Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Năm mới với đôi mắt lạc quan -Đôi mắt đức tin

Tác giả: 
Lm Hương Quất

 

 

NĂM MỚI VỚI

ĐÔI MẮT LẠC QUAN- ĐÔI MẮT ĐỨC TIN

(Mt 25, 14-30)

 

Đầu lễ: Thánh lễ Mùng Ba Tết  Giáo hội hướng ta đến xin ơn Thánh hoá công ăn việc làm. Dụ ngôn người chủ đi xa trao sự quản lý cho các đầy tớ, tuỳ theo khả năng mỗi người nhắc nhớ chúng ta về bổn phận quan lý mà Thiên Chúa thương trao cho mỗi chúng ta. Chỉ có người quản lý nào tha thiết với sự nghiệp, quyền lợi và vinh dự của chủ thì mới biết tìm ra cách sinh lợi cho chủ và được chủ trọng thưởng.

 

Xin Chúa ban sức khoẻ và giúp ta biết yêu lao động chân chính. Xin dâng Chúa mọi ngày trong năm mới, xin Chúa chúc phúc, đê qua mỗi ngày sống, qua lao động ta càng toả sáng hình ảnh Chúa nơi ta, nhất là trong năm Giáo hội sống Đức tin.(141)

 

Chia sẻ:

 

Dụ ngôn nén bạc cho ta những sứ điệp chính: Thiên Chúa trao cho mỗi người tùy khả năng số nén khác nhau, kẻ nhiều người ít. Vấn đề không phải ở ít nhiều mà quan trọng là cách mỗi người xử dụng những nén bạc đó để sinh lời. Bởi thế người lãnh 5 nén và người lãnh 2 nén mà xử dụng tốt đều được thưởng như nhau, cùng “vào hưởng sự vui mừng của Chủ”.

 

Vấn đề khác, ta thử thắc mắc: Tại sao cùng một ông Chủ, trong nhóm đầy tớ lại chia ra hai hệ quả khác nhau, trái ngược nhau: Một đàng được Chủ khen không hết lời, nào giỏi, nào trung thành… và trọng thưởng ngoài ước mong; một đàng bị Chủ chê thậm tệ và nghiêm trị không chút tình cảm ?

 

Ở đây ta lại thấy rõ hơn tầm quan trọng của của tư tưởng- quan điểm hay lối nhìn.

 

Trước khi đi tiếp bài Tin Mừng, xin mượn lời của Đức cha Giuse, Giáo phận Xuân Lộc nói về tầm quan trọng mang tính quyết định của tư tưởng: Tư tưởng điều khiển hành động. Nếu không thay đổi tư tuởng mà muốn thay đổi thái độ và hành động thì có khác chi truyện cắt cỏ mà để rễ. Muốn khu vườn không còn cỏ thì phải nhổ cỏ và nhổ tận rễ kia, chứ cắt cỏ thì không xong chuyện được’

 

Đối với Chúa Giêsu, vấn đề thay đổi tư tưởng, lối nhìn có tầm quan trọng, có thể nói hàng đầu.  Bằng chứng trong lời Rao giảng công khai đâu tiên Chúa Giêsu kêu gọi: “Thời kỳ đã mãn, Nước Trời đã gần đến anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15)

 

Theo Đức cha Giuse, câu “thời kỳ đã mãn, Nước Trời đã gần đến anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”, nếu muốn nói cho trúng, cho sát nghĩa thì phải dịch là "Thời gian đã mãn hạn, Nước Thiên Chúa đã gần kề. Vậy anh em hãy thay đổi cách nhận thức, vượt lên khỏi cách nhìn thường tình của nhân loại mà nhìn theo nhãn quan của Tin Mừng".

 

Như thế, Sám hối và tin vào Tin mừng thực ra là thay đổi thay đổi tư tưởng, thay đổi lối nhìn để thay đổi đời sống, rồi dần có Đôi mắt của Chúa Giêsu- nhìn theo nhãn quan Tin Mừng. 

 

Trở về bài Tin Mừng....

 

Cũng một ông Chủ trong dụ ngôn Nén Bạc, Người đầy tớ tốt nhìn thấy cái hay, cái tích cực, cái tin yêu của ông Chủ để rồi đáp trả hết mình và hết tình.

 

Qủa thế, họ dùng hết khả năng của mình làm sinh lợi cho sự tín nhiệm của Chủ. Người 5 nén, kẻ 2 nén, điểm chung là họ đã sinh lời gấp đôi, 5 thêm 5, 2 thêm 2, tức họ đã sinh lời cho Chủ 100%. Điều này cho thấy, khi nhận được nén bạc Chủ trao, đồng thời đón nhận sự tin yêu trân trọng của Chủ, họ đã hết mình với bổn phận, nhiệt thành và yêu mến với công việc Chủ giao.

 

Người đầy tớ tốt vả trung tín, vấn đề không hẳn ở ‘đầu tư’ sinh lời cho nén bạc, quan trọng hơn hệ tại tấm lòng của người đầy tớ: người ấy biết Chủ yêu thương tín nhiệm mình nên để đáp tấm lòng tốt của Chủ, anh cũng hết lòng với chủ.

 

Trái lại, loại đầy tớ xấu bị kết án, do chỉ nhìn thấy cái dở, cái tiêu cực của Chủ. Anh có quan niệm xấu về Chủ, cứ bo bo giữ chắc lối nhìn ấy- tức không chịu sám hối thay đổi lối nhìn- để rồi bi quan, buông xuôi, thiếu cố gắng. Đầy tớ được trao một nén biện minh cho sự ươn lười của mình: “Thưa ông Chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế tôi đâm sợ nên mới đem chôn giấu nén bạc ông trao…”

 

Rõ ràng, dụ ngôn làm nổi bật lối nhìn- quan niệm, thuộc vấn đề tư tưởng trước hết. Lối nhìn-quan niệm tốt, xấu đưa đến hệ qua ngược nhau.

 

Nói cách khác, cũng một vấn đề, một sự việc, người lạc quan khác người bi quan ở chổ: Người lạc quan thấy cái còn, cái tích cực rồi trân trong tận hưởng, thế là đời tươi đẹp, đáng sống; còn người bi quan chỉ thấy cái mất, cái tiêu cực để rồi hậm hực, oán trách… Thế là đời đen tối, bi kịch.

 

Minh họa: Ly nước lọc lớp để thầy giáo dùng, thầy chưa kịp uống, thì giờ ra chơi học trò nào đó đã ‘xơi’ mất nửa ly. Nếu bi quan, thầy chỉ nhìn thấy cái mất, rồi trách móc học trò mất dạy, thậm chí ‘hờn mát’ theo kiểu: uốn thì uống hết cho đỡ tức, để lại nửa ly, ai uống đồ thừa!; Trái lại, nếu lạc quan thầy sẽ thấy phần còn hơn phần mất, cảm ơn học trò nào đó, uống vẫn còn để phần thầy… Thế là thầy giải quyết được cái khát, tránh được cái hậm hức, bi quan.

 

Đơn giản gần gũi hơn. Một bà mang một triệu đi chợ tết, bị móc túi hết bảy trăm ngàn, còn lại ba trăm. Đồng tiền liền khúc ruột, khúc ruột bị mất một phần ai chả đau nhưng người lạc quan, vẫn tạ ơn Chúa, dù gì vần còn ba trăm, thôi thì mua tạm cái gì đó để ông xã… nhâm nhi với bạn trong những ngày tết, thế là đời vui… Trái lại, người bi quan chỉ thấy cái mất đâm ra hậm hực, mang bộ mặt ấy về nhà, chắc chắn làm những ngày tết sum vầy giảm mất sắc tươi vui, biết đầu khi chồng con hỏi thăm…lại còn xả tức theo kiểu ‘giận cá chém thớt’…. Đôi mắt bi quan khổ chỉ làm khổ mình mà còn làm khổ thêm cho người khác.

 

Ông bà ta nói, trong may có rủi trong rủi có may, thất bại lạ mẹ thành công. Nói thế để trong mọi biến cố ta ta luôn có có nhìn lạc quan để hy vọng. Sau cơn mưa trời lại sáng.

 

Đấy là trên bình điện nhân bản: Ta cần có có đôi mắt Lạc quan.

 

Đối với người Kitô hữu, ngoài đôi mắt nhân bản cần có, quan trọng hơn, không thể thiếu, nhờ ơn Chúa ta phải trang bị cho mình con Mắt Đức tin- Nhãn quan Tin Mừng.

 

Trong đôi mắt Lạc quan: Đau khổ, mất mát, đêm đen vẫn và mãi là đau khổ- mất mát- đêm đen, chẳng ai muốn, mà mọi người đều xa tránh.

 

Trái lại đôi mắt Đức tin- Nhãn quan Tin Mừng, nhờ Thập giá Cứu độ của Chúa Giêsu – Kitô đau khổ mất mát ấy có giá trị Tin Mừng Cứu độ, được Chúa Giêsu thánh hóa nên phương dược đem ơn Cứu độ cho nhân loại. Khám phá Thập giá trong Chúa Giêsu trở nên Tin Mừng Cứu độ, do đó, các thánh luôn khao khát được khổ đau vì Tình yêu Chúa Giêsu thúc bách.

 

Nói cách dễ hiểu hơn: Tội lỗi với con mắt lạc quan nhìn thế nào thì vẫn là tội, luôn là tội; song trong con mắt Đức tin tội trở thành hồng phúc. Có thế ta mới có thể cảm hiểu được điều mà Giáo hội hân hoan trong đêm Vọng Phục sinh: Ôi tội Hồng phúc.

 

Làm sao ta khám phá được ‘tội hồng phúc’, hoặc gian nan, đau khổ, bệnh tật, thử thách… ‘tất cả là hồng ân’ như Chị Thánh Têrexa Hài Đồng Giêsu?

 

Trong hành trình Loan báo Tin Mừng, bài làm nay động lòng người nhất của Thánh Phero chính là kể lại những lần lần chối Chúa; với thánh Phaolo đấy là cú ngã ngựa Đamas mà liền trước đó hành trình đầy nhiệt huyết đi bắt bớ, giết hại người Kitô hữu…

 

Ơ lạ, người ta bảo ‘xấu che tốt khoe’, tại sao các thánh của chúng ta cứ lôi tội xấu của mình, lại là những thứ tội xấu nhất- phơi bầy cho bàn dân thiên hạ… Đã thế, các ngài lại kể hăng say, đầy hãnh diện ? (Trong sách Công vụ Tông Đồ kể lại ba lần cú té ngựa Đamas, thánh sử Lua ca 1 lần, Phaolo  tự kể 2 lần; và trong nhiều thư khác, Thánh sử Phaolo còn kể lại nhiều lần nữa).

 

Thưa, tội ấy đặt trong Trái Tim giàu lòng Thương xót của Chúa đã thành Hồng ân, các ngài đã cảm nếm sâu sắc ơn tha thứ của Thiên Chúa. Tôi là con người hèn yếu, hay phản bội, bất chung, thậm chí phản bội Chính Thầy Giêsu  mình; đi tìm giết chính Thầy Giêsu mình mà Chúa đã đồng nhất với các Kitô hữu[1] thế mà Chúa không chấp, Ngài không chỉ tha thư mà còn xem tôi như người Bạn hữu với Ngài (x.Ga 15,15), mời gọi tôi cộng tác vào công trình Cứu độ của Ngài trong việc Loan báo Tin Mừng. Phạm tội hay thất bại không chỉ cho thấy rõ giới hạn con người bất toàn, và nhờ việc Sám hối thức đẩy ta biến đổi đời sống, thêm tín thác vào Chúa, thêm cuộc sống tươi vui. Chúng ta cảm thấy điều này nhờ đôi mắt Đức tin.   

 

Chúng ta còn đôi mắt Đức Tin khi còn tín thác vào Lòng Thương xót vô bờ bên của Chúa; thấy tội lỗi ta dù lớn thế nào cũng không là gì trước Tình yêu của Thiên Chúa.  Chín trong nhãn quan Đức tin, ta mới có động lực sám hối trở với Chúa, và trong ơn Chúa tích cực thay đổi đời sống.   

 

Bài Tin Mừng lần nữa cho thấy, tất cả chúng ta, tùy khả năng mỗi người, đều được Thiên Chúa tin tưởng và trao cho cho những nén bạc khác nhau: Nào là thời gian, sức khỏe, những khả năng khác nhau v.v.

 

Bổn phận đồng thời là niềm vui sống Đạo là ta biết sinh lời, sinh ra những hoa trái thánh thiện trong nhãn quan Tin Mừng. Người hạnh phúc là người biết làm hết khả năng của mình trong tin yêu vào Chúa, trong sự  hiệp thông với gia đình Giáo hội.

 

Là môn đệ theo Chúa Giêsu, nhận nén bạc, nhiều nhiều nén bạc Chúa trao, để sinh lời trong thân phận Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, chúng ta không chỉ cần có đôi mắt Lạc quan, trên bình diện nhân bản mà quan trọng hơn- không thể thiếu đôi mắt Tin Mừng- đôi mắt của Đức tin, trên bình diện Kitô hữu.  

 

Điểm độc đáo của người môn đệ theo Chúa chính hệ tại đôi mắt Tin Mừng ấy. Chính vì thế, những người tin theo Chúa, trong mọi hoàn cảnh, dù mọi biến cố của cuộc sống ta vẫn nhận ra bàn tay yêu thương của Thiên Chúa, vẫn nhận ra Tin mừng cứu độ. Chúng ta xác tín: Tất cả là hồng ân, không nằm ngoài ý Chúa.

 

Như thế, khổ đau, bất hạnh, bệnh tật, vất vả… trong đôi mắt Đức tin chính là những nén bạc đặc biệt Chúa gởi trao.

 

Nói đặc biệt, bởi chính trong đau khổ, là lúc ta có cơ hội trở nên giống Chúa Giêsu nhất. Chính trong đau khổ ta nhận rõ sự yếu đuối của con người, và nhờ vậy ta dễ cảm thông với người khác, ta biết sống khiêm tốn tín thác vào Chúa

Thánh Phêrô- vị giáo hoàng tiên khởi nói:  “Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, - vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự”.(1Pr 1, 6-9).   

 

Chúng ta hãy tạ lỗi Chúa bởi năm qua ta vẫn chưa biết tận dụng hết những nén bạc hồng phúc Chúa trao để sinh lời, nhất là những nén bạc đau khổ, góp phần làm trái tim triển nở, tình hiệp thông lớn thêm; bởi vẫn chưa chu toàn bổn phận, chưa khám phá niềm vui hạnh phúc khi chu toàn bổ phận.

 

Chúng ta hãy tạ ơn Chúa, vì mặc dù chúng ta bất xứng song Chúa vẫn tin yêu, vẫn còn trao ta những nén bạc và Người đang chờ mong chúng ta sinh lời trước khi Người đến để tính sổ.

 

Chúng ta đang sống trong những ngày tết, khởi đầu mùa xuân. Nói đến mùa xuân là nói đến sự đổi mới, nói đến tươi vui và hy vọng. Cuộc sống ta sẽ có mùa xuân, sẽ mãi là Mùa xuân, là Tân Xuân nếu ta biết sống đời Sám hối, đổi mới không ngừng. Có thế ta mới sống được quyết tâm thứ 10 mà Đức Thánh Cha Phanxico mời gọi ta nhân dịp Năm mới: ‘Là người Kitô hữu  tươi vui’[2], tươi vui trong mọi hoàn cảnh

 

Xin Chúa Giêsu  là Chúa Mùa xuân ban cho ta đôi mắt Lạc quan, nhất là đôi mắt Đức Tin để dẫu có thăng trầm cuộc sống ta vẫn khám phá Tin Mừng. Xin Chúa chúcc lành và Thánh hóa công việc của chúng ta trong năm mới, khởi đi từ Thánh hóa trong tư tưởng suy nghĩ.

 

Lm.Đaminh Hương Quất

 

[1] Biến cố Đamas cho Phaolo  nhận ra hai Sự thật quan trọng: Đức Giêsu  Narazet thực đã Phục Sinh và Ngài đồng nhất với các Kitô hữu, bắt hại các Kitô hữu  là bắt hại chính Ngài (x. Cv 9, 1-19)       

[2] Mười Quyết Tâm Năm mới theo Đức Phanxico: 1.Không nói xấu ai; 2- không bỏ phần ăn dư thừa của mình; 3- Dành thời gian cho người khác; 4- Chọn những món rẻ tiền hơn; 5- Đích thân thăm viếng người nghèo; 6- không nên án người khác; 7- Làm bạn những ai đang bất đồng với mình; 8- Thực hiện cam kết như đời sống hôn nhân; 9- Cần có thói quen kêu cầu Thiên Chúa; 10- Là người Kitô hữu  tươi vui.