Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Mẫu gương Gia đình Thánh

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

MẪU GƯƠNG GIA ĐÌNH THÁNH (LỄ THÁNH GIA THẤT – năm A)

 

Nhân suy niệm về lễ Thánh Gia Thất, xin có đôi lời biện phân về từ ngữ. Theo từ nguyên thì “gia thất” ( 家 室 ) có 2 nghĩa: 1- vợ chồng; 2- nhà cửa. Như vậy Thánh Gia Thất ( 聖 家 室 ) có thể hiểu là Gia Đình Thánh hoặc Nhà Thánh. Nói đến Nhà Thánh chính là nói đến “Nhà Thiên Chúa” như ngôn sứ I-sai-a đã trình thuật:: “Đây là điều mà ông I-sai-a, con ông A-mốc, đã được thấy về Giu-đa và Giê-ru-sa-lem. Trong tương lai, núi Nhà ĐỨC CHÚA đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi. Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi. Rằng: "Đến đây, ta cùng lên núi ĐỨC CHÚA, lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp, để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ. Vì từ Xi-on, thánh luật ban xuống, từ Giê-ru-sa-lem, lời ĐỨC CHÚA phán truyền.” (Is 2, 1-3).

 

Quả thật, cùng với mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người, mầu nhiệm Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, cũng như toàn thể Gia Đình Thánh đã được tiền định từ trước vô cùng và Thiên Chúa đã mạc khải cho các ngôn sứ từ Cựu Ước. Cũng vì thế, Gia đình Thánh Na-da-rét đã được minh nhiên công nhận ngay từ thời Giáo hội sơ khai. Chỉ cần nhìn vào sinh hoạt tín ngưỡng nơi các cộng đoàn tín hữu tiên khởi cũng đủ thấy lòng tôn sùng ngưỡng mộ Thánh Gia. Sở dĩ vậy là nhờ các Tông đồ – đặc biệt là các Thánh sử – đã làm chứng bằng hành động và nhất là lời cầu nguyện. Chứng tích cụ thể nhất là Thư và các sách Tin Mừng Tân Ước còn lưu truyền tới nay và mãi tới muôn đời sau. Đó là lòng tôn sùng, nhưng còn lễ kính Thánh Gia thì mãi về sau này mới có cụ thể.

 

Tìm hiểu nguồn gốc lễ Thánh Gia Na-da-rét trên trang web của Hội đồng GMVN và Bách khoa toàn thư mở “Wikipedia”, thì được biết: Việc tôn kính Thánh Gia trong Giáo hội Công Giáo chính thức bắt đầu vào thế kỷ XVII bởi Thánh Giám mục François de Montmorency Laval (sinh năm 1623 tại Montigni-sur-Avre nước Pháp, từ trần năm 1708; ngài là vị giám mục tiên khởi của Québec, Canada. Ngài được Thánh GH Gio-an Phao-lô II phong Chân phước ngày 22/6/1980; ĐGH Phan-xi-cô phong hiển thánh ngày 3/4/2014). Dòng Đa Minh và dòng Phan-xi-cô cũng đã góp một phần lớn vào phong trào sùng kính Thánh Gia này. Lễ Thánh Gia bắt đầu trước tiên từ Canada, dần dần lòng sùng mộ Thánh Gia lan rộng ra khắp hoàn cầu. Thời kỳ này, người ta nhận thấy các gia đình bị tục hóa, nhiều gia sản thiêng liêng, các giá trị của gia đình bị tiêu tán. Có nguy cơ gia đình bị băng hoại hoàn toàn. Vì vậy, tin hữu tìm tới gia đình gương mẫu Thánh Gia để giúp các gia đình Công Giáo sống đạo tốt hơn trong bí tích hôn phối.

 

Năm 1893, ĐGH Lê-ô XIII (1808-1903) quyết định cho tổ chức lễ kính Thánh Gia vào ngày Chúa nhật trong tuần Bát nhật lễ Hiển Linh (từ lễ Hiển Linh đến lễ Chúa Giê-su chịu Phép Rửa, khoảng từ ngày 4/01 đến ngày13/01 dương lịch). Như vậy lễ Thánh Gia Thất lần đầu tiên được cử hành vào năm 1893. Tuy vậy, nhưng vẫn chỉ được tổ chức ờ một số nơi, chưa được bao quát toàn Giáo hội. Năm 1911, trong sách Lễ Rô-ma, do ĐGH Pi-ô X cho tu sửa và công bố, cũng không có lễ Thánh Gia. Mãi tới năm 1920, lễ Thánh Gia mới được đưa vào trong sách lễ Rô-ma, và chỉ định kính vào ngày Chúa nhật thứ I sau lễ Hiển Linh.

 

Ngày 26/10/1921, Thánh bộ Nghi lễ đã ra một sắc lệnh truyền cử hành một số lễ trong toàn thể Giáo hội, trong số lễ này, có lễ Thánh Gia, được cử hành vào Chúa nhật trong tuần Bát nhật sau lễ Hiển Linh. Năm 1969, Công đồng Va-ti-ca-nô II khởi xướng cải tổ năm Phụng vụ và lịch Phụng vụ, lễ Thánh Gia và lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, là hai lễ được sắp xếp lại: Lễ Thánh Gia được dời sang Chúa nhật trong tuần Bát nhật Giáng Sinh, hoặc nếu không có ngày Chúa nhật, thì cử hành vào ngày 30/12. Hiện nay, lễ Thánh Gia được cử hành vào Chúa nhật ngay sau Lễ Giáng Sinh. Nếu Lễ Giáng Sinh và Tết Dương lịch rơi vào Chúa nhật (tức là không có Chúa nhật nào ở khoảng giữa), lễ Thánh Gia sẽ được cử hành vào ngày 30/12 (nhằm ngày thứ sáu tuần Bát nhật Giáng Sinh).

 

Phụng vụ Giáo Hội đã chọn Chúa nhật trong tuần bát nhật Giáng Sinh để kính nhớ Thánh Gia như một mẫu gương tuyệt hảo cho các gia đình Ki-tô hữu. Khi nói về một gia đình hạnh phúc thì phải nói đến cả 3 thành phần căn bản (Cha Mẹ và Con cái) đều có một cuộc sống biểu lộ thật rõ ràng tình tương thân tương ái, sự chung thuỷ son sắt, tính khiêm nhu nhường nhịn, đùm bọc phục vụ nhau trong mọi tình huống, suốt cả cuộc đời. Với Thánh Gia thì Cha (Thánh Giu-se) và Mẹ (Đức Maria) lại là những nhân vật tương đối mờ nhạt vì Thánh Kinh không tập trung miêu tả cụ thể những sinh hoạt trong phạm vi gia đình Na-da-ret. Chỉ còn nhân vật trung tâm là Người Con (Đức Giê-su), mà muốn biết rõ Người trong vai trò làm con ở gia đình, thì cần phải hiểu rõ thời gian Người còn sống ẩn dật tại Na-da-ret, bởi khi hoạt động công khai thì hầu như không mấy khi Người có mặt tại nhà.

 

Hầu hết Thánh Kinh Tân Ước sau khi trình thuật biến cố Giáng Sinh, chỉ tập trung vào thời gian hoạt động công khai của Đức Giê-su, kể từ khi Người chịu phép rửa trên sông Gio-đan. Duy chỉ có Thánh Lu-ca là có trình thuật sơ lược về thời gian Đức Giê-su còn sống ẩn dật tại gia đình ở Na-da-ret. Do đó, lấy Thánh Gia làm gương mẫu cho đời sống gia đình, không phải là điều đơn giản. Phụng vụ khi chọn các bài đọc Thánh Kinh cũng đã nhận thấy điều ấy. Và để đạt được cả hai mục tiêu – vừa nói về các nhân đức gia đình, vừa nói về thời gian Chúa Giê-su sống ẩn dật ở Na-da-rét – Phụng vụ đã áp dụng các bài đọc cho chu kỳ ba năm liền như sau: *Năm A: Hc 3, 3-7.14-17a; Cl 3, 12-21; Mt 2, 13-15.19-23. *Năm B: Hc 3, 3-7.14-17a (hay St 15, 1-6; 21, 1-3); Cl 3, 12-21 (hay Dt 11, 8.11-12.17-19); Lc 2, 22-24.39-40 . *Năm C: Sm 1, 20-22.24-28 (hay Hc 3, 3-7.14-17a); 1Ga 3, 1-2.21-24 (hay Cl 3, 12-21); Lc 2, 41-52.

 

Trở lại với chủ đề suy niệm hôm nay, bài đọc 1 (Hc 3, 3-7.14-17a) dạy về bổn phận người con trong gia đình phải ghi nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ mà ăn ở hiếu thảo với các ngài, vì chính “Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đoàn con” (Hc 2, 2), nên có thể nói "Ai kính sợ Chúa, thì thảo kính cha mẹ". Đến bài đọc 2 (Cl 3, 12-21), Thánh Phao-lô đi sâu hơn vào lời khuyên bảo từng thành viên trong gia đình (bổn phận vợ chồng đối xử với nhau, trách nhiệm cha mẹ đối với con cái và bổn phận con cái đối với cha mẹ, thậm chí cả anh chị em cư xử với nhau nữa). Hạnh phúc gia đình chỉ có được khi có “Đời sống gia đình trong Chúa". Điều đó cho thấy Thánh Gia Thất đã nên như một mẫu gương tuyệt hảo cho mọi gia đình Ki-tô hữu, chính là nhờ hội đủ các yếu tố dẫn trong các bài đọc 1 và 2, và còn hơn thế nữa, nhờ tính vâng phục tuyệt đối của Người Con đối với Chúa Cha kể cả với Mẹ Maria và dưỡng phụ Giu-se tại Na-da-ret; đồng thời cư xử với mọi người như anh em ruột thịt cùng con một Cha trên trời.

 

Đến bài Tin Mừng (Mt 2, 13-15.19-23), thánh sử Mát-thêu trinh thuật Thánh Gia phải đối đầu với một biến cố khốc liệt do hung thần Hê-rô-đê thực hiện (“Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!" Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập. Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh.” – Mt 2, 13-16).

 

Sự kiện chạy trốn sang Ai cập vì hành động hung tàn của Hê-rô-đê cho thấy Thánh Gia đã biết cách gìn giữ gia đình bình an qua cơn giông tố, nhờ những bí quyết:

 

1- Bí quyết thứ nhất đó là vâng nghe Lời Chúa: Thánh Giu-se vâng lệnh Chúa truyền một cách mau mắn và tuyệt đối. Dù lệnh truyền ban ra giữa đêm hôm khuya khoắt và rất khó khăn, nhưng Ngài vẫn mau mắn vâng lời và thức giấc thi hành tức khắc. Đức Maria và Chúa Giê-su cũng có một thái độ vâng phục tuyệt đối như vậy. Thánh ý Thiên Chúa luôn luôn là đem lại thương yêu hạnh phúc tuyệt đối. Lời Chúa dạy luôn luôn là kim chỉ nam. Vì thế, dù gặp nhiều gian nan thử thách, Thánh Gia vẫn giữ được hạnh phúc vẹn toàn.

 

2- Bí quyết thứ hai đó là coi con cái là vốn quý nhất: Cũng vì coi con cái là vốn quý nhất nên khi có những nguy cơ đe dọa, nên Thánh Giu-se và Đức Maria đã đem hết sức lực ra bảo vệ, bằng cách đem con chạy trốn khỏi những nanh vuốt hung tàn. Các Ngài sẵn sàng hy sinh tất cả, mong đem con đến nơi an toàn để hết lòng nâng niu phục vụ. Hình ảnh thánh Giu-se đi bộ dắt lừa cho Chúa Giê-su và Đức Maria là hình ảnh của một người chủ gia đình hết lòng nâng niu phục vụ vợ con. Cũng vì con cái là vốn quý nhất, nên cả Đức Maria đã dõi theo con đến cùng, nhẫn nhục đứng bên thập giá chia sớt đau khổ với con.

 

3- Bí quyết thứ ba đó là con cái luôn hiếu thảo với cha mẹ: Chúa Giê-su là một người con hiếu thảo. Tin Mừng tóm tắt cuộc sống thơ ấu của Người bằng một câu ngắn gọn: "Sau đó Người đi xuống cùng với cha mẹ trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các Ngài" (Lc 2, 51). Sự hiếu thảo của Chúa Giê-su được thấy trong tiệc cưới Cana. Khi đám cưới thiếu rượu, Đức Maria xin Người giúp. Tuy chưa đến thời điểm, nhưng Chúa Giê-su vẫn làm phép lạ cho nước biến thành rượu để giúp đám cưới theo yêu cầu của Mẹ. Cảm động hơn hết là giây phút cuối đời, khi bị treo trên thập giá, Chúa Giê-su vẫn quan tâm đến Mẹ nên đã gửi gấm nhờ thánh Gio-an – môn đệ được Người thương mến – chăm sóc Đức Mẹ.

 

Tình thương yêu, lòng thương xót luôn chan chứa trong Thánh Gia Na-da-ret, để rồi từ đó chiếu tỏa ra mọi nơi, mọi lúc, trong mọi thời. Quả thật đạo đức phải là nền tảng của đời sống gia đình. Ðó cũng là quan điểm của hai bài đọc Kinh Thánh dẫn trước. Bài trích sách Huấn ca là một bài dạy về luân thường đạo lý mẫu mực trong gia đình, nhưng có giá trị hơn hẳn các bài luân lý thông thường ở chỗ lấy Thiên Chúa làm đối tượng mà các thành phần trong gia đình (cha mẹ và con cái) phải kính yêu, học hỏi, cầu xin và trông đợi. Còn như bài trích thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-lô-sê rõ ràng khuyên nhủ mọi người hãy mặc lấy mọi tâm tình và thái độ của chính Người Con (Con trong gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa, đồng thời là Con trong gia đình Na-da-ret). Thánh Phao-lô – thông qua lời khuyên dạy các thành phần trong gia đình – chỉ muốn nhấn mạnh đến tính cách đặc biệt của Thiên Chúa là lòng mến. Thế nên khi khuyên ai nấy hãy mặc lấy những tâm tình và thái độ của Chúa, Thánh Tông đồ nhấn mạnh: “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.” (Cl 3, 14). Bài Tin Mừng thể hiện cụ thể nhất tấm lòng bác ái bao la – tức Lòng Chúa Thương Xót – bằng gương sáng mẫu mực của Thánh Gia

 

Cũng có thể nói một cách tương tự: Các đức tính về đời sống gia đình thật là nhiều, nhưng giềng mối nối kết tất cả nên một chỉ có thể là lòng mến. Khi lòng mến thực sự ngự trị trong lòng và trong gia đình, thì sẽ có tất cả mọi sự khác. Đúng như lời dạy của Thánh Tông đồ dân ngoại: "Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến" (1Cr 13, 13). Một cách cụ thể, hãy có lòng mến với Thiên Chúa và với nhau trong Giáo hội tại gia để từ đó làm bàn đạp mở rộng ra với Giáo hội Hoàn vũ và thế giới. Quả thật “Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời. Đâu có lòng từ bi, ở đấy có ân sủng Người. Đâu có tình bác ái thì Chúa chúc lành không ngơi. Đâu ý hợp tâm đầu, ở đấy chứa chan niêm vui.” (TCCĐ “Đâu có tình yêu thương”). Muốn được “nên thánh giữa đời” ư? Hãy làm sao cho gia đình mình được trở nên đồng hình đồng dạng với Gia Đình Thánh Na-da-ret.

 

Tóm lại, “Niềm vui đích thật, mà người ta kinh nghiệm trong gia đình, không phải là một cái gì tình cờ. Nhưng nó là một niềm vui kết quả của sự hoà hợp sâu thẳm giữa các con người với nhau, làm cho người ta nếm hưởng được vẻ đẹp của việc sống chung với nhau, nâng đỡ nhau trên con đường cuộc sống. Nhưng ở nền tảng của niềm vui luôn luôn có sự hiện diện của Thiên Chúa, tình yêu tiếp đón thương xót và kiên nhẫn của Ngài đối với tất cả mọi người. Nếu không mở rộng cửa gia đình cho sự hiện diện của Thiên Chúa và tình yêu của Ngài, gia đình mất đi sự hoà hợp, các khuynh hướng duy cá nhân thắng thế và niềm vui bị dập tắt. Trái lại gia đình sống niềm vui, niềm vui của sự sống, niềm vui của đức tin, thông truyền nó một cách tự phát, thì là muối đất và ánh sáng thế gian, là men cho toàn xã hội.” (xc. Bài giảng lễ Thánh Gia thất 2015 của ĐTC Phan-xi-cô – nguồn: Vatican.net).

 

Ôi! Lạy Chúa! Chúng con đã nhiều lần lỗi đức thương yêu trong gia đình chỉ vì một chút nóng giận, một chút hiểu lầm, một chút nghi ngờ, đã gây nên bao sóng gió trong gia đình chúng con. Từ mẫu gương Thánh Gia Thất, cúi xin Chúa giúp chúng con ý thức bổn phận phải xây dựng mỗi gia đình Công Giáo thành một tổ ấm tràn đầy yêu thương, biết hy sinh quên mình để sống vì nhau và cho nhau trọn vẹn trong Tình Yêu Thiên Chúa. Ôi! “Lạy Chúa, Chúa đã muốn đề cao Thánh Gia như tấm gương xán lạn để mọi người bắt chước. Xin làm cho chúng con cũng biết noi gương để ăn ở đúng lễ nghĩa gia phong, sống đùm bọc lẫn nhau trong tình yêu mến, hầu được chung hưởng niềm an vui vĩnh cửu trong nhà Chúa trên trời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ, lễ kính Thánh Gia Thất).

 

JM. Lam Thy ĐVD.