Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Con đường Giê-su

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

CON ĐƯỜNG GIÊ-SU (CN V.PS-A)

 

Trong nhóm Mười Hai Tông đồ tiên khởi, ngoài một Giu-đa It-ca-ri-ốt chối Chúa phản Thầy, số còn lại tuy không đến độ quá quắt như Giu-đa, nhưng vẫn còn bán tín bán nghi (khi thì tin Thầy mình là Thiên Chúa, lúc lại ngờ là ma). Vì thế nên mới có cảnh cho đến giờ phút cận kề cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su, sau gần 3 năm theo Thầy nhưng vẫn chưa tin Thầy mình chính là Con Thiên Chúa, nên mới thắc mắc như kiểu Tô-ma và Phi-líp-phê trong bài Tin Mừng hôm nay (CN V/PS-A – Ga 14, 1-12). Cái thắc mắc của Tô-ma ("Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?") thì còn khả dĩ, vì Đức Giê-su dùng nghĩa bóng trong Lời dạy của Người, nhưng đến câu cuối thì Người lại nói: "Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi." (Ga 14, 4). Tuy nhiên, đến như Phi-líp-phê thì lại đặt một câu hỏi bộc lộ rõ tâm trạng chưa tin tưởng Thầy mình là Con Thiên Chúa, nên khi nghe Thầy nói: "Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người." (Ga 6-7), Phi-líp-phê mới thưa: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện."

 

Chính vì những thắc mắc của các Tông đồ bày tỏ tâm trạng nửa tin nửa ngờ như thế, nên Đức Ki-tô mới phải nhắc nhở (gần như quở trách): "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: "Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha"? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình." Và Người nhấn mạnh: "Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm." (Ga 14, 9-11).

 

Thật là chua xót! Người Thầy ở liền bên, dạy bảo biết bao điều hay lẽ phải, và làm biết bao nhiêu việc chỉ có Thiên Chúa mới làm được. Vậy mà nay phải nói với những người thân cận nhất của mình như thế! Chẳng khác nào nói: Nếu không tin vào lời nói thì hãy tin vào việc làm của Thầy, bởi chính tự bản chất việc làm đã nói lên một cách chắc chắn bản chất của người làm nên những việc ấy! Thế mà chỉ một thời gian ngắn sau đó lại vẫn còn cảnh vừa mới tuyên xưng Thầy mình là Thiên Chúa, đã vội vàng chối bỏ đến 3 lần trong một đêm. Quả thật “Đời là thế, thế thời phải thế!”, biết sao được! Chính vì vậy nên mới nói đó chính là những thử thách nghiệt ngã trên hành trình tìm kiếm một con đường – con đường dẫn tời chân lý vĩnh cửu.

 

Đã gọi là hành trình tức là đi trên một con đường (theo từ nguyên thì hành trình là  "Đường đi qua trong một chuyến đi dài"), sao lại còn nói “hành trình tìm kiếm một con đường”. Vấn đề là ở chỗ đó; ví dụ: “Đường nào cũng tới La Mã”, tôi đang trên đường đi tìm con đường ngắn nhất để tới La Mã. Nói cách khác là đang trên một con đường đi tìm một con đường khác. Các thánh Tông đồ tiên khởi đi theo Thầy Giê-su cũng với mục đích tất yếu là đi tìm một con đường – con đường hạnh phúc theo cách hiểu riêng của mỗi người. Đáng lý thấy Thầy giảng dạy, nhất là chứng kiến tận mắt những việc Thầy làm, thì các ngài phải hiểu được Thầy mình là ai. Cho tới khi đã được thấy tỏ tường vinh quang Phục Sinh, tức là được thấy những chứng liệu minh hoạ cho Lời dạy của Thầy – Thầy đã hoàn tất cuộc hành trình cứu chuộc nhân loại mà Chúa Cha đã trao phó; vậy mà vẫn cứ bán tín bán nghi, để đến nỗi Thầy phải nói lên câu nói chua xót như vậy. Đi theo Thầy để tìm kiếm con đường hạnh phúc, mà không biết "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống".(Ga 14, 6)! Vậy đó!

 

Tuy nhiên, cũng đừng vội trách người xưa, mà hãy nhìn vào con người thời nay mà xem. “Gần chùa, gọi Bụt bằng anh” (tục ngữ VN) cũng là lẽ thường tình. Thầy sống một cách khiêm nhường quá, thân tình quá, bao dung quá, Thầy không coi học trò là tôi tớ mà là bạn hữu, Thầy không đến để được phục vụ mà là để phục vụ và thậm chí còn hiến dâng cả mạng sống mình làm giá chuộc học trò, cứu độ nhân loại. Thầy là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật mà lại quỳ xuống rửa chân cho học trò, rồi còn dạy "ai tát con má trái thì hãy đưa má phải cho họ tát tiếp". Không, nếu thật sự Thầy là Thiên Chúa thì Thầy không thể qúa bình thường (đến độ gần như tầm thường) như vậy được. Vì thế mới đi nghe hết thầy bói này đến thày tướng kia, để mò tìm hết đền này, miếu nọ, tìm những thần này, thần khác, rồi cứ mải miết mê muội với những mộng tưởng con đường dẫn tới hạnh phúc. Hoá cho nên cũng chẳng lạ gì khi thấy vẫn còn quá nhiều người tin rằng con đường hạnh phúc là con đường vinh hoa phú quý, giàu sang danh vọng. Vâng, quả thật “gần chùa gọi Bụt bằng anh” vì “Bụt chùa nhà không thiêng”, nên mới ra cớ sự.

 

Cuối cùng, thì lại phải nhắc đến một điều mà mỗi khi nhắc tới là y như rằng lại được nghe điệp khúc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nhưng cho dù có “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, cũng vẫn phải nhắc lại: Đó là vấn đề “Đức tin” – Đức tin và cuộc sống, đức tin trong cuộc sống. “Nếu không tin vào những lời nói của Thầy thì hãy tin vì những việc làm của Thầy” (Ga 14, 11). Thầy đã làm những công vịêc ấy vì ai và để làm gì? Cái mục đích cuối cùng nhắm tới phải chăng là đem lại hạnh phúc, đem lại sự sống cho các môn đệ? Vậy thì phải chăng Thầy chính là con đường hạnh phúc, con đường dẫn tới sự sống đích thực, mà mọi người đang kiếm tìm?

 

Ôi! Lạy Chúa! Những sự kiện nhãn tiền xảy ra kề bên con, ngay trong cuộc sống của con, mà con vẫn bán tín bán nghi, lại đi tin vào vào những điều mơ hồ ảo tưởng. Rõ ràng là con đang đi trên một con đường, một hành trình dẫn về chân lý vĩnh cửu, dẫn tới hạnh phúc viên mãn, bởi luôn có Người Thầy Chí Thánh đồng hành; vậy mà con vẫn u mê không nhận thức được. Cúi xin Chúa hãy ban Thánh Thần soi sáng cho con hiểu ra được và vững tin rằng chỉ có một con đường duy nhất dẫn con về quê hương đích thực, sự sống vĩnh cửu, đó là CON ĐƯỜNG GIÊ-SU. Ôi! Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con! Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.