Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Hãy đưa tôi bay thẳng đến cõi Thiên Đường

 

 

HÃY ĐƯA TÔI BAY THẲNG ĐẾN CÕI THIÊN ĐƯỜNG

 

Bước vào thế kỷ XXI, để phát triển, hội nhập với thế giới là tất nhiên. Với rất nhiều cơ hội và thử thách được mở ra, tôi tự hỏi những thanh niên - người chủ tương lai của đất nước sẽ làm thế nào trước sức mạnh đồng hóa của kinh tế, lực chi phối của tham vọng thành công và lợi nhuận, rồi tâm thiện, bản sắc dân tộc vị tha, anh hùng sẽ có thể bị “đồng hóa” trong “bão thị trường” khi tất cả phải chạy, chạy thật nhanh, chạy trước để đạt đích thành công và lợi nhuận.

 

Phát triển không nhất thiết bất chấp tất cả, thị trường không có nghĩa là tất cả sẽ bị bán buôn, tự do cạnh tranh không có nghĩa là nhẫn tâm, phi luân và giảo hoạt. Để không hủ lậu, chậm tiến và bảo thủ, cũng như để không bị mất “gốc làm người – nhân bản” đòi hỏi phải suy nghĩ và xem lại cách sống từ chính mình rồi đến đề nghị một hướng cho nguyên khí quốc gia hôm nay và tương lai trước khi dấn bước vào hành trình...chạy.  Tôi có những câu hỏi: Phát triển thực chất là gì? Sở hữu vật chất và công nghệ nhiều có phải là phát triển? Sống trên danh vọng bằng nước mắt có phải là phát triển? Khi tiền tệ là thước đo có phải là phát triển? Vậy phát triển thực chất là gì?

 

Phát triển toàn diện là mục đích tốt đẹp mà mỗi con người, mỗi dân tộc muốn hướng tới, là khát vọng vươn tới một cuộc sống sung túc về tài vật, sung mãn tâm hồn. Đấy mới thật là mục đích phát triển mà toàn nhân loại mong mỏi đạt được. Vậy, để có thể phát triển, yếu tố con người là quan trọng nhất. Khi các thành viên xã hội đều chung cách sống cao đẹp, luôn có những hoài bão và hành động thiết thực để hoàn thiện môi sinh, văn hóa và tâm hồn mình là cách giúp ích cho xã hội và đất nước phát triển cách bền vững nhất. Hiện sinh trong thế giới hậu công nghiệp, ai cũng mong có cuộc sống chất lượng, tiện nghi và an toàn sức khỏe, tắt một lời, ai cũng khao khát được sống hạnh phúc. Lòng khao khát chính đáng đó là động lực thúc giục nhân loại kiếm tìm hạnh phúc. Tuy nhiên, tiếp cận hạnh phúc bằng khoa học, thị trường trao đổi chung và dự trữ tiền tệ là cách tiếp cận hạnh phúc vật chất.

 

Tự đáy lòng của con người luôn ước ao có được một cuộc sống bình an, không đau khổ oán than mà điều này vật chất chưa chắc sẽ mang lại được. Để đạt được khát vọng sung túc tâm hồn đó, người khôn ngoai luôn tìm cho mình một lẽ sống trong cuộc đời. Lẽ sống tử tế sẽ hướng dẫn cuộc đời như ánh đuốc văn hóa và tâm linh đưa con người vượt qua mọi chông gai và can đảm chấp nhận mọi nghịch cảnh. Theo tôi, lẽ sống cho cuộc đời là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của con người, hạnh phúc hơn thứ thành công do tiền của mang lại bằng nước mắt và bằng những phương thức thiếu nhân văn.

 

Phát triển theo tiêu chuẩn kinh tế - xã hội và môi trường giúp ổn định cuộc sống có chất lượng mà khó có thế giúp cho cá nhân tồn tại vĩnh viễn trên cuộc đời. Một câu hỏi lẽ ra rất dễ nhưng nó làm cho ta phải bắt đầu ngồi lại suy nghĩ về bản thân mình: sự phát triển vật chất và sở hữu vật chất, dự trữ tiền tệ có giúp tôi hoàn toàn hạnh phúc ở tuyệt đỉnh? Có thể, phát triển xã hội đem lại một nền văn minh hưởng thụ ở mức chất lượng cao nhưng không phải mục đích cho toàn bộ hữu thể con người. Vì, vật chất và cấu trúc xã hội chỉ giúp cho phần thuộc vật chất của con người là cái bụng. Xã hội đầy tràn thức ăn ngon, mỹ nhân, hảo tửu, xiêm y dệt gấm thêu hoa có thật sự cao đẹp?

 

Giới trẻ ngày này đa phần có cảm giác bất an và không vừa lòng. Những sự kiện “tác dụng phụ” trên đà phát triển là hậu quả của những trải nghiệm đau khổ hay chấn thương trong tâm hồn giới trẻ thiếu sự đồng cảm, đồng hành và đồng lòng. Có người ngưỡng mộ tài năng và sức sáng tạo của “thần tượng” mà phấn đấu cho một mục tiêu cụ thể. Có người lấy cảm hứng từ đó để “phản ứng” với phụ huynh và tiến một bước đến sự tự trị, bất nhẫn và phá cho mình một hướng đi mà có thể xã hội không ủng hộ. Rất nhiều bạn trẻ tin rằng đời sống, ngôn ngữ và hành vi ăn mặc, sở thích của thần tượng có ý nghĩa xã hội quan trọng nào đó và thích hợp với mình. Và tất nhiên, họ dựa vào cộng đồng “fans” như cộng đoàn tinh thần và mối liên đới xã hội mà họ không tìm được ở chỗ khác.

 

Ai ai cũng luôn mong muốn mình sẽ là người tài giỏi, thành công nhưng lại không có được một lẽ sống cho riêng mình thì cuộc đời đầy tiền, đầy danh vọng như con thuyền trên biển đời sẽ trôi về đâu? Nhân vật công đoàn thanh niên, Paven Copsagine trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” (tác giả Nikolai Ostrovsky) đã nói: “Cái quí nhất của con người là cuộc sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay, mà có thể nói rằng: Tất cả đời mình ta đã cống hiến cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người. Và ta phải sống gấp lên mới được. Vì bệnh tật vô lý hay một sự bi đát tình cờ nào đó có thể bỗng nhiên cắt đứt cuộc đời này”.

 

Kinh Thánh trình  bày con người gồm có hai phần là thân xác và linh hồn. Theo cách nhìn của Phật gia thì thân xác ấy có hình tướng và dung mạo nên gọi là “sắc uẩn” và phần hồn là hiện thể thuộc linh cấu trúc gồm có “thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn”. Để phát triển, tất nhiên phải khởi đi từ những cá nhân hoàn toàn tự do và thông tuệ. Đó mới gọi là phát triển. Tâm năng hoạt thì thể sung mãn. Kinh Nikayà viết “ngũ uẩn” thường được gọi là “ngũ thủ uẩn” nghĩa là năm đối tượng của “sự chấp thủ, của tâm tham ái”. Vì thế “ngũ uẩn” có thể nguyên nhân của biết bao nỗi khổ niềm đau mà con người gánh chịu trải qua bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp. Ngược lại đối với người giác ngộ thì “ngũ uẩn” lại là phương tiện giúp họ giải thoát. Thiển nghĩ, phát triển cá nhân trên đường đạo là thăng tiến thần hồn đến quang minh.

 

Ngày xưa Như Lai thực chứng giáo lý ngũ uẩn là Vô Ngã mà thành và nó là một thành phần của Khổ đế nằm trong chân lý Tứ Diệu đế. Có thấu hiểu giáo lý ngũ uẩn, hành giả mới có thể phá được ngã chấp nghĩa là không chấp thế gian, nhà cửa, xe cộ, cây cối, chim bay, cá lặn ngay cả vợ chồng, con cái.. Ngã chấp, pháp chấp không còn nghĩa là trong ngoài tự tại là có giải thoát. Vì thế giáo lý ngũ uẩn giúp thấu biết bản chất thật con người của mình để diệt trừ khổ đau và tiến về đạo lộ giải thoát. Đó la phát triển mà nhân loại cần hơn.

 

Một trong những điều quan trọng nhất về thành tựu Kitô Đạo: Thánh Thần là động lực của phát triển và ân sủng phối hợp với nỗ lực tu đức của Kitô nhân là môi trường phát triển toàn diện vươn tới sự viên mãn nơi Thiên Chúa Cha. Vài suy nghĩ về sự phát triển trên chính đạo là dịp nhắc nhở về Mầu nhiệm Nhập thể, mầu nhiệm về động lực phát triển cá nhân Kitô nhân. Chính Đức Kitô Giêsu mặc xác phàm để chia sẻ mọi thứ với nhân loại qua thần tính. Khi làm vậy, Đức Kitô Giêsu đã tái cấu trúc nhân tính, làm cho hoàn hảo tình yêu tuân phục đối với Chúa Cha, đó là bài-thánh-ca-sống (life-hymn) mà chính mỗi Kitô nhân đều được mời gọi tham dự vào. Phát triển, với Kitô nhân là Thiên Chúa Cha. Nơi Người, tất cả mọi sự đều trở nên hoàn hảo.

 

Lễ Giáng Sinh nhắc nhở chúng ta rằng tăng tiến, quang đạo của thể xác và linh hồn đều có thể biểu lộ sự hiện hữu của Thiên Chúa, không chỉ qua những thành công bên ngoài mà còn cả những nét đẹp thầm lặng diễn biến qua từng khoảnh khắc sống của Kitô nhân. Mỗi khoảnh khắc đó đều có cơ hội để nhân tính của Kitô nhân trở nên hoàn hảo nhờ ân sủng, và để ân sủng thể hiện qua bản chất của Kitô nhân nhuần thấm đối với thế gian, phát triển chính mình và phát triển thế nhân.

 

Cứ cho là đặc tính hiện thân của phát triển cá nhân Kitô nhân là được thánh hóa, rõ ràng mỗi Kitô nhân đều có những đứa con nhỏ, cha mẹ già, và ai cũng đã là trẻ nhỏ thuở đầu đời. Cũng vậy, những dự nhân Kitô vào đạo thì cũng chỉ là nhữ “trẻ em” trong đời sống đức tin để vươn tới sự phát triển trong ơn Cứu Độ. Khi nói về Mầu nhiệm Nhập thể, Thánh Gioan nhắc nhở rằng chúng ta là các Kitô hữu cảm nghiệm nhiều về sự sống của Thiên Chúa và tình yêu của Thiên Chúa, nguồn gốc sự phát triển của cá nhân mỗi người Kitô: “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (x. Ga 1:16).

 

Thánh Phaolô viết: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, tôi viết cho anh em: anh em đã được tha tội nhờ danh Đức Giêsu Kitô. Hỡi các bậc phụ huynh, tôi viết cho anh em: anh em biết Đấng vẫn có từ lúc khởi đầu. Hỡi các bạn trẻ, tôi viết cho anh em: anh em đã thắng ác thần. Hỡi anh em là những người con thơ bé, tôi đã viết cho anh em: anh em biết Chúa Cha. Hỡi các bậc phụ huynh, tôi đã viết cho anh em: anh em biết Đấng vẫn có từ lúc khởi đầu. Hỡi các bạn trẻ, tôi đã viết cho anh em: anh em là những người mạnh mẽ; lời Thiên Chúa ở lại trong anh em và anh em đã thắng ác thần” (x. 1 Ga 2:12-14). Ai cũng dễ quên điều này: phát triển đích thật là chiến thắng ác thần trong chính chúng ta.

 

Không gì có thể tăng trưởng tới tầm viên mãn, nếu không có Chúa Kitô Giêsu giáng sinh. Nếu mối quan hệ của Kitô nhân, hay của toàn nhân loại đối với Thiên Chúa thuần túy là tâm linh, ai nấy sẽ sớm coi thân thể thấp kém trước toàn hữu thể Kitô nhân, hoặc bị khuất phục qua sự từ khước nghiêm ngặt với thân xác coi nó chẳng là gì hơn là cái chứa đựng linh hồn. Nếu Đức Kitô Giêsu không nhập thể, sự hài hòa giữa bản chất thật của con người và Thiên Chúa chân thật sẽ bị biến dạng hoặc bị hủy hoại.

 

Đức Kitô cưu mang niềm hy vọng của nhân loại. Kitô đạo là con đường của ơn cứu độ mà Thiên Chúa trao ban cho con người qua Đức Giêsu Kitô, Kitô nhân tin tưởng và vững tâm tiến bước sẽ đạt tới sự phát triển viên mãn. Nhưng trong dòng thời gian, khi va chạm cuộc sống thường nhật với bao thực tế phũ phàng, lắm khi Kitô nhân giật mình, suy nghĩ, đặt vấn đề và có khi khắc khoải lo âu và thậm chí bối rối về niềm tin của mình trước những biến động kinh hoàng nơi chính mình và trong nhân thế. Một bên là thâm tín vào Đức Giêsu Kitô tử nạn và phục sinh, một bên là đồng hành với sự phát triển vật chất xã hội loài người mà mình phải yêu thương và phục. Hậu cảnh nghi kỵ, bất khoan dung tôn giáo, đa nguyên và tương đối hóa tôn giáo, lãnh cảm dửng dưng tôn giáo khiến cho Kitô nhân đặt ra nhiều câu hỏi: vậy thì, thế giới loài người sẽ đi về đâu? Và Kitô nhân phải sống như thế nào trong không gian một xã hội đang phát triển bằng mọi giá?

 

Các câu hỏi đó càng trở nên cấp bách, dồn dập, nhất là trong những giai đoạn khủng hoảng, giai đoạn mà Kitô nhân gặp thử thách trầm trọng vì những bách hại bên ngoài và chia rẽ, bất hòa bên trong.

 

Trước những lo âu khắc khoải đó, Đức Kitô Giêsu vén mở bức màn bí ẩn lên, bày tỏ cho nhân sinh “thấy” tương lai huy hoàng đang chờ đón những người đã đặt niềm tin và lòng yêu mến nơi Đức Giêsu Kitô, nhân tố phát triển chung cuộc của hành trình nhân loại, cũng như khẳng định tương lai xán lạn của nhân loại và của cả vũ hoàn; bởi lẽ quyền lực của tội lỗi đã bị đánh bại và kẻ thù cuối cùng của phát triển nhân sinh là tử thần và âm phủ sẽ hoàn toàn bị chế ngự. Đó chính là lúc bộ mặt của thế giới này sẽ thay đổi, vì được thấm nhuần Kitô Đạo.

 

Hãy cam đảm vạch ra một hướng đi chính mình để tự phát triển. Hướng đi đó được bảo đảm bởi một quá trình lịch sử lâu dài của cá nhân đồng hành cùng ân sủng, đồng thời tựa trên nền tảng vững chắc là Đức Kitô Giêsu – điểm xuất phát và tận cùng của phát triển – là Alpha và Ômêga – nghĩa là khởi nguyên và tận cùng.

 

---

Viết tại Nhà Thờ Thới Sơn

Ngày 16/12/2016

Khiết Minh – N.V.T