè nể tình nhau, và đối tượng bị quấy rầy lại là kẻ “chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì” (Lc 8, 2). Vậy mà cuối cùng cũng đành thua cái đức “lì” của bà goá.

 

Có hai vấn đề cần suy gẫm: Thứ nhất là lòng tin và đức tinh kiên trì của bà goá. Trong xã hội Do-thái thời đó, các bà goá thường bị xã hội đối xử bất công, bị ức hiếp bóc lột tàn tệ. Chạy đến với quan toà vì bà nghĩ quan toà là những người chuyên xử án công minh và sẵn sàng bênh vực những kẻ cô thế cô thân. Nhờ niềm tin ấy, bà hy vọng sẽ đạt được ước nguyện, và đó cũng là lẽ thường tình. Vấn đề thứ hai là đối tượng mà bà goá đặt niềm tin và hy vọng, giả thử cũng là chỗ quen biết thân cận thì chắc chắn sẽ được nể tình giúp đỡ; nhưng ở đây lại là một quan tham bất chính, đã không coi ai ra gì thì chớ, lại còn bất kính với cả Thiên Chúa nữa. Mấu chốt chính ở điểm này: Với một quan phụ mẫu bất lương như thế, nhưng nhờ lòng tin và nhất là sự kiên trì “quấy rầy” của bà goá, việc bà kêu xin rốt lại cũng được giải quyết. Cũng vì đây là một dụ ngôn, nên phải hiểu ý nghĩa ẩn dụ trong đó: Bà goá đã nêu gương sáng cho vấn đề cầu nguyện.

 

Nói đến cầu nguyện là nói đến yếu tố sống còn của một tôn giáo. Cầu nguyện được ví như hơi thở, là hoạt động căn bản của đời sống tâm linh người tín hữu. Cầu nguyện đối với người Ki-tô hữu, chính là thể hiện niềm tin, phó thác cho sự an bài quan phòng của Thiên Chúa. Thực thế, “Cầu nguyện giúp người tín hữu tin, cử hành và sống mầu nhiệm đức tin trong tương quan sống động và thân tình với Thiên Chúa hằng sống và chân thật… Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên Chúa hay cầu xin Người ban cho những ơn cần thiết. Khiêm nhường là tâm tình căn bản của cầu nguyện, "vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải" (Rm 8, 26). Khiêm nhường là tâm tình phải có để đón nhận được ơn cầu nguyện: trước mặt Thiên Chúa, con người chỉ là kẻ van xin (x. T. Au-gus-ti-nô, bài giảng 56, 6, 9.)... Thánh Kinh trình bày việc Áp-ra-ham và Gia-cóp cầu nguyện như một cuộc chiến đức tin để giữ lòng tín thác vào Thiên Chúa trung thành và xác tín rằng Người sẽ ban chiến thắng cho kẻ kiên trì.” (Giáo lý HTCG, số 2558-2559.2592).

 

Chính Đức Giê-su Ki-tô khi xuống trần thi hành sứ vụ cứu độ nhân loại, Người không những chỉ giảng dạy mà còn thực hiện việc cầu nguyện trong bất cứ một công việc hay một hoàn cảnh nào. Sách Giáo lý HTCG đã trình bày thật chi tiết về vấn đề Đức Giê-su cầu nguyện và dạy về cầu nguyện:

 

1- Đức Giê-su cầu nguyện (GL/HTCG số 2599-2606): Con Một Thiên Chúa khi trở thành Con Đức Trinh Nữ, đã học cầu nguyện (nơi Mẹ Maria) theo tâm tình nhân loại (Lc 1,49; 2,19; 2,51). Người đã học từ những lời kinh và những cách thức cầu nguyện của dân tộc, tại hội đường Na-da-rét và tại Đền Thờ. Đức Giê-su cầu nguyện trước những thời điểm quyết định của sứ vụ: trước khi Chúa Cha làm chứng về Người lúc Người chịu phép rửa (x. Lc 3,21) và Hiển Dung (x. Lc 9,28) ; trước khi hoàn thành ý định yêu thương của Chúa Cha nhờ cuộc khổ nạn. Người cũng cầu nguyện trước những thời điểm quyết định đối với sứ vụ của các tông đồ : trước khi chọn và gọi nhóm Mười Hai (x. Lc 6,12) ; trước khi Phê-rô tuyên xưng Người là "Đức Ki-tô của Thiên Chúa" (x. Lc 9,18-20) ; và cầu nguyện cho vị thủ lãnh các tông đồ khỏi mất lòng tin (x. Lc 22,32). Khi cầu nguyện trước các biến cố cứu độ mà Chúa Cha trao phó cho Người thực thi, Đức Giê-su khiêm tốn và tin tưởng hòa hợp ý chí nhân loại của mình với thánh ý yêu thương của Chúa Cha.

 

Đức Giê-su thường vào nơi thanh vắng để cầu nguyện một mình trên núi, thường là vào ban đêm. Vì đã làm người khi Nhập Thể, Đức Giê-su "mang lấy mọi người" trong lời cầu nguyện và dâng nhân loại lên Chúa Cha khi hiến dâng chính mình. Ngôi Lời "đã làm Người" đưa tất cả những gì "anh em Người" đang sống vào lời cầu nguyện (Dt 2, 12). Người đã cảm thông được những yếu đuối của họ để giải thoát họ. Chính vì thế Chúa Cha đã cử Người đến (x. Dt 2,15; 4,15). Những lời nói và việc làm của Người bộc lộ những gì Người cầu nguyện trong thầm kín. Tất cả những đau khổ của nhân loại ở mọi thời sống dưới ách nô lệ tội lỗi và sự chết, tất cả mọi lời van xin và chuyển cầu trong toàn lịch sử cứu độ, đều được quy tụ trong Tiếng Kêu Lớn của Ngôi Lời Nhập Thể (x. Mt 27,50; Mc 15,37; Lc 23,46; Ga 19,30b). Chúa Cha đã đón nhận tất cả và Người đã nhận lời vượt quá mọi hy vọng của chúng ta khi cho Chúa Con sống lại.

 

2- Đức Giê-su dạy cầu nguyện (GL/HTCG số 2607-2615): Khi Đức Giê-su nói với đám đông dân chúng đang theo Người, Người bắt đầu từ những gì họ đã biết về cầu nguyện theo Cựu Ước, rồi mở ra cho họ thấy nét mới mẻ của Nước Trời đang đến. Kế đó, Người mạc khải cho họ nét mới này qua các dụ ngôn. Sau cùng, đối với các môn đệ là những người sẽ phải dạy cầu nguyện trong Hội Thánh, Người nói rõ về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Ngay từ Bài Giảng Trên Núi, Đức Giê-su đã nhấn mạnh đến việc hoán cải tâm hồn: phải làm hòa với anh em trước khi đến dâng lễ vật trên bàn thờ (x. Mt 5, 23-24), phải yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ bách hại mình (x. Mt 5, 44-45), phải "cầu nguyện cùng Chúa Cha, Đấng hiện diện nơi kín đáo" (x. Mt 6, 6). Khi cầu nguyện đừng lải nhải nhiều lời (x. Mt 6, 7), phải thật lòng tha thứ cho tha nhân (x. Mt 6, 14-15), giữ tâm hồn trong sạch và lo tìm kiếm Nước Trời (x. Mt 6, 21.25.33). Cuộc hoán cải này hoàn toàn hướng về Chúa Cha, đượm tình con thảo.

 

Khi lòng mình đã quyết tâm hoán cải, con người sẽ học biết cầu nguyện trong đức tin. Tin là gắn bó với Thiên Chúa bằng tình con thảo, vượt trên những gì thuộc giác quan và nhận thức. Chúng ta được như thế vì Con yêu dấu của Thiên Chúa đã mở đường cho ta đến cùng Chúa Cha. Chúa Con có quyền đòi chúng ta phải "tìm kiếm" và "gõ cửa", vì chính Người là cửa và là đường (Mt 7, 7-11.13-14). Đức Giê-su cũng dạy cho chúng ta dạn dĩ như người con: "Tất cả những gì anh em xin khi cầu nguyện, anh em cứ tin là mình đã được rồi" (Mc 11, 24). Đó chính là sức mạnh của lời cầu nguyện: "cái gì cũng có thể, đối với người có lòng tin" (Mc 9,23 ); sức mạnh của một đức tin "không chút nghi nan" (Mt 21, 22). Đức Giê-su đã rất buồn khi thấy "đám bà con thân thuộc Người ... không chịu tin" ( Mc 6, 6 ), và thấy các môn đệ "kém lòng tin" (Mt 8, 26 ). Trái lại người thán phục trước "lòng tin mạnh mẽ" của viên sĩ quan Rô-ma và người phụ nữ xứ Ca-na-an (Mt 8, 10; 15, 28 ).

 

Đức Giê-su dạy các môn đệ cầu nguyện với tâm tình muốn cộng tác với thánh ý Chúa (x. Mt 9, 38; Lc 10, 2; Ga 4, 34). Người dùng ba dụ ngôn chính để dạy về cầu nguyện: - Dụ ngôn thứ nhất, "người bạn quấy rầy" (Lc 11,5-13); - Dụ ngôn thứ hai, "Bà góa quấy rầy" (Lc 18,1-8); - Dụ ngôn thứ ba, "Người Pha-ri-sêu và người thu thuế"(Lc 18,9-14) Lúc dạy các môn đệ phải cầu nguyện với Chúa Cha, Đức Giê-su đã dạy một điểm mới là: "nhân danh Thầy mà cầu xin" (Ga 14, 13). Tin vào Người, các môn đệ sẽ nhận biết Chúa Cha, vì "chính Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống" (Ga 14, 6 ). Đức tin này sẽ trổ sinh những hoa trái trong đức mến: giữ Lời Người, giữ các điều răn của Người, ở lại với Người trong Chúa Cha là Đấng yêu mến chúng ta trong Người đến độ ở lại với chúng ta. Trong Giao Ước mới này những lời khẩn cầu của chúng ta chắc chắn sẽ được Chúa Cha nhận lời vì dựa trên lời cầu khẩn của Đức Giê-su (Ga 14, 13-14). Hơn nữa, khi hiệp nhất lời nguyện của mình với lời cầu của Đức Giê-su, Chúa Cha "sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác, đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thánh Thần Chân Lý." (Ga 14,16-17). Nét mới mẻ này và các điều kiện cần có khi cầu nguyện được Đức Giê-su đề cập đến trong diễn từ cáo biệt của Người (x. Ga 14, 23-26; 15, 7.16; 16, 13-15; 16, 23-27).

 

Trở lại với bài Tin Mừng hôm nay, sẽ thấy người đời đối với nhau còn không thể làm ngơ trước sự quấy rầy liên lỉ, huống hồ là Thiên Chúa đầy lòng nhân hậu, vốn dĩ đã coi những kẻ quấy rầy ấy là con cái. Cả hai dụ ngôn (“Người bạn quấy rầy” và “Quan toà bất chính và bà goá quấy rầy”) đều ngụ ý răn dạy: "cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho." (Mt 7, 7-8). Mà muốn xin thì tiên vàn phải có lòng tin, thứ đến là phải biết kiên nhẫn. Nói cách khác, khi xin ai một điều gì thì phải tin tưởng vào người ấy, đồng thời phải biết nhìn lại mình xem có thật sự là thiếu thốn, nghèo đói hay không và nhất là có thực sự tin tưởng vào người mà mình muốn cầu xin hay không. Một cách cụ thể khi cất tiếng cầu xin Thiên Chúa thì không những cần phải có đức tin vững mạnh, mà đồng thời còn phải biết nhìn lại con người tội lỗi, bất toàn của mình.

 

Tuy nhiên, nói là nói vậy, chớ đối với con người trong xã hội loài người thì nhiều khi cái đáng tin lại không tin mà cái đáng ngờ thì lại nhắm mắt tin. Cách chữa bệnh bằng cách liếm, rờ, hoặc dùng roi đánh bệnh nhân đến ngất ngư, ở VN không thiếu, nhưng khổ một nỗi người ta vẫn cứ tin và nườm nượp kéo nhau đến cho các thầy lang hiện đại chữa bệnh một cách quái dỊ như vậy. Ấy là chưa kể nhiều khi lại tin vào cái áo hơn là con người mặc cái áo đó. Nhìn cái vỏ, cái vẻ bề ngoài hào nhoáng, đã vội cho rằng đó là đặc sản, mà không biết bên trong tốt lành hay thối rữa. Chính Con Thiên Chúa thì lại không tin và cho là "Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế?" (Mt 13, 55-56). Trong khi đó, thì lại tối mắt tối mũi tin vào những ông kinh sư ngồi trên toà ông Mô-sê. Phải chăng cuộc thế này đã "đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường." (2 Tm 3, 3-4) ?

 

Cũng vì thế, đọc bài TM hôm nay (Lc 18, 8), đến câu cuối ("Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?") thấy mặn đắng cổ họng. Thật chua xót khi Người nói câu này lại là Người hiện diện trên mặt đất với mục đích thắp sáng lại niềm tin đã bị lu mờ cho nhân loại. Con Người ấy, từ cuộc sống vật chất đạm bạc nơi một làng quê hẻo lánh, đến cuộc sống tinh thần vô vàn phong phú bởi những Lời giảng dạy, những câu chuyện kể, những việc làm, thậm chí đến hy sinh cả tính mạng, chỉ nhằm mục đích củng cố lại niềm tin cho loài người để tiến tới mục đích tối hậu là cứu độ nhân loại cho khỏi sự chết đời đời. Con Người kỳ vĩ ấy chính là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật, đã đến thực thi sứ mệnh như vậy đó, nhưng những người được gặp, được tiếp xúc, được dạy dỗ… đã đón tiếp như thế nào, để đến độ Người phải thốt lên câu nói chua xót như vậy? Và quả nhiên đó là một lời tiên tri, bởi cho đến ngày hôm nay, số người được nghe lời chân lý vẫn chỉ là một thiểu số khiêm nhường so với con số người chưa được nghe rao giảng. Ngay trong số những người đã được nghe, được biết Tin Mừng cứu độ, thì chẳng hiểu những người thực lòng tin tưởng có được là bao nhiêu phần trăm ?

 

Chúa muốn dùng những hình ảnh thật quen thuộc, thật gần gũi và rất hiện thực trong cuộc sống đời thường để dạy dỗ các tín hữu, nên mới nói đến sự quấy rầy khi cầu xin để đạt hiệu quả. Thiên Chúa không phải là người bị quấy rầy trong dụ ngôn “người bạn quấy rầy”, lại càng không phải là quan toà bị quấy rầy trong dụ ngôn “quan toà bất chính và bà goá quấy rầy”. Tấm lòng Người Cha Nhân Hậu luôn rộng mở đối với con cái, chưa cần nghe lời cầu xin thì Người đã sẵn lòng minh xét, ban phát ân huệ. (“Người không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi, hay tiếng than van của người goá bụa” – Hc 35, 14). Duy chỉ có một điều là con cái tội lỗi, bất toàn có thực lòng ăn năn, thực lòng tin, thực lòng cầu xin hay không, mà thôi. Lời dạy “kiên trì quấy rầy” của Người là muốn các tín hữu kiên trì trong đức tin.

 

Theo từ nguyên thì “Kiên trì” có nghĩa: Giữ vững không đổi ý (Kiên: cứng, chắc, vững mạnh, cứng cỏi; cương quyết, không nao núng, vững vàng. Trì: cầm, nắm, giữ gìn).  Bởi cuộc sống trần thế có muôn vàn khó khăn, thử thách lòng tin của con người, nên phải kiên vững trong đức tin trước đã, nhiên hậu mới nói đến kiên trì cầu nguyện. Và như thế thì còn lo gì “Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao?” (Lc 18, 7), “lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Lc 11, 13). Cầu nguyện được ví như hơi thở, con người sống là nhờ hơi thở. Trong khi đó “một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết.” (Gc 2, 26). Rõ ràng người tín hữu đích thực cần thiết có hơi thở để duy trì sự sống cho thân xác như thế nào, thì cũng cần thiết sống đời cầu nguyện gắn liền với đức tin để vun đắp tài bồi đời sống tâm linh như vậy.

 

Cuối cùng thì chắc ai cũng đồng ý là Chúa dạy chúng ta đức tính kiên trì và nhẫn nại trong cầu nguyện. Kiên trì và nhẫn nại như tổ phụ Ap-ra-ham xin cho thành Xơ-đôm (St 18, 20-32), như chính Người Thầy Chí Thánh đã vì tội lỗi loài người mà kiên nhẫn đến độ bị đánh đòn, tra tấn, bị treo trên thập tự, đến gần tắt thở mà vẫn xin cùng Chúa Cha tha tội cho kẻ đóng đinh mình; kiên nhẫn đến độ đã tắt thở còn tiếp tục bị lưỡi đòng đâm thấu con tim. Kiên nhẫn ư? Từ Hán Việt “nhẫn” (忍) gồm 2 từ: “đao” (刀) ở trên và “tâm” (心) ở dưới, ngụ ý: nhẫn nại là chịu đựng như bị dao đâm vào tim. Lì chịu đánh, chịu đòn, chịu dao đâm vào tim, để xin Chúa Cha “tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Vâng, và chỉ có như vậy thì việc xin mới có kết quả, “Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.” (Lc 11, 10). 

 

Ôi! “Lạy Chúa! Mũi đòng nào đâm thấu con tim, đinh nhọn nào còn loang máu đào, sỉ nhục nào còn vương trên mắt. Lạy Chúa! Những buớc nào gục ngã đau thương, bao roi đòn hằn vết thê lương, đường tình đó Ngài dành cho con. ĐK- Lạy Chúa! Xin cho con bước đi với Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài thập giá trên đường đời con đi. Lạy Chúa! Xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang” (Văn Chi – “Con đường Chúa đã đi”). Amen

 

JM. Lam Thy ĐVD.