Ấn tín Tử vì Đạo
Ấn tín Tử vì Đạo: THÁNH SI-MON VÀ THÁNH GIU-ĐA
Nhân một buổi đi chia sẻ Tin Mừng tại một Liên huynh trong TGP Saigon về đề tài “Đức Giê-su sai mười hai Tông đồ đi giảng” (Mt 10, 1-4), khi thảo luận thì một nhóm học viên thắc mắc: Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật nhóm 12 Tông đồ được Chúa sai đi gồm các ông: “đứng đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông; ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô; ông Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người.” Trong một thánh lễ kính 2 thánh Tông đồ Si-mon và Giu-đa (ngày 28/10) tại giáo xứ chúng tôi, đem so với bài Tin Mừng hôm nay, thấy có 2 người trùng tên (Si-mon Phê-rô và Si-mon thuộc nhóm Quá Khích), nhưng chỉ thấy có một Giu-đa It-ca-ri-ốt (là kẻ nộp Đức Giê-su cho quân dữ). Vậy chẳng lẽ lễ kính hôm đó là kính Giu-da It-ca-ri-ốt sao?
Kẻ viết bài này phải trấn an học viên: “Không thể có chuyện đó đươc, đây chỉ là trường hợp trùng tên mà thôi. Chuyện này ở Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào đều có. Xin bình tĩnh nghe tiểu sử 2 vị thánh được mừng kính trong thánh lễ ngày 28/10 hàng năm: Thánh Si-mon và Giu-đa.” Theo “tgpsaigon.net” thì: Thánh Si-mon với biệt hiệu là “Nhiệt thành”, có lẽ là đảng viên của nhóm chiến đấu quốc gia Zê-lốt (Mt 10, 4; Mc 3, 18; Lc 6, 15; Cv 1, 14). Ngoài ra, chúng ta cũng không biết ngài được gọi gia nhập vào nhóm Mười Hai như thế nào. Sau này, có lẽ ngài đã đi rao giảng Tin Mừng ở Ai Cập và Ba Tư. Ngài chịu tử đạo ở Ba Tư cùng với Giu-đa Ta-đê-ô (Giu-đa Ta-đê-ô mà Lc 6, 16 và Cv 1, 13 gọi là “Giu-đa của Gia-cô-bê”). Như vậy, có lẽ phải hiểu là Giu-đa cũng nằm trong nhóm chiến đấu giải phóng quốc gia Zê-lốt; họ mong chờ ở Đức Giê-su một đấng Mê-si-a chính trị, một người giải phóng đất nước Ít-ra-en. (Lm Nguyễn văn Trinh – “Phụng vụ chư thánh”).
Vì sao Đức Giê-su lại thiết lập “nhóm Mười Hai” mà không là “nhóm Mười Một” hay “nhóm Mười Ba”? Con số 12 là con số các chi tộc Ít-ra-en bị tán lạc khắp nơi sau biến cố lưu đày. Vậy khi Chúa Giê-su chọn con số 12, ý Người muốn cho biết là đã đến lúc Người quy tụ một dân Ít-ra-en mới. Trong “nhóm Mưới Hai” có 3 cặp trùng tên: – Si-mon em của An-rê và Si-mon Nhiệt Thành. – Gia-cô-bê anh của Gio-an và Gia-cô-bê con của An-phê. – Giu-đa Ta-đê-ô và Giu-đa It-ca-ri-ốt. Như vậy là đã rõ: “Giu-đa Ta-đê-ô tốt lành” (“Giu-đa của Gia-cô-bê”) không phải và không thể là “Giu-đa It-ca-ri-ốt bán Chúa”. Do đó, vì sự bất xứng của tên Giu-đa bán Chúa (Giu-đa It-ca-ri-ốt), nên người ta đã gọi Giu-đa Tử vì Đạo (Giu-đa Ta-đê-ô) là "Giu-đê".
Tiện dịp, xin được chia sẻ về 2 vị thánh được lãnh ấn Tử vì Đạo: Theo Thánh Truyền thì hai ngài đi giảng Tin Mừng ở hai nơi khác nhau. Thánh Si-mon Nhiệt Thành giảng tại Ai Cập, còn thánh Giu-đa Ta-đê-ô giảng tại Mê-sô-pô-ta-mi-a. Sau khi đã thu lượm được nhiều kết quả tốt đẹp, thì hai ngài được ơn Chúa thôi thúc để cùng nhau đi sang Ba Tư. Chính tại nơi đây, hai ngài đã đem Tin Mừng tới và cũng chính tại nơi đây mà các ngài được diễm phúc lãnh nhận cái chết để tôn vinh Ðức Ki-tô như các anh em tông đồ khác.
Truyền thuyết kể lại: khi đến thành Suamyr – một trung tâm lớn của Ba Tư – hai thánh tông đồ Giu-đa và Si-mon đã đến trọ nơi nhà ông Semme, đồ đệ của các ngài. Ngay sáng sớm hôm sau, các tư tế ngoại giáo của thành phố, bị thấm nhiễm độc dược của Zaroes và Arfexat, đã hô hào dân chúng đến bao vây nhà ông Semme. Họ gào thét: “Hỡi ông Semme, hãy giao nộp hai kẻ thù các thần linh cho chúng tôi. Nếu không, chúng tôi sẽ đốt cháy nhà ông!” Nghe lời dọa nạt độc dữ ấy, hai Thánh Tông đồ Giu-đa và Si-mon đã quyết định tự nộp mình. Họ buộc các ngài phải thờ lạy các thần linh ngoại giáo. Dĩ nhiên các ngài từ chối. Họ tàn nhẫn đánh đập các ngài. Giữa máu đào, trong giây phút linh thiêng cuối đời, thánh Giu-đa còn lấy chút nghị lực cuối cùng, nhìn thẳng vào thánh Si-mon và nói: “Hiền huynh dấu ái, tôi trông thấy Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta. Người gọi chúng ta về với Người!”.
Thánh Si-mon và Giu-đa có được thành công tuyệt vời như vậy là nhờ đâu? Chính là nhờ các ngài có được ơn gọi làm môn đệ Đức Ki-tô, tiếp theo là nhờ các ngài có được một đức tin vững mạnh và một lòng kiên trì sắt đá theo đuổi đến cùng mục tiêu đã đề ra. Đó là hành trang căn bản cho các ngài trên hành trình bước theo Thầy Chí Thánh. Tuy nhiên, để đạt được thành quả tối ưu và cũng là mấu chốt vấn đề, chủ yếu là nhờ các ngài thực hiện liên lỉ Lời dạy của Đức Ki-tô: “Anh em hãy cầu nguyện” (Mt 6, 9). Xin cùng tìm hiểu về 3 bí quyết thành công của 2 vị Tông đồ Tử vì Đạo và đó cũng là những mơ ước chính đáng của các Ki-tô hữu muôn đời:
1- Ơn gọi: Ơn gọi là tiếng gọi yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người và mời gọi con người đáp lại tình yêu đó. Ngay từ khai thiên lập địa, Thiên Chúa dựng nên Nguyên tổ loài người và mời gọi ông bà đáp lại bằng cách vâng nghe Lời truyền dạy của Người: “Hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất”, đồng thời “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai. ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng: "Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết." (St 2, 15-24). Đây là một thử thách, cốt ý trui rèn đức tin xem thử A-đam và E-và có xứng đáng với Ơn gọi của Thiên Chúa hay không.
Vì được tự do chọn lựa, Nguyên tổ đã tin vào lời cám dỗ của con rắn (ma quỷ), nên phạm tội bội phản. Tuy nhiên, không vì trách phạt Nguyên tổ mà ghét bỏ nhân loại, Thiên Chúa vẫn liên tục kêu gọi con người. Người yêu từng người, như thể chỉ có mình họ trên đời; do đó, Người cũng gọi từng người và đặt họ vào những con đường khác nhau từ lúc họ chưa được tạo thành (“Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân.” – Gr 1, 5; “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người.” – Gl 1, 15). Thiên Chúa mời gọi con người (không phân biệt một ai, kể cả những người đang chống lại Chúa) để cộng tác với Người trong công trình cứu độ. Thiên Chúa mời gọi nhưng không bắt ép nên có người “xin vâng” thì cũng có không ít người “phản đối”. Mỗi đời sống là một ơn gọi, nên có nhiều ơn gọi khác nhau. Ở đây chỉ xin nói đến 4 ơn gọi chung và chính yếu.
a- Ơn gọi làm người + Ơn gọi làm Ki-tô hữu: Ơn gọi đầu tiên chính là ân sủng làm người sống trên trần thế (như lời tuyên phán của Đức Chúa khi tạo dưng Nguyên tổ từ bụi đất: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất.” – St 1, 28). Thời điểm ơn gọi làm Ki-tô hữu đến với mỗi người mỗi khác: người được rửa tội từ khi mới sinh, người lúc lên mười, hai mươi, có người mãi đến lúc tuổi xế chiều mới lần đầu tiên được gặp Chúa. Ðây là một ơn Chúa ban cho con người cách nhưng không, là một món quà vô giá mà không phải ai cũng có (do con người có thực tâm đón nhận hay không). Ðây chính là ơn gọi căn bản và phổ quát: Căn bản vì là ơn gọi tiên khởi được làm bạn của Con Thiên Chúa (Ki-tô hữu), phổ quát vì chung cho mọi người không phân biệt tuổi tác, màu da, sắc tộc.
b- Ơn gọi tu trì + Ơn gọi sống bậc hôn nhân: Hai bậc sống này có những điểm giống nhau, như: họ đều phải nỗ lực để nên thánh, xây dựng Giáo Hội, truyền giáo... Nhưng cũng có những điểm khác nhau, như: đời sống gia đình lo việc “truyền sinh về đời sống thể lý”, mặc dù có góp phần về đời sống tinh thần, còn đời sống tu trì chuyên lo việc “truyền sinh về đời sống thiêng liêng”. Mọi người đều thuộc về dân Thiên Chúa, nhưng các tu sĩ, linh mục, nhất là giám mục là những người ở "cấp lãnh đạo" dân của Người (mục tử của đàn chiên), mặc dù họ cũng là một phần tử trong dân của Người (chiên mẹ và chiên con trong ràn chiên Thiên Chúa – Ga 21, 15-19).
2- Kiên trì trong đức tin: Thánh Si-mon và Giu-đa đã đón nhận Ơn gọi và tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa. Đó chính là cách đáp trả của các ngài trước lời mời gọi của Thiên Chúa (“Nếu mạc khải là con đường Thiên Chúa đến với con người, thì đức tin là con đường con người đến với Thiên Chúa, là sự đáp trả của con người trước tiếng nói của Thiên Chúa” – Thánh Au-gus-ti-nô). Nói cách khác, mạc khải phải được đón nhận bằng đức tin, phải bày tỏ "sự vâng phục của đức tin" (Rm 1, 5-6; 2Cr 10, 5-6) trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Quả thật 2 thánh Tông đồ đã “xây dựng đời mình trên nền tảng đức tin”, đồng thời “cầu nguyện nhờ Thánh Thần, và cố gắng sống mãi trong tình thương của Thiên Chúa, chờ đợi lòng thương xót của Đức Giê-su Ki-tô, để được sống đời đời.” (Gđ 1, 20-21).
3- Cầu nguyện: Đức Giê-su không chỉ truyền dậy mà chính Người cũng luôn cầu nguyện. Theo Tin Mừng, Đức Giê-su thường cầu nguyện vào những thời điểm quan trọng: Người cầu nguyện khi nhận phép rửa của thánh Gio-an Tẩy giả (Lc 3, 21-22; Mt 3, 13 -17; Mc 1, 9-11); Người cầu nguyện một mình trước khi loan báo cuộc khổ nạn (Lc 9, 18-21; Mt 16, 13-20; Mc 8, 27-30); Người cầu nguyện khi ở trên núi, trước khi Người hiển dung trên núi Ta-bo (Lc 9, 28-36; Mt 17, 1-8; Mc 9, 2-8); Người cầu nguyện trong xao xuyến khi đứng trước cái chết gần kề (Lc 22, 39-45; Mt 26, 36 -46; Mc 14, 32 -42). Lúc bị treo trên thập giá, Người cũng cầu nguyện cho kẻ giết mình (Lc 23, 33-34; Mt 27, 33-35; Mc 15, 22-24; Ga 19, 17-24 ). Đó là những lần Đức Giê-su cầu nguyện mà các tác giả Thánh Kinh ghi lại được, còn những lần Người cầu nguyện kín đáo thì không biết đến bao nhiêu lần
Cầu nguyện đối với Chúa đơn giản là một cuộc gặp gỡ Chúa Cha. để hội ý. Việc tìm ý Chúa Cha, không phải lúc nào cũng là việc dễ dàng. Chính vì thế mà có những lần Chúa đã phải thức thâu đêm để cầu nguyện, để tìm xem ý Chúa Cha muốn gì. Thí dụ hôm chọn nhóm Mười Hai, Chúa đã cầu nguyện để xem Chúa Cha muốn chọn ai trong số những người hiện diện để họ trở thành những tông đồ (”Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha. Giờ đây, họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha, vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con.” – Ga 17, 6-8). Sau một đêm cầu nguyện, đến sáng Đức Giê-su mới quyết định gọi và chọn nhóm Mười Hai tông đồ theo thánh ý Chúa Cha.
Tóm lại, hai thánh Tông đồ Si-mon và Giu-đa Ta-đê-ô đã ý thức rõ ràng thân phận mòng giòn yếu đuối của bản thân không thể “làm được gì” (“không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.” – Ga 15, 5-7). Vì thế, noi gương Thầy Chí Thánh, các ngài đã kiên trì trong đức tin vững mạnh và liên lỉ cầu nguyện. Cuộc sống và cái chết chứng tá của thánh Si-mon và thánh Giu-đa quá đủ để nói lên rằng các ngài đã sống trọn vẹn trong ơn gọi tông đồ của mình và xứng đáng với sự lựa chọn của Chúa. Theo gương các ngài, người Ki-tô hữu hôm nay muốn sống trọn ơn gọi của bản thân cần phải cầu nguyện, cầu nguyện không ngừng, xin Chúa ban Thánh Linh soi sáng và thêm sức trên hành trình sống chứng tá cho Lòng Thương Xót của Chúa. Xin cùng hiệp ý dâng lời cầu nguyện:
Ôi! Lạy Chúa! Công trình của Chúa vẫn nối tiếp cho đến thời sau hết với những con người mong manh thân phận nhưng kiên cường lập trường. Chúng con cảm tạ Chúa vì gương sáng của hai vị tông đồ Si-mon nhiệt thành và Giu-đa Ta-đê-ô. Mừng kính hai thánh Tử vì Đạo hôm nay, chúng con cũng muốn nói với chính mình rằng với sức riêng chúng con chẳng làm được gì; nhưng cùng với sức mạnh của Chúa Thánh Thần chúng con có thể làm được mọi sự. Giáo Hội đang nặng trĩu ưu tư cho công cuộc truyền giáo trên thế giới, hai thánh tông đồ Si-mon và Giu-đa sẽ là những mẫu gương khích lệ tuyệt vời cho những bước chân truyền giáo trên đất nước chúng con.
Nhờ sự bảo trợ của Đức Maria Mẹ của Lòng Thương Xót, cùng với lời chuyển cầu của hai Thánh Tông đồ, cúi xin Chúa ban Thánh Linh soi sáng và tăng cường đức tin và sức mạnh cho chúng con, để chúng con có thể chu toàn sứ mạng Chúa và Giáo hội đã trao phó. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: