Tầm quan trọng của giây phút lâm tử
TẦM QUAN TRỌNG CỦA GIÂY PHÚT LÂM TỬ (CN V MC-A)
Khi suy niệm Lời Chúa Chúa nhật V Mùa Chay năm A (Bài đọc 1: “Xương cốt trong nấm mộ” – Ed 37, 12-14; Bài đọc 2: “Tính xác thịt” – Rm 8, 8-11; Bài Tin Mừng: “Anh La-da-rô chết đã 4 ngày được Đức Ki-tô làm phép lạ cho sống lại” – Ga 11, 1-45), kẻ viết bài này chợt giật mình nghĩ về cái chết. Vì biết chắc chắn là con người không ai thoát khỏi cái vòng kim cô “sinh – lão – bệnh – tử”, nên giáo lý Ki-tô giáo luôn nhắc nhở tín hữu phải hằng ghi nhớ là sau cái giờ phút lâm chung khắc nghiệt ấy, là một cõi sống (hoặc sống trong nơi vinh hiển, hoặc sống trong lò lửa không bao giờ tắt). Đó là lý do Giáo hội luôn kêu mời con cái cầu nguyện hàng ngày cho thời hiện tại của cuôc sống và cả tương lai khi giây phút lâm tử cận kề (“Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.” – Kinh Kính mừng). Ý thức tầm quan trọng đặc biệt của giây phút lâm tử, Tông thư Lòng Thương Xót và Nỗi Thống Khổ “Misericordia et Misera” (số 15) đã dạy:
“Cả ở đây nữa, chúng ta cũng thấy được tầm quan trọng đặc biệt của giây phút lâm tử. Giáo Hội bao giờ cũng cảm nghiệm thấy được cuộc vượt qua thảm thương này trong ánh sáng của Chúa Ki-tô phục sinh, một cuộc phục si-nh mở đường cho niềm tin tưởng vào sự sống đời sau. Chúng ta phải đương đầu với một thử thách lớn lao, nhất là trong nền văn hóa đương đại, một nền văn hóa thường có khuynh hướng coi thường cái chết cho đến độ coi nó như là một thứ ảo ảnh hay phủ lấp nó đi. Tuy nhiên, cần phải đối diện với cái chết và sửa soạn cho một cuộc vượt qua đớn đau và bất khả tránh, nhưng lại là một cuộc vượt qua chất chứa đầy những ý nghĩa, vì nó là tác động tối hậu của tình yêu đối với những ai chúng ta bỏ lại đằng sau cũng như đối với Thiên Chúa là Đấng chúng ta tiến lên gặp gỡ. Trong tất cả mọi tôn giáo, giây phút lâm tử, cũng như giây phút sinh vào đời, được hỗ trợ bởi sự hiện diện của đạo giáo. Là Ki-tô hữu, chúng ta cử hành phụng vụ an táng như là một việc cầu nguyện tràn đầy hy vọng cho linh hồn người quá cố cũng như cho niềm an ủi của những người đang phải chịu cảnh mất mát đi một người thân yêu.”
Trở lại với bài Tin Mừng hôm nay (Ga 11, 1-45) trình thuật phép lạ Đức Giê-su cho anh La-da-rô chết chôn đã 4 ngày được sống lại. Sự kiện anh La-da-rô bị đau nặng đã được chị Mac-ta và Maria cho người đến báo tin cho Đức Ki-tô (chắc cũng có ý muốn xin Người chữa bệnh cho em mình); nhưng Người lại không tới liền mà mãi 2 ngày sau mới tới. Việc làm này mang ý nghĩa gì? Nếu Người tới liền, thì có thể anh La-da-rô sẽ không chết và như thế thì Đức Ki-tô cũng chỉ là một thầy lang giỏi chữa bệnh mà thôi. Còn nếu Người tới mà La-da-rô vẫn chết và dù sau đó có được Chúa cho sống lại, thì người đời (thông qua các môn đệ) vẫn bán tín bán nghi, làm sao có thể hiểu được rằng "Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh." (Ga 11, 4).
Đúng là các môn đệ đã không hiểu được ý nghĩa sâu xa trong Lời dạy của Đức Ki-tô, nên khi nghe Người nói: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu” và sau đó Người còn nói: "La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây." (Ga 11, 11), các ngài đã cho là La-da-rô chỉ ngủ thiếp đi và sau giấc ngủ sẽ khoẻ lại. Sự kiện này khiến nghĩ tới lần Đức Giê-su chữa con gái ông trưởng hội đường (Mc 5, 35-43). Lần đó, Đức Giê-su cũng nói: "Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!" (Mc 5, 39). Con gái ông trưởng hội đường đã chết, mọi người thương cảm than khóc, thì Đức Giê-su lại bảo là “nó ngủ đấy”. Lần này, nếu các môn đệ có cho rằng La-da-rô ngủ thì cũng không lạ. Và vì thế, Đức Ki-tô phải nói rõ hẳn ra: "La-da-rô đã chết. Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy." (Ga 11, 14-15).
Lời dạy “Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin” (Ga 11, 15) đã minh hoạ rõ ràng là Đức Ki-tô có chủ định để La-da-rô chết chôn được 4 ngày mới lại thăm và tỏ uy quyền của Thiên Chúa cho anh ta sống lại. Đúng là đáng mừng cho các môn đệ lúc nào cũng cứ nửa tín nửa ngờ, thì đây là dịp được “thực mục sở thị” một phép lạ chỉ có Thiên Chúa mới làm được. Vâng, Đức Giê-su không có mặt khi anh La-da-rô chết, và Người còn để anh được chôn trong hang đá tới 4 ngày, xác chết đã nặng mùi, như thế thì các môn đệ mới thực sự tin rằng anh La-da-rô đã chết (chớ không phải chỉ ngủ say). Và nhờ đó, khi Đức Ki-tô tới kêu anh ta ra khỏi mồ, mọi người mới tin thật rằng: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống." (Ga 11, 25).
Quả thật, với các môn đệ lúc nào cũng bán tín bán nghi thì không còn cách nào để có thể củng cố đức tin cho các ngài hơn là dịp này. Được củng cố đức tin đến như thế, mà tới giờ phút phải bày tỏ niềm xác tín (Thầy bước vào cuộc khổ nạn, chết trên thập tự và sống lại hiển vinh) cũng vẫn còn nửa tin nửa ngờ. Đã không tin lúc Thầy còn sống và làm phép lạ, mà cả đến khi Thầy từ cõi chết sống lại hiển nhiên cũng vẫn hoài nghi. Tuy chỉ có một Tô-ma không có mặt lúc Thầy hiện ra nên mới bày tỏ sự hoài nghi ("Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin." – Ga 29, 25); nhưng còn những vị được diện kiến Thầy mình phục sinh hiện ra thì đã tin chưa? Nếu tin thì sao lại xảy ra cảnh “các ông kinh hồn bạt vía tưởng là thấy ma!” (Lc 24, 37)?
Ngay ở cái thế kỷ XXI này, sự hoài nghi còn vượt xa các Tông đồ tiên khởi. Hoá cho nên các ngài sống cách đây 2000 năm, nếu cứ hay nửa tin nửa ngờ cũng chẳng có gì đáng phàn nàn, vì bản chất con người là thế. Các tông đồ ở liền bên với Thầy mà cũng chỉ tin khi được trông thấy nhãn tiền người chết “chôn trong mồ đã 4 ngày và nặng mùi rồi”, Đức Ki-tô không hề chạm đến anh ta mà chỉ hô lớn tiếng: "Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ!", thì ngay lập tức anh ta bước ra khỏi mồ với khăn liệm còn quấn trên người. Một cách cụ thể thì các Tông đồ tiên khởi cũng như các Ki-tô hữu ở tiền bán thế kỷ XXI này vẫn rất cần được củng cố đức tin. Ấy cũng bởi vì: “Với Mác-ta, đang khóc thương cái chết của em trai mình là La-da-rô, Chúa Giê-su bảo: “Tôi đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ thấy vinh quang Thiên Chúa đó sao?” (Ga 11, 40). Ai tin, sẽ thấy; họ thấy bằng thứ ánh sáng đang soi sáng trọn cuộc hành trình của họ, vì ánh sáng này phát xuất từ Chúa Ki-tô phục sinh, sao mai không bao giờ lặn.” (Thông điệp Ánh Sáng Đức Tin “Lumen Fidei”, số 1).
Cuối cùng thì vấn đề đặt ra là “nếu chị tin, chị sẽ thấy vinh quang Thiên Chúa”. Các ngôn sứ thời Cựu Ước cũng không ngoại lệ. Thật thế, “Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Ít-ra-en. Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA, khi Ta mở huyệt cho các ngươi và đưa các ngươi lên khỏi huyệt, hỡi dân Ta. Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh.” (Ed 37, 12-14). Vậy thì người Ki-tô hữu ở thế kỷ XXI này còn đợi gì mà không chân thành tái đặt trọn niềm tin của mình nơi Đấng đã phán dạy: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết."
Nói tóm lại, xin đừng ỷ tài cậy sức, mà coi thường cái chết như những trào lưu văn hóa cấp tiến thời đại, nhưng đồng thới cũng đừng sợ hãi thái quá để rồi chạy hết đền nọ đến miếu kia cúng vái các ngẫu tượng. Người Ki-tô hữu ngày hôm nay “cần phải đối diện với cái chết và sửa soạn cho một cuộc vượt qua đớn đau và bất khả tránh, nhưng lại là một cuộc vượt qua chất chứa đầy những ý nghĩa, vì nó là tác động tối hậu của tình yêu đối với những ai chúng ta bỏ lại đằng sau cũng như đối với Thiên Chúa là Đấng chúng ta tiến lên gặp gỡ.” (Tông thư Lòng Thương Xót và Nỗi Thống Khổ “Misericordia et Misera”, số 15). Nói cách khác, người Ki-tô hữu hãy tái đặt trọn niềm tin vào Đấng Phục Sinh, để cầu xin Người ban Thánh Linh thêm sức mạnh vượt qua thử thách, đồng thời củng cố đức tin cho vững mạnh.
Muốn đạt ước nguyện, xin hãy chạy đến với Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đức Tin, mà khẩn thiết van nài: "Lạy Mẹ, xin Mẹ giúp đỡ đức tin chúng con! Xin Mẹ gieo vào đức tin chúng con niềm vui của Đấng Phục Sinh. Xin Mẹ nhắc nhở chúng con rằng người tin không bao giờ đơn độc. Xin Mẹ dạy chúng con biết nhìn mọi sự bằng con mắt của Chúa Giê-su, để Người là ánh sáng soi đường chúng con đi. Và ánh sáng đức tin này luôn gia tăng nơi chúng con, cho tới hừng đông của ngày bất tận là chính Chúa Ki-tô, Con Mẹ, Chúa chúng con!" (Thông điệp “Lumen Fidei – Ánh Sáng Đức Tin”, kết luận). Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: