Hãy loan tin mừng Phục Sinh
CHÚA NHẬT PHỤC SINH
Mt 28, 1-10
HÃY LOAN TIN MỪNG PHỤC SINH
Trong ngày Chúa Nhật Phục Sinh hôm nay, ta mừng Chúa Giê su sống lại, chiến thắng tội lỗi và sự chết. Đây là khởi đầu hừng đông của nhân lọai mới. Và chính Maria Mađalêna là người đầu tiên nhận được sứ điệp ấy, Maria người phụ nữ tội lỗi. Bà là hình ảnh của tòan nhân loại khám phá ra Đấng Cứu độ của mình. Nhưng rõ ràng là chính trong lúc đó, bà không hiểu tất cả những gì xảy ra. Và ngay điều ấy, bà cũng là hình ảnh cho nhân lọai chúng ta.
Trang Tin Mừng Matthêu bề ngoài như muốn thuật lại việc Chúa sống lại. Sự kiện Chúa Phục sinh là một mầu nhiệm, vượt ra ngoài sự hiểu biết khả giác vì chẳng ai đã thấy Chúa sống lại lúc nào và như thế nào. Matthêu chỉ thuật truyện "như" đã xem thấy mà thôi. Tác giả Matthêu kể: sáng sớm Ngày thứ nhất trong tuần hai bà đã thấy mộ trống. Nhưng Matthêu đã lợi dụng lúc hai bà đang đi trên đường đi để hình dung việc Chúa sống lại theo các hình ảnh quen thuộc trong Cựu Ước.
Trong bóng tối, Maria Mađalêna thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ. Không hiểu điều gì đã xảy ra nên bà hết sức hốt hoảng, vội vàng chạy đi tìm ông Phê rô và Gioan để báo cho họ biết người ta đã lấy xác Chúa ra khỏi mồ. Cả hai môn đệ tức tốc chạy đến. Gioan đến trước bởi vì ông trẻ hơn. Nhưng đã nhường bước cho ông Phê rô vào mồ trước.
Đúng như lời Maria báo tin, các ông thấy ngôi mồ trống không, vẫn còn đó những tấm khăn liệm xác nhưng được xếp đặt ngay ngắn. Phêrô thì chưa hiểu ra điều gì, nhưng Gioan thì khác hẳn: “Ông đã thấy và ông tin”. Hai ngày trước, ông còn đứng dưới chân thập giá và đã chứng kiến việc chôn cất Chúa Giê su. Thế mà giờ sau khi xác nhận rằng không có dấu vết của việc ăn trộm xác, ông đã tin rằng thân xác Đức Ki tô đã mặc lấy vinh quang của Thiên Chúa Cha. Thân xác phục sinh của Ngài không còn gặp một chướng ngại nào nữa.
Thật ra mà nói, Matthêu dùng lối văn hiển linh để diễn tả việc Thiên Chúa Phục sinh Ðức Kitô. Trước hết phải có động đất để báo hiệu có hiển linh, tức là có việc Thiên Chúa can thiệp mạnh mẽ vào đời sống nơi dương gian.
Rồi đến chính sự hiển linh, tức là hành động của Thiên Chúa: Thần sứ Người từ trời xuống, vần tảng đá ra, ngồi lên trên nó trong trạng thái bá chủ hoàn toàn. Rồi những nét tả về Khuôn mặt và Y phục cũng chỉ lấy lại mọi hình ảnh quen thuộc của các cuộc hiển linh.
Matthêu đã không mô tả việc Ðức Kitô sống lại. Ông chỉ diễn tả niềm niềm tin Thiên Chúa đã phục sinh Người bằng những hình ảnh quen thuộc của các cuộc hiển linh. Ông cũng không quên nói đến tác động của những cảnh tượng như thế nơi con người, ông viết: bọn lính canh mộ khiếp sợ và ra như chết. Nhưng có thể nói đó chỉ là những điều mà Matthêu đã suy diễn từ niềm tin vào mầu nhiệm Phục sinh và diễn tả theo lối văn hiển linh. Thật sự ông đã thấy gì?
Ông đã thấy hai bà ra viếng mộ. Và tới nơi họ thấy mồ trống. Họ chẳng hiểu gì và muốn được giải thích. Lúc đó thần sứ Chúa đã bảo họ hãy nhớ lại Lời Người đã nói, đã hứa sẽ sống lại và đi đón họ ở Galilê. Matthêu đã tâm lý khi mô tả họ vội vã bỏ mồ, vừa sợ vừa vui, chạy về báo tin cho môn đệ. Họ sợ vì gặp chuyện quá sức không ngờ; nhưng lại vui vì niềm tin vào Lời Chúa đã nhóm lên ở trong lòng. Và để khẳng định niềm tin chắc chắn của mình vào việc Chúa sống lại, Matthêu kể thêm chuyện Chúa hiện ra với hai bà và việc hai bà thờ lạy Người.
Quá rõ, ta thấy Matthêu đã cố gắng truyền đạt niềm tin của mình vào việc Chúa sống lại. Ông căn cứ vào sự kiện mồ trống và vào việc Chúa hiện ra với các phụ nữ. Ðó không phải là chính việc Chúa phục sinh, nhưng chỉ là những sự kiện làm chứng cho Lời Người đã nói sẽ sống lại và sẽ đi đón môn đệ ở Galilê. Chính Lời Thánh Kinh giúp các môn đệ hiểu sự kiện mồ trống và việc Chúa hiện ra. Niềm tin vào việc Chúa phục sinh cuối cùng vẫn tựa vào lời tiên tri vậy.
Biến cố phục sinh đảo lộn tất cả mọi sự trong cuộc đời chúng ta. Nếu tôi tin và sống niềm tin vào Chúa Giê su sống lại, thì tôi biết rằng các đau khổ, thất bại và tội lỗi của tôi sẽ không bao giờ là tiếng nói cuối cùng trong cuộc đời. Tôi xác tín rằng Đức Ki tô hiện diện để giải thoát tôi khỏi những sức ì của bản thân và dẫn đến ánh sáng và niềm vui. Chiến thắng của Đức Ki tô sống lại cũng mang lại sự thay đổi trong cái nhìn của tôi về thế gian và về những người sống trong đó. Cái nhìn ấy sẽ không còn bi quan, cũ kĩ và dững dưng nữa. Tôi sẽ không còn lí do nào để thất vọng và mất tin tưởng vào con người, dù cuộc đời có bị tổn thương đến đâu đi nữa. Tôi không còn lí do đễ nghĩ rằng tình huynh đệ, sự chia sẻ, sự sông chính là không thể thực hiện được.
Niềm tin của chúng ta vào Đức Ki tô đem lại cho chúng ta một sự canh tân trong cuộc sống, một sự đổi mới cầu nguyện, một niềm vui khám phá và sống tin mừng. Đó là hạnh phúc được tin vào Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Tất cả những điều đó được thực hiện qua những quyết định cụ thể: ra khỏi “nấm mồ” ích kỉ của chúng ta để sống một tình yêu chân thật; lăn tảng đá thất vọng giam hãm chúng ta và ngăn cản chúng ta tiến lên phía trước; không để cho mình bị sự ghen ghét hay trả thù chế ngự, nhưng để cho sự tha thứ và lòng yêu mến chiến thắng. Chính nhờ cách sống ấy mà chúng ta có thể tỏ ra rằng Đức Ki tô đang sống và Ngài đang giúp cho những ai tiếp nhận sức mạnh sự Sống được biến đổi.
Khi sống như thế, chúng ta cũng có thể trở thành những người mang lại sự sống. Cơ hội thì không thiếu và nhu cầu thì bao la. Tất cả chúng ta được sai đến với những người đang chiến đấu chống lại sự đau khổ và thất vọng để đem lại cho họ niềm lạc quan vui sống. Thái dộ quan tâm, tình thân ái, một vòng tay tiếp đón, một con tim tha thứ, một bàn tay đưa ra để nâng dậy có thể thực hiện một phép lạ “tái sinh”. Và ngang qua tất cả những điều đó, một lời nói chứng tá cho đức tin của chúng ta là một lời mời gọi gặp gỡ Đức Ki tô sống lại.
Vì lễ Phục sinh, vì sự sống lại của Đức Ki tô, chúng ta hãy hướng về Vương quốc nơi Thiên Chúa chờ đợi chúng ta chứ đừng dán mắt vào trần gian nữa. Và hãy sống như những người đã sống lại. Thánh thể mà chúng ta cùng nhau cử hành mời gọi chúng ta thực hiện điều ấy.
Và rồi chúng ta phải tin và truyền đạt niềm tin vào việc Chúa phục sinh. Chúng ta đã tin rồi. Và niềm tin ấy căn cứ vào chứng từ của các Tông đồ khiến chúng ta tin vào Lời Chúa. Thì đến lượt chúng ta cũng chỉ truyền đạt được niềm tin nếu chứng từ của chúng ta khiến người ta tin vào Sách Thánh. Ở nhà thờ này, tham dự thánh lễ này, chúng ta là những người tin. Và hôm nay đặc biệt tin Chúa đã phục sinh .
Trở về với đời thường, ta phải truyền đạt niềm tin Phục Sinh bằng chứng từ của đời sống. Theo thư Phaolô, muốn làm chứng Ðức Kitô đã phục sinh, chúng ta phải nhận thức mình đã chết cho tội lỗi và đang sống cho Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô. Thánh lễ này đang mang chúng ta vào trong Ðức Giêsu Kitô để chúng ta nên một với Người hầu chúng ta sẽ luôn sống cho Thiên Chúa. Cầu chúc anh chị em dự lễ sốt sắng để thật sự từ nay sống mới mẻ trong Ðức Giêsu Kitô phục sinh.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: