Tìm đâu cho ta những bình yên sống trọn kiếp người
TÌM ĐÂU CHO TA NHỮNG BÌNH YÊN SỐNG TRỌN KIẾP CON NGƯỜI…
Trong vũ trụ này, dường như ngoài những thiên hà mênh mông, kẻ này suy nghĩ, mỗi cá nhân cũng là một hành tinh cá biệt, một thế giới đa dạng và rất độc đáo, một đời sống riêng không bị xâm phạm, một nhân cách thiên phú. Chẳng phải tuyệt vời sao. Nếu những cô gái điếm được viết cuộc đời mình, đôi khi, chúng ta phải cúi xuống để khâm phục thế giới nội tâm đầy giằng xé đau đớn của họ và họ viết thật hơn cả những nhà văn nổi tiếng chăng? Vì họ viết chính họ.
Trong tiếng Pháp có viết mỗi người là « le monde à soi, pour soi – thế giới cho mình, vì mình ». Nếu không có đời sống riêng của những con người đặc sắc được phú cho một lý trí và con tim hoàn toàn tự do thì mỗi nghệ sĩ đâu còn nét gì hay nữa. Thế giới riêng tư từng cá nhân không thể nhìn thấy qua viễn vọng kính, không thể “soi” được qua kính hiển vi, vì nó là cái gì đó rất huyền ảo, đầy “mộng tưỏng”, nghĩa là nó “vừa hư vừa thực”. Nó gần giống thế giới bên ngoài nhưng “không hoàn toàn giống”. Thế giới riêng của mỗi con người cũng có cây cỏ có bông hoa, có chim chóc, có dáng dấp của con người đi qua, nhưng tất cả cái đó không hoàn toàn giống thế giới bên ngoài. Thế giới ấy “ mông lung... trừu tượng “.
Có những cá nhân kiệt xuất, hay những người biết thinh lặng, chiêm nghiệm trong tịch mịch sẽ có được cảm nhận nhạy bén về thế giới riêng mình, thế giới nội tâm vô tượng, vô ảnh, vô sắc mà lại nắm vai trò điều khiển dòng vô thường của mỗi ngôi vị con người. Văn nhân, nghệ sĩ như những thần tiên biết cách tiêu hoá, nhào nặn, dùng phép thần thông, tạo cho đồng loại một thế giới mới, mở cửa cho đồng loại đi vào những chân trời huyền ảo nhớ nhung. Mỗi thế giới đặt biệt ấy đặt trong những “bức tượng đất sét” người. Nếu không thể hóa thân vào, đảm nhận hết vai trò điều khiển chúng trong tay thì mãi mãi nó vẫn là “cục đất sét vô duyên”. Người phàm có tai cũng như điếc, có mắt cũng như đui, có miệng cũng như câm. Vậy phải biết “nhìn”, “đọc” và “chạm” tới thế giới ấy mỗi ngày để tiến lên trên đường nhân văn. Trong thế giới ấy, ta vừa là người ghi nhận, vừa là kẻ phát ngôn của chính ta và tiếng loa cho đồng loại. Khi viết những tự sự giữa đêm thinh không vắng vẻ, ta đang nói thay tiếng nói chính mình không cất lên được thành lời giữa cuộc sống tranh giành, đua chen, giả tạo, và ta tự cảm thấy bất lực trong việc bày tỏ tâm trạng mình qua các tình huống đau khổ, hạnh phúc, nhớ nhung, khát vọng. Nhờ thế, qua tác phẩm vụn vặt tự tình dưới những vì sao thức giấc, ta tìm lại được bản thân của chính mình đã bị đánh mất.
À, đó là sự khám phá vô giá mà không phải ai cũng có được, đó là ân sủng của đời sống! Cho nên đời dù vắng bóng những tri âm, ta cũng không nghĩ cuộc đời mình là đời què quặt, nghèo nàn, mất mát những nhân tình ! Những câu chuyện ở đời nầy có những giai đoạn bắt buộc, nghĩa là lúc đến, phải đến, lúc đi phải đi. Ta đang cảm thấy được chu trình đó và đi trước người khác một “tí xíu” mà thôi trong mấy suy tư đau đáu, do đó, ta có thể đi tới chỗ có thể cảm thông với cây cỏ, vạn vật mà người ta tưởng là vô tri, nhưng khi ta chạm đến chúng, thật sự không phải là vô tri dầu rằng thoạt đầu ta thấy nó hoang vu, nhưng sự hoang vu buồn bã đó sẽ biến mất sau khi ta ngồi chơi với nó trong môt thời gian, ta sẽ đem lại “hơi ấm” cho nó và nó cũng phả lại cho ta sức sống và những niềm vui, và như thế hai bên, người và những sinh linh bé nhỏ ấy sẽ có “một sự giao hoà nào đó”.
Tạo sự thảnh thơi tâm hồn – thế giới của chính mình – là cần cho đời sống đáng sống. Nếu có lúc ta đã từng đam mê và ôm ấp thì hôm nay ta sẽ không để cho mình kẹt lại trong những tính toán cho cuộc chơi của đời mà khơi thông sự thanh thản, an lạc, hạnh phúc cho thân tâm, tất cả đều nhất lý, là một.
Chuyện kể rằng, có hai thầy tu đi từ chùa trên núi xuống làng để mua đồ ăn, trên đường đi, phải qua một con suối lúc đó nước cạn. Trên đường về, đến cạnh bờ suối, hai tu sĩ đó gặp một cô gái trẻ đẹp trạc độ mười sáu, cũng đang tìm cách qua suối, nhưng lúc đó nước đã lên cao. Trong khi đang bối rối chưa biết tính sao thì một trong hai tu sĩ giúp cõng cô ta qua suối . Khi đã bỏ cô ta bên bờ suối bên kia, hai vị sư tiếp tục lên đường.
Đi được một cây số, vị sư đã cõng cô gái hỏi vị sư kia rằng... sao từ lúc rời suối đến nay đã được một cây số rồi mà mặt bạn vẫn có vẽ ưu tư như vậy ? Vị kia trả lời :
- Chúng ta là người tu hành, không được tiếp xúc với nữ giới, mà lúc nãy tại sao bạn lại cõng một cô gái như thế ?
Vị sư cõng nói :
- Giờ đây tôi cõng cô nào đâu... tôi không nhớ gì cả... vậy trong cây số qua, bạn là người cõng cô ấy chứ tôi đã hết cõng rồi... như vậy là bạn mệt quá rồi, chứ tôi không còn cõng nữa.
Đời vô thường và ngắn lắm, nếu vẫn còn tham ái, sân hận và chấp mê sẽ làm rút ngắn hạnh phúc, an lạc thân tâm của chính mình. Sao lại tự ràng buộc mình vào con đường lầy lội của tỵ hiềm, kích động?
---
Nhớ những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều ngắn hoặc rất ngắn. Riêng một bài duy nhất dáng dấp một trường ca: “Đóa hoa vô thường”. “Đóa hoa vô thường” trình bày một quá trình chuyển hóa, sự chuyển hóa tiềm ẩn hay hiển hiện, trong nhận thức hay ngay cả trong vô thức có những chuyển hóa. Tự tánh vô thường là sự thay đổi tương tục của các hiện tượng trong vũ trụ, bao hàm sự sanh diệt vô thường. Đây là một khấu trừ hợp lý đơn giản, một sự phân tích kỹ lưỡng về học thuyết vô thường, sự tồn tại của các hiện tượng trong việc phối hợp thời gian tạo nên bề rộng, dài, cao, sâu của một kiếp nhân sinh, tạo nên thế giới vô thường trong chính mỗi ngôi vị. Nhận biết rằng, mỗi chúng sanh sẽ chết đi là một quy luật tất yếu, nhưng không dễ để cảm nhận rằng tất cả chúng sanh đang kề cận cái chết như ngày và đêm trôi qua hoặc là nó đang biến chuyển liên tục trong từng sátna. ( Là một đơn vị rất nhỏ trong quan niệm thời gian của phật giáo. Theo đó một ngày 24 giờ có 6400000998000 sátna .)
“…Tìm em xa gần,
đất trời rộn ràng
Tìm trong sương hồng,
trong chiều bạc mệnh
Trăng tàn nguyệt tận
chưa từng tuyệt vọng đâu em
Tìm trong vô thường
có đôi dòng kinh,
sấm bay rền vang
Bỗng tôi thấy em
dưới chân cội nguồn…” (TCS, Đóa HoaVô Thường)
Đối với tâm uế trược, đó là một vấn đề hết sức phức tạp để nắm giữ trạng thái của con người hay bất cứ sự vật nào mà chính nó là vô thường. Theo quan điểm của các triết gia: “Bất cứ cái gì vô thường đều dẫn đến khổ đau; Tự ngã cũng như vậy”. Nếu đời là vô thường, sự sống có giới hạn thì phải chăng con người ta khi sống nên có một chút ý nghĩa. Tôi ước mong gì? Tôi muốn làm điều gì? Tôi cần phải làm điều gì? Tôi yêu thích điều gì? Tôi không nên làm điều gì? Tôi có biết mình đang muốn gì hay không? Nếu cuộc đời cứ thế trôi qua vô nghĩa, liệu điều gì sẽ khiến tôi ân hận về sau?
Tôi đi trong dòng vô thường ấy, cố gắng xây dựng thế giới của tôi thật đẹp. Sự hư không thật sang trọng như màu trắng sáng tinh khôi. Nhưng, con người cần một ý nghĩa nào đó trên nền trắng ấy để sự vô thường có thật sẽ không đưa đến hư vô nhưng dẫn đến cõi diệu quang mang dung nhan sáng ngời và chúng ta được phép vẽ dung nhan chính mình trên nền trắng ấy. Đó là sứ mệnh của chúng ta – sứ mệnh Kitô nhân trên đường lữ hành về nẻo Kitô đạo thiêng liêng, hùng vĩ. Người là một “Thần – Nhân” đã mở một con đường bằng chính Người – Kitô Giêsu. Người phác họa cho mỗi Kitô nhân một bản thiết kế để chỉnh trang sự lộn xộn trong thế giới của họ. Người đã giúp cho họ biết “quản trị” thần dữ là những dục vọng sai hèn, đã giúp phá dỡ những tù ngục, đã trao ban ơn cứu rỗi cho những tạo vật, đã triệt hạ những tượng đài xấu xí là tính tỵ hiềm, ghen tương, lãnh cảm của người đời. Với sự nhập thể, Người đã làm cho nhân loại được gắn chặt vào Thiên Chúa. Đức Kitô Giêsu là Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người, do bởi việc Người có liên hệ đến cả hai bên, Thiên Chúa và con người. Người cần thiết lập lại tình bằng hữu và sự đồng tâm giữa Thiên Chúa và con người. Người thực hiện công cuộc đó trong chính dòng vô thường của con người với một nỗ lực kiên trì là làm sao cho Thiên Chúa viếng thăm con người, và con người sống tín thác vào Thiên Chúa để Thiên Chúa chuyển hóa họ khỏi dòng vô thường, để chính họ tham phần sự bất tử thần thánh với Thiên Chúa sau khi đã trút đi gánh trần để “bước tới hư không, khoác áo Chân Như” (TCS , Giọt Lệ Thiên Thu).
Tham phần vào “tương quan phụ tử” của Người với Thiên Chúa Cha, nhờ tương quan này Kitô nhân bước qua hư không và đi vào hiện hữu với Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa.
Đức Kitô Giêsu là ánh sáng và là sự sống cho tôi, Người đã soi sáng cho những ai tiếp nhận Người nơi dung mạo một Đức Kitô hữu hình chịu chết và đã sống lại. Trong bí tích Rửa Tội, tôi đã được soi sáng, chịu chết và sống lại với Chúa Kitô, qua dấu chỉ "nước bí tích Rửa Tội". Và trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Ðấng ngự xuống trên tôi và thanh tẩy tôi khỏi hư không, khỏi nẻo vô tường; trên dòng vô thường, tội lỗi của tôi như những mây mù che khuất sự hiện diện của vinh quang Thiên Chúa trong tôi. Thánh Thần của Đức Kitô sẽ làm cho tinh thần tôi nên trong sáng, được chiếu soi, có khả năng chiêm ngắm thực tại Thiên Chúa". Bí Tích Rửa Tội là như "một cuộc soi sáng trong Chúa Kitô. Bí Tích nầy mở mắt tôi về Mầu Nhiệm Thiên Chúa, về mầu nhiệm con người, về giá trị của sự sống, của đau khổ và sự chết, về ý nghĩa của lịch sử, về vận mệnh cá nhân và cộng đoàn của chúng ta.
Ðược trở thành ánh sáng trong Chúa, nghĩa là qua khỏi kiếp vô thường, Kitô nhân cần phải hành xử như những con cái của ánh sáng; và hoa trái của ánh sáng là mọi sự tốt lành, công bằng và sự thật (x. Eph 5,9). Mỗi Kitô nhân được mời gọi lớn lên trong sự hiệp thông với Thiên Chúa Cha, và cùng với Chúa Kitô thực hiện Thánh Ý Chúa Cha trong mọi giây phút cuộc đời, không được lẩn tránh ánh sáng để cuộc đời không bị hư mất đời đời trong cõi vô thường hư không.
Chân lý là tình thương giải thoát của Thiên Chúa được minh chứng rõ ràng và mạnh mẽ theo phương cách kỳ diệu khi Người sai chính con một là Đức Giêsu Kitô đến để thực hiện hành động lòng vị tha và hy sinh tính mạng bằng cái chết trên thập giá vì nhân loại để cứu độ con người và khỏi chết đời đời trong vô thường chấp mê cố hữu của mình. Thật vậy, biến cố cuộc đời Đức Kitô Giêsu mang một ý nghĩa lớn lao cho Kitô nhân là vượt đam mê trong sự chết để chiến thắng chính mình, để vinh quang Kitô Đạo chiếu sáng thân tâm.
Thế giới của tôi chỉ cần một cuộc đời giản dị, không tìm kiếm sự xa hoa mà xa lìa tình yêu của Thiên Chúa. Nếu tôi được ban nhiều của cải thì tôi cũng phải có bổn phận chia sẻ cho những ai túng nghèo. Đây là việc làm bác ái hướng về một xã hội tốt đẹp hơn mà nơi đó người nghèo đói luôn bị đẩy ra lề xã hội.
Kitô Đạo là đường giải phóng cho những vô thường dị diệt trong mỗi Kitô nhân. Cuộc giải phóng này đụng tới tất cả các yếu tố tha hóa đang tác động trong con người và trên thế giới. Kitô Đạo ở đỉnh cao còn tạo nên một trật tự mới cho các sự vật sắp sửa dậy men và bộc lộ. Giải phóng toàn diện khỏi tất cả hình thức tha hóa đã thành thể chế. Giải phóng khỏi đau khổ, hận thù, chết chóc và chủ nghĩa thờ luật lệ đến độ phạm tội chống lại Thiên Chúa.
***
Một ngôi sao vừa sa xuống vụt tắt giữa cung trời đêm, bần thần suy nghĩ: cuộc sống của này rất có ý nghĩa. Mỗi Kitô nhân biết rằng mỗi ngôi vị đều tồn tại cách có ý nghĩa và hữu ích dù những công việc và hiện sinh đó của họ dường như chưa thật sự giúp bản thân họ hạnh phúc giữa đời thường. Dù cho cuộc đời này có vô thường đến thế nào (làm việc kiếm nhiều tiền cũng chẳng đem được xuống mồ khi chúng ta nhắm mắt, hay tức giận đau buồn cũng chẳng khiến mọi việc trở nên tươi sáng hơn), dù không có gì tồn tại mãi mãi và cuộc đời cứ diễn ra theo cách mà nó muốn, nhưng như thế không phải để chúng ta buông xuôi. Không thể cứ sống kiểu nào cũng được dù trước sau gì cũng trở về cát bụi. Không thể cứ sống kiểu chỉ sống cho bản thân và hôm nay, rồi ngày mai có ra sao thì ra. Nếu sống như vậy phải chăng thật là phí hoài một đời người?!
Cuối cùng và cũng là quan trọng hơn cả, mỗi Kitô nhân có đọc ra được ý nghĩa của từng biến cố trong cuộc đời, để kết hiệp với Kitô Đạo hay không? Bởi lẽ, chỉ khi nào Kitô nhân liên kết cuộc đời của mình vào trong mọi biến cố cuộc đời Đức Kitô Giêsu, thì mới có cơ may nhận ra con đường cứu độ của Thiên Chúa vẫn đang từng ngày được thực hiện trong chính đời ta.
Cuộc sống có nghĩa lý gì nếu chúng ta không để lại cho đời một ký ức đáng suy gẫm cho người sau?
---
Khiết Tâm – N.V.T
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: