Nước mắt trong hôn nhân khác đạo
Nước mắt trong hôn nhân khác đạo
Anh chị là một cặp đẹp đôi. Họ yêu nhau được 2 năm và cùng quyết tâm xây dựng cuộc sống gia đình. Sẽ không có gì đáng nói nếu anh không phải là con trai thứ hai trong một gia đình Phật Giáo và chị được sinh ra trong một gia đình Công Giáo toàn tòng. Dĩ nhiên là chị rất mong muốn anh cũng theo đạo Thiên Chúa nhưng anh cho rằng đức tin là điều không thể khiên cưỡng, càng không thể theo đạo vì vợ. Chị cũng không thể bỏ Chúa để chọn chồng. Cuối cùng, họ chấp nhận sự khác biệt về tôn giáo để đến với nhau với niềm tin rằng tình yêu sẽ là phương cách giúp họ giở bỏ vách ngăn tôn giáo….
Thời gian đầu sống với nhau cũng tạm ổn. Vào những ngày Chúa Nhật, dù không tham dự thánh lễ nhưng anh vẫn chở chị đi lễ rồi ngồi chờ bên ngoài. Chị tham gia một vài sinh hoạt trong giáo xứ, anh cũng không ngăn cản. Chị cảm thấy hài lòng với quyết định của mình và tin tưởng rằng sẽ có ngày anh và chị sẽ có cùng một niềm tin tôn giáo.
Khi đứa con trai đầu lòng chào đời cũng là lúc chị bắt đầu nếm trải những khó khăn của cuộc hôn nhân khác đạo. Vì là cháu trai đích tôn nên gia đình bên nội nhất định không cho con của chị chịu bí tích Rửa Tội, mặc dù trước khi chịu phép chuẩn, anh có hứa sẽ cho con cái mình được theo Đạo. Ngày chị thưa với cha mẹ chồng về việc cho con mình chịu bí tích Rửa Tội, chị nghẹn ngào trước câu hỏi gắt gỏng của mẹ chồng: “Cháu tôi vừa mới sinh ra, nào có tội tình gì mà phải đem đi rửa tội ?”.
Khó khăn của chị càng nhân đôi khi chính chồng chị cũng đồng ý với cha mẹ của mình. Chị không còn kềm giữ được nước mắt khi nhắc đến quá khứ đau buồn này. Chị khóc tựa như ngày xưa chị đã khóc và năn nỉ chồng mình rất nhiều để con trai của anh chị được chịu bí tích Rửa Tội. Và rồi, cho dù cháu được Rửa Tội nhưng anh không quan tâm đến đời sống đạo của cháu nên chị đơn phương trong việc nhắc nhở cháu học giáo lý, tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật. Đôi khi việc nhắc nhở này còn bị áp lực bởi sự lười biếng của cháu có sự đồng tình ủng hộ của người cha.
Đến khi cháu trai thứ hai ra đời, lần này anh cương quyết không cho cháu Rửa Tội với lý do đã “nhường” cho chị một đứa con trai đã theo đạo. Để giữ hòa khí, sự yên ấm trong gia đình, chị ngậm ngùi chấp nhận. Và rồi đứa con thứ ba ra đời, vì là con gái nên anh chấp nhận làm theo ý muốn của chị là cho cháu theo đạo.
Cuộc sống gia đình vốn dĩ nhiều khó khăn, phức tạp, thế nhưng chị chẳng thể chia sẻ với chồng những điều ấy trong niềm tin của một người Kito hữu. Anh cũng không đồng ý cho chị trưng bày bàn thờ Chúa trong căn phòng khách của gia đình. Chị phải treo một ảnh tượng Chúa ở một góc riêng trong ngôi nhà để cầu nguyện. Niềm tin tôn giáo của chị trở nên cô đơn, lạc lõng ngay trong chính ngôi nhà của mình.
Không tìm được sự đồng cảm, chia sẻ trong đời sống đạo tại gia đình, chị cũng mất luôn niềm an ủi khi đến với cộng đồng giáo xứ. Bởi lẽ, cách nào đó trong cái nhìn của giáo dân trong giáo xứ, gia đình chị là gia đình rối. Con cái sinh ra có đứa không được Rửa tội, không được học giáo lý, không chịu các phép bí tích, vậy là rối còn gì ?
Và như thế, nỗi niềm riêng âm ỉ khiến chị ngày càng héo mòn. Sự khác biệt về niềm tin tôn giáo khiến đời sống gia đình càng trở nên khó khăn nặng nề hơn bởi chất chứa nhiều mâu thuẫn. Để tìm sự khuây khỏa trong tâm hồn, chị tham gia vài hội đoàn trong giáo xứ…
Tại Việt Nam hiện nay, hôn nhân khác đạo không còn là việc hết sức cấm kỵ hay hạn chế hết sức có thể như vào khoảng đầu thế kỷ XX. Quyền tự do chọn lựa tôn giáo khi kết hôn được thực hiện thoải mái chứ không chỉ có một lựa chọn duy nhất là kêu gọi người vợ (chồng) cùng theo đạo để tránh những nguy hại do khác biệt tôn giáo. Dù vậy, hôn nhân khác đạo vẫn là nỗi lo ngại cho các bậc phụ huynh khi có con cái lấy vợ ( chồng ) bởi những hệ lụy trong đời sống đạo theo kiểu “đạo ai nấy giữ”. Và đây cũng là lý do khiến các bậc phụ huynh đòi hỏi người bạn đời của con mình phải học đạo và theo đạo.
Để giúp những cặp hôn nhân khác đạo giảm bớt rào cản trong việc cùng nhau tiến tới một đức tin Công Giáo, một linh mục quản xứ đã chia sẻ rằng :
“ Tôi vẫn cố gắng thuyết phục người vợ (chồng) không theo đạo Công Giáo nên tham dự những buổi học giáo lý với người bạn đời tương lai của mình. Mục đích là cho dù người ấy không theo đạo nhưng cũng có chút hiểu biết về tôn giáo của bạn mình. Để hiểu vợ (chồng) của mình giữ đạo là giữ điều gì ? Điều này cũng giúp họ tạo điều kiện cho người vợ (chồng) của mình được giữ đạo tốt sau này. Sự tiếp xúc của người vợ (chồng) trong khóa học và sự chăm sóc mục vụ của các cha quản xứ tạo nên mối liên hệ tự nhiên của họ với nhà thờ và xứ đạo giúp họ xóa bỏ sự ngăn cách với đạo.”
Trong bài giáo lý của mình về gia đình trong buổi triều yết chung đầu tiên vào mùa Hè, Đức Thánh Cha Phanxico đã nói : “Giáo hội có cái nhìn của một người thầy nhưng được ủng hộ bằng trái tim của một người mẹ. Một trái tim mà, được khuyến khích bởi Chúa Thánh Thần, luôn luôn nhìn đến hạnh phúc và sự cứu rỗi của con người”. Cũng trong tâm tình với vị cha chung, vị linh mục này tiếp tục chia sẻ:
“ Với ý hướng lấy tình thương của Thiên Chúa dành cho mọi người nhiều hơn là chỉ biết quan tâm đến luật, Hội Thánh đã sử dụng ơn huệ của Chúa để giúp mọi người sống đức tin và xây dựng hạnh phúc. Dù vậy, cuộc sống hôn nhân khác đạo vẫn là một thử thách rất lớn trong việc giữ đức tin của những người Công Giáo. Họ phải bổn phận và trách nhiệm để giữ đức tin của mình và giúp con cái có đức tin. Vì thế, đời sống của người Công giáo đó rất quan trọng. Họ phải sống tốt lành, phải biết rao giảng Tin Mừng, nói về Chúa bằng chính gương sống của mình. Ngược lại họ sẽ khiến cự ly giữa đạo Chúa và người thân của mình là một khoảng cách ngày càng dài”.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm cho thấy chính môi tương quan theo lẽ tự nhiên của cặp vợ chồng cũng đóng vai trò quyết định trong việc người vợ (chồng) thuyết phục được bạn đời có cùng niềm tin tôn giáo với mình. Bởi lẽ khi có con cái thì đạo không còn là chuyện của riêng vợ hoặc chồng nhưng là của cả gia đình. Như thế, người nào nắm nhiều quyết định trong gia đình hơn thì đạo của họ mới có sức ảnh hưởng với con cái nhiều hơn. Trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam thì nếu chồng là người Công Giáo thì việc cung cấp một nền giáo dục Kitô giáo cho con cái của họ là điều khả thi hơn.
Có lẽ câu chuyện buồn của chị không phải là trường hợp hiếm hoi xảy ra trong đời sống hôn nhân khác đạo. Với ý hướng đưa “ giáo lý đặt con người vào vị trí trung tâm thay vì tội lỗi ” (De la Serna), Giáo Hội đã không còn những luật lệ khắc khe đối với hôn nhân khác đạo. Đó là lý do những tờ đơn xin chuẩn hôn nhân khác đạo được sử dụng nhiều hơn. Thế nhưng điều đó cũng có nghĩa là người Công Giáo sẽ phải nổ lực nhiều hơn trong việc gìn giữ đức tin lẫn hạnh phúc gia đình. Sẽ không có giải pháp chung để áp dụng cho tất cả những trường hợp này, chỉ xin cộng đồng dân Chúa hãy hỗ trợ các cặp vợ chồng và giúp đỡ họ trong cuộc hành trình đức tin bằng lời cầu nguyện và lòng khoan dung.
Gần hết trọn một đời sống bên nhau nhưng tâm hồn lại rất xa nhau, chị ao ước đến ngày cả hai cùng qua đời có thể cùng nắm tay nhau về cõi vĩnh hằng, cùng nằm cạnh bên nhau nghe tiếng Chúa.Thế nhưng hiện tại anh đã chuẩn bị cho mình một chỗ để mai sau an nghỉ ở trên chùa, còn chị thì lại về với ngôi thánh đường mà mình đã gắn bó gấn suốt cả cuộc đời.
Những giọt nước mắt như vệt nắng chiều lăn dài trên gương mặt gầy gò của chị. Chị mĩm cười dịu dàng và nói như tự an ủi mình : “ Thôi thì cả đời sống không vui với nhau, khi chết mỗi người nằm một nơi cho thanh thản vậy …”
Điền Phương Thảo
Nguồn: Tạp chí Đồng Hành 7-2017
- Tổng Hơp: