Ta thấy rồi, cõi hồng trần như một giấc mơ hoang
TA THẤY RỒI, CÕI HỒNG TRẦN NHƯ MỘT GIẤC MƠ HOANG
Trong nghiệp sinh tử, tình ái và dục vọng là gốc chướng Ðạo. Là người tu Ðạo, bất luận đối với người hoặc đồ vật, nếu sinh ra lòng ái dục thì sẽ chướng ngại cho nhân tâm phát triển. Nói một cách rõ ràng hơn, ái dục là chiếc xích vào vòng sinh tử, sinh tử là hệ lụy ái dục. Ái dục là nguồn gốc của sinh tử. Nếu không phá vỡ tình ái dục vọng vô minh, thì ta sẽ không thể ra khỏi biển lớn sinh tử. Hầu hết con người khi vừa sinh ra, dường như đã mang sẵn lòng dục muốn nắm chặt trong tay tất cả không sẵn sàng buông bỏ, dẫu biết rằng chỉ nắm bắt cái hư không tàn lụi rất đỗi vô minh. Ban đầu có lẽ chỉ là một phần của bản năng tồn tại. Nhưng càng về sau thì lòng tham dục đó lại được con người dùng để khuếch trương cái bản ngã của mình, thông qua bao thứ phù phiếm trần gian: tiền bạc, danh vọng, quyền lực, kiến thức, sức ảnh hưởng,…
Mỗi người mỗi cách đều dấn thân theo một đam mê nào đó và đắm chìm trong chính đam mê ấy, có những đam mê cuồng si, sa đọa đến hết phương siêu độ. Tuy nhiên, giả thử ở đời không có niềm đam mê ái dục tất sẽ rất khó có những thành tựu rực rỡ nên ta chớ vội trách những đam mê thiện lành của những nhà khoa học miệt mài trong phòng thí nghiệm theo đuổi các phương pháp thực nghiệm cải thiện điều kiện sống, tiêu trừ bệnh tật và cải tiến môi sinh. Vì, sống ở trên đời thà rằng hy sinh cho một đam mê nào đó còn hơn chấp nhận mờ nhạt và không có một đam mê nào. Đam mê nào cũng có một giá trị nhất định miễn sao đừng làm mất cốt cách nhân loại, làm mất phẩm giá làm người. Đằng sau ham mê của nhân thế thường giấu kín những nỗi niềm tham vọng, sân hận, cuồng si. Viễn tưởng một bận tâm, mối đam mê vô tư và bao dung chắc chỉ là những điều viết mòn trên trang giấy trắng. Ẩn sâu trong đam mê là tính vị kỷ khư khư. Đó là dục vọng chấp mê bất ngộ. Cứ giữ sự mê muội mà không tỉnh ngộ, cứ giữ sự sai quấy của mình, không chịu sửa đổi. Sách Hồng Lâu Mộng viết có đoạn: "”Lão gia thái thái nguyên vi thị yếu nhĩ thành nhân tiếp tục tổ tông di tự. Nhĩ chỉ thị chấp mê bất ngộ, như hà thị hảo!” (Hồng Lâu Mộng, Đệ nhất nhất tam hồi) – “Cha và mẹ chỉ muốn cậu nên người, tiếp tục sự nghiệp tổ tiên để lại. Thế mà cậu cứ ngây ngây dại dại, không chịu tỉnh ngộ, thì làm sao được bây giờ!”. Tục ngữ Trung Hoa cũng có câu rằng: “Khi tay đã cầm cây củi khô rồi, thì y khó chịu bỏ ra để đổi lấy cành hoa.” Ðó là muốn ví dụ những người luôn luôn chấp trước vào chính kiến riêng của mình không chịu buông tạp niệm và chấp mê. Nếu mình nói với họ rằng, hãy bỏ đi những thứ tạp niệm phiền não, luyến ái dục vọng đó để tu Ðạo là điều quý hơn, chắc chắn họ sẽ cố chấp không muốn quay đầu lại. Cổ nhân viết rằng:
“Thiên vũ tuy khoan, nan nhuận vô căn chi thảo.
Phật môn tuy quảng, nan độ bất tín chi nhân.”
Nghĩa là:
“Trời mưa rưới nước khắp nơi, song khó tươi nhuận cây cỏ không gốc.
Cửa Phật tuy rộng thênh thang, mà vẫn khó độ kẻ chẳng lòng tin.”
Đạo Phật là đạo “giác ngộ”. Tiếng Phạn “Buddha”, Trung Hoa dịch âm là “Phật Đà”, dịch nghĩa là “người giác ngộ”. Thành bại trong đời sống tùy thuộc vào mức độ “giác ngộ” của ta, giác ngộ con đường đưa chúng ta tới Ánh Sáng. Thiết tưởng không chỉ “Phật Đà” lấy giác ngộ làm nền tảng, những tôn giáo khác lấy lòng tin làm căn bản hướng đến giác ngộ vị tự bản thân ta chưa hiểu được nên nương nhờ lòng tin mà tiến tới, khi đã giác ngộ thì sứ mệnh niềm tin hoàn tất nhường chỗ cho nhiệm hiệp linh thiêng.
Thánh Phaolô Tông Đồ diễn đạt rằng: “Vậy, một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Vì chúng ta tin, nên Đức Giê-su đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa. Nhưng không phải chỉ có thế ; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng : ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên ; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy. Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. (...) Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta... Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Người, phương chi bây giờ chúng ta đã được hoà giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy (x. Rm 5,1-10).
Phaolô, một Kitô nhân quân tử đã không tự nhiên giác ngộ được cùng đích của niềm tin, ông không chạy theo cách mù quáng nhưng quán tưởng ý thức trong mọi sự kiện cuộc đời của mình đến mức “quen”, khi ấy con đường giác ngộ mở ra với ông và ông được “đổ tràn đầy Thánh Thần, tràn đầy Tình yêu vào lòng”. Đó là niềm tin đưa đến giác ngộ và giác ngộ củng cố và kiện toàn lòng tin. Đối với Kitô nhân, để phá chấp mê lầm trong ảo vọng cuồng si trước tiên phải “Tin” dục vọng là có thật, “tin” vào một nguồn năng lượng phá đổ dục vọng chính là “Kenosis – tự hủy mình ra không” nơi Kitô Đạo của Chúa Giêsu Kitô để dung hợp mình vào thiên ý tất nhiên của Chúa Cha.
Thánh Augustin đã nói: Phải tin để hiểu. Hiểu được chân nguồn của dục vọng để đào sâu trong nội tâm một nguồn suối Thánh Thần đã có từ khi Thiên Chúa “thổi hơi vào Ađam – một tảng đất để nó sống động và được gọi là “người”; khi khơi được nguồn suối tẩy sạch những rêu phong của định kiến, tạp niệm sẽ nhìn ra tác hại khùng khiếp của dục vọng và thông suốt tâm tư để lớn lên trong việc mở lòng ra với thực tế tình yêu của Chúa và những gì bao gồm trong tình yêu nhân loại vị tha, hướng sinh, đồng trách nhiệm, đồng hiệp với nhân sinh và môi sinh. Kitô đạo hệ trọng ở chỗ: Thiên Chúa muốn con người được tự do trong quan hệ với Ngài chứ không muốn chúng ta là nô lệ. Chính dục vọng, chấp mê trong vô minh làm cho thân tâm tê liệt không còn vươn lên khát vọng được vô biên.
Đức tin, hoài vọng thiện mỹ tuyệt đối làm cho chúng ta có thể phóng tầm mắt vượt ra ngoài dáng vẻ hào nhoáng bề ngoài của thiên đường nhân thế, và nhận biết nơi mỗi người là hình ảnh của Chúa, mang bản thể sự sống Thiên Chúa nơi mình tự khai sinh mà chúng ta được gọi để yêu thương cách quảng đại vô lượng. Niềm tin dù mang vẻ mặt bề ngoài rất đau thương nhưng chỉ có niềm tin vào Đấng Tuyệt Đối mới có thể mở ra các thực thể vô hình, vĩnh cửu, sâu đậm nhất mà trên đó chúng ta có thể xây dựng cuộc sống của mình (x. 2 Co 4, 18). Ai tin Chúa là Cha đã làm cho Chúa Giêsu, Con của mình, Đấng thiên sai, sống lại ngày thứ ba và hiện ra với các tông đồ và trở thành “Phi Thường Đạo” dẫn dân Chúa đi về phía hừng đông thì sẽ được đất hứa là sự sống tròn đầy nơi Thiên Chúa, điểm đầu tiên và cuối cùng của hành trình “Kitô Đạo” thành kính và kiên trì của mỗi “Kitô nhân” trên đời này.
Vì vậy, khước từ dục vọng bằng niềm tin, bằng khai hoằng trí, minh quang tâm sẽ thấy lẽ thật, thấy chân lý Kitô nhân đã được Thầy Chí Thánh dạy để được giác ngộ khỏi bến trầm luân khổ ải do tham ái, dục vọng và chấp mê. Khi buông xả thanh thản, khi từ bi quảng đại là lúc tinh thần Kitô đạo bừng quang, qua cơn mê đạt đến tinh thần của đích thật và thần tiên của chúng sinh hiện thế.
Thế giới có thành, trụ, hoại, không; loài người có sinh, lão, bệnh, tử; đó là đạo lý tự nhiên. Mọi vật trên trái đất mặc lấy một quy luật vật chất, một tổng hợp vật chất theo tỷ lệ để “thành” tức rồi sẽ “trụ” trên đời qua một quá trình sinh hóa trao đổi chất để lớn lên và mạnh mẽ, rồi sẽ “hoại” khi các quy luật ấy bị lạm dụng, khi vật chất không thể dung hợp được, rồi sẽ biến ra “không”;
Nếu ta dùng vọng tưởng chấp trước để phân biệt chuyện này, thì dù phân biệt đến hết mấy đại kiếp cũng không phân biệt rõ ràng. Kiếp nào cũng sẽ lại rớt vào chấp trước mê lầm, sinh kiếp bao nhiêu cũng hóa hồ đồ vì vọng tưởng sai lầm, quán tưởng sai lầm về các giá trị, hỗn tạp và thỏa hiệp khiến tâm không còn phân biệt giả chân. Vừa mới hiểu rõ được một chút thì lại hồ đồ, thế nên ở mãi trong vòng luân hồi không thoát ra được. Nếu muốn thoát luân hồi phải đả phá “đạo lộ si mê vọng tưởng” này thì tu hành mới thành Kitô Ðạo, “chứng ngộ” chân lý tuyệt đối, xưa nay vốn chẳng đi chẳng đến. Bao lâu loài người không biết buông bỏ cái giả, nên không nắm được cái chân thật; nên có câu nói rằng:
“Xả bất liễu giả,
Thành bất liễu chân;
Xả bất liễu tử,
Hoán bất liễu sanh”.
Dịch là:
Không vất bỏ cái giả
Sao có đặng cái thật;
Không buông xả cái chết
Sao đổi thành cái sống?
Kitô nhân là “đạo nhân mới” được Thần Khí Đức Kitô chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ở trong loài người tự khi tạo dựng. Chỉ khi phạm tội thì cửa vào nội tâm bị khóa khiến Thần Trí Thiên Chúa không phát huy ân sủng nơi bản thân ta. Lúc ấy các tạp niệm hoành hành và định kiến xâm lấn khiến Kitô nhân không còn thấy mình thuộc về Đức Kitô nữa mà thuộc “cõi ta bà” nào đó u linh. Nếu Kitô nhân thoát khỏi mê lầm chấp trước bằng nổ lực phá chấp đốn ngộ, thì dầu thân xác kia có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho được sống, vì Kitô nhân ấy đã được trở nên công chính hóa nhờ ân sủng Thần Khí được thấm nhuần nơi thân tâm, trí và ý. Lại nữa, nếu Thần Khí điều hòa được các xung lực nơi nội tâm, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong Kitô nhân, mà làm cho thân xác “thành – trụ - dị - diệt” ấy được tham phần sự sống mới sự sống “thường trụ, bất chuyển biến, bất dị diệt”.
Vậy, nếu Kitô nhân nhờ Thần Khí Kitô đạo,diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi chính mình, tất nhiên Kitô nhân ấy sẽ được sống. Chân lý biện minh rằng: bất kỳ ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Kitô nhân đã không lãnh nhận Thần Khí khiến mình trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho Kitô nhân nên nghĩa tử, nên người anh em của Đức Kitô, nhờ đó được kêu lên với Thiên Chúa Toàn Năng: “Áp-ba ! Cha ơi !” Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta đã thoát ra khỏi chấp trước, vượt khỏi vô minh để thực sự là con cái Ánh Sáng, là dân mới của Thiên Chúa, dân hoàng tộc chuyên lo tế tự (x. Rm 8,9-16).
Đời này mà không kiềm chế tánh hư vọng cuồng dại thì trí huệ chân chính không bao giờ xuất hiện được. Tự tánh bị che đậy bởi vô minh. Vô minh tưởng rất cao xa ai ngờ lại đến từ hai nhu cầu bản năng: thức ăn, và sắc đẹp; một bên gọi là “thực dục”, một bên gọi là “sắc dục”! Hai tải trọng này cấu thành trực tiếp vô minh khiến loài người làm đủ thứ chuyện xấu, chuyện ác, chuyện phi luân dã man. Nho Giáo có nói rằng: “Thực, sắc tánh dã” – nghĩa là háo ăn, háo sắc đều là bản tánh của chúng sinh vậy. Vậy hẳn đã tỏ tường tại sao vô minh chẳng phá được tuyệt đối khi ta còn mang lấy thân xác quá nhiều đòi hỏi cung phụng hàng bữa? Và tự vô minh, phiền não cũng không đoạn được. Trí huệ khôn hiển chánh được. Mọi vô minh khởi phát bởi dục vọng, dục vọng do bản năng, bản năng cố hữu khó đoạn trừ là lòng tham ăn, lòng háo sắc đó. Có lòng tham ăn rồi thì sinh ra lòng tham sắc. Con trai thì ham nữ sắc, con gái thì ham nam sắc, quyến luyến nhau, ham muốn không chịu buông bỏ, tất không thể nhìn thông suốt được Kitô Đạo, lẩn quẩn, lẩn thẩn, tẩn mẩn và đờ đẫn. Ăn uống bao nhiêu thứ tinh hoa đều biến thành tinh. Hễ tinh mà sung mãn thì sinh ra lòng sắc dục, cho nên người xưa nói rằng:
“Bão noãn tư dâm dục,
Cơ hàn khởi đạo tâm.”
(No ấm thì nghĩ chuyện dâm dục,
Ðói lạnh mới khởi lòng trộm cắp.)
Nếu vô minh không có thực và sắc toa rập thì chẳng có thể tác hại được ai.
Đối với tôi, tự hủy để thoát khỏi vô minh chính là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không thể vượt thoát ra chính mình, chiến thắng tự ngã. Khi tôi mà tự ý làm việc đó vì lòng đam mê Kitô Đạo, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. Vậy đâu là phần thưởng của tôi ? (x. 1Cr 9,16-18).
Chỉ có một điều là Kitô nhân phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Ki-tô. Như thế, sẽ luôn đứng vững giữa cảnh đời bon chen thấp hèn mà vươn lên tầm cao thượng lung linh, cùng chung một tinh thần, một lòng một dạ cùng nhau chiến đấu vì đức tin, vì lý tưởng phụng sự mà Tin Mừng mang lại cho tất cả. Về bất cứ điều gì, khi dám chấp nhận buông xả thanh thản, sẽ không còn sợ những kẻ chống đối theo lý thuyết hưởng thụ rập khuôn: đó là dấu chỉ cho thấy họ sẽ bị hư vong, còn đối với mọi Kitô nhân, thì lại là dấu chỉ ơn cứu độ. Điều ấy là ân huệ Thiên Chúa ban, là tuệ nhãn đã được Thần Khí khai thông. Nhờ Đức Ki-tô, tôi đã được phúc chẳng những là tin vào Người, mà còn được chịu đau khổ vì Người trong niềm tin và hy vọng hân hoan. Nhờ vậy, tôi được tham dự cùng một cuộc chiến mà anh chị em đi trước tôi đã thấy và đã anh dũng đương đầu trước kia, và từ nay cho đến hơi thở sau cùng, tôi vẫn còn tiếp tục (x. Pl 1, 27-30).
---
Khiết Minh – N.V.T
Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin ? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe ? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng ? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi ? Như có lời chép : Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo tin mừng ! Nhưng không phải mọi người đều đã vâng theo Tin Mừng ; chính ngôn sứ I-sai-a đã nói : Lạy Đức Chúa, ai đã tin khi nghe chúng con giảng ? Ấy vậy, có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Ki-tô.
Nhưng tôi xin hỏi : Phải chăng họ đã không được nghe giảng ? Có chứ ! Tiếng các ngài đã dội khắp hoàn cầu, và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển (Rm 10,14-18).
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: