Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Hành trình chuẩn bị hôn nhân: Đính hôn

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

HÀNH TRÌNH CHUẨN BỊ HÔN NHÂN: ĐÍNH HÔN

 

 

Thư Chung gửi Cộng đồng Dân Chúa của Hội đồng Giám mục Việt Nam (ngày 7/10/2016) ấn định chủ đề mục vụ cho năm Phụng vụ 2016-2017 là: “Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân”. Giai đoạn chuẩn bị cho hôn nhân là thời kỳ “Đính hôn”; đó là giai đoạn các đối tượng trong hôn phối tìm hiểu nhau, đối thoại để san bằng cách biệt, tiến tới hòa đồng trong cảm thức và quyết định đính ước kết đôi; ngõ hầu hôn nhân được thành sự cách tốt đẹp. Xin cùng tìm hiểu ý nghĩa và những đặc điểm của thời kỳ “Đính hôn” trong hôn ước.

 

I. Khái niệm về Đính hôn:

 

Truyền thống cưới hỏi cổ thời của Việt Nam thường phải tiến hành theo 6 bước: *1- Lễ nạp thái; *2- Lễ vấn danh; *3- Lễ nạp cát; *4- Lễ nạp tệ (hay nạp trưng);  *5- Lễ thỉnh kỳ; *6- Lễ nghinh hôn (tức lễ rước dâu hay lễ cưới). Ngày nay, lễ nghi cưới hỏi đã được đơn giản đi rất nhiều, chỉ còn 3 lễ: *1- Lễ dạm ngõ; *2- Lễ đính hôn; *3- Lễ cưới (lễ nghinh hôn). Xin giới hạn theo chủ đề bài viết: Thủ tục Đính hôn.

 

Lễ đính hôn là một nghi thức trong phong tục hôn nhân truyền thống của xã hội loài người. Đây là giai đoạn quan trọng trong quan hệ hôn nhân: cô gái trở thành "vợ sắp cưới" của chàng trai, và chàng trai sau khi mang lễ vật đến nhà gái là đã chính thức xin được nhận làm rể của nhà gái. Theo từ nguyên, “Đính hôn” ( 訂 婚 ) có nghĩa: Định trước việc vợ chồng (Đính: Giao ước, ký kết. Hôn: cưới vợ, lấy chồng,). Lễ đính hôn giữ một vai trò rất quan trọng, đó là sự thông báo chính thức về việc hứa gả giữa hai họ. Trong lễ này, nhà trai đem lễ vật đến nhà gái, nhà gái nhận lễ (nghĩa là công nhận sự gả con gái của mình), cô gái xem như chính thức đã có nơi có chốn, sau lễ này trở thành "vợ sắp cưới" của chàng trai, và cả 2 bắt đầu tập gọi song thân của người yêu mình là bố mẹ và xưng con.

 

Với Ki-tô giáo thì “đính hôn” là thời gian chuẩn bị hôn phối, mà “Chuẩn bị hôn nhân là điều rất quan trọng để lời cam kết của đôi hôn phối trở thành một hành vi tự do và có trách nhiệm, cũng như hôn ước có được nền tảng tự nhiên và siêu nhiên, vững chắc và lâu dài.” (Giáo lý HTCG, số 1632); “Trong thời gian thử thách này, họ học biết tôn trọng lẫn nhau, tập chung thủy và hy vọng được đón nhận nhau như quà tặng của Thiên Chúa. Họ sẽ dành những hành động biểu lộ tình yêu vợ chồng cho nhau sau ngày thành hôn.” (Giáo lý HTCG, số 2350). Trong bài giáo lý về “Hôn nhân gia đình” (giảng ngày 27/5/2016 tại quảng trường thánh Phê-rô), ĐTC Phan-xi-cô đã giải thích rõ ràng về vấn đề này:

 

“Đính hôn – chúng ta nghe bằng từ ngữ – nó có liên hệ đến sự tín thác, tin tưởng, đáng tin cậy – sự tin thác trong ơn gọi mà Thiên Chúa trao ban, bởi vì hôn nhân trước hết là sự khám phá ra ơn gọi đến từ Thiên Chúa. Chắc chắn đó là một điều tốt lành mà ngày nay người trẻ có thể chọn để lập gia đình trên nền tảng tình yêu dành cho nhau. Tuy nhiên, sự tự do ràng buộc đòi hỏi một sự nhận thức hoà hợp về quyết định, không chỉ đơn thuần là hiểu về sự hấp dẫn của cảm xúc hay một khoảnh khắc, một thời gian vắn vỏi, thoáng chốc….nó đòi hỏi cả một cuộc đời. Nói cách khác, việc đính hôn là thời gian mà trong đó đôi bạn được mời gọi tích cực yêu thương, dự phần và chia sẻ để đi vào chiều sâu. Khi họ khám phá ra nhau, đó là người nam “học biết” về người nữ, người vợ sắp cưới; và người phụ nữ “học biết” người nam, vị hôn phu của mình.”

 

Vì tính cách quan trọng của thời kỳ đính hôn, nên xin dựa vào “Gợi ý Mục vụ 2017” của HĐGMVN để cùng học hỏi:

 

II. Đăc điểm của thời kỳ Đính hôn:

 

1- Đính hôn – thời gian của tăng trưởng: Tông huấn Gia Đình “Familiaris Consortio” (số 1) giải thích về giá trị của hôn nhân: “Vì biết rằng hôn nhân và gia đình là một trong những điều thiện hảo quý giá nhất của nhân loại, Giáo Hội muốn ngỏ lời và đem lại sự nâng đỡ cho những người đã biết được giá trị của hôn nhân cũng như gia đình và đang cố gắng sống trung thành với giá trị đó, cho những người đang sống trong ngập ngừng âu lo và đang đi tìm chân lý, cho những người đang bị ngăn cản cách bất công, không được tự do sống những dự phóng của gia đình họ. Trong khi đem lại sự nâng đỡ cho nhóm thứ nhất, ánh sáng cho nhóm thứ hai và sự trợ giúp cho nhóm người thứ ba, Hội Thánh muốn đem thân phục vụ mọi người đang bận tâm lo lắng cho số phận của hôn nhân và gia đình. Giáo Hội đặc biệt ngỏ lời với các bạn trẻ đang chuẩn bị dấn thân trên con đường hôn nhân và gia đình, ngõ hầu mở ra cho họ những chân trời mới bằng cách giúp họ khám phá ra vẻ đẹp và sự cao cả của ơn gọi sống tình yêu phục vụ cho sự sống.”

 

Cũng vì thế, nên cần có thời gian chuẩn bị chu đáo cho hôn nhân được diễn ra. Thời gian dành cho thời kỳ đính hôn (từ lễ đính hôn đến lễ cưới) là trong khoảng từ 6 tháng tới một năm (có thể kéo dài hơn nếu gặp những trở ngại bất khả kháng, chẳng hạn như bất ngờ cha hay mẹ đôi bên từ trần, phải “cư tang” – chịu tang, giữ tang – 3 năm). Thời gian đính hôn là một cơ hội thuận tiện, cho phép cả hai tìm hiểu lẫn nhau để xem tình yêu của mình có được đặt trên một nền tảng vững chắc hay không? Trong giai đoạn này, họ có thể có những tranh luận hoặc bất đồng ý kiến với nhau trong khi thảo luận hay nói chuyện (đối thoại). Họ có thể dò xét những sở thích của nhau, tìm hiểu những ưu khuyết điểm của nhau và giúp nhau vượt qua những tính hư nết xấu nếu có. Dần dà như thế, họ có thể hiểu rõ hơn về đối tượng của chính mình để có một cái nhìn trung thực và chuẩn xác hơn; với hy vọng sau này họ sẽ khắc phục được những khó khăn khi về chung sống với nhau trong tư cách là vợ chồng.

 

So với bậc cha mẹ thuở xưa, người trẻ hôm nay, có rất nhiều tự do trong việc chọn lựa cho mình một người bạn đời; nhưng điều ấy cũng kèm theo sự gia tăng về trách nhiệm cá nhân. Điều ấy, nhìn theo khía cạnh tích cực thì nó có thể diễn tả sự trưởng thành trong quyết định của chính họ. Tuy vậy, cũng gặp không ít những khó khăn khi phải đối diện và bị ảnh hưởng bởi những trào lưu tư tưởng hiện đại, coi nhẹ giá trị của đời sống gia đình và định chế hôn nhân. Có thể nói điểm then chốt cơ bản trong thời kỳ đính hôn là thời gian để cả hai bên tìm hiểu, xem xét lẫn nhau, đồng thời thể hiện sự trưởng thành trong nhận thức và nhất là trong đức tin khi tìm về ý nghĩa cao cả của “hôn nhân trong Chúa”; bởi “Đây là thời kỳ đôi bạn sống trong niềm hân hoan và với cả những khó khăn, để hiểu biết nhau sâu đậm hơn và với cả những hiểu lầm, khó hiểu về nhau. Nếu thời kỳ này được sống cách nghiêm túc và trưởng thành, đó sẽ là thời gian thuận lợi cho đôi bạn đối diện và đối thoại với nhau, cùng tiến tới trên hành trình tăng trưởng nhằm xây dựng quan hệ lứa đôi.” (Gợi ý Mục vụ 2017, số 1).

 

2- Đính hôn – thời gian của trách nhiệm: Mục đích của hôn nhân Ki-tô giáo là để cho hai người phối ngẫu giúp nhau trở thành những con người như Thiên Chúa đã tạo dựng và mong muốn. Thiên Chúa không những thiết lập bí tích Hôn Phối để hai người nam nữ yêu thương nhau, mà còn giúp nhau khám phá và sống bản sắc của họ trong Chúa Ki-tô. Ấy là chưa kể còn được vui hưởng một vinh dự là cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo của Người (“Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể  làm được nếu ta không cộng tác với Người.” – Thánh Au-gus-ti-nô).

 

Nói cách khác, hôn phối Ki-tô giáo là một cuộc sống chung, trong đó hai người phối ngẫu đón nhận, thực hiện ơn gọi và thể hiện trách nhiệm cộng tác vời Thiên Chúa  trong vấn đề truyền sinh (sinh đẻ và dạy dỗ con cái). “Do đó, việc thể hiện đích thực tình yêu vợ chồng cũng như toàn thể tổ chức đời sống gia đình phát sinh từ việc thể hiện ấy, đều nhằm giúp đôi vợ chồng can đảm sẵn sàng cộng tác với tình yêu của Đấng Tạo Hóa và Cứu Thế, mặc dù không loại bỏ các mục đích khác của hôn nhân. Nhờ đời sống lứa đôi, Người làm cho gia đình của Người ngày càng tiến triển và phong phú." (Hiến chế về Mục vụ “Gaudium et Spes”, số 50).

 

Trong thư gởi cho giáo đoàn Rô-ma, thánh Phao-lô xác quyết: “Dù sống hay chết chúng ta đều thuộc về Chúa” (Rm 14, 8). Qua hôn phối, Chúa Ki-tô ủy thác cho người tín hữu một trách nhiệm cao cả là chuẩn bị cho người phối ngẫu của mình được sống mãi với Chúa và trong Chúa. Đây chính là ý nghĩa của lời khuyên dành cho hai người phối ngẫu trong ngày thành hôn. Mỗi người phải trở thành một Chúa Ki-tô cho nhau. Thật ra, thánh hóa là mục đích của mọi bí tích, cho nên khi lãnh nhận bí tích Hôn Phối, hai người phối ngẫu được trao phó cho trách nhiệm là thánh hóa lẫn nhau. Khi kết hôn đôi bạn đă được Chúa trao cho một trách nhiệm trọng đại là giúp cho người bạn đời của mình trở thành con người như được Chúa tạo dựng và mong muốn.

 

Giáo lý HTCG (số 1638) đã lý giải: "Do hôn phối hữu hiệu, giữa vợ chồng phát sinh một mối dây ràng buộc vĩnh viễn và độc nhất tự bản chất. Ngoài ra, trong hôn phối Ki-tô giáo, do một bí tích riêng biệt, vợ chồng được củng cố và như thế được thánh hiến nhằm tới thiên chức và những trách nhiệm của bậc sống" (x. CIC 1134).” Chính vì thế, nên “Thời đính hôn được xem như là thời gian của trách nhiệm. Thật vậy, trong viễn cảnh của ơn gọi, đây là thời gian thuận tiện để làm sáng tỏ hơn lần đầu tiên ơn gọi cá nhân đi đến kết hôn với người bạn của mình. Đây là một quyết định tạo khoảng không gian để kiểm nghiệm sau đó hướng tới lời ưng thuận dứt khoát mà hai người sẽ tuyên bố trong ngày cử hành hôn phối. Trách nhiệm của đôi bạn đính hôn được biểu lộ qua việc xây dựng mối quan hệ của họ ngày càng bền chặt, nhưng cũng đòi hỏi phải nuôi dưỡng và củng cố mối quan hệ thời kỳ này bằng một tình yêu thanh khiết.” (“Gợi ý Mục vụ 2017”, số 2).

 

3- Đính hôn – thời gian của ân sủng: Nói đến ân sủng của bí tích Hôn phối, Giáo lý HTCG (số 1641-1642) đã khẳng định: "Các đôi vợ chồng Ki-tô giáo được những ơn riêng cho bậc sống của mình trong Dân Chúa" (x. LG 11). Ân sủng đặc biệt của bí tích Hôn Phối kiện toàn tình yêu vợ chồng, củng cố sự hiệp nhất bất khả phân ly của họ. Nhờ ân sủng này, "họ giúp nhau nên thánh trong đời sống hôn nhân, trong việc đón nhận và giáo dục con cái" (x. LG 11; LG 41). Quả thật “Có đôi bạn nào đẹp bằng đôi bạn Ki-tô hữu, được kết hiệp do cùng một niềm hy vọng, cùng một ước nguyện, cùng một nề nếp, cùng một công việc phục vụ. Cả hai cùng là con một Cha, cùng phục vụ một Chúa; không gì phân rẽ họ nổi, trong tinh thần cũng như trong xác thịt; ngược lại, họ là hai trong cùng một xác thịt. Ở đâu có cùng một xác thịt, cũng có cùng một tinh thần." (Tông huấn Gia Đình “Familiaris Consortio”, số 13).

 

Nhờ sức mạnh thiêng liêng của bí tích Hôn Phối, các đôi vợ chồng Ki-tô giáo biểu hiện và tham dự mầu nhiệm hiệp nhất và tình yêu phong phú trong hôn ước giữa Chúa Ki-tô và Giáo Hội (Ep 5, 32); họ giúp nhau nên thánh trong đời sống hôn nhân, trong việc đón nhận và giáo dục con cái; cũng từ đó, họ được những ơn riêng cho đấng bậc mình trong Dân Chúa. Sự kết hợp ấy phát sinh ra gia đình, nơi các công dân mới của xã hội loài người được sinh ra, và nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần trong bí tích Thánh Tẩy, họ trở nên con cái Thiên Chúa, hầu Dân Chúa tồn tại mãi trong dòng lịch sử. Điều đó cho thấy chính từ nguồn cội Giao ước Tình Yêu giữa Thiên Chúa và con người trong công trình sáng tạo, bí tích Hôn Phối là một ân sủng – một đặc ân độc nhất vô song – mà Thiên Chúa đã ban tặng cho nhân loại.

 

Tông huấn “Familiaris Consortio” (số 3) xác quyết: “Được Thiên Chúa thiết định ngay từ hồi sáng thế, hôn nhân và gia đình tự bản chất đã nhất thiết phải được hoàn tất trong Chúa Ki-tô và cần có ân sủng của Ngài để được chữa lành khỏi vết thương tội lỗi và được đưa về “tình trạng nguyên thuỷ”, nghĩa là nhận biết trọn vẹn và thực hiện đầy đủ ý định của Thiên Chúa. Trong một giai đoạn lịch sử mà gia đình đang bị nhiều sức ép tìm cách huỷ diệt hay ít ra là muốn làm méo mó nó, Hội Thánh – vì biết rằng lợi ích của xã hội và lợi ích riêng của mình đều được liên kết mật thiết với lợi ích của gia đình – nên đã ý thức một cách mạnh mẽ và bức thiết rằng, mình có sứ mạng công bố cho mọi người biết ý định Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình, bằng cách bảo đảm cho hôn nhân và gia đình có được sức sống tràn đầy cũng như sự thăng tiến về phương diện nhân bản cũng như Ki-tô giáo, và như thế là góp phần vào việc canh tân xã hội và canh tân Dân Thiên Chúa.”

 

Bí tich Hôn Phối là một ân sủng, vậy thì thời gian chuẩn bị đón nhận bí tích ấy – thời kỳ đính hôn – cũng tất nhiên là một ân sủng. Thật vậy, thời đính hôn chính là thời gian để khám phá rồi sống những điều đã được thiết định ấy. Phải chân nhận đây là thời gian của ân sủng: một ơn huệ Thiên Chúa ban cho các người trẻ, nam cũng như nữ. Với ơn ấy, các bạn trẻ có khả năng làm triển nở tình yêu của họ đến mức trưởng thành, họ học tập nhìn và sống tình yêu ấy như một sự thông dự vào tình yêu của Đức Ki-tô bằng cách học hướng đến chính lý tưởng yêu thương: Thiên Chúa là Tình Yêu.

 

Cũng bởi vì “Nhờ đức tin soi sáng, một lần nữa Hội Thánh biết được tất cả sự thật về điều thiện hảo quý giá là hôn nhân và gia đình, và về ý nghĩa sâu xa nhất của các thực tại ấy. Hội Thánh còn thấy được tính cách khẩn thiết phải rao giảng Phúc Âm, tức là Tin Mừng, cho tất cả mọi người, nhưng cách riêng là cho những ai được mời gọi sống đời hôn nhân và đang chuẩn bị bước vào đời sống đó, cho mọi đôi vợ chồng và cho tất cả những bậc cha mẹ trên thế giới. Hội Thánh xác tín sâu xa rằng, chỉ khi nào biết tiếp nhận Tin Mừng, người ta mới có thể chắc chắn thực hiện được trọn vẹn tất cả những gì mà con người đang hy vọng cách chính đáng nơi hôn nhân và gia đình.” (“Gợi ý Mục vụ 2017”, số 3).

 

III. Kết luận:

 

Tóm lại, “Hôn nhân là một ơn gọi (x. 1Cr 7, 7.17), là tiếng Chúa kêu gọi mỗi người theo mỗi cách. Nó được ghi khắc trong ơn gọi bẩm sinh và nền tảng của mỗi người hướng đến tình yêu. Đó là ơn gọi bởi vì ở nguồn cội của nó là một hành động vĩnh cửu tiền định cho ta nên giống hình ảnh của Chúa Giêsu: Thiên Chúa đã yêu dấu và quý mến tưởng nghĩ đến chúng ta như là hình ảnh Con của Ngài theo ơn huệ và đặc sủng tiêu biểu của đời đôi bạn. Chúa Thánh Thần hoạt động trong mầu nhiệm ơn gọi hôn nhân này làm sao để hai người được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô theo đặc sủng tình yêu phu thê. Tất cả những điều này được dần dần tỏ lộ ra trong thời gian, cách riêng trong thời kỳ đính hôn, chúng còn được hiểu và sống như là thời gian để chứng nghiệm ơn gọi này. Toàn bộ cuộc hành trình rồi sẽ đi tới lúc hai người tuyên bố long trọng và đóng dấu ấn dứt khoát trong cử hành bí tích hôn phối và đòi hỏi phải được sống trong cuộc sống hôn nhân và gia đình mỗi ngày.” (“Gợi ý mục vụ 2017”, số 2).

 

Theo viễn tượng ấy, thời kỳ đính hôn là thời gian của tăng trưởng trong đức tin, cầu nguyện, tham dự vào đời sống phụng vụ của Hội Thánh. Cổ nhân đã từng dạy: “Công dục thiện kỳ sự tất tiên lợi kỳ khí” (Người thợ muốn làm ra sản phẩm tốt thì trước hết phải có công cụ thật tốt). Theo nhận xét chung, có tính cách mục vụ, thì những người trẻ sắp sửa bước vào đời sống hôn nhân, nếu họ bằng lòng chịu khó chuẩn bị cho mình một cách tỉ mỉ bằng việc tham dự học hỏi cho đến nơi, đến chốn, các lớp dự bị về hôn nhân, thì họ sẽ có nhiều điều kiện và cơ hội hơn, để xây dựng mái ấm gia đình được bền lâu, và họ sẽ sống hạnh phúc với nhau bền lâu trong ân nghĩa Chúa.

 

Đối với cộng đoàn Hội Thánh địa phương (Giáo xứ, Giáo hạt, Giáo phận) phải có trách nhiệm tổ chức các khóa dự bị hôn nhân cho giới trẻ và nói chung cho những cặp phối ngẫu đang chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân. Đây là điều tối cần thiết cho tất cả những ai muốn bước vào đời sống gia đình, muốn xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc (“Phải biết giáo dục thanh thiếu niên hợp thời và hợp cách về phẩm giá, phận sự và hành vi thể hiện tình yêu vợ chồng, nhất là trong chính khung cảnh gia đình. Nhờ đó, một khi đã được rèn luyện để giữ đức khiết tịnh, đến tuổi thích hợp, họ có thể tiến tới hôn nhân sau khi sống đúng đắn giai đoạn đính hôn – x. GS 49, 3” – GL/HTCG, số 2350). Ước được như vậy. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.