Ngoài ấy tuổi xuân lạnh rét căm lòng cỏ hoa
Chuyện phiếm đọc trong tuần Giáng Sinh Năm A 25/12/2016
“Ngoài ấy tuổi xuân lạnh rét căm lòng cỏ hoa”
“em nhìn mây không cánh bay về phương trời xa
nghẹn ngào em thầm hỏi người đi có nhớ nhà
nghẹn ngào em thầm hỏi người đi có nhớ nhà...”
(Nhạc: Phạm Duy/Lời: Lê Minh Ngọc – Tâm Sự Gửi Về Đâu)
(Mt 24: 37-44)
Gửi về đâu, tâm sự tràn đầy ư? Tâm-sự là tâm-sự gì? Phải chăng là “Tuổi xuân lạnh”, hoặc “nghẹn ngào nhìn mây không cánh bay” ? Hoặc còn là: “thầm hỏi người đi có nhớ nhà”? Nếu quả thật có thế, thì mời bạn và mời tôi, ta lại nghe thêm câu hát tiếp, như sau:
“Ra đi mùa xuân ấy, mây hồng bay cuối thôn.
Hoa vàng cài trên tóc, em ngây thơ mắt buồn.
Trời sáng trong lòng anh, vực thẳm trong lòng em.
Hai đứa hai tâm sự, xa nhau như đêm ngày...
Người đi vì lý tưởng, em ở lại hờn căm.
Mỗi mùa hoa lại nở, mỗi hình bóng người xa.
Đã bạc phai mầu áo, nổi trôi dưới gốc dừa.
Một trời hoa gạo đỏ, và mưa nắng hai mùa...”
(Phạm Duy/Lê Minh Ngọc – bđd)
À thì ra, như thế tức: “người đi vì lý-tưởng”, rồi “Xuân về quạnh quẽ” có “người gái quê”, “buồng xuân vắng vẻ”, “Bước dài thương nhớ”, “mây trùng dương cách chia.” Ôi thôi là lời lẽ đầy nhung nhớ. Nhớ cảnh kẻ ở người đi đến là buồn. Thế nhưng, nếu đó là lý-tưởng của nhà Đạo, thì sao anh cứ hát như lời buồn và nhớ như sau:
“Hẹn mai về, hẹn mai về,
xuân rồi xuân quạnh quẽ.
Người gái quê, người gái quê,
xuân buồng xuân vắng vẻ.
Đường anh đi, đường anh đi,
ôi bước dài thương nhớ.
Giờ em ơi, giờ em ơi,
mây trùng dương cách chia.
Lìa nhau vì lý tưởng,
hỡi em người quê hương!
Đâu phải vì biên giới,
đâu phải vì nghìn phương.
Muôn ngàn năm còn mãi,
lệ trên đá rơi hoài.
Chuyện mình ai người biết,
và ai sẽ xót thương.
Hẹn mai về, hẹn mai về,
xuân rồi xuân quạnh quẽ.
Người gái quê, người gái quê,
xuân buồng xuân vắng vẻ.
Đường anh đi, đường anh đi,
ôi bước dài thương nhớ.
Giờ em ơi, giờ em ơi
mây trùng dương cách chia.”
(Phạm Duy/Lê Minh Ngọc – bđd)
À thì ra, ở đời mỗi khi thấy em nói buồn và nhớ vì xuân này anh đi, vì lý tưởng gì gì đó “đâu phải vì biên giới”, cũng chẳng “vì nghìn phương”. Có khi, chỉ vì “mây trùng dương cách chia”, “lệ trên đá rơi hoài.”
Thế nhưng, ở nhà Đạo thì khác. Khác, như đấng bậc vị vọng ở đâu đó, từng biểu tỏ như sau:
“Phúc Âm hôm nay, chưa nói nhiều về Nhiệm Tích Nhập Thể. Nhưng, Đấng Huyền Diệu Quang Lâm được cảnh báo như một thời có nhiều xáo trộn. Xáo trộn ngày Đức Chúa Quang lâm, được mô tả giống thời Nô-ê. Một thời cần cảnh giác và tỉnh thức. Tỉnh thức, vì Ngài đến bất chợt, rất đột xuất.
Đấng Huyền Diệu đến, sẽ không như buổi xử phạt, vào ngày cuối. Ngày Chúa đến, sẽ nhắc nhở con dân của Ngài đừng vì cảnh ly biệt tách lìa, mà hãi sợ. Cảnh giác và tỉnh thức để mọi người nhận ra Chúa luôn hiện diện, trong huyền diệu.
Việc đề cao tỉnh thức, còn được thánh Phao-lô tông đồ nhắn nhủ, qua thư gửi giáo đoàn Rôma lành thánh, rằng:
“Đã đến lúc anh chị em phải tỉnh giấc …
Đêm hầu tàn, ngày sắp đến.
Hãy vất bỏ những việc tối tăm
và mặc lấy khí giới của sự sáng”.
(Rm 13: 12)
Đi vào đời sống, người người cần nhận ra, rằng: đã đến lúc ta nên cảnh tỉnh. Cần giác ngộ về các hành động mình đã và đang làm. Cảnh tỉnh/giác ngộ, để không còn gì phải sợ sệt hoặc che giấu. Giấu Chúa và giấu người phàm. Và khi đã cảnh tỉnh rồi, ta sẽ không tủi hổ vì đã có hành vi bất chính. Không còn hãi sợ vì đã hành xử phản lại tâm trạng người đón chờ ngày Chúa Quang Lâm.
Đón chờ ngày Đấng Huyền Diệu Quang Lâm, là biết sẵn sàng trong tư thế của người con bình thường. Người con bình thường, là người không sợ phải quay về với thời ông Nô-ê, khi trước. Người con ở tư thế bình thường, là người không còn sợ ngày xét xử, vào lần cuối.
Tâm trạng của người con chờ ngày Chúa đến, còn là tâm trạng phó thác để Chúa hiện diện với chính mình. Ngài hiện diện qua tương quan rất hiện tại. Tương quan mang hình thái của một “nhiệm tích hiện tại”. Nhiệm tích xảy đến vào mọi lúc, với mọi người. Nhiệm tích thể hiện qua hành vi, và qua công việc thường nhật. Ngài sẽ đến bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu.
Sống trong tương quan “nhiệm tích hiện tại”, ta nhận ra Ngài đang hiện diện nơi mọi người trong cuộc sống. Và, nhận ra bàn tay thân thương Ngài đặt nơi sự kiện đang xảy đến. Khi ấy, không còn hãi sợ. Không còn e dè ngần ngại về mọi cảnh báo. Nhưng, sẽ phấn khởi sống tình thương của Chúa. Phấn khởi, nhận ra Ngài đang gần gũi chính mình. Gần hơn cả nhịp đập rộn rã, của con tim, nhịp tình yêu. Nhịp của “nhiệm tích hiện tại”.
Sống tương-quan nhiệm tích, là sống một đời sống tử-tế, dễ thương cả khi ăn khi nói, cả khi giảng-giải hoặc lắng nghe Lời Chúa từ đâu đó, trong thinh-lặng. Lắng nghe hoặc giảng giải, bao giờ cũng cần ngắn gọn, để người nghe dễ nhớ những gì đã nghe và cần nghe.
Đây cũng là điều mà Đức Phanxicô từng nhắc nhở mọi người, chí ít là các đấng bậc có trọng trách giảng-giải Lời của Chúa, ở nhà thờ như sau:
“Trong khi cử hành nghi thức tấn phong tân giám mục, Đức Giáo hoàng Phanxicô khuyến khích các linh mục hãy dùng những lời lẽ đơn giản khi giảng dạy, và hãy rút gọn bớt bài giảng của mình trong thánh lễ ngày chúa nhật.
Đức Phanxicô thúc các linh mục hãy nghĩ lại về thời thơ ấu của mình, và nhớ xem giáo dân mừng thế nào khi các linh mục giảng những bài ngắn gọn.
‘Hãy nhớ cha của các cha, và thấy ông hạnh phúc thế nào khi biết có một linh mục gần đó cử hành thánh lễ mà không có bài giảng!’
Các bài giảng phải là sự thông truyền ơn Chúa,
và phải đơn sơ để tất cả mọi người đều hiểu được,
và khi ra về ai cũng mang theo một khát khao muốn sống tốt hơn.’
Các bài giảng ngắn gọn cũng là chủ đề mà Đức Phanxicô đã lặp lại nhiều lần.
Tháng 4 năm ngoái, Đức Giáo hoàng truyền chức cho 19 linh mục, và thúc giục họ hãy phục vụ hơn là điều hành đàn chiên, và hãy cho dân Chúa của ăn với những bài giảng từ trái tim hơn là những bài thuyết đáng chán.
‘Hãy để bài giảng là nguồn nuôi dưỡng Dân Chúa,
để cho bài giảng của các cha không đáng chán,
để cho bài giảng của các cha vươn đến tâm hồn mọi người,
bởi bài giảng đó xuất phát từ tâm hồn các cha,
bởi các cha nói ra những gì các cha mang trong tim mình.’
Đức Giáo hoàng cũng thúc giục các tân linh mục hãy thực hành những gì mình giảng, để làm gương lành, làm chứng cho sự thật trong những lời mình nói.
‘Một gương lành làm cho mọi người phấn chấn,
lời nói mà không có hành động thì là những lời vô nghĩa,
chúng là những khái niệm không bao giờ đến được tâm hồn mọi người,
và sẽ gây hại hơn là tốt.’
Trong thánh lễ ngày thường ở Nhà nguyện nhà trọ thánh Marta, nơi ngài sống,
Đức Giáo hoàng Phanxicô thường giảng các bài ngắn gọn,
không bao giờ vượt quá 10 phút, và thường là ngắn hơn nhiều.”
(J.B. Thái Hòa chuyển dịch)
Giảng ngắn gọn ư? Ối chà là cách mạng. Xưa giờ, bạn cũng như tôi, chúng ta đều biết thế nhưng nào ai dám nói. Biết, cả những điều khá lạ-kỳ khi đấng bậc giảng-dạy gọi là “Chia sẻ Lời Chúa” vẫn cứ kể vào những lúc cứ là dài giòng giảng giải hay kể lại những điều đã được kể khá dài ở Phúc Âm. Như thế, là giảng-giải dài giòng, đến buồn ngủ.
Giảng ngắn gọn “không bao giờ vượt quá 10” ư? Dạ thưa Đức Ngài, thưa cha/thưa má có một điều, rằng: ở xứ Úc này, các đấng bậc nhà em mỗi khi giảng đến 7 phút thôi, đã bị cho là “Ngài không tìm ra bãi đáp”, nên mới thế. Như thế, tức: sự tử-tế cũng nên hiểu là: nên tử-tế với giáo-dân/người nghe đang ngồi ở hàng ghế dưới cứ phải nghe vị thuyết giảng cứ lai rai, dài giòng, ít vắn gọn.
“Quái-đản” hơn, có vị lại nói những lời “tục-tĩu”/gợi hình như: “con ma xinh xinh chân dài ngày Halowwen”, “Ba vua dâng tặng “nhũ-hoa”, Vàng và Mộc-dược lên Hài Nhi Chúa”, vv..”. Hoặc, cứ vẫn kể những truyện chẳng ý-nghĩa và cũng chẳng ăn khớp với “ý” và “nghĩa” của Tin Mừng/Lời Chúa, rất thanh-tao.
“Kỳ-quái” hơn nữa, có vị lại cứ múa may, hát hò cho bà con vỗ tay khen hay ngay trong nhà thờ/nhà thánh. Ôi quái lạ, dị-kỳ, và vô-nghĩa. Thôi thì, kể sao cho hết những “kỳ-quái, “kỳ-khú” và “dị-kỳ” về đấng bậc nhà Đạo.
Nếu trí-nhớ của bần-đạo đây và của giáo-dân ở xứ-đạo Fairfield, Sydney còn tốt, thì có vị bảo rằng: giáo-dân người ta đến nhà thờ là đã hy-sinh thời-giờ và cũng bỏ công việc gia đình, sở làm thế nên cũng hơi mệt mỏi. Thế nên, cũng đừng nên hành-hạ thêm lỗ nhĩ của những người ấy khi buộc phải nghe các bài giảng dài giòng “văn-tự”.
Lại nữa, nói về “sự tử-tế” giữa con người, cũng còn phải hỏi xem ta có đối xử tử-tế với Thiên-Chúa, không? Bởi lẽ, con người là “ảnh-hình” của Thiên-Chúa, nên đôi lúc con người cũng không “tử-tế” với Đấng tạo ảnh-hình cho chính mình.
Đối xử tử-tế với Chúa và với Chúa-ở-trong-mọi-người, ta có thể làm bằng đủ cách. Cả những cách thường hay thấy hoặc ít thấy. Có cả những cách tưởng rằng mình thường thấy, nhưng lại sai quấy, vì không biết. Như thế, tức có nghĩa: nhiều lúc, ta cứ tưởng rằng mình hiểu và biết rất nhiều về Thiên-Chúa là Đấng-ta chẳng-bao-giờ-biết”, như tác-giả Marcus J. Borg, từng tỏ lộ đôi giòng sau đây:
“Có đến trên ba, bốn chục năm này, nhiều người cứ theo cung-cách cổ-lỗ khi nghĩ về Thiên-Chúa như Kinh Sách, như Đức Giêsu và Đạo Chúa chẳng hạn, cũng đã thôi không còn thúc-ép hoặc ràng-buộc người tín-hữu nữa, đặc-biệt là những vị thuộc các Giáo-hội chính, rất liên-đới.
Cung-cách khi xưa hiểu và biết Thiên-Chúa là Đạo Chúa của dân-gian ở cấp thấp thuộc thế-hệ thời trước. Theo hình-thức cứng rắn hơn hoặc mềm-dẻo hơn, là thứ đạo-giáo nặng về luân-lý, tín-điều, theo nghĩa đen rất từng chữ và cũng độc chiếm, độc-quyền, lại chuyên hướng về sự sống vào thời sau. Đường-lối các vị này chủ-trương, nay có nghĩa: là Ki tô-hữu, tức là tin vào tập-hợp gồm một số triết-thuyết hoặc tín-điều nào đó tưởng-như-là-có-thật và điều đó có nghĩa: hãy cứ tìm về sống rập-khuôn với giáo-huấn đúng theo luân-thường đạo-đức của Đạo Chúa, là được.
Đường-lối đây, có khuynh-hướng hiểu Kinh Sách và tín-điều theo từng chữ, rất nghĩa đen, phi trừ có lý-do bắt buộc không được như thế. Như thế, tức bảo rằng: chỉ mỗi Đạo của Chúa mới được hưởng ơn cứu-độ. Và Đạo Chúa đây, xưa nay định-nghĩa ơn cứu-độ là “sự sống vào thời sau”, chẳng hạn như được lên thiên-đàng thẳng cánh.
Tựu-trung thì. Đạo Chúa khi ấy là đạo-giáo vẫn cứ tin vào các giáo-huấn chung chung của hệ-cấp Giáo-triều từng dạy dỗ vào lúc nàyvì thiên-đàng, vào thời về sau…”
Đường-lối hiểu biết Thiên-Chúa theo kiểu cũ nói ở đây, vẫn được rất nhiều bậc mẹ cha và/hoặc ông/bà nội/ngoại vẫn duy-trì. Thế nhưng, vào hậu bán thế kỷ thứ 20, thì đối với nhiều người, chuyện này cũng bớt đi phần tin-tưởng cũng khá nhiều, nhất là những người Công-giáo tự cho mình là chính-cống, hoặc chính-thống. Thế nhưng, ngày nay, lối hiểu và biết về Thiên-Chúa và Đạo Chúa như thế, không còn hiệu-nghiệm và tồn-tại bao nhiêu nữa…” (X. Marcus j. Borg, The GOD We Never Knew, HarperOne 1997, tr. 84-85)
“Dân địa phương
đối xử tử tế với chúng tôi
một cách hiếm có.
Họ đốt một đống lửa to
và niềm nở tiếp đón tất cả chúng tôi,
vì trời đã bắt đầu mưa và lạnh.”
(Cv 28: 3-4)
Đối xử tử-tế, là: “đốt một đống lửa to” cho khỏi lạnh. Và là: “niềm-nở tiếp-đón tất cả chúng tôi, vì trời bắt đầu mưa và lạnh.” Như thế, còn là đỡ đần, giùm giúp. Như vậy, lại là thân-thương đùm bọc, như truyện kể và châm-ngôn để sống cho tử-tế được nói đến ở bên dưới:
“Ngày đầu tiên đi làm về, em tôi vứt phịch túi xách xuống giường và phàn nàn:
“Sao em ghét cái con đồng nghiệp ngồi cạnh thế không biết!”
Tôi hỏi:
-Tại sao?
Nó trả lời:
-Em không biết, nó lì lì ít nói nên em thấy ngột ngạt, em ghét!
Tôi bật cười, kể cho em tôi nghe những ngày đầu tôi bước chân vào môi trường công sở. Phòng tôi ngoài tôi thì còn 2 người, một bạn thì có vẻ ngoài lạnh lùng, khó gần, và cũng không hòa đồng cho lắm, bạn còn lại khá xinh, chủ động bắt chuyện và nhận giúp đỡ tôi trong công việc.
Tôi chơi thân với bạn đồng nghiệp xinh xinh ấy, và cũng chẳng bao giờ trò chuyện gì với bạn còn lại trừ khi có công việc.
Cho đến một ngày, tôi đi làm muộn, đứng ở ngoài nghe thấy người bạn đồng nghiệp mà mình luôn tin tưởng, nói chuyện với sếp tôi. Khi sếp tôi tới kiểm tra và hỏi tôi đâu, bạn nói: “Nó chưa đến anh ạ! Ngày nào cũng đi muộn. Làm việc thì vớ vẩn lắm!”
Tôi đứng im như phỗng, ruột gan đảo lộn, tim thắt đau. Người đồng nghiệp còn lại nói đỡ cho tôi: “Em nhờ bạn ấy tiện đường rẽ qua cơ sở mới lấy giấy tờ giúp em nên tới muộn thôi anh!”
Lúc sếp đi ra cửa, tôi chạy vội vào nhà vệ sinh. Đợi tinh thần ổn định mới trở vào phòng làm việc. Tôi vẫn cười nói như bình thường, giấu sự thật mà mình biết trong lòng. Có những điều dù mình đã tường tận nhưng vẫn nên im lặng, chỉ để cho lòng mình biết phải cư xử với đối phương thế nào.
Một thời gian rất lâu sau, người đồng nghiệp xấu tính của tôi nghỉ việc, chỉ còn tôi và bạn còn lại lo công việc trong phòng. Lúc này chúng tôi tiếp xúc nhiều hơn, hiểu nhau nhiều hơn, và quan trọng là đối với nhau chân thành không toan tính vụ lợi. Và chúng tôi chơi thân với nhau cho tới tận giờ.
Thế đấy! Lòng người vô cùng khó đoán. Không phải ai lạnh lùng khoảng cách với mình là không quan tâm mình, không phải ai cười cười nói nói thân thiết với mình là yêu thương mình. Chiếc dao giấu dưới đệm, người nằm lên khó lòng biết được, đâu phải ai cũng như nàng Công chúa trong truyện cổ, ngủ trên 7 tầng đệm mà vẫn cảm nhận được vài viên đậu dưới giát giường?
Vậy nên, tôi nói với em tôi, em đừng ghét ai vô nghĩa, bởi nhiều khi người em vô cớ ghét, lại là người sẽ thương em hết lòng.
“Thực ra, lời nói nhiều khi đều là giả, chỉ có những điều cùng nhau trải qua mới là thật. Người tốt thường chẳng khéo miệng, người xấu lại luôn biết nói lời hay”
Thế nên,
1. Đừng ghen tị vì người khác chín chắn trưởng thành hơn bạn, chẳng qua vì họ gặp nhiều người xấu hơn bạn mà thôi.
2. Bạn thông minh hơn kẻ khác không phải lỗi của bạn, nhưng diễu võ giương oai trước mặt họ thì bạn sai rồi.
3. Niềm vui lớn nhất trên đời là làm được những điều mà bạn nghĩ rằng mình không làm được, niềm vui lớn thứ hai là làm được những điều mà người khác nghĩ rằng bạn không làm được.
4. Đừng mất thời gian và công sức để kêu than với đám đông làm gì, một nửa sẽ không quan tâm, còn một nửa thì mừng thầm khi thấy bạn xui xẻo hơn họ.
5. Đừng mất niềm tin vào tình yêu, thế giới rộng lớn thế, cũng sẽ có người có khẩu vị khác lạ say bạn như điếu đổ thôi.
6. Để duy trì một mối quan hệ tình cảm tốt đẹp, ngoài thật lòng và tử tế, còn cần phải không ngừng nỗ lực trở lên ưu tú hơn nữa.
7. Hãy trân trọng khoảng thời gian còn được đến trường, đừng nghĩ đi làm rồi tự kiếm được tiền rồi mới là tự do. Sau này bạn sẽ thấy, công việc thì áp lực mệt mỏi hơn bài tập, đồng nghiệp thì xấu tính đáng ghét hơn bạn học, mà bạn lại chẳng thể đánh người, vì bạn đã thành người lớn rồi.” (Truyện sưu tầm từ mạng vi-tính)
Với quyết tâm thực-hiện cuộc sống rất tử-tế với mọi người, mời bạn và tôi, ta lại hát lên những lời ca ê-a ở trên làm kết đoạn cho vui cuộc đời:
“Hẹn mai về, hẹn mai về,
xuân rồi xuân quạnh quẽ.
Người gái quê, người gái quê,
xuân buồng xuân vắng vẻ.
Đường anh đi, đường anh đi,
ôi bước dài thương nhớ.
Giờ em ơi, giờ em ơi,
mây trùng dương cách chia.
Lìa nhau vì lý tưởng,
hỡi em người quê hương!
Đâu phải vì biên giới,
đâu phải vì nghìn phương.
Muôn ngàn năm còn mãi,
lệ trên đá rơi hoài.
Chuyện mình ai người biết,
và ai sẽ xót thương.
Hẹn mai về, hẹn mai về,
xuân rồi xuân quạnh quẽ.
Người gái quê, người gái quê,
xuân buồng xuân vắng vẻ.
Đường anh đi, đường anh đi,
ôi bước dài thương nhớ.
Giờ em ơi, giờ em ơi
mây trùng dương cách chia.”
(Phạm Duy/Lê Minh Ngọc – bđd)
Hát thế rồi, nay mời bạn và tôi, ta cứ hiên ngang hướng về phía trước mà sống. Sống hùng, sống mạnh không phải để rồi sau khi chết “sẽ được lên thiên-đàng”, nhưng sống thân-thương, hoà-hợp với mọi người ngay ở thời này. Sống cho ra sống, đúng chức-năng và nhân-vị của con người. Người Kitô-hữu được Kitô-hoá theo cung-cách rất Kitô.
Trần Ngọc Mười Hai
Còn đó những quyết-tâm
Sống đời hiền-hoà
của Kitô-hữu
luôn sở-hữu Đức Kitô.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: