Bài 3 : Nhân bải Kitô Giáo: Nhân phẩm
Bài 3 :
NHÂN BẢN KITÔ GIÁO : PHẨM GIÁ CON NGƯỜI
I. NGUỒN GỐC NHÂN BẢN HỌC KITÔ GIÁO :
I.1. Môn học “về nguồn” : Như bài 1 đã phân tích, tìm đến nguồn gốc của nhân bản, cũng tức là tìm đến nguồn gốc con người ; mà nguồn gốc con người là Tình Yêu Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1, 27). Và “Chiều kích triết học đáng nêu ra trong hình ảnh Thánh Kinh này, và tầm quan trọng từ quan điểm lịch sử các tôn giáo, là một mặt chúng ta thấy mình đứng trước một hình ảnh rất siêu hình của Thiên Chúa : Thiên Chúa là Đấng Tuyệt Đối và là nguồn mạch của mọi loài ; nhưng mặt khác, chủ tể tác tạo hoàn vũ này – Logos, Đấng Thượng trí – lại đồng thời là một người biết yêu với tất cả đam mê của một tình yêu thật sự” (“Thiên Chúa là Tình Yêu”, 19). Vậy “nhân bản học Kitô giáo” tất nhiên cũng được khơi nguồn từ Thiên Chúa Tình Yêu.
I.2. Mục đích : Khi Thiên Chúa đã “dùng sự khôn ngoan Chúa mà cấu tạo con người, để con người làm chủ mọi loài Chúa dựng nên” (Kn 9, 2), chính là Người đã thể hiện một Tình Yêu nhưng không (không cần đáp trả), với mục đích “mời gọi loài người hưởng hạnh phúc vĩnh cửu cả hồn lẫn xác” (Giáo lý HTCG I, 358). Mục đích nhắm tới của “nhân bản học Kitô Giáo” không phải là sáng tạo ra một chủ thuyết phi nhân tính, cũng không phải là đặt để một chủ nghĩa biệt lập, mà là giúp Kitô hữu nhận ra giá trị siêu việt của Tình Yêu Thiên Chúa trong nhân bản, từ đó vạch ra một kế hoạch giáo dục cho mọi Kitô hữu trưởng thành về nhân bản tính.
II. NHÂN BẢN TÍNH : PHẨM GIÁ CON NGƯỜI :
II.1. Phẩm giá tự nhiên : Phẩm giá là những giá trị tuyệt đỉnh trong tính cách con người. Phẩm giá tự nhiên là phẩm giá nội tại con người có và lý trí con người có thể nhận ra nó. Triết học từ xa xưa đã định nghĩa con người là con vật có lý trí, tức là biết xét đoán những điều phải quấy, đúng sai, để từ đó học tập và rèn luyện cho mình trở nên con người có tư cách, có đạo đức. Đàng khác, nhờ trí khôn và tự do, con người là động vật duy nhất trên trái đất có một đời sống tinh thần và đặc biệt là đời sống đạo đức, luân lý. Mỗi người đều có phẩm giá riêng làm cho họ luôn luôn là một giá trị tự nơi bản thân mình và cho bản thân mình ; nhờ phẩm giá đó, họ vượt lên trên thế giới vật chất về mặt giá trị.
II.2. Phẩm giá siêu nhiên : Ngay từ bản chất, con người đã có phẩm giá siêu việt, vượt trên muôn loài thụ tạo, vì đó là công trình tạo dựng kỳ diệu của Thiên Chúa. Ngoài ra, khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã cho con người có phẩm giá là có lý trí để hiểu biết trật tự vạn vật mà Người đã sắp đặt cho, có ý chí để tự mình hướng về sự thiện đích thực, và còn có tự do (được tự chọn lựa cho mình một cuộc sống lý tưởng, hoặc cũng có thể buông theo những dục vọng do tiền tài, danh vọng lôi cuốn) ; đó là “dấu hiệu đặc sắc nhất về Thiên Chúa nơi họ” (Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội, 17). Nhờ khả năng đó, con người nhận ra tiếng nói Thiên Chúa thúc đẩy họ làm lành lánh dữ. Tiếng nói này luôn luôn vang lên trong lương tâm họ. Vì thế khi thực thi đời sống luân lý là con người chứng tỏ phẩm giá của mình.
Trong các thụ tạo trên mặt đất, chỉ có con người là "một nhân vị, một chủ thể hiểu biết và tự do", và vì thế nó là "trung tâm điểm và là cao điểm" của tất cả tạo vật khác sống trên mặt đất. Vị trí con người là thống trị mặt đất, làm chủ muôn loài, đủ nói lên giá trị cao quý (phẩm giá) của con người. Phẩm giá nhân vị là tài sản quý hóa nhất của con người, nhờ đó mà nó trổi vượt trên cả thế giới vật chất này. Lời của Chúa Giêsu phán: "Được lời lãi cả thế gian mà phải mất linh hồn nào có ích chi?" (Mc 8, 36), hàm chứa một lời qủa quyết rõ ràng và đầy khích lệ về phẩm giá con người (tính chất tâm linh), so sánh với giá trị vật chất trần thế. Giá trị con người không chủ tại nơi tài sản nó có, cho dù nó chiếm hữu trọn cả thế giới này, nhưng chủ tại nơi "bản chất" (nhân bản) của nó. Rõ ràng nhìn phẩm giá con người từ nguồn gốc và vận mạng của nó, chúng ta sẽ thấy nó có một giá trị siêu việt, vượt trên tất cả những gì thuộc về trần gian : Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và được Máu châu báu của Chúa Giêsu Kitô Cứu Chuộc nên nó được kêu gọi trở thành "Những người con trong Đức Chúa Con" và trở nên đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần, “và được hưởng sự sống đời đời thông hiệp hạnh phúc với Thiên Chúa. Vì lý do này nên mọi xúc phạm đến nhân phẩm con người đều bị báo oán trước mặt Thiên Chúa và là sự xúc phạm đên Đấng Tạo Hoá đã dựng nên con người” (Tông huấn Kitô hữu Giáo dân, số 37)
II.3. Nền tảng phẩm giá con người : Phẩm giá con người bắt nguồn trong việc con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, được phú bẩm một linh hồn thiêng liêng, bất tử, lý trí và ý chí tự do. Con người được quy hướng về Thiên Chúa và được mời gọi hưởng hạnh phúc vĩnh cửu cả hồn lẫn xác. Nền tảng phẩm giá con người chính là Thiên Chúa Tình Yêu. Được đón nhận tình yêu tuyệt vời ấy, con người có bổn phận đáp trả là phải làm sao bảo vệ và thăng tiến phẩm giá siêu việt ấy (“Điều quan trọng chính là phẩm giá con người mà Đấng Tạo Hoá đã giao phó cho ta bảo vệ và thăng tiến. Trong mọi hoàn cảnh lịch sử, tất cả chúng ta, nam cũng như nữ, đều có trách nhiệm và mắc nợ trong vấn đề này” – Tđ “Quan tâm tới vấn đề xã hội”, số 47).
Như vậy, tất cả mọi người (kể cả những người không cùng đức tin với Kitô giáo) đều công nhận nền tảng đích thực của phẩm giá con người được xây dựng trên nền tảng siêu linh do một Đấng Tạo Hoá vô hình ban tặng – Đấng mà Kitô hữu tuyên xưng là Thiên Chúa Tình Yêu (“Phẩm giá con người là một giá trị siêu việt, luôn luôn được nhìn nhận như thế bởi những ai chân thành tìm kiếm chân lý. Quả thực, tất cả lịch sử nhân loại phải được giải thích trong ánh sáng của điều chắc chắn này. Mỗi người đều được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa (St 1, 26-28), do đó được quy hướng một cách triệt để về Đấng Tạo Hoá, và sống trong mối quan hệ thường xuyên với những ai có cùng một phẩm giá. Vậy thăng tiến lợi ích của cá nhân là phục vụ lợi ích chung. Chính lợi ích chung là nơi mà quyền lợi và nghĩa vụ gặp nhau và tăng cường lẫn nhau” – Tđ “Ngày thế giới hoà binh”, 1999, số 2).
II.4. Ơn gọi được hạnh phúc : Vì được tạo dựng từ Tình Yêu Thiên Chúa, con người được mời gọi hưởng hạnh phúc ngay từ nguyên thuỷ (vườn địa đàng). Tuy nhiên vì được tự do, con người đã sa ngã trước tội lỗi, nên mất phần thưởng quý báu ấy. Cho đến khi Đức Giêsu Kitô được Chúa Cha sai đến cứu độ trần gian, con người được cứu chuộc và có thể đạt tới hạnh phúc nhờ ân sủng của Đức Kitô, ân sủng này cho họ được tham dự vào đời sống của Thiên Chúa qua tám mối Phúc. Các mối phúc mô tả chính diện mạo của Đức Kitô, nêu lên những đặc tính đích thực của đời sống người Kitô hữu và mạc khải cho con người cùng đích hoạt động của họ : hưởng hạnh phúc đời đời. Điều đó đưa đến khẳng định : Chính Đức Giêsu Kitô nhập thế và nhập thể đã phục hồi phẩm giá, nhân phẩm con người. Vì thế, người Kitô hữu muốn thăng tiến phẩm giá, không gì khác hơn là quy hướng toàn bộ đời sống mình vào tâm điểm : Đức Kitô, Đấng cứu độ trần gian, phục hồi phẩm giá con người; đồng thời sống triệt để theo “tám mối Phúc” để được hưởng hạnh phúc viên mãn ngàn thu.
II.5. Đam mê và đời sống luân lý : Đam mê là hành vi biểu lộ sự say sưa hết mình cho một hành động nhắm tới một mục đích nào đó, hoặc để thoả mãn một cảm tính, cảm xúc. Đam mê xuất phát từ nhân bản, cứ nhìn những hình ảnh nhiều trẻ thơ dù chưa đến tuổi đi học, nhưng lại rất ham thích vẽ, hoặc xếp đặt đồ đạc, hoặc chơi với những con thú … Đó chính là những bộc lộ khởi đầu cho những đam mê về sau. Con người tự điều hành mình tới hạnh phúc nhờ các hành vi nhân linh, trong đó các đam mê có phần đóng góp quan trọng. Theo truyền thống Kitô giáo, đam mê là những cảm xúc hoặc những chuyển động mạnh mẽ của tình cảm, hướng con người đến hành động hoặc không hành động, tùy theo họ cảm thấy hoặc tưởng là tốt hay xấu. Đam mê là chỗ giao lưu giữa sinh hoạt cảm giác và sinh hoạt của tinh thần. Nó gồm nhiều thứ, nhưng căn bản nhất là yêu thương (vd : vì yêu sách nên đam mê đọc sách, vì yêu khoa học nên đam mê nghiên cứu khoa học, vì yêu tửu sắc nên đam mê rượu chè, trai gái…). Từ đam mê căn bản nầy phát xuất ra các đam mê khác : yêu thương được thỏa mãn thì vui mừng, chưa được thì ham muốn, được nhưng chưa chắc thì sợ mất, muốn mà không được thì buồn rầu, bị phản bội thì giận ghét...
Xét về mặt luân lý, đam mê tự bản chất thì không xấu cũng không tốt. Đam mê là những cảm xúc sôi nổi làm chuyển biến cơ thể con người (khóc, cười, đỏ mặt, tái xanh, run... ) và có vai trò quan trọng trong đời sống luân lý. Đam mê được đánh giá tốt hay xấu tùy theo chúng thực sự bị chi phối bởi lý trí và ý chí, và khi chúng góp phần vào một hành vi tốt hay xấu. Đã có nhiều quan niệm cho đam mê là một tật xấu, và nếu như thế thì phải hiểu sao khi chính Thiên Chúa cũng đam mê ? (“một mặt chúng ta thấy mình đứng trước một hình ảnh rất siêu hình của Thiên Chúa : Thiên Chúa là Đấng Tuyệt Đối và là nguồn mạch của mọi loài ; nhưng mặt khác, chủ tể tác tạo hoàn vũ này – Logos, Đấng Thượng trí – lại đồng thời là một người biết yêu với tất cả đam mê của một tình yêu thật sự” (“Thiên Chúa là Tình Yêu”, 19). Thực ra chính đam mê từ xuất phát điểm nhân bản mà ra, chỉ là một hành vi không hơn, không kém. Ví dụ : Một người đam mê nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thần học, đam mê đọc sách đến độ quên ăn quên ngủ thì không thể coi những đam mê ấy là xấu được. Ngược lại, có những người đam mê rượu chè, cờ bạc, trai gái, hoặc những trò đi ngược với luân thường đạo lý, mới là những hành vi đam mê đáng bị lên án.
Vì thế, con người phải làm chủ để sử dụng các đam mê, không tiêu diệt chúng cũng không để chúng tung hoành phóng túng. Những đam mê được sử dụng tốt có thể trở thành nhân đức (yêu thương biến thành bác ái...) trái lại, nếu để chúng phóng túng có thể biến thành tính xấu (buồn biến thành thất vọng...). Kitô hữu còn được Chúa Thánh Thần trợ giúp để sử dụng và quy hướng đam mê tới các nhân đức Tin, Cậy, Mến để có thể hiệp thông với Thiên Chúa, với nhau và với vũ trụ vạn vật, đảm bảo cho hạnh phúc cả đời nầy lẫn đời sau.
II.5. Sự tự do của con người : Thiên Chúa tạo dựng con người có lý trí và tự do, nhờ đó có sáng kiến và làm chủ hành vi của mình. Tự do là khả năng Thiên Chúa ban cho con người để hành động hay không hành động, để làm việc này hay việc khác, và như vậy tự mình đưa ra những phán đoán và quyết định một cách ý thức. Tự do là nét đặc trưng của các hành vi nhân linh. Tự do hướng đến sự hoàn hảo là quy hướng về Thiên Chúa, Đấng là sự thiện hảo tối thượng và là hạnh phúc đích thực của con người. Tự do cũng bao hàm khả năng lựa chọn giữa điều tốt và điều xấu. Sự lựa chọn điều xấu là một lạm dụng tư do, đưa con người vào vòng “nô lệ tội lỗi” (Rm 6, 17). Trái lại, khi ta càng làm điều thiện ta càng tự do hơn. Con người chỉ có tự do đích thực khi phục vụ điều thiện và sự công chính. Tự do ấy chỉ đạt tới hoàn hảo khi họ tìm kiếm Thiên Chúa và tự gắn bó với Người, nhờ vậy họ thật sự có hạnh phúc. Chính vì con người được tự do, nên dễ sa vào cạm bẫy vật chất (tiền của, chẳng hạn), khiến Đức Kitô phải lên tiếng răn đe : "Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6, 24). Người Kitô hữu phải biết trân trọng ân sủng tự do Thiên Chúa đã trao ban, từ đó sử dụng tự do như một vũ khí sắc bén tìm kiếm chân lý, chiếm hữu Nước Trời ; đồng thời phải biết tôn trọng tự do của tha nhân (Đức Kitô : "Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” – Mt 7, 12 ; “anh em phải yêu người thân cận như chính mình" – Mt 22, 39). Đồng thời, tuyệt đối không lợi dụng tự do để có những hành vi đi ngược lại với giới răn của Thiên Chúa cũng như xâm phạm đến tự do hạnh phúc của anh em (“điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác” – ‘Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân’ – Nho giáo).
III. KẾT LUẬN :
Con người sống trên đời thỉ phẩm giá là điều quý nhất. Với Kitô giáo, thì con người là hình ảnh của Thiên Chúa, được nhận là con Thiên Chúa. Vậy thì phẩm giá con người lại càng đáng trân trọng biết là chừng nào. Phẩm giá được định hình nơi nhân cách con người, trổi vượt trên muôn loài, nhưng vì được tự do nên con người đã phạm tội, xa dần cái phẩm giá cao quý ấy. Chính vì thế, nên vấn đề trau giồi, giáo dục phẩm giá con người cần phải được đặt lên hàng đầu, để hướng tới mục tiêu : phẩm giá được kiện toàn, hoàn thiện.
CÂU HỎI GỢI Ý THẢO LUẬN
1/- Tại sao có sự phân biệt giữa phẩm giá tự nhiên và siêu nhiên ? Điểm then chốt của sự phân biệt này là ở điểm nào ?
2/- Nền tảng phẩm giá con người là gì ?
3/- Thế nào là ơn gọi được hạnh phúc ? Con người có thể có được hạnh phúc khi ở trần gian không ?
4/- Tự do là gì ? Con người nên sử dụng tự do như thế nào ?
5/- Con người có đam mê từ cỡ tuổi nào ? Tự bản chất, đam mê là một tính tốt hay xấu ?
- Thư Viện: