Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Hãy vui lên!

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

HÃY VUI LÊN! (CN. III. MV- A)

 

Tiếng La-tinh “Adventus” có nghĩa là “Đến”, ban Phụng tự Giáo hội Việt Nam dịch là Mùa Vọng theo nghĩa “sự trông chờ, mong đợi”. Mùa Vọng là mùa dân It-ra-en trông đợi Chúa đến lần thứ nhất và vì thế nên toàn dân Do-thái hãy “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on, hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy nức lòng phấn khởi.” (Xp 3, 14). Như vậy, Mùa Vọng là thời gian trông chờ mong đợi điều tốt lành sắp đến, rất hợp với chủ đề chính của Mùa Vọng là sự chuẩn bị mừng ngày Đấng Cứu Độ Giê-su giáng sinh cách đây trên 20 thế kỷ.

 

Tuy nhiên, học thuyết Thánh Kinh hiện đại cho rằng đây là sự chuẩn bị tâm linh nhằm hướng đến cuộc trở lại để phán xét thế gian của Chúa Giê-su trong tương lai. Bài đọc 2 hôm nay là một minh hoa: “Thưa anh em, xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm. Kìa xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá: họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa. Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới.” (Gc 5, 7-8). Đó cũng là lý do giải thích vì sao Giáo hội luôn kêu gọi người tín hữu hãy tỉnh thức và sẵn sàng đón chờ “Ngày Chúa quang lâm”; vì ngày đó sẽ đến một cách bất ngờ không ai lường trước được, như Lời cảnh tỉnh của chính Con Người (“Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” – Mt 24, 42-44).

 

Người ta thường ví thời Cựu Ước như một đêm trường của nhân loại. Tuy rằng loài người sống trong đêm đen, nhưng Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương và gặp gỡ con người (như trên núi Si-nai, như gặp gỡ tổ  phụ Áp-ra-ham, các tiên tri, ngôn sứ…, để thông qua các vị này mà gặp gỡ mọi người. Ngoài ra, còn biết bao nhiêu cuộc gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa nữa, nhưng chưa được ghi lại bằng sấm ký, sách vở...), chính điều này đã thắp lên một ngọn đèn hy vọng cho nhân loại. Và cũng vì hy vọng là trông đợi điều tốt lành, nên mới nói thời Cựu Ước là mùa trông đợi (Vọng) Chúa đến lần thứ nhất.

 

Con người sống trên đời, đối với điều dữ, điều xấu thì thường sợ hãi, lo lắng, tìm mọi cách để tránh né, chớ chẳng ai dại gì mong nó tới. Người ta chỉ mong đợi (hy vọng) những điều phúc đức, tốt lành. Khi người ta tìm cách tránh né điều xấu vì lo âu, sợ hãi, thì thường buồn rầu, lo sợ (bi quan); nhưng khi trông đợi điều tốt lành thì thường phấn khởi vui mừng (lạc quan). Đó là lý do Chúa nhật thứ III Mùa Vọng được gọi là Chúa nhật “Hãy vui lên”. Vâng, “Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông, hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ, và hân hoan múa nhảy reo hò.” (Is 35, 1-2). Mừng vui lên vì này Đấng Cứu Tinh đã tới, mà khi Người tới thì: “những bàn tay rã rời nên mạnh mẽ,… những đầu gối bủn rủn được vững vàng, mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được, kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò… nước vọt lên trong sa mạc, khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu.” (Is 35, 3-6).

 

Lời tiên báo từ 5 thế kỷ trước công nguyên của ngôn sứ I-sai-a đã trở thành hiện thực, mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên Tân Ước Cứu Độ – do chính Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, thực hiện. Người là “Đấng phải đến” và đã đến để làm cho “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng.” (Mt 11, 5). Người đã đến, đã nói, đã dạy và đã làm nhiều đến độ không bút mục nào có thể kể hoặc ghi lại cho hết được; thật đúng như lời Gio-an Thánh sử: “Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.” (Ga 21, 24-25).

 

Thông thường, con người nếu phải sống một cuộc đời khổ nhọc, bất hạnh, tất sẽ sinh bi quan, yếm thế. Cuộc đời như vậy được ví như sống trong đêm đen, tối tăm, lạnh lẽo. Tuy nhiên, ý chí sinh tồn luôn tồn tại trong mọi động vật, cho dù là con sâu cái kiến cũng tham sinh uý tử, huống chi con người có tri giác. Đó chính là lý do giải thích tại sao con người tuy vẫn ngồi “nguyền rủa bóng tối”, nhưng vẫn không quên tìm mọi cách “thắp lên một ngọn đèn”. Nói khác hơn, cho dù là bi quan yếm thế đến bậc nào chăng nữa, thì cũng vẫn nuôi những hy vọng ngọn đèn đổi đời sẽ được thắp lên. Niềm hy vọng ấy thúc đẩy con người kiên trì vươn tới, vượt thắng chông gai, hoàn thành chí nguyện. Xét về lý thì đó là lẽ đương nhiên, còn xét về tình thì cũng không thiếu những trường hợp chỉ biết ngồi nguyền rủa bóng tối cho đến khi tự huỷ hoại cuộc đời của mình vì bi quan, bi lụy. “Thất bại là mẹ thành công” biến thành “thất bại là cha thất vọng” cũng là vì thế.

 

Sống là hy vọng, hy vọng giúp con người – bất kể là già, trẻ, lớn, bé – lạc quan tiến tới tương lai. Đã gần tới Tết Nguyên Đán, gặp một em nhỏ thử đặt một câu hỏi “Cháu có mong Tết tới không? Mong tới Tết để làm gì?” và sẽ được em trả lời ngay với vẻ phấn khởi: “Cháu rất mong cho mau tới Tết, vì tới Tết cháu sẽ được mặc quần áo mới và có nhiều tiền lì xì”. Với những người nghèo thì hy vọng một cuộc đổi đời, nhưng còn với những người giàu có, quan quyền, thì họ cũng vẫn hy vọng ngày một giàu hơn, được thăng quan tiến chức cao hơn. Ngay đến cả những người tưởng chừng đã đạt đến đỉnh vinh quang rồi, cũng vẫn hy vọng được hơn thế nữa hoặc ít ra thì cũng hy vọng cuộc sống vương giả sẽ kéo dài miên viễn. Cho tới khi đã gần đất xa trời, biết chắc là mình sẽ gặp thần chết, nhưng vẫn hy vọng đời sau sẽ được đầu thai vào nơi giàu sang, quyền quý, hoặc nếu có niềm tin tôn giáo thì lại hy vọng mình sẽ được lên thiên đàng, lên niết bàn, thậm chí đến kẻ vô thần cỡ bự cũng vẫn nói rằng mình sắp được sang thế giới người hiền gặp cụ nọ, cụ kia (!).

 

Hãy dừng lại một chút với những người tự tử, ai cũng chung một nhận xét là những người tìm đến cái chết là những người đã hoàn toàn tuyệt vọng, không còn một chút tin tưởng nào nơi cuộc sống, cho dù là tự tử vì tình, vì tiền, vì bị ngược đãi hoặc bất cứ lý do gì khác. Ở một tình huống thất vọng đến cùng cực như vậy, họ tìm đến cái chết để hy vọng được giải thoát. Chính điều này lại một lần nữa khẳng định hy vọng sẽ giúp con người có được một quyết tâm hành động. Như thế để thấy rằng, trong chán chường tuyệt vọng vẫn có hy vọng giải thoát khỏi cảnh bĩ cực tột cùng, vẫn hy vọng "hết cơn bĩ cực tới hồi thái lai" (tục ngữ VN), trong nỗi bi quan yếm thế vẫn manh nha niềm lạc quan đổi đời. Đó mới chỉ là những hy vọng về một tương lai theo truyền thuyết, theo quan niệm chung của loài người, chưa thật sự có cơ sở vững chắc.

 

Với Ki-tô hữu thì khác hẳn, chúng ta đã có những nhân chứng hiện thực và rất sống động "đã nghe, đã thấy, đã chiêm ngưỡng, đã chạm đến" sự kiện lịch sử Ngôi Lời nhập thể bằng xương bằng thịt ("Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống." – Ga 1, 1). Vậy thì tại sao lại không cùng vui lên mừng đón ngày Chúa quang lâm, bởi "Chính Người sẽ đến cứu anh em" (Is 35, 4)? Tại sao lại cứ "phàn nàn kêu trách lẫn nhau", mà không biết "kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới" (Gc 5, 8-9)? Đã đành "cái khó bó cái khôn", nhưng vẫn có thể "trong cái khó sẽ ló cái khôn" (tục ngữ VN), nếu biết học theo Thánh Gia-cô-bê tông đồ, đừng  "phàn nàn kêu trách lẫn nhau", mà bền tâm vững chí, kiên trì cầu nguyện, tìm kiếm, cố gắng "thắp lên một ngọn đèn" hy vọng. Đừng tuỵêt vọng trước cái khó để đi tới tự huỷ hoại, mà hãy vui lên vì Đấng Khôn Ngoan đã tới, đang tới và sẽ tới.

 

Trong bài giảng Chúa nhật 3 Mùa Vọng tại Vương Cung Thánh Đường La-tê-ra-nô ngày 13/12/2015, ĐTC Phan-xi-cô nói: “Lời mời gọi của vị Ngôn sứ dành cho người Giê-ru-sa-lem thời xưa cũng hướng về toàn thể Giáo hội trong thời đại hôm nay, và hướng về mỗi chúng ta: “Vui lên, mừng vui lên!“ (Is 35, 1). Lý do của việc vui mừng được diễn tả thông qua những lời mang đến niềm hy vọng cũng như cho phép người ta nhìn về tương lai một cách bình thản. Thiên Chúa đã xóa bỏ tất cả mọi lời kết án cũng như đã quyết định đến sống giữa chúng ta. Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng này hướng cái nhìn chúng ta về Đại Lễ Giáng Sinh đang càng ngày càng đến gần. Chúng ta không được phép để cho mình bị khống chế bởi sự mệt mỏi; và chúng ta cũng không được phép buồn rầu ngay cả khi chúng ta có nhiều những lý do để buồn, chẳng hạn như vì có nhiều sự lắng lo cũng như có rất nhiều hình thức bạo lực mà chúng đang gây tổn thương cho nhân loại chúng ta. Nhưng cuộc quang lâm của Chúa sẽ lấp đầy con tim chúng ta với niềm vui.“ (nguồn: Vatican.net).

 

Ước mong bản thân cũng như tất cả mọi Ki-tô hữu ý thức được vấn đề như lời dạy của ĐTC, ngõ hầu “cuộc quang lâm của Chúa sẽ lấp đầy con tim chúng ta với niềm vui“. Ôi! “Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, này dân Chúa đem tất cả niềm tin đợi chờ ngày lễ Sinh Nhật Ðấng Cứu Thế. Xin hướng niềm vui chúng con về chính nguồn hoan lạc của mầu nhiệm Giáng Sinh cao cả để tâm hồn chúng con hoàn toàn đổi mới, mà họp mừng ngày cứu độ đã gần kề. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ Chúa nhật III mùa Vọng).

 

JM. Lam Thy ĐVD.