Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Ngày của Chúa

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

NGÀY CỦA CHÚA

(CN XXXIII/TN-C – kính trọng thể CÁC THÁNH TỬ VÌ ĐAO VN)

 

Đọc câu mở đầu bài đọc 1 (CN XXXIII – Ml 3, 19-20): “Vì này Ngày ấy đến, đốt cháy như hoả lò. Mọi kẻ kiêu ngạo và mọi kẻ làm điều gian ác sẽ như rơm rạ”, không hiểu “Ngày ấy” là ngày gì? Để rõ hơn, đọc ngược lên chương 2 thấy tiêu đề: “Ngày của Đức Chúa” (Ml 2, 17; 3, 1-5); tiếp theo là tiêu đề: “Người công chính khải hoàn trong ngày Đức Chúa” (Ml 3, 13-21). Như vậy ngày ấy chính là “Ngày của Đức Chúa: Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến, - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán. Ai chịu nổi ngày Người đến? Ai đứng được khi Người xuất hiện? Quả thật, Người như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt. Người sẽ ngồi để luyện kim tẩy bạc; Người sẽ thanh tẩy con cái Lê-vi và tinh luyện chúng như vàng, như bạc… Này Ta sai ngôn sứ Ê-li-a đến với các ngươi, trước khi Ngày của ĐỨC CHÚA đến, ngày trọng đại và kinh hoàng.” (Ml 3, 1-23).

 

Những đoạn Kinh Thánh Cựu Ước nhắc đến ngày của Chúa thường nói về những ứng nghiệm sẽ xảy ra cả trong tương lai gần và xa, giống như các lời tiên tri vậy. Về tương lai gần thì các ngôn sứ thường coi đó như là “Ngày Đức Chúa viếng thăm cứu độ dân Người” và nếu có sự đoán phạt thì đó chỉ là những sự kiện đã thực sự ứng nghiệm một phần trong lịch sử của Ít-ra-en, chẳng hạn: “Hãy rên siết, vì ngày của ĐỨC CHÚA đã gần kề” (Ed 13, 6); “Thật vậy, ĐỨC CHÚA sẽ chạnh thương Gia-cóp và sẽ lại chọn Ít-ra-en, Người sẽ cho họ định cư trên đất của họ. Người ngoại bang sẽ gắn bó với họ và sẽ kết nghĩa với nhà Gia-cóp.” (Ed 14, 1. – xc thêm: Is 10, 27; 13, 6-22; Ed 30, 2-19; Ge 1, 15, 3, 14; Am 5, 18-20; Xp 1, 14-18; Gr 30, 19-31.40; Dcr 14, 1-5). Trong khi đó, một số sách Kinh Thánh khác lại nói về sự đoán phạt của Thiên Chúa sẽ xảy ra vào thời kỳ cuối cùng (Ge 2, 30-32; Dcr 14, 1; Ml 3, 1-3). Kết qủa chung cuộc sẽ là “ĐỨC CHÚA các đạo binh đã dành sẵn một ngày để trị tất cả những gì kiêu căng ngạo nghễ, trị tất cả những gì tự cao tự đại: chúng sẽ bị hạ xuống, bị khuất phục. Trong ngày đó, chỉ một mình ĐỨC CHÚA được suy tôn.” (Is 2, 11-17).

 

Có nhiều ngày trong lịch sử dân Chúa đã thực hiện quan niệm Ngày của Chúa. Nhưng tất cả những ngày cứu độ ấy cuối cùng chỉ là hình bóng báo trước ngày Thiên Chúa cứu độ trong Ðức Giê-su Ki-tô. Sự ứng nghiệm tối thượng và cuối cùng của các lời tiên tri nói về ngày của Chúa sẽ đến vào những ngày cuối của lịch sử con người khi Đức Chúa trừng phạt sự ác và hoàn thành các lời hứa của Người. Điều Cựu Ước viết về ngày của Thiên Chúa đoán phạt được coi như là những mạc khải đầu tiên và xa xôi nhất về ngày trở lại của Ðức Giê-su, cũng còn được gọi là ngày cánh chung, ngày tận thế. Khi nào Ðức Ki-tô trở lại thì sẽ có cuộc chung thẩm vì không còn có tạo vật mới nữa, nhưng tất cả đều nhìn thấy vinh quang của Người mà phân ra làm hai: hoặc đi vào luận phạt của "hỏa ngục" hoặc đi vào “thiên đàng” là nơi sáng láng rực rỡ. Do đó, lời sách Ma-la-khi và những lời tiên tri khác về "Ngày của Thiên Chúa" cuối cùng vẫn áp dụng được cho Ngày Ðức Ki-tô trở lại phán xét kẻ lành, người dữ.

 

Đó là Cựu Ước, sang đến Tân Ước thì chỉ có 3 sách Kinh Thánh nói cụ thể là “ngày của Thiên Chúa” (Cv 2, 20; 2Tx 2, 2; 2 Pr 3:10); còn lại thì hầu hết các sách đều có nói đến ngày cuối cùng của lịch sử loài người và gọi là ngày Chúa quang lâm, ngày chung thẩm, ngày cánh chung, ngày sau hết theo nghĩa “ngày tận thế” (Mt 13, 39-40.49; 24, 1-3; 28, 20; Mc 13, 1-4; Lc 21, 5-7; Ga 6, 39-40.44; 11, 24; 12, 48; 2Tx 1, 1; 2Tm 3, 1; Gc 5, 3; 2Pr 3, 3; Kh 6, 17; 16, 14). Tựu trung, các tác giả đã dùng hình ảnh của Cựu Ước và văn chương Khải huyền thời bấy giờ về Ngày của Thiên Chúa để diễn tả ngày tận thế và chung thẩm. Có thể nói các tác giả Tân Ước không có ý kiến mới và hình ảnh mới. Vẫn là cảnh trời long đất lở, cảnh lửa cháy phừng phừng, trừng phạt kẻ dữ, thưởng công người lành.

 

Cũng có ý kiến cho rằng “ngày của Chúa” là ngày Chủ nhật (còn gọi là Chúa nhật). Nếu chỉ căn cứ vào tiếng Việt thì đúng là như vậy (theo từ nguyên thì Chủ nhật  主 日 là Ngày của Chúa, ngày cuối tuần); nhưng vì đây là từ Hán Nôm được dùng để dịch từ Sa-bát trong Thánh Kinh (Cổ ngữ Hê-bơ-rơ viết là “Shabbath”: ngưng, nghỉ; Cổ ngữ Hy-lạp viết là “sabbath”: yên nghỉ), nên phải hiểu ngày Sa-bát kỷ niệm ngày nghỉ ngơi của Thiên Chúa sau khi Người đã hoàn tất sự Sáng tạo vũ trụ và con người. Đó là dấu hiệu về giao ước giữa Thiên Chúa với dân của Người. Sách Sáng Thế Ký trình thuật Thiên Chúa đã sáng tạo trời đất trong sáu ngày, “Ngày thứ bảy, Thiên Chúa hoàn thành các công việc Người làm, và ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ ngơi. Rồi Người ban phúc lành cho ngày thứ bảy, và thánh hoá ngày đó.” (St 2, 2–3), nên Giáo hội gọi đó là “ngày thánh”. Về sau, ngày Sa-bát cũng là dịp tưởng niệm Ngày Phục Sinh của Chúa Giê-su Ki-tô. Như vậy, ngày Sa-bát là ngày thứ bảy, ngày cuối tuần, được Thiên Chúa quy định cho con người nghỉ ngơi các công việc lao nhọc hàng ngày của minh, đồng thời cử hành những nghi thức tôn thờ Thiên Chúa. Ấy cũng bởi vì: “Con Người làm chủ ngày sa-bát." (Lc 6, 5; Mt 12, 8, Mc 2, 28). Bài viết này, xin chỉ suy niệm “Ngày của Chúa” theo nghĩa “ngày chung thẩm, ngày tận thế”.

 

Bài đọc 2 hôm nay trích Thư của Thánh Phao-lô gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca (CN XXXIII/TN-C – 2Tx 3, 7-12) cũng nhắc đến Ngày của Chúa với tên gọi “Cơn sốt quang lâm”. Mới đọc tiêu đề “Đề phòng lối sống vô kỷ luật: cơn sốt quang lâm!”, nảy sinh thắc mắc, không hiểu ngày Chúa quang lâm tại sao thánh nhân lại gọi là “cơn sốt quang lâm”? Đọc hết cả chương 3 của thư cũng không thấy thánh Phao-lô nói rõ. Phải đọc ngược lên chương 2 mới hiểu được tại sao thánh nhân lại đặt tiêu đề như vậy. Thánh Phao-lô viết: “Thưa anh em, về ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, quang lâm và tập hợp chúng ta về với Người, tôi xin anh em điều này: nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã được thần khí mặc khải, hoặc đã nói, đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ. Đừng để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào. Tên đối thủ tôn mình lên trên tất cả những gì được gọi là thần và được sùng bái, thậm chí nó còn ngồi trong Đền Thờ Thiên Chúa và tự xưng là Thiên Chúa.” (2Tx 2, 1-4).

 

Suy niệm bài Tin Mừng (Lu-ca 21, 5-19) mới thấy quả thật ngày Chúa đến lần thứ hai sẽ là ngày hiện thực “cơn sốt quang lâm”: Đó sẽ là ngày "Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào." Ngày đó sẽ được báo trước, nhưng “Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu". Rồi Người nói tiếp: "Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện. Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.”

 

Khi nghe đọc bài Tin Mừng hôm nay, đã có ý kiến cho rằng chẳng lẽ lại có những bậc cha mẹ đi tố cáo, bắt con em mình nộp cho thế lực thù địch hay sao? Cha mẹ nào mà chẳng thương con, đã không che giấu thì chớ, mà lại còn nhẫn tâm bắt nộp con em mình cho kẻ thủ ác. Hoạ chăng có những cha mẹ của những kẻ trộm cướp giết người, xì ke ma tuý, mới đi tố giác con mình, nhưng suy cho cùng thì đó cũng là hành động vì yêu con, muốn con chừa bỏ tật xấu, nên mới làm như vậy. Vì thế, mới thoạt nghe Lời Chúa, thấy có vẻ nghịch lý, khó lòng chấp nhận được, và chính điều này tác động mãnh liệt vào bộ não khiến người ta phải dốc tâm suy niệm để tìm cho ra đáp án. Quả thực, khi phải dốc hết tâm trí ra suy nghĩ về một vấn đề nào đó thì việc đầu tiên là phải nhìn lại mình trước, nhiên hậu nhìn lại những người thân cận và môi trường mình đang sống, đang hoạt động. Nhìn lại để thấy được không hẳn là viết đơn hoặc đến thẳng quan quyền tố cáo con em mình mới là “bắt nộp”. Nhiều khi chỉ vì cha mẹ chưa tin vào những điều con mình đã tin, ra mặt không chấp nhận hành động của con em mình, tạo nên một hố sâu chia rẽ trong gia đình, thì như thế đã là “vạch áo cho người xem lưng” khiến kẻ thủ ác có cớ để bắt bớ, tra tấn con em mình.

 

Nhìn lại còn để cảnh giác và sẵn sàng đối phó, chớ không phải nhìn lại để trốn chạy, chối bỏ. Nhìn lại còn để thấy được sự yếu đuối, mỏng giòn của bản thân cũng như những người thân cận ruột thịt và rộng ra là của con người thụ tạo trên trái đất này, nên rất có thể "Kẻ thù của mình chính là người nhà" (Mt 10, 36). Như thế, nhìn lại mình chính là để vượt thắng được chính mình, mà muốn được vậy thì phải biết kiên trì cầu nguyện xin ơn soi sáng để nhìn cho rõ con đường chân lý mà mình sẵn sàng nhập cuộc, đồng thời cầu nguyện xin Chúa Thánh Linh tăng thêm sức mạnh và dũng khí để sẵn sàng đối mặt với nghịch cảnh, chấp nhận hy sinh để bảo vệ đức tin, bởi chính “Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được.” (Lc 21, 13-15).

 

Điều cần suy gẫm tiếp theo, đó là vấn đề cho đến tận ngày nay, những Lời tiên báo của Đức Giê-su (“Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có hững trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện" – Lc 21, 10-11) đã thực sự xảy ra và xảy ra thật nhiều trên trái đất này. Và tất nhiên, Lời cảnh báo của Người về những người thân cận ruột thịt (cha mẹ, anh em, họ hàng, bè bạn) sẽ bắt nộp con em của mình vì đã dám làm chứng cho niềm tin về một Đấng Ki-tô Cứu Thế, cũng đã xảy ra không ít. Có lẽ cũng chính nhờ những Lời cảnh báo của Đức Ki-tô, hay nói khác hơn là nhờ hồng ân Thiên Chúa, nhờ những đặc sủng Người ban cho cách này cách khác, nên cũng vẫn còn và còn nhiều những bà mẹ, những người chị, những anh em bè bạn sẵn sàng là nguồn động lực quý giá thúc đẩy những bậc anh hùng tử vì đạo tiến tới đài vinh quang.

 

Tóm lại, biết lắng nghe, biết suy niệm và luôn biết tỉnh thức, sẵn sàng thực hành theo Lời Chúa dạy, thì mọi kẻ thù hung ác, mọi thử thách nghiệt ngã, mọi chông gai nguy hiểm, cũng đều có thể vượt qua, bởi “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21, 17-18). Chúa đã từng dạy hãy kiên trì trong cầu nguyện (xc. dụ ngôn “Người bạn quấy rầy” – Lc 11, 5-8; “Người đàn bà quấy rầy” – Lc 18, 1-8), nay Chúa lại dạy hãy kiên trì làm nhân chứng cho Tin Mừng cứu độ. Rõ ràng trong tư tưởng hay trong hành động, ở bất cứ hoàn cảnh nào, anh hãy biết KIÊN nhẫn bảo TRÌ đức tin mà anh đã chọn cho cuộc đời mình. Chỉ có như thế, anh mới thật sự xứng đáng là con cháu, là những người thân cận của hơn 130.000 vị anh hùng tử vì đạo Việt Nam, mà chính ngày hôm nay – ngày có bài TM phải dốc hết tâm trí ra mới thấu hiểu được – lại là ngày mừng kính trọng thể các ngài (1). Mong vậy thay!

 

JM. Lam Thy ĐVD.

 

Cước chú: (1)- Cũng vì ngày 24/11 hàng năm là ngày kính các Thánh Tử vì Đạo Việt Nam, Bổn mạng Hội Thánh Việt Nam, nên kẻ viết bài này xin có bài chia sẻ riêng (xc. VĂN KHỐ CỦA CHÂN LÝ ĐƯỢC VIẾT BẰNG MÁU – Lễ kính Các Thánh Tử vì Đạo Việt Nam).