Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Con tim rung nhịp với chân lý

Tác giả: 
Nguyễn Văn Hiệp

 

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG – NĂM B

(Is 61,1-2a.10-11; 1Tx 5,16-24; Ga 1,6-8.19-28)

 

CON TIM RUNG NHỊP VỚI CHÂN LÝ

 

Tiếp nối hai bài suy niệm “Đừng Vô Cảm” và “Tỉnh Thức Con Tim” của hai chúa nhật I & II mùa vọng, hôm nay chúa nhật III mùa vọng, xin được chia sẻ đề tài: con tim rung nhịp với chân lý.

 

Mấy ngày gần đây, video clip về sự thờ ơ của người qua đường đối với cô gái bị đâm 28 nhát dao đang tạo sự quan tâm của dân cư mạng và gây xôn xao dư luận Trung Quốc. Đoạn video có tên “Ngang nhiên giết người trên phố” đã được phát tán với tốc độ chóng mặt trên các mạng xã hội Trung Quốc. Video này cho thấy, vào lúc 9h sáng ngày 30/11, một người đàn ông chừng 25 tuổi đã xông vào tấn công một cô gái qua đường. Hắn ta giật, lôi và giằng lấy giỏ xách của cô gái. Cô gái đã gắng sức giữ chặt giỏ của mình. Sau gần 10 giây giằng co, người đàn ông hung hãn đã rút dao trong người đâm tới tấp cô gái 4 nhát liền, khiến cô ngã lăn ra đất. Ngay khi đó có hai người qua đường (có lẽ là 2 người đàn ông) đứng yên gần bên quan sát sự việc; ở len đường bên cạnh có ít nhất 1 chiếc taxi và 2 chiếc môtô tấp vào lề (chắc là vì tò mò); cách đó không xa là một nhóm người rất đông (có lẽ đi ra từ khách sạn). Chẳng ai có một phản ứng gì! Người đàn ông say máu cuồng lên, hắn tiếp tục dùng dao đâm cô gái thêm mấy nhát nữa. Nạn nhân dồn chút sức tàn gượng dậy kêu cứu, nhưng hai người đàn ông qua đường vẫn thản nhiên không hề can thiệp hay báo cảnh sát mà lẳng lặng rời khỏi hiện trường. Kẻ côn đồ tiếp tục đâm cô gái mười mấy nhát nữa cho đến khi cô nằm im trên vũng máu. Sau cùng, hắn dùng chân đạp hơn 10 cái trên thi thể nạn nhân bê bết máu rồi lạnh lùng bỏ đi.

 

Vụ án mạng được xác định xảy ra ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc). Vụ giết người dã man đã khiến cư dân mạng đã vô cùng kinh ngạc về hành động gian ác mất tính người của hung thủ và thương xót cho cô gái xấu số. Được biết nạn nhân đã tử vong sau khi đưa tới bệnh viện do mất quá nhiều máu. Họ cũng bày tỏ sự phẫn nộ với thái độ dửng dưng và bàng quan của những người qua đường không ai chịu ra tay can ngăn hay báo cảnh sát. Cho dù địa điểm xảy ra án mạng cách đồn cảnh sát không xa, nhưng hơn 10 phút sau vẫn không thấy cảnh sát đâu cả. Nhiều người cho rằng hành động của người đàn ông khiến người ta ghê tởm. Nhưng sự thờ ơ, lạnh lùng, vô cảm của những người qua đường thấy chết mà không cứu giúp còn tàn nhẫn hơn!

 

Xem đoạn video clip xong, người viết bỗng nhớ đến bộ phim tài liệu “Chuyện Tử Tế” vang tiếng một thời của đạo diễn – NSND Trần Văn Thủy. Bộ phim được bấm máy năm 1985, bị cấm chiếu trong nước, nhưng lại gây tiếng vang ở nước ngoài. Bộ phim đoạt giải Bồ câu bạc Liên hoan phim Quốc tế Leipzig, được báo chí nước ngoài ví như “Quả bom đến từ Việt Nam nổ tung ở thành phố Leipzig” (Đức), được nhiều đài truyền hình nổi tiếng mua bản quyền phát sóng, được lọt trong top 10 bộ phim tài liệu hay nhất được thế giới bình chọn năm 1992.

 

Có lẽ vì biết trước số phận “long đong” của “Chuyện Tử Tế” trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam 1985 mà Trần Văn Thủy đã dán tấm bùa hộ mệnh ở đầu và kết cho bộ phim là câu nói của Karl Marx: “… Tất nhiên, chỉ có loài súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của con người, và chăm lo riêng cho bộ da của mình …”.

 

“Chuyện Tử Tế” được liền mạch bởi những câu hỏi mang tính nhân sinh: thế nào là Nhân dân? Là Vĩ đại? là Hạnh phúc? Là Tử tế? … Nhưng tất cả được gói gém trong lời mời gọi: “Hãy sống tử tế với nhau”. Nhưng đâu là nền tảng, là cội nguồn để con người sống tử tế? Dường như chính đời sống tận hiến phục vụ vô vị lợi của các Soeurs tại trại phong Quy Hòa (Quy Nhơn) là đáp án cho vấn nạn. Xin được lược ghi lại lời thoại và lời bình trong phim:

 

Khởi đi từ lời của cô gái: “Ăn ở với nhau tử tế là lẽ thường, là niềm an ủi của người đời. Chỉ có đồ hủi mới ăn ở với nhau chẳng ra gì!”.

Lời cô gái như là cái cớ để đoàn làm phim đi đến Trại phong ở Quy Hòa. Tại đây, họ gặp mặt đông đảo các thầy thuốc và đặt câu hỏi:

-        Thưa các thầy thuốc, ở đây ai là người tận tâm chạy chữa, chia sẻ với người hủi?

-        Các bà soeurs! Chuyện đó phải kể đến các bà soeurs.

-        Các thầy thuốc, trong đó có các thầy thuốc từ khi rời ghế trường Y, cho đến bây giờ đã hai thứ tóc, làm việc ở các trại hủi, đều trả lời như vậy …

-        Những người làm phim hỏi: -Thưa, đâu là nơi bắt đầu để các soeurs yên tâm, tận tụy phục vụ người mắc bệnh hủi?

-        Dạ, chỗ bắt đầu của chúng tôi và đồng nghiệp là lòng Tin.

-        Vâng! Nếu không có lòng tin thì con người không thể sống với con người được. Con người đã từ lòng tin thần thánh, lòng tin tôn giáo mà đến với lòng tin có chứng cứ, tin vào những cái đích thật.

 

Người biên tập bộ phim này cho biết: "Từ rất xa xưa, cha bác có dạy rằng tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có nổ lực tột bậc và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người - người tử tế - trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành người có quyền hành, giỏi giang hoặc siêu phàm".

 

Đọc đến đây có lẽ mọi người sẽ cho rằng người viết quá sa đà nơi phần dẫn nhập. Nhưng có xem đi xem lại hai đoạn phim kể trên nhiều lần và nghiền ngẫm nó thì ta mới thấy bừng sáng lời mời gọi của đoạn Tin Mừng hôm nay.

Bài Tin mừng hôm nay (Ga 1,6-8.19-28) giới thiệu sứ mạng của Gioan Tẩy Giả. Ông là người làm chứng. Người làm chứng về Đức Giêsu là Ánh sáng, là Ân sủng, là Sự thật. Người làm chứng có “Con tim rung nhịp với chân lý” là Đức Giêsu, cho dẫu người đương thời khướt từ Ngài. Vì có “con tim rung nhịp với chân lý” nên mạnh mẽ tuyên bố trong khiêm hạ: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi … Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.”

Người làm chứng trong đoạn video clip có tên “Ngang nhiên giết người trên phố” là hai người đi đường, là những người trên 2 chiếc môtô và taxi, là đám đông trước khách sạn … đã vô cảm với chân lý, với lòng trắc ẩn yêu thương mà Thiên đã đặt để trong trái tim mỗi người. Họ vô cảm, dửng dưng, bàng quang, lạnh lùng, vô trách nhiệm trước cái ác, trước chân lý bị chà đạm miễn sao không phiền lụy đến bản thân. Đó là hệ quả của một xã hội đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng là nguồn cội muôn loài; một xã hội chỉ chạy theo vật chất tạm bợ trần gian.

 

Người làm chứng trong phim tài liệu “Chuyện Tử Tế” cũng rất nhiều và cũng rất đáng sợ. Đáng sợ đến nỗi mà khi công chiếu những người lãnh đạo đương thời phải thẹn với sự thật đau lòng mà cấm chiếu bộ phim. Tuy nhiên trong muôn vàn người thích làm chứng giả hay tránh né sự thật ấy vẫn còn có những con người có “con tim rung nhịp với chân lý”. Họ sống, hành xử theo niềm tin vào Thiên Chúa là nguồn cội của Tình yêu và Sự thật để đến với tha nhân bằng sự đồng cảm, yêu thương, chia sẻ … Những con người ấy được điển hình hóa qua các nhân vật trong phim là các nữ tu tại trại phong Quy Hòa.

 

Người làm chứng trong bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay cũng có nhiều: là phần đông dân chúng, là một số Tư tế và thầy Lêvi, là  Gioan Tẩy Giả. Dân chúng thời Chúa Giêsu thì im lặng không đón nhận: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 11). Một số Tư tế và thầy Lêvi thì nghi ngờ và dửng dưng đi kiểm chứng. Chỉ có Gioan Tẩy Giả thì xác tín, con tim luôn rung nhịp với Chân lý là Con Thiên Chúa làm người nên khiêm tốn, sẵn sằng làm tất cả mọi sự vì Chúa Giêsu, vì chương trình cứu độ của Ngài. “Con tim rung nhịp với chân lý” của Gioan Tẩy Giả vẫn bền bĩ kiên trung rung nhịp theo Tin Mừng của Chúa Giêsu đến hơi thở cuối cùng dưới lưỡi gươm gian trá và thâm độc của Hêrôđê.

 

Bộ phim “Chuyện Tử Tế” được kết bằng ba biểu tượng: Thiên thần Gapriel thắng quỷ dữ, hai ngọn đèn cầy leo lét trước gió và cuối cùng là ngọn sóng bạc đầu dâng cao gào thét như thét gọi mọi người đừng vô cảm, hãy tỉnh thức con tim, để rung nhịp với chân lý, với sự thật, với nỗi đau của tha nhân.

 

Lời dạy của Tin Mừng hôm nay được thể hiện qua đời sống chứng tá cho Chân lý của Gioan Tẩy giả là lời mời gọi tất cả chúng ta phải có “con tim rung nhịp với chân lý” để làm chứng cho Thiên Chúa Tình Yêu, để sống “tử tế” với nhau, khướt từ mọi đam mê quyến rũ, mọi tham lam ích kỷ vụ lợi cá nhân.

 

Hình tượng Gioan Tẩy Giả trong Tin Mừng càng thôi thúc mỗi người kitô hữu chúng ta hơn nữa: Hãy khiêm tốn sửa đổi chính mình để đón mừng Hài Nhi Giêsu ngự đến.

 

Thomas Nguyễn Văn Hiệp