Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Ý nghĩa chay tịnh

Tác giả: 
Huệ Minh

 

 

Thứ Sáu sau Lễ Tro

Mt 9, 14-15

Ý NGHĨA CHAY TỊNH

 

Trang Tin Mừng hôm nay, các môn đệ của Gioan hỏi Chúa Giêsu : "Tại sao chúng tôi và những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ của Ngài lại không?" Chúa Giêsu trả lời họ rằng : "Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay".

 

Sao các môn đệ ông lại không ăn chay ? Thắc mắc này gợi nhớ việc ăn chay của Dothái giáo: ăn chay để bày tỏ nỗi buồn đau về sự mất mát, chia lìa, sợ hãi, lo lắng, hối hận, …nhất là để đền tội ; luật buộc mọi người đến tuổi quy định phải ăn chay một năm ít là một lần vào ngày lễ xá tội (x. 23, 27-29). Những người Dothái đạo đức tự nguyện ăn chay một tuần 2 lần (x.Lc 18, 12), còn các rabbi có thể ăn chay nhiều ngày hơn, với những cách thức nhiệm nhặt hơn. Ăn chay là một cách thể hiện lý tưởng sống cao đẹp của tín hữu Dothái giáo.

 

Thật vậy thời gian Mùa Chay nhắc nhở chúng ta rằng chàng rể đã bị đem đi xa chúng ta. Bị đem đi, bị bắt, bị tù, bị sĩ nhục, bị đánh đòn, bị đội mũ gai, bị đóng đinh…Chay tịnh trong thời gian Mùa Chay diễn tả sự liên đới với Đức Giêsu . Đó là ý nghĩa của Mùa Chay xuyên suốt nhiều thế kỷ và ngày nay vẫn còn như thế.

 

Có lẽ vì thế mà các môn đệ Gioan thắc mắc khi thấy môn đệ Đức Giêsu, đương nhiên thuộc hàng đạo đức mà lại không ăn chay. Lối nghĩ này phần nào bộc lộ óc nệ luật và xem trọng hình thức bề ngoài của các môn đệ Gioan tẩy giả: họ cho rằng các môn đệ của Đức Giêsu -rabbi nổi tiếng như thế- đáng lẽ phải ăn chay nhiều hơn, kỹ hơn. Cũng nên nhắc lại rằng, nhiều người Dothái đã lạm dụng việc ăn chay: các luật sĩ, biệt phái phô bày chiếc áo nhặm, rắc tro trên đầu và vẻ mặt u sầu ảm đạm cho mọi người thấy họ đang ăn chay.

 

Qua câu trả lời của Chúa Giêsu, chúng ta nhận rằng : Ngài muốn mở ra một cách thức mới về việc ăn chay. Các môn đệ sẽ không phải ăn chay khi họ đang ở bên Chúa. Họ chỉ ăn chay khi Ngài ra đi chịu khổ nạn và chịu chết. Việc chay tịnh khi đó mới thực có ý nghĩa, để chờ đón Ngài, để được gặp lại Ngài.

 

Trong Mùa Chay Thánh kéo dài 40 ngày sẽ có ý nghĩa với chúng ta, nếu chúng ta thực hiện điều Thiên Chúa muốn. 

 

Cùng với toàn thể Giáo Hội, người Kitô hữu chúng ta bước vào Mùa Chay Thánh. Giáo Hội mời gọi tất cả chúng ta ăn chay. Nhưng việc ăn chay như thế nào mới có ý nghĩa ? 

 

Con người hướng về của cải vật chất và rất thường lạm dụng chúng. Ở đây không chỉ là vấn đề đồ ăn, thức uống. Khi con người hoàn toàn hướng về việc sở hữu và sử dụng những của cải vật chất, nghĩa là sự vật, khi ấy nó cũng là toàn bộ nền văn minh được đo lường theo lượng và phẩm của sự vật với vai trò là hỗ trợ con người, chứ không được đo lường với thước dây phù hợp với con người. Thật ra, nền văn minh này,  cung cấp của cải vật chất không chỉ để phục vụ con người thực hiện những hoạt động sáng tạo và hữu ích, mà còn hơn thế nữa…để làm thỏa mãn giác quan, thỏa mãn sự kích động từ giác quan, thỏa mãn thú vui tạm thời, thỏa mãn nhiều loại cảm giác tuyệt vời hơn…

 

Việc ăn chay là một cách thức có tác động mạnh đối với thế giới xung quanh của chúng ta. Thiên Chúa đã gợi ý cho chúng ta cả một danh sách những điều mong ước của Ngài về việc ăn chay của chúng ta : “chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục” (x. Is 58,7). 

 

Để khiêm nhường van xin Thiên Chúa dung thứ tội lỗi chúng ta, đó là chúng ta hãy biết mở lòng ra để cho Ngài chữa lành chúng ta. Đó cũng là việc chúng ta mở đôi mắt ra xung quanh để nhìn những người đang bị tổn thương và túng thiếu cần được giúp đỡ.

 

Không ít lần ta đã chay miệng khá kỹ để trung thành với những bữa ăn sám hối theo luật dạy và giữ gìn hết sức trong lời ăn tiếng nói cho khỏi làm phật lòng tha nhân; ta cũng chay lòng khá sâu để giữ sự thành tâm, để ghìm cơn nóng giận, để không dám cãi vã, kể xấu anh chị em,… Nhưng ta vẫn chỉ ăn chay trong khoảng trời buồn của sợ hãi, của hàng rào cấm cách không được làm điều nọ sự kia, của thời điểm căng thẳng vì phải cầm lòng cầm trí hãm dẹp giác quan, …  để rồi không đem lại hiệu quả và ơn ích thực sự cho đời Kitô hữu, cho hành trình nên thánh của ta. Cách ăn chay như thế có lẽ chỉ đạt mức trung bình cộng, vì dường như thiếu hẳn sức sống, sự tươi vui và sức sáng tạo của tình yêu thương đặt nền trên đức tin. Đó là chưa kể mối nguy hiểm vì cám dỗ luôn rình rập khiến tâm hồn ta tan nát vì thiếu đức ái, thiếu mến Chúa yêu người.

 

Con người là một hữu thể bao gồm thân xác và linh hồn. Một vài nhà văn hiện đại diễn tả cấu trúc đa dạng của con người dưới nhiều tầng lớp, chẳng hạn họ nói rằng, những lớp bề mặt của cá tính chúng ta trái nghịch với những lớp chiều sâu. Sự sống của chúng ta dường như được chia thành nhiều tầng và diễn ra qua những tầng ấy. Trong khi những lớp bề mặt được kết nối lại với dục vọng của chúng ta, thì trái lại những lớp chiều sâu là một sự biểu lộ của tinh thần con người, một ý chí có ý thức, đó là sự suy tư, là lương tâm, là khả năng sống những giá trị cao hơn.

 

Lời Chúa hôm nay cho thấy mục đích chính của việc Ăn chay là tập cho con người có khả năng làm chủ được bản thân mình, thoát khỏi tình trạng vong thân nô lệ những giá trị trần thế, để quay trở về làm hòa lại với Thiên Chúa, như là con của Ngài, như được phản ảnh, trước tiên, trong Mt 9, 14-15 : ở đây, Đức Giêsu cho thấy khi người ta đang được ở với Ngài, thì chẳng cần gì tới việc ăn chay, vốn chỉ là một phương tiện, và chỉ cần thiết khi vì tham sân si mà người ta lìa xa Ngài và tha nhân. 

 

Mùa chay mời gọi ta con trở về với Chúa. Trở về với Chúa trong chay tịnh và sám hối. Xin Chúa hãy tha thứ vì những lần ta lạc xa tình Chúa. Xin Chúa tha thứ vì những lần ta gây nên những bất công cho anh em. Xin tha thứ vì những lần ta ăn hiếp nhau bằng lời nói và hành động, đã gây tổn thương đến tha nhân. Xin cho ta biết trở về với Chúa và làm hoà nhau. Xin cho ta biết sống tinh thần sám hối bằng sự hoà giải với nhau, bằng đời sống chia sẻ bác ái với nhau.

 

Như Thánh nữ Têrêsa Avila đã nói, chúng ta là những bàn tay và đôi chân của Thiên Chúa. Chúng ta dường như suy nghĩ điều Thiên Chúa yêu cầu ở trên là hết sức khó. Tuy nhiên, những yêu cầu của Thiên Chúa luôn đơn giản để chúng ta đến gần Ngài hơn với lòng khiêm nhường, lòng sám hối ăn năn.