Hôm nay là quà tặng của Thượng Đế
HÔM NAY LÀ QUÀ TẶNG CỦA THƯỢNG ĐẾ
Suy niệm Lời Chúa trong những Chúa nhật cuối của mùa Phụng vụ (đặc biệt là CN XXXIII/TN), thường bị ám ảnh về ngày Tận thế (mà Kinh Thánh gọi là ngày Cánh chung). Đó cũng là ngày Chúa Giê-su Ki-tô đến lần thứ hai (là ngày Chúa quang lâm để luận định công tội loài người và vì thế cũng gọi là “ngày Chung thẩm” hay “ngày Phán xét“). Khi gần tới ngày đó, thì: "Bấy giờ, người ta sẽ nộp anh em, khiến anh em phải khốn quẫn, và người ta sẽ giết anh em; anh em sẽ bị mọi dân tộc thù ghét vì danh Thầy. Bấy giờ sẽ có nhiều người vấp ngã. Người ta sẽ nộp nhau và thù ghét nhau. Sẽ có nhiều ngôn sứ giả xuất hiện và lừa gạt được nhiều người. Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” (Mt 24, 9-13).
Chỉ mới nghe trình thuật về ngày ấy cũng đủ thấy hồn xiêu phách lạc, không hiểu đến ngày ấy thì mình sẽ như thế nào. Và cũng vì thế, khi suy niệm không khỏi liên tưởng đến ngày cuối cùng của cuộc đời minh (chưa phải là ngày tận thế, mới chỉ là ngày bản thân mình lìa bỏ cõi thế đươc diện kiến Chúa để nghe Người định công luận tội riêng từng cá nhân). Chân thành nhìn lại mình sẽ thấy “tội” nhiều hơn “công”, thậm chí chỉ thấy toàn là “tội” – tội lỗi ngập đầu! Vậy phải làm sao đây? Ôi chao! Đấm ngực và khẩn thiết kêu lên như Tô-ma thủa xưa: ”Lạy Chúa của con! Lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20, 28). Chỉ đến như thế, mới đủ bình tâm mà suy nghĩ về những ngày cuối cùng của cuộc đời tạm bợ nơi trần thế.
Nhìn lại cuộc đời mới thấy rõ được cảnh phù du ”Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy, Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười.” (Cao Bá Quát). Cái cảnh phù du “sớm còn tối mất” đó không tha một ai, từ vua quan đến thường dân, từ đại phú tới bần cùng, tất cả đều bình đẳng (“Người đời như bóng phù du, Sớm còn tối mất, công phu lỡ làng.” – Lục Vân Tiên). Và vì thế, mới có cảnh: “Vua Ngô ba mươi sáu cái tàn vàng, Chết xuống âm phủ cũng chẳng mang được gì. Chúa Chổm uống rượu tì tì, Chết xuống âm phủ khác gì vua Ngô.” Vua Ngô là ai mà giàu đến thế? Có thể từ ngữ “vua Ngô” ở đây là nói chung các vua ở nước Ngô vào thời Xuân Thu bên Trung Quốc (722-481 trước Công nguyên). Nếu nói riêng từng ông vua, thì có thể đây là Ngô Hạp Lư (514-496 trước CN). Ngô Hạp Lư nổi tiếng vì đánh thắng được cả nước Sở và có ảnh hưởng rất lớn đối với các chư hầu của nước Sở (Sở là một đế quốc hùng mạnh nhất thời đó). Một ông vua phong kiến – nhất lại là thời phong kiến bên Trung Quốc – thì vấn đề giàu sang khỏi phải bàn cãi. Giàu như vậy nhưng tới lúc chết đi cũng chẳng khác gì lúc mới sinh ra “tay trắng lại hoàn trắng tay”.
Nhưng vì sao lại ví vua Ngô với Chúa Chổm, bởi trong tục ngữ Việt Nam có câu “Nợ như chúa Chổm” (ý muốn nói đến những người mắc nợ nhiều, nợ người này chưa kịp trả đã phải đi vay người khác, cứ thế nợ chồng chất nợ, nợ đìa ra không trả nổi). Chúa Chổm có phải là nhân vật có thật hay chỉ là hư cấu? Ai dè đây lại là nhân vật có thật thời nhà Lê ở Việt Nam. Đó là vua Lê Trang Tông: Tên thật của Lê Trang Tông là Lê Ninh (1515-1548) là vua khởi đầu nhà Lê Trung Hưng với niên hiệu duy nhất: Nguyên Hòa. Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lập nên nhà Mạc, Sau khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, Lê Ninh mới 12 tuổi được viên quan Lê Quán bồng bế chạy loạn sang đất Ai Lao, rồi được bề tôi cũ của nhà Lê là An Thành hầu Nguyễn Kim phò tá lập lên làm vua tại đất Lào. Môt ông vua thời phong kiến mà phải đi vay nợ đến độ “nợ như chúa Chổm” được sao?
Truyền thuyết kể lại thời sơ sinh và niên thiếu, Lê Ninh có tên tục là Chổm, mẹ là cô bán rượu xinh đẹp người làng Kim Lũ ở ven sông Tô Lịch. Cô bán rượu được bố đẻ bày kế cho cô đem rượu ra bán bên cạnh nhà tù giam vua Lê Chiêu Tông, chuốc rượu cho lính canh say mèm, rồi được dịp lẻn vào tình tự với vua. Sau cô bán rượu có thai, vua Chiêu Tông liền giao cho cô chiếc ấn ngọc và bảo cô trốn đi, nếu đẻ con trai thì gặp dịp khôi phục lại nhà Lê. Chiêu Tông sau đó chết trong tay nhà Mạc (Lê Chiêu Tông tên thật là Lê Y sinh ngày 4/10/1506. Năm 1516 – 10 tuổi – lên ngôi vua, tới năm 1522 thì bị Mạc Đăng Dung bắt giam ở phường Đông Hà. Cuối cùng bị Mạc Đăng Dung giết ngày 18/12/1526).
Cô gái bán rượu sinh ra được một bé trai, đặt tên là Chổm. Nhà nghèo, chàng Chổm tuy còn nhỏ tuổi đã phải đi làm thuê nuôi mẹ. Nhiều lần Chổm đi bán củi, la cà ăn uống nơi các hàng quán ở cửa ô Thăng Long, lạ một điều là Chổm ăn mở hàng ở hàng nào thì hôm đó quán ấy bán đắt như tôm tươi. Những người bán hàng ở Việt Nam có tục lệ “mua mở hàng, bán mở hàng”: ngày nào có người mua đầu tiên (mua mở hàng) mà ngày hôm đó khách đến mua thật đông, hàng bán ra “đắt như tôm tươi”, thì coi khách mở hàng đó là người “tốt vía”. Còn ngược lại, nếu ngày hôm đó hàng ế ẩm, thi coi người mở hàng là “xấu vía, nặng vía” cần phải “đốt vía” để xua đuổi cái xấu xa ra khỏi cửa hàng (thậm chí nếu lần sau người mở hàng “xấu vía” còn tới mua, sẽ bị xua đuổi, chửi rủa thậm tệ!). Tiếng đồn Chổm “tốt vía” lan rộng; một đồn mười, mười đồn trăm, các chủ quán thi nhau mời Chổm ăn mở hàng và sẵn lòng cho ăn chịu (thiếu nợ). Được thể, Chổm tiêu pha, ăn uống bạt mạng, nợ nần khắp nơi, người nào đòi thì Chổm bảo “Chờ lúc làm nên tôi sẽ trả”. Nhưng nào ai biết được lúc nào Chổm “làm nên”!
Không ngờ bẵng đi thời gian sau Chổm được làm vua (Lê Ninh lên ngôi lấy hiệu là Lê Trang Tông), từ Ai Lao trở lại Thăng Long, khi kiệu vua đến cửa ô, các chủ hàng nhận ra đó là anh Chổm nợ vung nợ vãi ngày trước, nên thi nhau chào đón đòi nợ. Nợ nhiều, Chổm vẫn quen cái tính vung tay quá trán nên ai đòi cũng trả. Vua sai quân lính lấy tiền trả, nhưng chủ nợ thật, nợ dỏm lẫn lộn nhiều quá, mà vua thì không nhớ mình đã nợ ai, quan quân cứ thế vung tay trả tiền mãi không thôi, mệt quá đành vung tiền ném cho đám chủ nợ nhặt. Nhưng chủ nợ càng ngày càng đông như nêm cối. Đến cửa Đại Hưng, một viên tướng bèn hạ lệnh “cấm chỉ” không ai được phép đòi nợ vua nữa. Tên ngã tư Cấm Chỉ (ở cạnh Hàng Bông thuộc phố Tống Duy Tân, Hà Nội ngày nay) cũng từ đó mà ra đời. Còn thành ngữ “Nợ như chúa Chổm” thì gắn liền với vua Lê Trang Tông.
Như vậy là có 2 ông vua thời phong kiến, một ở Trung Quốc giàu “nứt đố nổ vách” và một ở Việt Nam nghèo “rớt mồng tơi”. Cả hai khi chết xuống âm phủ đều “sêm sêm” chẳng ai kém cạnh ai (Tiếng Anh: tĩnh từ “same” có nghĩa: giống như, như nhau). Cõi “phù thế nhân sinh” là vậy đó: “Kiếp phù thế, nhân sinh thấm thoắt, Vì chữ bần, nên ngắt chữ duyên! Ai làm số phận xui nên?” (Truyện cổ VN: Lời than thở của người con gái nghèo “Bần Nữ Thán”). Lan man chuyện 2 ông vua phương Đông, bất chợt lại nhớ đến một ông vua phương Tây cũng chết trẻ, nhưng cái chết của ông để lại cho hậu thế một bài học tuyệt vời, đó là “Alexander Đại Đế”:
Alexander (356-323 trước CN) sinh tại Pella, vùng Macedonia, phía nam bán đảo Balkan, tây nam châu Âu, là con Vua Philip II. Thuở nhỏ, ông được thụ giáo Aristotles, triết gia danh tiếng bậc nhất thời cổ đại Hy Lạp. Lớn lên, theo cha đi chiến trận, Alexander lập nhiều công lớn. Do vua cha bị ám sát, Alexander lên nối ngôi lúc 20 tuổi và bắt đầu tiến hành những cuộc chinh phạt lớn. Sự kiện và huyền thoại về ông được ghi lại rất nhiều trong sử sách, tại các di tích và đài kỷ niệm, nhất là trong văn học nghệ thuật (thơ văn, tranh tượng, sân khấu, điện ảnh,…).
Sau khi chinh phục được nhiều vương quốc, Alexander hành quân trở về. Trên đường về, ông bị ngã bệnh, nằm liệt giường chờ tử thần đến gọi. Trước cái chết cận kề, Alexander nhận thấy đất đai mình đã xâm lược, đội quân vĩ đại của mình sở hữu, gươm báu sắc bén mình có, và tất cả của cải thuộc về mình đều trở nên vô nghĩa. Ông giờ đây ao ước được về đến nhà gặp mặt thân mẫu của mình lần cuối để nói lời từ biệt. Nhưng ông đành phải chấp nhận cái sự thực là sức khoẻ của ông không cho phép ông về lại quê hương xa xôi nữa. Thế rồi, kẻ chinh phục vĩ đại ấy nằm phủ phục xuống, nhợt nhạt và bất lực chờ trút hơi thở sau cùng.
Ông triệu các tướng lãnh của mình đến và nói: "Ta sắp lìa bỏ thế gian này, ta có ba ước muốn, mong các ngươi hãy thực hiện chúng cho ta." Các vị tướng đều không cầm được nước mắt, họ vâng lệnh sẽ thực hiện các điều ước sau cùng của vị hoàng đế. Alexander nói: "Mong ước thứ nhất của ta là các ngự y của ta sẽ khiêng quan tài cho ta." Ngừng lại một lát, ông nói tiếp: "Mong ước thứ hai, ta muốn khi đưa quan tài ta ra mồ để chon, thì con đường dẫn đến nghĩa trang phải rải đầy vàng, bạc và châu báu mà ta đã thu lượm được suốt cuộc đời mình." Nói đến đây vị hoàng đế cảm thấy kiệt sức. Ông phải nghỉ một lúc lâu rồi mới tiếp tục được: "Điều ước thứ ba, sau cùng ta muốn hai tay của ta được để lủng lẳng bên ngoài cỗ áo quan."
Mọi người có mặt ở đó đều ngạc nhiên quá đỗi trước các điều ước của vị hoàng đế, nhưng không ai dám hỏi. Vị tướng được Alexander sủng ái nhất hôn tay ngài và cầm đặt lên trái tim mình: “Muôn tâu chúa thượng, chúng thần xin nguyện thực hiện các điều ước của ngài. Nhưng xin cho chúng thần biết tại sao ngài lại muốn làm những việc ấy ạ?"
Bấy giờ Alexander hít một hơi thật sâu và nói: "Ta muốn cả thế gian này biết ba bài học ta vừa học được từ ba điều ước sau cùng của Ta, đó là:
1- Ta muốn các ngự y khiêng quan tài cho ta là vì mọi người nên biết rằng chẳng có ngự y (bác sĩ) nào trên thế gian này có thể chữa khỏi hoàn toàn được bệnh cho ai cả. Họ bất lực, không tài nào cứu nổi một người nào đó thoát khỏi lưỡi hái tử thần đâu. Vì vậy hãy để cho mọi người thấy sinh lão bệnh tử là chuyện đương nhiên.
2- Điều ước thứ hai ta muốn vàng bạc châu báu và mọi thứ của cải khác của mình được rải lên con đường ra nghĩa trang là vì ta muốn dân chúng biết rằng khi ta chết đi rồi thì ngay cả một phân vàng nhỏ ta cũng không mang theo được. Cả đời ta tham lam quyền lực, mưu cầu giàu sang, nhưng chết rồi thì chẳng có đem được gì theo hết. Hãy để cho mọi người biết rằng nếu cứ chạy theo của cải vật chất thì chỉ hoàn toàn là sống phí đời mà thôi.
3- Còn điều ước thứ ba, ta muốn đôi tay mình lủng lẳng bên ngoài cỗ áo quan, là vì ta muốn cho dân chúng biết ta đến thế gian này với hai bàn tay trắng và khi ta rời bỏ thế gian ta cũng ra đi với đôi bàn tay trắng. Nói đoạn, vị hoàng đế nhắm mắt lại. Chẳng bao lâu sau thì trút hơi thở cuối cùng.
Câu chuyện Đại Đế Alexander III kết thúc bằng một bài học để đời: Đến cuối cuộc đời, chúng ta sẽ nghiệm ra rằng, kho tàng quý giá nhất trên cuộc đời này là TÌNH YÊU THƯƠNG. Cái ngày cuối cùng ấy phải đươc coi là ân sủng Thượng Đế trao ban, và vì thế, người Ki-tô hữu hôm nay hãy sống như thể “hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời” như nhà phù thủy Tin học Steve Jobs – một người cũng chết trẻ, nhưng để lại ấn tượng rất tốt đẹp (xc. “Quả Táo định mệnh” – Tg: JM. Lam Thy ĐVD. – Thanhlinh.net):
Steve Jobs là nhà sáng lập và là cựu giám đốc điều hành hãng tin học Apple, Steve Jobs đã qua đời ngày 6/10/2011 ở tuổi 56. Là con người thì ai cũng phải chết, tuy nhiên Steve Jobs đã chết ở tuổi còn tương đối trẻ và cuộc đời của ông đã để lại một ấn tượng đậm nét trong lòng mọi người. Ông đã thành danh khá sớm nhờ môt châm ngôn “Hãy sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng của cuộc đời”, và chính ông đã viết: “Nếu bạn sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng, đến lúc nào đó bạn sẽ tin tưởng rằng mọi điều bạn làm đã đúng”.
Có được một quan niệm tuyệt vời như vậy, chính vì Steve Jobs đã coi "Ngày hôm nay là quà tặng của Thượng Đế". Kẻ viết bài này tẩn mẩn nghĩ đến một trùng hợp (không biết có phải là ngẫu nhiên hay không?) trong ngôn ngữ học: đó là chữ Present trong tiếng Anh. Present là ‘Hiện tại’, nhưng cũng có nghĩa là ‘Quà tặng’. Vì ngày hôm nay ở thời điểm ‘hiện tại’ (Present), nên có thể hiểu: “Hôm nay là một quà tặng – Today is a Present”. Thành ngữ tiếng Anh có câu: "Yesterday is history, Tomorrow is a mystery, Today is a gift, which is why we call it the Present of life. It is a good topic!” (Hôm qua là quá khứ. Ngày mai là bí ẩn. Hôm nay là một món quà, đó là lý do tại sao chúng ta goi nó là Quà tặng của cuộc sống. Đó là một quà tặng tuyệt vời!). Quà tặng tuyệt vời đó chỉ có thể là do Thượng Đế ban tặng. Vậy thì có thể viết: “Today is a good Present of God ! – Hôm nay là một quà tặng tuyệt vời của Thượng Đế!”
Các Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam cũng đã coi “Ngày hôm nay là quà tặng của Thượng đế” và “Hãy sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng của cuộc đời”. Tại sao vậy? Vì các ngài, hơn ai hết, đã hiểu rất rõ ràng các ngài hiện diện trên trái đất này chính là một đặc sủng, một quà tặng tuyệt đối vô song Thiên Chúa đã ban cho, Người có thể gọi các ngài về bất cứ lúc nào để coi các ngài đã sử dụng quà tặng ấy ra sao. Vì thế, các ngài luôn sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuồi cùng trước khi được Thiên Chúa gọi về. Dĩ nhiên các ngài không đời nào chỉ lo tận huởng món quà vô giá đó, mà biết sử dụng nó theo ý Người Chủ đã tặng cho mình. Sống và hành động hết mình cho lý tưởng mình đã khám phá được với một ý chí sắt đá, dù cho còng trói tay, gươm kề cổ cũng không chùn bước; đó chính là phẩm hạnh tuyệt hảo của Các Thánh Tử Vì Đạo.
Hôm nay là quà tặng, mà quà tặng Thiên Chúa đã ban cho các Thánh Tử Vì Đạo chính là Hồng-Thập-Tự-Kitô. Vâng, chính Con đường (Đạo) Thập Giá là món quà vô giá Thiên Chúa đã ban cho nhân loại, mà các Thánh Tử Vì Đạo đã sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng vì sự bách hại cứ như một lưỡi gươm vô hình treo lơ lửng trước mặt các ngài, nó sẽ đâm thẳng vào con tim các ngài bất cứ lúc nào. Chẳng thế mà Thánh Tử Vì Đạo VN Tê-ô-pha-nô Ven đã nói với bọn quan quyền bách hại Đạo Chúa: “Tôi đã suốt đời thuyết giảng về Đạo Thập Giá, nay tôi lại đạp lên thập giá thế nào được? Tôi thiết nghĩ sự sống đời này đâu quý hoá đến độ tôi phải bỏ Đạo mà mua?” (Điệp ca Ca vịnh 3, Kinh Chiều II, Lễ kính CTTĐ/VN). Sự sống đời này dù quý hoá tới đâu cũng không thể so sánh với quà tặng Đạo Thập Giá được. Hiển nhiên là thế.
Quả thực càng suy niệm, càng thấy lời dậy của Thánh Phê-rô là xác thực: “Anh em thân mến, anh em đang bị lửa thử thách: đừng ngạc nhiên mà coi đó như một cái gì khác thường xảy đến cho anh em. Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ. Nếu bị sỉ nhục vì danh Đức Ki-tô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em.” (1Pr 4, 12-14). Các Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam đã “thật có phúc”, vì “cùng được vui mừng hoan hỷ” khi “vinh quang của Đức Ki-tô tỏ hiện”. Đó chẳng phải là món quà tặng vô giá mà chỉ những người “thật có phúc” mới biết trân trọng chu toàn ý muốn của Người Chủ đã trao tặng đó sao? Chẳng thế mà chỉ trong vài thế kỷ, trên 130.000 Ki-tô hữu VN đã vui mừng đón nhận quà tặng (là cây Hồng-Thập-Tự-Kitô-hữu), kiên cường vác cây thập-giá-đời-mình mà theo Đức Ki-tô, để rồi anh dũng đổ máu ra nhuộm thắm cây Hồng-Thập-Tự. Và trong số ấy, Giáo Hội đã tuyên phong 117 vị lên bậc hiển thánh.
Thánh Phao-lô đã gửi tín hữu Ê-phê-sô những lời khuyên chí tình chí nghĩa: ”Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại, vì chúng ta đang sống những ngày đen tối.” (Ep, 15-16). Vâng, “biết tận dụng thời buổi hiện tại”, vì hiện tại là hôm nay, mà “hôm nay là quà tặng”, nên hãy đặt ra cho mình một câu hỏi “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng còn sống, tôi sẽ còn muốn làm điều mà tôi sắp sửa làm hôm nay?” (Steve Jobs).
Ấy cũng bởi vì “Chúng ta đâu có nhiều cơ hội để làm mọi thứ trên đời, mọi người nên làm thật tốt những gì bản thân đang làm” (ibid), nên cần phải dứt khoát trả lời câu hỏi trên và “cần tin tưởng rằng những gì mình đang làm hiện tại rồi sẽ có lúc kết nối với nhau để tạo ra tương lai” (ibid). Tương lai đó chính là ngày diện kiến Ông Chủ và được Người phán dạy: "Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!" (Mt 25, 23). Ước được như vậy.
Ôi! Lạy Chúa! Xin thương xót con, xin giúp con sống thật sự tinh thần chuẩn bị sẵn sàng đó, để “Khi Chúa thương gọi con về, Hồn con hân hoan như trong một giấc mơ. Miệng con nức vui tiếng cười, lưỡi con vang lời ca hát. Ngàn dân tung hô, con thật vinh phúc.” (Kim Long – “Ngày về” – TCCĐ). Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: