Luật yêu thương
LUẬT YÊU THƯƠNG (CN VII/TN-A)
Liên tục từ Chúa nhật IV/TN-A, các bài Tin Mừng đều trích từ “Bài giảng trên núi” (Mt 5, 1-48). Chúa nhật trước (CN VI/TN-A – Mt 5, 17-37) đã có dịp suy niệm và biện giải vì sao Đức Ki-tô phải kiện toàn luật Mô-sê. Bài Tin Mừng hôm nay (CN VII/TN-A – Mt 5, 38-48) vẫn trích từ “Bài giảng trên núi”, tiếp tục trình thuật hai Lời dạy của Đức Giê-su: “Chớ trả thù” và “Phải yêu kẻ thù”. Vì sao Đức Giê-su phải nhấn mạnh đến vấn đề này? Đó chính là vì – như tuần trước đã trình bày – sự kiện ông Mô-sê biện giải Lời Chúa theo ý riêng của mình. Thực chất điều này trong Giao ước Si-nai là: “Giết người không có mưu tính trước thì được tha, nhưng cố tình thì sẽ bị giết chết (tội ngộ sát và cố sát ngày nay). Đánh đập gây thương tích nhưng không làm chết người, vẫn được tha; nhưng phải bồi thường thiệt hại cho người bị đánh (do nghỉ làm việc và tiền thuốc thang).” (Xh 21, 12-25).
Bài đọc 1 hôm nay (Lv 19, 1-2.17-18) lại thêm một bằng chứng minh họa cho vấn đề này: Điều mà Mô-sê nói “mắt đền mắt, răng đền răng” với ngụ ý nói đến luật công bằng, mà các tác giả khác lại coi là “luật báo phục (báo thù) tương xứng” (Đnl 19, 21) thực chất đã được ngôn sứ Lê-vi giải thích rõ ràng: “ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê rằng: Các ngươi không được làm điều bất công khi xét xử: không được thiên vị người yếu thế, cũng không được nể mặt người quyền quý, nhưng hãy xét xử công minh cho người đồng bào. Ngươi không được vu khống những người trong dòng họ, không được ra toà đòi người đồng loại phải chết. Ta là ĐỨC CHÚA. Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó. Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là ĐỨC CHÚA.” (Lv 19. 15-18). Lời dạy này rõ ràng là dành cho những quan tòa xử án (tức là những kinh sư, luật sĩ Do-thái thời đó).
Thực ra nếu chỉ đọc Lời dạy của Đức Giê-su trong Tân Ước về vấn đề “mắt đền mắt răng đền răng” thì thấy là Luật Mô-sê đã quá khắt khe. Nhưng nếu đọc kỹ trong sách Xuất hành hay Lê-vi sẽ thấy mức độ không đến nỗi như vậy. Vấn đề này các sách viết rất dài, chỉ xin trích một đoạn ngắn nói về “mắt đền mắt răng đền răng”. Đó là: “Nếu có ai đánh vào mắt tôi tớ nam nữ của mình, và làm hư mắt đó, thì phải phóng thích nó để đền mắt. Nếu có ai làm gãy răng tôi tớ nam nữ của mình, thì phải phóng thích nó để đền răng.” (Xh 21, 26-27). Phóng thích để đền mắt, đền răng đâu có phải là “mắt đền mắt, răng đền răng” theo kiểu giải thích của Mô-sê “ăn miếng trả miếng” (làm mù mắt ai thì mắt mình phải bị làm cho mù như vậy, làm gãy răng ai thì mình cũng phải bị đánh cho gãy răng như vậy).
Trở lại với bài Tin Mừng hôm nay (Mt 5, 38-48), để kiện toàn Luật Mô-sê, Đức Giê-su lại tiếp tục dạy về vấn đề thương yêu (“Chớ trả thù” – Mt 5, 38-42 ; “Phải yêu kẻ thù” – Mt 5, 43-48). Như vậy, ở bài Tin Mừng Chúa nhật trước, Đức Giê-su dạy các môn đệ “4 đừng”: “Đừng giận ghét” (Mt 5, 21-26); “Chớ ngoại tình” (Mt 5, 27-30); “Đừng ly dị” (Mt 5, 31-32); “Đừng thề thốt” (Mt 5, 33-37). Bài Tin Mừng hôm nay, Người lại dạy thêm “1 đừng” nữa: “Chớ trả thù” (Mt 5, 38-42). Vì sao con người hay trả thù? Chung quy cũng do tự ái quá cao mà thôi. Bởi tự ái là gì nếu không phải là tự yêu mình. Khi chỉ biết yêu mình một cách thái quá thì sẽ cho là mình đúng, lúc nào và trong trường hợp nào cũng đúng hết. Bởi thế nên được người khen thì chẳng nói làm gì, nhưng bị chê thì tức tối sửng cồ lên ngay. Bị phê bình trúng tim đen thì bằng mọi giá sẽ tìm cách trả đũa. Nói cách khác, khi con người tự ái quá đáng, sẽ rất dễ giận ghét và từ giận ghét sẽ đưa đến hành động trả thù.
Sau 5 lời khuyên “Đừng”, thì tiếp liền theo đó, Đức Ki-tô lại khuyên “Nên” (“Phải yêu kẻ thù”). Cả 6 điều khuyên bảo “Đừng” và “Nên”, xét cho thấu đáo, đều nằm trong luật yêu thương, mà ở đây là Luật yêu thương của Thiên Chúa (vô hạn) chớ không phải của con người (hữu hạn). Nói về luật yêu thương thì chính là nói về nguyên lý tình yêu, nguyên lý ấy xuất phát từ Thiên-Chúa-Tình-Yêu. Vâng, kể từ khi Thiên Chúa dựng nên vũ trụ, muôn loài, thì đã vì tình yêu mà Người dựng nên loài người và đặt làm chủ mặt đất. Con người đầu tiên được sinh ra chỉ có một mình, Thiên Chúa lại thương "Con người ở một mình thì không tốt" (St 2, 18), nên ban cho một người bạn khác giới tính để từ đó có thể sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất. Sự đối kháng giới tính không nhằm loại trừ nhau mà là bổ túc cho nhau, hỗ trợ nhau trở nên hoàn thiện. Cũng vì tình yêu, không những Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Người, có nam có nữ, mà Người lại ban cho con người một đặc ân là được tự do đến gần như tuyệt đối. Cũng vì được tự do như vậy, nên con người đã vượt qua giới răn của Thiên Chúa mà phạm tội. Sau khi phạm tội, con người vẫn không bị trách phạt; chẳng những thế, còn được Thiên Chúa ban Con Một xuống thế để cứu chuộc, để giải thoát con người khỏi ách thống trị của tội lỗi và đem lại đời sống vĩnh cửu. Nếu không vì tình yêu, thì Thiên Chúa có đối xử với con người như vậy không?
Và khi vì tình yêu, Đức Giê-su Ki-tô vâng lệnh Chúa Cha xuống thế làm người, thì Người đã thi hành sứ vụ tình yêu bằng cách khuyên răn, dạy dỗ mọi người sống với nhau bằng tình yêu đích thực, như Người đã thể hiện qua thời gian ngắn ngủi sống trên trần gian và nhất là qua cái chết trên thập tự. Tất cả những Lời truyền dạy, răn đe, những việc làm, nhất là sự hy sinh tột bậc của Người (hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người), chung quy cũng chỉ mong muốn cho con người trở nên hoàn thiện, hầu xứng đáng là một công dân Nước Trời. Mà con người muốn nên hoàn thiện, đáp lại Tình yêu Thiên Chúa thì phải làm sao? Nói gọn lại thì chính là “yêu Chúa hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực và yêu người thân cận như chính mình”. Triển khai ra thì chẳng phải là “5 đừng + 1 nên” đó sao?
Nói tóm lai, bản chất con người vốn dĩ là thích yêu hơn bị ghét, và nếu có yêu thì chỉ thích yêu mình hơn cả. Còn oái oăm hơn nữa là khi thù ghét người khác thì lại không muốn người ta thù ghét mình. Nếu không vì thế, các bậc thánh hiền đã không mất công truyền dạy “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác), “ái nhân như ái thân” (yêu người như yêu mình). Thiên Chúa thì còn hơn thế nữa, tình yêu Người dành cho nhân loại đã lên tới tuyệt đỉnh: Người đã ban cả Con Một làm giá chuộc muôn người vì tình yêu. Và chính Con Một Thiên Chúa – Đức Giê-su Ki-tô – luôn luôn day: "Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó." (Mt 7, 12); “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12); “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 15).
Ôi! Lạy Chúa! Chúa đã dựng nên con, đã ban cho con một tấm lòng, một trí khôn biết phân biệt thiện ác, biết yêu và ghét, và nhất là đã ban cho con sự tự do tuyệt đối, để con có thể tự quyết định cuộc đời của mình bằng cách lựa chọn một con đường. Con đã sai lầm trong lựa chọn để chỉ biết yêu mình trên hết, co mình vào cái vỏ ốc “ích kỷ” đến độ có thể “hại nhân” (“ích kỷ hại nhân”: lợi mình hại người). Xin Chúa đoái thương, ban cho con một tâm hồn quảng đại, một tấm lòng bao dung độ lượng; xin cho con biết yêu người như yêu chính mình, biết coi tất cả mọi người (kể cả những người thù ghét con) đều là anh em một nhà (“tứ hải giai huynh đệ”), cùng con một Cha trên trời. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: