Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Văn khố chân lý viết bằng máu

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

VĂN KHỐ CHÂN LÝ VIẾT BẰNG MÁU (LỄ CÁC THÁNH TỬ VÌ ĐẠO VIỆT NAM 24/11)

 

Nói về “Tử vì Đạo”, sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (số 2474) đã khẳng định: “Hội Thánh hết sức cẩn thận thu thập kỷ niệm về những người đã đi đến tận cùng để làm chứng cho đức tin. Truyện các vị tử vì đạo là văn khố của Chân Lý được viết bằng máu.” Thử tìm hiểu xem “Văn khố của Chân lý” là gì và tại sao lại được viết bằng máu?

 

Theo từ nguyên thì “văn khố” (文 庫) là kho lớn của một quốc gia dành để lưu trữ tài liệu, sách báo bản gốc; “chân lý” (真 理)  là một sự thật của loài người luôn luôn đúng và tồn tại mãi mãi theo thời gian, giúp con người thoát khổ và bất tử khi áp dụng thực hành nó. Chân lý là sản phẩm của quá trình nhận thức về thế giới của con người. Với Ki-tô giáo thì vào năm 1881, ĐGH Lê-ô XIII là người đầu tiên quyết định mở ra vài Văn khố nhỏ tại Rô-ma. Tới ngày 15/02/2003, Thánh GH Gio-an Phao-lô II mới quyết định cho mở tại Tòa Thánh Vatican một kho Văn khố lớn lưu trữ các văn kiện của Giáo hội trong khoảng thời gian từ năm 1922 đến năm 1939, cho các học giả đến nghiên cứu. Mãi tới năm 2005 Giáo hội mới chính thức mở Văn khố cách trọn vẹn dành cho công chúng đến tham khảo (nguồn: Vatican.net). Như vậy thì phải hiểu “Văn khố của Chân lý” là kho lưu trữ các văn kiện thuộc về Chân lý “Cứu Độ” của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

 

Đức Vua Chân lý Giê-su đã khẳng định: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi." (Ga 18, 37). Người đã lấy máu của Người làm chứng cho sự thật. Noi gương Đức Ki-tô, các Thánh Tử vì Đạo đã lấy máu của mình làm chứng cho sự thật (“làm chứng cho Chân lý Đức tin” – GL/HTCG, số 2473), nên những truyện kể lại chứng tích anh hùng các ngài để lại cho hậu thế chính là những văn khố được viết bằng máu. Đó là lý do giải thích vì sao ngày 15/10/1989, Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã xin Tòa Thánh ghi vào lịch Phụng Vụ Công Giáo: Ngày 24/11 hàng năm là ngày kính các Thánh Tử vì Đạo, Bổn mạng Hội Thánh Việt Nam, nhằm kỷ niệm ngày thành lập Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (24/12/1958). Đề nghị này đã được Bộ Phụng Tự Toà Thánh chấp thuận ngày 14/02/1990, đồng thời còn được đặc biệt kính trọng thể vào Chúa nhật XXXIII/TN, áp Chúa nhật XXXIV (lễ Đức Ki-tô Vua Vũ Trụ), với ngụ ý: 117 vị Thánh Tử vì Đạo trong số 130.000 Ki-tô hữu tại Việt Nam đã anh dũng lấy máu của mình tô thắm thêm cho vinh quang Thập Giá của Vua Chân Lý Giê-su Ki-tô – hiện thân Lòng Chúa Thương Xót.

 

Năm Thánh Lòng Thương Xót cũng bế mạc vào CN XXXIV (lễ Đức Ki-tô Vua Vũ Trụ), nên rất nhiều Ki-tô hữu đều ao ước đươc một lần hành hương đến Giáo đô La Mã. Cũng bởi vì “Việc hành hương có một vị trí đặc biệt trong Năm Thánh, vì nó thể hiện cuộc hành trình mỗi chúng ta thực hiện trong cuộc sống này.” (Tông chiếu Dung Mạo Lòng Thương Xót “Misericordiae Vultus”, số 14). Nói đến hành hương trong dịp mừng kính các Thánh Tử vì Đạo, tư nhiên lại nhớ đến “hang Toại Đạo” tai Rô-ma, nơi mà bất cứ ai có dịp thăm viếng Tòa Thánh đều ao ước thực hiện cuộc hành hương tới hang Toại Đạo. Thử tim hiểu xem “hang Toại Đạo”  là gì?

 

Hang Toại Đạo là hệ thống đường hầm đào sâu dưới lòng đất tại các khu nghĩa trang ngoại thành Rô-ma. Đó là nơi mà các tín hữu sơ khai đã ẩn trốn những cơn bách hại liên tiếp trong 3 thế kỷ. Người tín hữu sơ khai đã phải sống trong những điều kiện như thế để bảo vệ đức tin của mình. Vì thế, quan niệm chung đều coi hang Toại đạo là hang Tử vì đạo, nơi sùng kính các vị chết vì Đạo Chúa. Thực ra, theo ý kiến của Đức Ông Giovanni Carrù, thư ký Ủy ban khảo cổ Tòa Thánh, trả lời phòng viên báo Tương Lai, thì đó chỉ là nghĩa trang chung của các Ki-tô hữu tiên khởi với các người ngoại giáo, mãi về sau mới coi đó là nơi sùng kính các vị Tử vì Đạo. Đức Ông cho biết:

 

Các hang Toại đạo diễn tả một kiểu an táng cách mạng, mà các cộng đoàn Ki-tô tiên khởi đã đề xướng. Cho tới đầu thế kỷ thứ II các Ki-tô hữu vẫn chôn các tín hữu qua đời trong các nghĩa trang chung với người ngoại giáo. Chẳng hạn như trong nghĩa trang trên đồi Vatican bên dưới hầm đền thờ thánh Phê-rô, hay nghĩa trang gần đền thờ thánh Phao-lô trên đường Ostiense ở ngoại thành. Nhưng trong các thập niên cuối cùng của thế kỷ thứ II, các cộng đoàn Ki-tô đã mạnh dạn thành lập các nghĩa trang riêng của các Ki-tô hữu.

 

Vào đầu thế kỷ thứ IV, các nghĩa trang Ki-tô kết thúc nhiệm vụ là nơi chôn cất các tín hữu, và chỉ duy trì vai trò là nơi sùng kính các vị Tử vì Đạo. Vai trò này đã là nền tảng đường hướng mục vụ của Đức Giáo hoàng Damaso (366-384) trong khoảng thời gian hậu bán thế kỷ IV. Bằng một phương cách có hệ thống và với rất nhiều tình yêu mến, Đức Damaso đã tìm kiếm mộ của các vị Tử vì Đạo, xây đài kỷ niệm và đặt để thành ”Lộ trình đến với các Thánh”. Như vậy, ngay từ thời ấy các tín hữu hành hương thành thánh Rô-ma theo các con lộ lớn đã ghé thăm các nghĩa trang và cầu nguyện trước mộ các vị Tử vì Đạo. Ngày nay trong Năm Đức tin này (2013) thật là thích hợp để tiếp tục lộ trình hành hương ấy. (xc Bài phỏng vấn Đức Ông Giovanni Carrù, thư ký Ủy ban khảo cổ Tòa Thánh, về hang Toại Đạo do phóng viên Gioanni Cardinale của nhật báo Tương Lai thực hiện, số ra ngày 03/01/2013 – nguồn: Vatican.net).

 

Như vậy là đã rõ: Ý nghĩa hành hương hang Toại Đạo là nhằm kính viếng các Thánh Tử vì Đạo. Giáo hội Việt Nam đã dịch chữ “Martyr” là “Tử đạo” hiểu theo nghĩa ”chết vì đạo”. Tuy nhiên, dựa theo ý nghĩa được dùng trong nguyên gốc Hy-lạp “martyr” thì có nghĩa là “làm chứng”. Trong Tân Ước, các môn đệ được trao sứ vụ ra đi làm chứng về Đức Giê-su, về sứ vụ của Người, bằng lời nói, bằng việc rao giảng, bằng chính đời sống của những thừa sai chính hiệu như chính Đức Vua Chân Lý Giê-su đã khẳng định và thực hiện (“Ông Phi-la-tô liền hỏi: "Vậy ông là vua sao?" Đức Giê-su đáp: "Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi." – Ga 18, 37). Tuy nhiên, dần dần từ “martyr” được dùng theo nghĩa hẹp: không còn bao gồm tất cả mọi hình thức chứng tá, nhưng chỉ giới hạn vào việc chứng tá bằng chính mạng sống của mình.

 

Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (số 2473-2474) đã giải thích: “Tử đạo là chết để làm chứng cho chân lý đức tin, nên là lời chứng cao quí nhất. Sống kết hợp với Đức Ki-tô, khi chịu chết, vị tử đạo làm chứng cho Đấng đã chết và đã sống lại. Những vị tử đạo làm chứng cho chân lý đức tin và đạo lý Ki-tô giáo bằng cái chết anh hùng. "Hãy để tôi trở nên mồi ngon cho ác thú. Chính nhờ chúng mà tôi sẽ được về với Thiên Chúa" (Thánh I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-ki-a, Rom. 4, 1 )… Hội Thánh hết sức cẩn thận thu thập kỷ niệm về những người đã đi đến tận cùng để làm chứng cho đức tin. Truyện các vị tử vì đạo là văn khố của Chân Lý được viết bằng máu.”

 

Máu các Thánh Tử vì Đạo là nguồn ân sủng chan chứa tưới trên đất nước Việt Nam, làm cho cánh đồng truyền giáo ngày càng thêm màu mỡ, trổ sinh biết bao hạt giống đức tin đơm bông kết trái rực rỡ như ngày nay. Điều này khẳng định nguồn ân sủng đó chính là để dành cho con cháu các Thánh Tử vì Đạo trước tiên, để con cháu ngày càng thăng tiến trong đức tin. Đức tin của tổ tiên vẫn mãi tồn tại và còn tiếp tục truyền tụng sang nhiều thế hệ tương lai. Đức tin này chính là nền tảng xây dựng sự kiên trì cho tất cả những người là Việt Nam thuần túy sẽ trung thành với quê hương đất nước, nhưng đồng thời vẫn là người tín hữu đích thực của Chúa Ki-tô (công dân nước trần thế + công dân Nước Trời).

 

Nói cách khác, gương chứng nhân của các Thánh Tử vì Đạo Việt Nam khiến cho “Ai là người tín hữu đều ý thức rằng: Lời kêu gọi của Phúc Âm vẫn là phải tuân phục các thể chế loài người, để tôn thờ tình yêu Thiên Chúa bằng cách làm việc thiện, sống xứng đáng con người tự do, kiêng nể tha nhân, yêu thương anh em, kính sợ Thiên Chúa và tôn trọng công quyền và thể chế quốc gia (1Pr 2, 13-17). Do đó, công ích của quốc gia vẫn là thời điểm người công dân phải dấn thân, nhưng đồng thời phải được tự do tuyên xưng chân lý của Chúa, được cảm thông với các vị chủ chăn và anh em đồng tín ngưỡng; và như thế là để sống an bình với mọi người và thực tâm xây dựng hạnh phúc cho toàn dân.” (xc “Bài giảng lễ tuyên phong 117 hiển thánh Tử Đạo Việt Nam” của Thánh GH Gio-an Phao-lô II).

 

Đọc và suy nịêm các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay ( 2Mc 7, 1.20-23.27b-29;   Rm 8:31b-39), nhất là bài Tin Mừng ( Lc 9:23-26), tưởng chừng như những lời tiên báo từ Cựu Ước sang Tân Ước, đã thực sự xảy ra trên dải đất hình cong chữ S suốt 3 thế kỷ (từ Tk XVI tới Tk XIX). Quả thực càng suy niệm, càng thấy lời dậy của Thánh Phê-rô là xác thực: “Anh em thân mến, anh em đang bị lửa thử thách: đừng ngạc nhiên mà coi đó như một cái gì khác thường xảy đến cho anh em. Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ. Nếu bị sỉ nhục vì danh Đức Ki-tô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em” (1Pr 4, 12-14). Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã “thật có phúc”, vì “cùng được vui mừng hoan hỷ” khi “vinh quang của Đức Ki-tô tỏ hiện”.

 

Thánh Phao-lô còn xác tín mãnh liệt: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.” (Rm 8:35-39).

 

Tổ tiên chúng ta đã anh hùng làm chứng cho Tin Mừng, làm chứng cho Chân Lý, đem Công Lý gieo mầm tin yêu trên dải đất chữ S thân yêu này; cũng như trải dài theo lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước, tổ tiên chúng ta đã anh dũng bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ, giữ vững bản sắc dân tộc (không để bị đồng hoá, đè bẹp) trước làn sóng xâm lược của các đế quốc phong kiến, nhất là của đế quốc phong kiến phương Bắc lớn và mạnh gấp ngàn lần nước ta. Còn chúng ta thì sao, thưa các Ki-tô hữu thân mến, thưa đồng bào ruột thịt của tôi?

 

Ôi! “Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ, lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam).

 

JM. Lam Thy ĐVD.