Nữ Vương Hòa Bình
NỮ VƯƠNG HÒA BÌNH
(Lễ ĐỨC MARIA MẸ THIÊN CHÚA)
Sách Giáo lý HTCG (số 526) đã viết về lễ Giáng sinh: “Mầu nhiệm Giáng Sinh được thực hiện nơi chúng ta khi Đức Ki-tô "thành hình" nơi chúng ta (Gl 4, l9). Giáng Sinh là mầu nhiệm của việc "trao đổi kỳ diệu" này: Ôi việc trao đổi diệu kỳ! Đấng sáng tạo loài người, đã đoái thương sinh làm con một Trinh Nữ, đảm nhận một xác thể và một linh hồn, và đã ban cho chúng ta thiên tính của Người khi làm người mà không cần đến sự can thiệp của con người! (Tiền xướng tuần bát nhật Giáng Sinh).“ Quả thực là một “trao đổi diệu kỳ”: Thiên Chúa xuống thế trong “một xác thể và một linh hồn” của người phàm “mà không cần đến sự can thiệp của con người”, với mục đích là ban cho con người có được “thiên tính của Người.”
Cuộc trao đổi kỳ diệu này chỉ thực hiện được nhờ Đức Trinh nữ Maria làm trung gian. Sự trung gian đó được Đức GH Phan-xi-cô gọi là “bản lề” trong bài giảng tại thánh lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa (01/01/2015): “Nhục thể (caro) của Đức Ki-tô – điều mà Tertulian nói, là bản lề (cardo) của ơn cứu độ của chúng ta – đã là một gút nối lại với nhau trong cung lòng của Mẹ Maria (x. Tv 139, 13). Sự không thể tách rời này cũng thật rõ ràng từ sự kiện Đức Maria, được chọn từ trước để trở thành Mẹ của Đấng Cứu Chuộc, đã cùng chia sẻ cách gần gũi trong toàn bộ sứ mạng của Người, vẫn ở bên cạnh Con của Mẹ cho đến tận cùng tại đồi Can-vê.” Chính nhờ Đức Mẹ “xin vâng” để làm “bản lề” cho cuộc “trao đổi kỳ diệu”, Đức Giê-su mới có thể “nhập cuộc” thi hành sứ mạng cứu chuộc nhân loại, ban bình an cho trần thế. Và vì vậy mà Giáo hội tuyên xưng Đức Maria Mẹ Thiên Chúa là Nữ Vương Hòa Bình.
Khi nói Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa cũng không ít người phủ nhận (như những bè rối, phản Ki-tô ở thế ký III, IV, Nes-tô-ri-ô thế kỷ V, kể cả trải dài theo lịch sử Giáo hội cho tới hiện nay cũng vẫn còn). Họ lý luận: “Nếu đã nói Thiên Chúa dựng nên (tức là sinh ra) con người, thì làm sao con người có thể sinh ra Thiên Chúa được? Ấy là chưa kể Người Con do Đức Mẹ sinh ra lại là Con Thiên Chúa thì càng vô lý hơn.” Mới thoạt nghe thì thấy cũng có lý, vì xét trên triết lý nhân sinh, con người không thể nào sinh ra Thiên Chúa được. Đức Maria quả thật đã không sinh ra Thiên Chúa.
Tuy nhiên, khi đưa ra lý luận phản bác như vậy, họ đã quên mất một điều: Nếu họ tin có một Ông Trời đã dựng nên cả vũ trụ và con người thì đối với Người, mọi sự “không thể” đều trở thành “có thể” ("Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được." – Mt 19, 23; “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được." – Lc 1, 37). Rõ ràng lập luận phản bác nêu trên phản ảnh thực chất tư tưởng loài người, mà như thế thì làm sao có thể “suy sự Đức Chúa Trời” cho được? Ấy cũng bởi vì “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta” (Is 55, 8). Vâng, "Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người." (Mt 16, 23).
Còn vấn đề tại sao Đức Mẹ lại sinh Con Thiên Chúa, thì phải hiểu đây là một mạc khải mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa. Nếu để cứu độ loài người, mà Thiên Chúa bay vù một cái từ trời cao xuống, thì chắc chắn chẳng ai tin và sẽ cho đó chỉ là tà ma quỷ mị, và khi chết trên thập giá thì sẽ bị phỉ nhổ “chết như thế là đáng” (như đã thực sự xảy ra). Còn nếu chỉ “phán một lời” là nhân loại sẽ được cứu rỗi, thì loài người với sự bất toàn và cứ đòi được “thực mục sở thị”, sẽ không nhận thức được và càng trở nên tự cao tự đại, rồi nhơn nhơn sa vòng tục luỵ mà cứ tưởng đó là Thiên đàng, Niết bàn. Chính vì thế mới cần một người bằng xương bằng thịt như bao người khác nhưng có bản tính Thiên Chúa, để thi hành sứ vụ cứu độ nhân thế. Mà để người ấy hiện diện trên trái đất như loài người, thì lại phải cần có một bà mẹ mang thai và sinh đẻ như mọi bà mẹ khác. Người được chọn làm Mẹ đó chính là Đức Maria. Đức Giê-su là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, vâng phục thánh ý Chúa Cha đã “sinh làm con một người đàn bà và sống dưới lề luật, để chuộc những ai sống dưới lề luật” (Gl 4, 4-5). Như vậy thì quả nhiên Đức Mẹ đã sinh ra Thiên Chúa, nhưng phải xác tín đây là Thiên-Chúa-làm-người. Vậy thì còn tước hiệu nào xứng hợp hơn để nói về Ðức Maria trong hoàn cảnh này bằng tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”?
Nhiều người cứ cho rằng mãi về sau này Giáo Hội mới tôn xưng Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Không phải vậy, ngay từ khi Đức Mẹ “xin vâng” đón nhận Người Con vào cung lòng, thì Mẹ đã được người chị họ (bà Ê-li-da-bet) chúc tụng: “Bởi đâu tôi được phúc này là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như vậy” (Lc 1, 43). Cũng cần nói thêm rằng, đến chính ngay Đức Maria khi được sứ thần truyền tin, cũng bất ngờ và sửng sốt thốt lên: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!" (Lc 1, 34). Nhưng vì đây là việc làm của Thiên Chúa (“Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được." – Mt 1, 35-37); nên Đức Maria mới “xin vâng” đón nhận đặc ân cao trọng đó.
Điều đó lại càng chứng tỏ Tình Yêu Thiên Chúa bao la khôn cùng, Người yêu thương đến độ còn muốn tôn vinh con người, cho dầu chẳng phải ai cũng được diễm phúc cưu mang và sinh hạ Thiên Chúa như Đức Maria. Người muốn dùng con người như những khí cụ hữu hiệu để Người luôn được “hình thành” (Gl 4, l9) nơi lòng dạ con người và được sinh ra ở mọi thời (“Thánh Am-brô-si-ô nhắc nhở ta rằng xét theo một phương diện nào đó, mọi tín hữu Ki-tô đều tượng thai và sinh hạ Lời Thiên Chúa: mặc dù chỉ có Mẹ Thiên Chúa là tượng thai bằng xương bằng thịt, còn chúng ta, Chúa Ki-tô là con cái của mọi người chúng ta trong đức tin. Như thế, điều xẩy ra cho Đức Maria cũng hàng ngày xẩy ra nơi mỗi người chúng ta, trong việc nghe Lời Chúa và trong việc cử hành các bí tích.” – Tông huấn Lời Chúa “Verbum Domini”, số 20).
Vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa đã tôn vinh con người qua mầu nhiệm Mẹ Thiên Chúa, Người còn muốn con cái mình được vui hưởng hạnh phúc trong an bình. Vì thế, Người đã dùng các Thiên thần (là những sứ giả thân tín của Người) đem Lời chúc thần thiêng xuống cho loài người “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Như vậy, Đức Giê-su Con của Ðức Maria đã thực hiện lời Thiên Chúa hứa cùng nhà Ða-vít (“Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận." – Lc 32-33). Đồng thời, cũng chính Người sẽ đem lại hòa bình cho nhân loại và vinh quang cho Đức Chúa Trời. Còn Ðức Maria, Mẹ của Người thì luôn ghi nhớ những điều ấy và suy nghĩ trong lòng (Lc 2, 19).
Nhận rõ chân lý ấy, Ðức Chân phước GH Phao-lô VI đã thiết lập ngày Hoà bình Thế giới đầu tiên vào ngày 01/01/1968, nhằm khuyên mọi Ki-tô hữu hằng năm hãy dùng ngày Ðầu Năm để suy nghĩ và cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Và kể từ đó đã thành truyền thống, cứ vào ngày đầu năm dương lịch, các vị Giáo hoàng lại gửi Sứ điệp Hòa Bình đến toàn thế giới, nhằm kêu gọi các tín hữu – và nói chung, toàn thể nhân loại – cùng chung tay góp sức, thêm lời cầu nguyện để kiến tạo một nền hoà bình đích thực cho loài người (“Ngày này là thành quả trực giác của Đức Phao-lô VI theo sự quan phòng của Chúa, và được vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là ĐGH Gio-an Phao-lô II tiếp tục với đầy xác tín, việc cử hành Ngày Hòa Bình này đã giúp Giáo Hội, qua dòng thời gian, với những Sứ Điệp được công bố nhân dịp này, phát triển một đạo lý sáng ngời bênh vực thiện ích căn bản của con người.” – Sứ điệp “Ngày Hoà bình Thế giới lần thứ 41 - năm 2008” của ĐTC Bê-nê-đic-tô, số 15).
Ngày đầu năm (dương lịch, âm lịch, và nói chung là tất cả các loại lịch hiện hữu) là ngày sum họp gia đính, để cầu nguyện, cầu chúc cho nhau những điều tốt lành, an vui. Đêm Giáng sinh, Thiên Chúa đã ban tặng “món quà an bình” vô giá là chính Con Một xuống thế làm người trong cung lòng Đức Trinh nữ Maria. Chính Đức Mẹ đã cưu mang và sinh hạ ân sủng an bình cao quý vô song đó: Đức Vua Hoà Bình Giê-su Ki-tô. Cũng chính là từ nơi Trái Tim vẹn sạch Đức Mẹ đã hiện thực hoá lời chúc thần thiêng của Thiên Chúa đến cho nhân loại: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Như vậy, cùng với tước hiệu Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo Hội, Đức Maria còn là Mẹ của các gia đình – Người Mẹ đã đem an vui thái hoà tới cho đàn con nơi trần thế. Thật vô cùng ý nghĩa khi Giáo Hội tôn vinh Mẹ là Nữ Vương Gia Đinh, Nữ Vương Hoà Bình, và chọn ngày đầu tiên của Năm Mới – trùng vào ngày lễ kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa – làm ngày cầu nguyện cho hoà bình thế giới.
Trong Sứ điệp “Ngày Hoà Bình Thế Giới 2016” (số 4), ĐGH Phan-xi-cô đã nhấn mạnh đến nền hóa bình thế giới cần được nối kết mật thiết với việc vinh danh Thiên Chúa: “Sự thờ ơ với Thiên Chúa vượt quá phạm vi nội tâm và tinh thần của bản vị riêng rẽ, và xâm lấn phạm vi công cộng xã hội. Như ĐTC Biển Đức XVI đã khẳng định, “có một nối kết mật thiết giữa việc vinh danh Thiên Chúa và hoà bình của con người trên trái đất” (Diễn văn trrước ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh 7-1-2013). Thật thế, “không có sự rộng mở siêu việt, con người dễ dàng trở thành mồi cho chủ thuyết duy tương đối và rồi sẽ khó mà hành động theo công lý và dấn thân cho hòa bình” (Ibidem). Việc lãng quên và khước từ Thiên Chúa dẫn đưa con người tới chỗ không thừa nhận luật lệ cao hơn mình nữa, và chỉ lấy mình làm quy tắc, và chúng đã tạo ra sự tàn ác và bạo lực vô chừng mực (ĐTC Bê-nê-đic-tô XVI, phát biểu trong ngày liên tôn cầu nguyện cho công lý và hoà bình tại Assisi – ngày 27/10/2011).”
Tiếp theo, ĐGH Phan-xi-cô khẳng định: “Hoà bình là hoa trái của một nền văn hoá liên đới, thương xót và trắc ẩn. Ý thức được sự đe dọa của một việc toàn cầu hóa sự dửng dưng, chúng ta không thể không thừa nhận rằng, trong bối cảnh như miêu tả trên đây, cũng có nhiều sáng kiến và hoạt động tích cực làm chứng cho sự trắc ẩn, lòng thương xót và tình liên đới mà con người có khả năng làm được.” (Sđ “Ngày Hoà Bình Thế Giới 2016”, số 7). “Hoà bình trong dấu chỉ của Năm Thánh Lòng Thương Xót. Trong tinh thần của Năm Thánh Lòng Thương Xót, mỗi người được mời gọi nhận ra sự thờ ơ được biểu lộ trong cuộc sống của mình như thế nào, và lựa chọn một dấn thân cụ thể để góp phần cải tiến thực tại trong đó mình đang sống, bắt đầu từ gia đình mình, từ xóm giềng của mình hay từ môi trường làm việc.” (ibid, số 8)
Mục đích ngày thế giới hoà bình không chỉ là “hoà đồng tôn giáo”, mà còn là “hoà đồng nhân loại”. Thế giới này còn quá nhiều những chiến tranh khủng bố bằng bom đạn, bằng những vũ khí tối tân nhất. Khốc liệt hơn là những cuộc chiến tranh khủng bố bằng tinh thần, bằng tư tưởng vẫn đầy rẫy (“Thật đáng báo động khi chứng kiến sự lan tràn của những căng thẳng và xung đột gây ra bởi sự phát triển của sự bất bình đẳng giữa giàu và nghèo, sự lan tràn của não trạng cá nhân và ích kỷ vốn tìm thấy sự biểu hiện của nó trong chủ nghĩa tư bản tài chính thiếu sự kiểm soát. Bên cạnh những hình thức đa dạng của chủ nghĩa khủng bố và tội ác quốc tế, hoà bình cũng bị đe doạ bởi trào lưu chính thống và chủ nghĩa cuồng tín, bóp méo bản chất tôn giáo đích thực, vốn mời gọi cổ võ tình liên đới và sự hoà giải giữa mọi người.” – Sđ “Ngày Hoà bình Thế giới 2013”, số 1).
Vì thế, nên vấn đề đặt ra là cả thế giới cần phải ngồi lại với nhau để tim kiếm một giải pháp chung xây dựng hoà bình. Một cách cụ thể là ngồi lại với nhau để trực diện đối thoại. Kể ra cũng khó khăn lắm để có thể thực hiện được mục tiêu đó. Thế giới đã chẳng có một Liên Hiệp Quốc từ trên nửa thế kỷ rồi đó sao? Vậy mà ngay trong nội bộ tổ chức này cũng vẫn còn không ít những bất đồng. Tuy nhiên “Thà thắp lên một ngọn đèn còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”, nếu cứ ngồi nguyền rủa bóng tối thì liệu có sáng lên được không? Hoá cho nên dù khó khăn cách mấy cũng phải làm, kiên trì làm. Các tôn giáo nói chung – và cách riêng, những Ki-tô hữu – phải là những người đi tiên phong, thắp sáng lên ngọn đèn Hoà Bình bất diệt.
Những người có niềm tin tôn giáo thường được gọi là “tín đồ” (tín: niềm tin; đồ: học trò, môn đệ) hay “tín hữu” (hữu: bạn bè). Những người tin vào Ki-tô Giáo thì gọi là Ki-tô hữu (“bạn bè cùng tin vào Đức Ki-tô”, hay cụ thể hơn là “bạn của Đức Ki-tô” vì chính Người đã dạy “Thầy không gọi anh em là tôi tớ, mà là bạn hữu” – Ga 15, 15). Đã là bạn bè thì tại sao lại không thể ngồi lại để nói chuyện (đối thoại) với nhau, hoặc cùng nhau đối thoại với Đấng Siêu Việt mà mình đã tin? Rộng ra hơn nữa thí người năm châu bốn biển vẫn là anh em với nhau (“tứ hải giai huynh đệ”). Đã là anh em bè bạn với nhau, thì khi có những mâu thuẫn, bất đồng, đối kháng; vẫn có thể ngồi lại với nhau để đối thoại, tìm ra những điểm tương đồng, những điểm chung; chớ không thể biến đối kháng thành đối nghịch và từ bạn bè trở thành thù địch.
Trong một gia đình đông con, mỗi người con là một cá tính, không ai giống ai. Có người con hiền lành thì cũng có người con hung dữ, có người con ngoan ngoãn thì cũng có người con ngỗ nghịch. Đó là lý do giải thích những mối bất hoà trong gia đình, nhẹ thì chỉ là lục đục cãi nhau, nhưng nặng thì có thể đi đến cảnh gia đình tan vỡ, ly tán. Ở một đơn vị nhỏ nhất trong xã hội cùng chung một núm ruột, một dòng máu, mà còn như vậy, huống chi ở cả tổng thể xã hội loài người. Xã hội loài người vốn chưa phải là Thiên đàng, là Niết bàn, là Bồng lai tiên cảnh; thì cũng vẫn cần, rất cần những hành trình, những hướng lộ dẫn tới hoà giải dân tộc, dẫn tới hoà bình thế giới. Trong gia đình thì người Mẹ chính là mối dây thân ái liên kết tất cả các thành viên, không ai thay thế được. Có thể coi người Mẹ là biểu tượng tình yêu, hoà giải trong gia đình. Quả thực không có gì bằng Mẹ, không có gì đẹp hơn Mẹ. Người Mẹ trần gian còn thế, huống hồ người Mẹ trên hết mọi người Mẹ thế trần: Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Vì thế, cầu cho hoà bình thế giới, tất yếu điểm cậy trông duy nhất chỉ có thể là Nữ Vương Hoà Bình vậy.
Như vậy thì ngày đầu năm phải là ngày dâng hiến mỗi gia đình, mọi gia đình cho Trái Tim vẹn sạch Đức Maria Mẹ Thiên Chúa – Nữ Vương Gia Đình – Nữ Vương Hoà Bình – để cầu nguyện cho hoà bình thế giới. Xin cùng hiệp ý với ĐTC trong Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới 2016 (số 8): “Tôi tín thác những suy tư này, cùng với những lời chúc tốt đẹp nhất của tôi cho Năm Mới, cho sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc, Mẹ chúng ta, Đấng quan tâm đến các nhu cầu của gia đình nhân loại chúng ta, để Mẹ sẽ giành được từ Con Mẹ là Chúa Giêsu, Thái Tử Hoà Bình, sự ban ơn cho những lời cầu nguyện của chúng ta và phúc lành cho những nỗ lực sống hằng ngày của chúng ta cho một thế giới huynh đệ và hiệp nhất.”
Ôi! Lạy Mẹ Maria! Chúng con cảm tạ Mẹ bởi vì hôm nay, ngày đầu Năm Mới 2017, chúng con nhìn lên Mẹ: Mẹ là Mẹ Thiên Chúa – Mẹ của Lòng Thương Xót; Mẹ là Nữ Vương của mỗi gia đình chúng con, Mẹ còn là Nữ Vương Hoà Bình của toàn thế giới, Mẹ chính là Mùa Xuân vĩnh cửu của nhân loại. Với tình mẫu tử chan hoà Tình Yêu Thiên Chúa bao la, Mẹ luôn yêu thương ấp ủ mọi người chúng con trong trái tim vẹn tuyền của Mẹ, như xưa Mẹ đã yêu thương ấp ủ Chúa Giê-su Con Thiên Chúa và cũng là con của Mẹ. Cúi xin Mẹ giúp chúng con luôn biết sống ý nghĩa của Mùa Xuân vĩnh cửu, để như Mẹ, chúng con biết “xin vâng” đón nhận Ngôi Hai Thiên Chúa vào trong lòng chúng con. Từ đó, Mẹ sẽ bầu cử cùng Chúa cho chúng con biết sám hối và đổi mới tâm hồn, biết tự hoà giải bản thân để đi đến hoà giải với anh em hầu đóng góp một chút nào đó cho nền hoà bình thế giới. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: