Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Lòng Chúa Thương xót trong đời sống-Kỳ 9

 

 

Roméo và Juliet là một vở bi kịch được viết bởi nhà văn đại tài của nước Anh, William Shakespeare. Trong những vở kịch được viết bởi Shakespeare thì vở này cùng Hoàng Tử Hamlet là 2 vở nổi tiếng nhất và thường xuyên được diễn lại bởi hậu thế. Ngày nay, cái tên Romeo và Juliet thường dùng để chỉ những cặp tình nhân trẻ đang trong giai đoạn chớm nở và mãnh liệt. Nếu câu chuyện tình của họ được kết thúc một cách tốt đẹp và bình thường, chắc sẽ không có ai nhắc đến. Nhưng Roméo Juliette là nạn nhân của sự thù hận giữa hai gia tộc. Không ai có thể tìm cách để giải hòa được thù hận ấy. Oán cừu dẫn đến mất mát cho cả hai bên. Cừu hận đã cướp đi mạng sống của đôi bạn trẻ yêu nhau tha thiết, giết chết một mối tình đẹp. Trên thực tế, trả thù để lại những hệ quả tang thương khốc hại hơn chính nguyên nhân gây ra oán cừu, mất mát lại càng mất mát hơn và oán cừu ngày càng dâng cao. Tạo hoá đã tác thành con người trong vô vàn tính tình và sở thích riêng biệt, có bao nhiêu người trên trái đất là có bấy nhiêu tính cách trong thế giới này, không ai hoàn toàn giống người khác. Xung đột sắc tộc, chiến tranh giữa các quốc gia là những va chạm, bực bội và những buồn phiền xoay quanh cả tỷ tính cách ấy. Báo thù là tên gọi của một dạng xung đột hành vi có nguyên nhân sâu xa là khác biệt tính cách, ngoài xã hội cũng như người trong gia đình. Khi xung đột kéo theo oán hận, thiên hạ sẽ đổ xô tẩy chay, thanh toán nhau bằng tất cả những công cụ có sẵn trong tầm kiểm soát của mình.

 

Thành ngữ “ăn miếng trả miếng” là một kinh nghiệm ứng xử, chính từ quan niệm công bằng giao hoán mà thành; nói cách văn hoa hơn là “ân đền, oán trả”. Người ta ở đời luôn biết bảo vệ bản thân mình, tạo nên tôn nghiêm cho chính mình, nhưng, nói cho phải đạo làm người, cách ứng xử “ân - oán” sâu nặng như luật “mắt đền mắt, răng đền răng, mạng đền mạng” thật ra không phải là cách ứng xử khôn ngoan, bởi vì trong thực tế nó chỉ mang lại thêm những khổ đau chứ không phải là niềm vui và sự thanh thản. Trong cuộc sống, những thương tổn khi tiếp xúc, va chạm với người khác là điều gần như không thể tránh khỏi. Những thiệt hại về vật chất, thương tích trên thân thể hoặc tổn thương về tình cảm luôn có thể xảy ra trong những mối quan hệ hằng ngày. Chúng ta, đa phần thấy mình có nhiệm vụ với bản thân rằng cần đặt ra cho mình một “nhiệm vụ” phải đáp trả hành vi của đối phương theo cách “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”. Khuynh hướng rất thông thường này lại làm cho sự việc trở nên tồi tệ hơn, oán thù thêm sâu nặng. Thực tế, tổn thương đã xảy ra không thể thay đổi, thương tổn tiếp theo sau đó lại hoàn toàn có thể tránh được nhờ vào quan điểm và cách ứng xử sáng suốt hơn của mỗi chúng ta. Trả thù, nghĩa là muốn bị người khác xúc phạm hoặc gây thương tổn, càng tạo nên phản ứng đáp trả liên miên tiếp nối, hầu như chỉ có thể làm cho vấn đề thêm nghiêm trọng hơn nữa. Kinh nghiệm xã hội chỉ ra rằng: tổn thương của người khác không bao giờ có thể làm mất đi những tổn thương mà ta đã gánh chịu theo cách “một trừ một”. Nhưng rõ ràng là tổn thương của cả hai bên khi cộng lại chắc chắn sẽ làm cho tình trạng càng trở nên xấu hơn. Và nếu mỗi chúng ta không kiềm chế được lòng sân hận thì sự việc lại càng rất dễ tiến triển theo cấp số nhân. Nhạc sĩ Phạm Duy viết trong một ca khúc: “Kẻ thù tôi đâu có phải là người. Giết người đi thì ta ở với ai ? (NS Phạm Duy, ca khúc “Kẻ Thù Ta”, trong album Tâm Ca 7). Trong một chừng mực nào đó, ca khúc này nêu lên một suy nghĩ hoàn toàn tương đồng với cách nhìn nhận hợp lý về nhận định hành vi cừu hận chỉ gây tổn thương và bản thân con người thực hiện hành vi đó cũng chìm trong biển hận oán cừu và nỗi sợ hãi bị trả thù liền sau đó. Khi sự tổn hại mà ai đó gây ra cho ta là có thật, với tinh thần nhẫn nhục, ta chấp nhận sự tổn hại đó mà không bực tức khó chịu, vì thật ra thì sự bực tức khó chịu đó cũng chẳng thay đổi được gì mà chỉ làm cho ta càng cảm thấy khó chịu đựng hơn đối với những hậu quả xấu vốn đã xảy ra. Khi sự tổn hại mà ai đó gây ra cho ta là có thật, với tinh thần nhẫn nhục, ta chấp nhận sự tổn hại đó mà không bực tức khó chịu, vì thật ra thì sự bực tức khó chịu đó cũng chẳng thay đổi được gì mà chỉ làm cho ta càng cảm thấy khó chịu đựng hơn đối với những hậu quả xấu vốn đã xảy ra. Và vì hiểu rằng hành vi với con người thực hiện hành vi là hai yếu tố khác nhau nên ta sẵn lòng góp ý xây dựng hoặc phê phán hành vi sai trái đó, nhưng không giận tức hay ghét bỏ con người đã thực hiện hành vi ấy. Vì không giận tức nên ta sẽ không làm bất cứ điều gì gây tổn hại cho người ấy, và vì thế mà không kết thành thù oán. Vì không giận tức và không kết thành thù oán nên cũng không có điều kiện để nảy sinh những tư tưởng xấu ác. Tha thứ chăng? Quên bỏ oán thù, chấp nhận rằng tôi có thể bị tổn thương nhưng luôn sẵn sàng tha thứ cho kẻ khác? Điều này có vẻ như đi ngược lại khuynh hướng suy nghĩ thông thường của nhân loại. Nhưng thực tế là tất cả những nền giáo dục và tín ngưỡng xưa nay của nhân loại đều đặt trên một nền tảng nhận thức về sự thiện khởi phát từ đức tính nhân hậu, lương thiện và khoan dung. Nho giáo từ lâu vẫn tin rằng “Con người sinh ra vốn tính hiền thiện - Nhân chi sơ, tính bổn thiện” (tr. Tam Tự Kinh). Vì thế, những thói hư tật xấu chỉ là sự tích lũy, thâm nhiễm lâu ngày từ hành vi ứng xử bất khoan dung, ái kỷ và tư dục của con người. Nho học đề nghị sự chuyên cần học hỏi để nhận biết và loại trừ những thói hư tật xấu, nhờ đó, con người sẽ trở lại hiền thiện, sẽ trở thành người tốt. Và nếu vậy thì sự thù ghét một con người vì những việc xấu họ đã làm quả là điều vô lý. Chính trong ý nghĩa này mà khi thầy Tử Cống hỏi xin một lời dạy để có thể theo đó mà thực hành trọn đời thì đức Khổng Tử đã dạy rằng: đó là sự khoan dung, tha thứ cho cừu nhân. Khoan dung, tha thứ cho người khác chính là không giận ghét họ vì việc xấu mà họ đã làm. có hành vi xấu chứ không bao giờ xem họ mãi mãi là thành phần cách ly của xã hội. Điều này cũng là dựa trên nhận thức rằng bản chất con người là hiền thiện.   Điều này nói thì dễ mà làm thì khó. Trong cuộc sống, nhiều khi ta vẫn phải cắn răng nhịn nhục, chịu đựng sự tổn hại do người khác gây ra vì nhiều lý do khác nhau. Vì kẻ gây hại cho ta là người đang giữ thế mạnh, như trường hợp những nhân viên phải chấp nhận chịu đựng sự vô lý hoặc trái tính của cấp trên, vì họ sợ rằng nếu phản đối sẽ dẫn đến những tổn hại lớn hơn. Cũng có thể vì ta muốn chấp nhận một sự tổn hại nhỏ để có thể đạt đến một lợi ích lớn hơn, như trường hợp một người chủ thuê chấp nhận chịu đựng, nhẫn nhịn đối với những yêu cầu thái quá của một nhân viên, vì muốn giữ anh ta lại để sử dụng vào những công việc mang lại lợi ích lớn hơn cho ông ta. Người ta cũng có thể nhịn nhục chịu đựng vì sự hèn nhát, vì kém hiểu biết, hoặc chỉ đơn giản là vì muốn được yên ổn... Nhưng tất cả những sự nhẫn chịu như thế đều không phải là hạnh nhẫn nhục, vì nó không bao hàm đủ những yếu tố như chúng ta vừa nêu. Kiên trì trong sự khoan dung khôn khéo chính là phương thức hiệu quả nhất để đối trị với lòng sân hận. Vì lòng sân hận chỉ sinh khởi khi ta không hài lòng với những hậu quả mà người khác gây ra cho mình. Nếu ta có một khuynh hướng cởi mở để chấp nhận và khoan thứ thì lòng sân hận chắc chắn sẽ phải bị triệt tiêu. Và điều này sẽ mang đến cho ta những lợi ích cực kỳ lớn lao trong cuộc sống.

 

Trong những điều đối lập của Tám Mối Phúc, bằng việc khích lệ  chúng ta hướng tới sự công bình hoàn hảo hơn (x. Mt 5, 20), đã không vượt qua khỏi truyền thống Do Thái, mà Người đã nói về tất cả những gì mà con người có thể làm được. Hiển nhiên trong đó còn đòi nói không với bạo động, bạo lực:  “Ta bảo thật các ngươi, đừng lấy ác báo ác”. Từ đó, Người đã xoá bỏ luật “mắt đền mắt, răng đền răng” (x. Xh 21, 24) và thay thế nó bằng luật mới: “Nếu ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (x. Mt 5, 38-42; Lc 6, 29). Điều đó vượt quá khả năng con người, đòi hỏi một sức mạnh tâm hồn cách đặc biệt, cùng một lúc cả trên bình diện nhân bản và Kitô giáo, để đập tan vòng vây hoả ngục sự dữ và bạo tàn leo thang ngõ hầu mang lại bình an. Tình yêu, lòng nhẫn nại và tha thứ dường như là cung cách sống của Chúa Ki-tô. Người yêu thương nên luôn đi bước trước, rồi nhẫn nại chờ đợi. Thiên Chúa luôn kiên nhẫn trong những lầm lỗi con người.  Kiên nhẫn của Thiên Chúa mang tính năng động, quyết liệt và rất nhân hậu. Người không phải là yên vị từ trời để đợi mà là dấn thân yêu thương cho đến giọt máu cuối cùng trong tim. Chúa Giêsu Ki-tô đã sống tột đỉnh của tình yêu tha thứ khi thương xót và tha thứ cho người giết hại mình, Người biện minh cho họ trước Thẩm Phán Chí Công: “xin Cha tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (x. Lc 23, 34). Thiên Chúa đã dạy bài học yêu thương kẻ thù, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phúc cho kẻ nguyền rủa mình, cầu nguyện cho kẻ vu khống mìn qua chính thực hành của Người chứ không chỉ bằng lời nói suông. Vượt lên trên tình yêu tha thứ đó là lòng thương xót như biển cả bắt nguồn từ Thiên Chúa. Chính Lòng nhân từ như Thiên Chúa đã thúc bách thực hành tình yêu trong sứ mệnh Ki-tô hữu. Lại nữa, vì Thiên Chúa luôn tha thứ cho chúng ta, lòng nhân từ của Thiên Chúa không xét đoán tội chúng ta và đã yêu thương và yêu thương cho đến cùng nên tiếng gọi hãy tha thứ, nhìn nhận sự yếu đuối của mình mà sống khiêm tốn là mở rộng cửa trái tim mình mà sống nhân hậu như Cha trên trời.

 

Đối với Chúa Giêsu, thực thi và sống giới răn yêu thương kẻ thù cách triệt để là điểm chót và đỉnh cao của đòi hỏi về đức ái và lòng thương xót. Điều này tương hợp với lời dạy căn bản của Chúa: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện” (x. Mt 5,48). Trên đỉnh cao Thánh Giá, tình yêu và sự tha thứ đã không có giới hạn nào. Đây là khung cảnh hùng vĩ nhất của Lòng thương xót Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi. Yêu thương kẻ thù là một đòi hỏi khó khăn nhất mà Chúa Giê-su trao lại cho Hội Thánh. Chúa Giê-su đặt nền tảng của đòi hỏi này - có vẻ quá mức theo quan điểm con người - trên thái độ của Thiên Chúa đối với kẻ tội lỗi. Tuy nhiên phẩm cách của việc thực hành đức yêu thương đối với kẻ thù lại là điều răn hệ trọng thiết yếu của Ki-tô giáo. Điều răn này được cấy rễ trong chiều sâu nhất của Giáo Lý Ki-tô giáo, và vì thế tinh thần này trở thành nét đặc biệt trong cách sống của người Ki-tô hữu. Ngay từ thời các Giáo Phụ, thì giới răn yêu thương kẻ thù là một nét mới và đặc sắc của Ki-tô giáo đối với Cựu Ước và các triết lý ngoại giáo: Ai không yêu thương kẻ thù của mình, thì người đó không phải là Ki-tô hữu. Tertullian gọi giới răn yêu kẻ thù là giới răn nền tảng, với thánh John Chrystosomos thì yêu kẻ thù là tóm tắt toàn bộ các nhân đức.

 

Chỉ có tình yêu tha thứ như Đức Ki-tô trên thập giá mới có thể hiệp nhất những điều trái nghịch nhau trong thế giới còn khá hỗn loạn, rối ren các giá trị này. Lòng khoan dung tha thứ chấp nhận những dị biệt trong cuộc sống. Cho nên, lòng thương xót thể hiện qua tình yêu, sự tha thứ chính là điều kiện để tiến tới hoà giải và hiệp nhất. Yêu thương kẻ thù là hành vi nhân linh do sự nổ lực vượt thắng tình cảm tự nhiên, vượt trên phản ứng thường tình của con người. Lòng thương xót Chúa mời gọi người Ki-tô hữu bước vào thế giới siêu nhiên của con cái Chúa, sống nhân hậu và hoàn thiện như Cha trên trời. Vì, yêu cừu nhân như chính mình, làm ơn và cầu nguyện cho những kẻ đó là đặc lệnh khó thi hành nhất trong giáo huấn của Chúa Giê-su Ki-tô. Trớ trêu thai đó lại là nét cao quý nhất trong dung mạo Đấng Cứu Thế, dung mạo mọi tín hữu sẽ trở thành nếu muốn cư ngụ đời đời trong vương quốc hằng sống. Thiên Chúa tỏ lòng thương xót và tha thứ cho nhân loại ngõ hầu đem lại cho con người mọi thời đại sau này cơ may để sám hối và canh tân. Yêu thương cừu nhân, làm ơn cho kẻ địch thù là con đường mới cho nhân loại, dĩ thiện khắc chế ác, dùng tình yêu xoá sạch hận thù. Kinh nghiệm từ các nền văn hoá cũng xác tín: chỉ có yêu thương mới làm cho thù hận tiêu tan. Tình yêu là vũ khí mạnh nhất để đẩy lui tội lỗi, làm thay đổi khung cảnh tang thương chiến sự. Ánh sáng tình yêu mới xóa tan được bóng tối thù hận. Người ta vẫn thường nói với nhau: tình yêu có phép mầu biến kẻ thù thành bạn hữu. Đối với Thiên Chúa, tình yêu là quyền năng sáng tạo và cứu độ.

 

Trong kinh Lạy Cha, Chúa Ki-tô Giê-su dạy chúng ta cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho những xúc phạm của chúng ta cũng như chúng ta tha thứ cho kẻ làm hại đến mình (x. Mt 6, 12; Lc 11,4). Lại nữa, Người còn nói phải tha thứ bảy mươi lần bảy chứ không phải chỉ là tha thứ có bảy lần. Trong đoạn Tin mừng Matthêu Mt 18,21-35 cho ta thấy câu hỏi của Phêrô và câu trả lời của Chúa Giêsu. Phêrô muốn sống trọn lành, Phêrô muốn nên giống Chúa. Vẫn với thái độ nhanh nhảu, con người chất phác, đơn sơ, dân dã, ông đã hỏi Chúa Giêsu: “Lạy Thầy, khi anh em con xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?”.  Xem ra câu hỏi của Phêrô hết sức đơn sơ, nhưng lại bao gồm ý muốn sống trọn hảo, ý muốn muốn nên giống Chúa Giêsu. Phêrô quả không dùng ngôn từ “kẻ thù xúc phạm“ nhưng dùng từ “người anh em” lỡ phạm đến ông, ông phải tha thứ mấy lần có phải bảy lần không ? Chúa Giêsu hiểu rõ tâm hồn, hiểu rõ tấm lòng của Phêrô, nên Người nói như một mệnh lệnh cho cả hậu thế: “Không phải bảy lần mà phải tha thứ đến bảy mươi lần bảy”, nghĩa là tha thứ mãi mãi và tha thứ không ngừng. Chúa Giêsu muốn làm rõ ý nghĩa của việc tha thứ, Người đã dùng dụ ngôn tên mắc nợ không biết thương xót. Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ, các người đi theo Chúa phải tha thứ, phải yêu thương quyết liệt, yêu thương như Chúa yêu thương con người. Đây là đòi hỏi rất khó khăn và gắt gao. Chúa lại nêu gương của Thiên Chúa Cha để nói với nhân loại, nói với con người. Thiên Chúa Cha yêu thương mọi người, Ngài làm cho tất cả mọi người được hưởng ánh sáng và nước mưa. Chúa Giêsu còn dùng chính gương của Người để nêu gương tha thứ. em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.

 

Thật rõ ràng, yêu thương kẻ thù là đòi hỏi khó khăn nhất của Chúa Giêsu, nhưng nó lại là giới răn quan trọng hàng bậc nhất của Ki-tô giáo; được cắm rễ sâu trong chính mầu nhiệm Ki-tô giáo, được coi như là cách ứng xử đặc thù của Ki-tô giáo. Theo các Giáo phụ, giới răn này dường như chỉ có đặc biệt nhất nơi Ki-tô giáo. Tuy nhiên, các Giáo phụ biết rõ những khó khăn trong việc làm cụ thể các huấn giới này, vì tính phức tạp của thế giới và các cơ cấu tội lỗi của thế giới đã ăn sâu vào tâm thức con người. Vậy, để tìm một giải pháp trung gian, các Giáo phụ đã nỗ lực suy tư và thiết lập cấp bậc trong luân lý. Với Thánh Augustine, hình thức cao nhất của việc bố thí là tha thứ cho những kẻ xúc phạm đến mình. Thánh Ambrosio cho rằng tha thứ như một điều luật cần thiết cho sự trọn lành: lấy ác báo ác là chuẩn mực con người, lấy thiện báo ác mới thật là trọn hảo.

 

Trong Tin mừng Matthew đoạn Mt 5, 20-26, sự tha thứ, lòng khoan dung giúp hàn gắn lại mối tương quan bị rạn nứt đó, phục hồi lại mối liên hệ thân thiện huynh đệ. Chính thái độ từ khước sự tha thứ đưa đến sự giận dữ, nên khi sống tha thứ là dược liệu ngăn chặn sự giận dữ trút lên tha nhân. Cũng có thể, nhiều người đi tới chỗ hoà giải với những ký ức đầy tổn thương, chấp nhận hiến tế những tổn thương ấy trong Lòng thương xót Thiên Chúa mới có thể lấy đi được những độc tố thẩm nhiễm đã làm tổn thương lòng tự trọng để đi vào mối tương quan huynh đệ, bỏ qua những lỗi lầm, sự ác đã gây ra từ trước cho nhau. Một khi đã hoà giải với sự tha thứ thật tâm được thôi thúc bởi tình yêu Thiên Chúa, ta mới có thể được chữa lành những vết thương quá khứ và đặt ra một khởi đầu mới có thể dẫn đến một tương lai huynh đệ chia sẻ chung niềm hy vọng.

 

Tha thứ vốn khó khắn, đây là một tiến trình nội tâm khá gian truân nhưng rất cần thiết.    Với lòng thương xót đích thực, sự tha thứ là công cuộc phục hồi lại mối tương quan đã bị rạn nứt với người khác, để có thể sống thân thiện và thích ứng với họ vì Đức Ki-tô và nhân danh Lòng từ bi nhân hậu của Chúa. Quả vậy, Chúa Cứu Thế đã đề cao việc sống hòa giải hơn những thực hành nghi lễ, hiến dâng lễ tế. Tha thứ cho anh em giúp chúng ta nên giống Chúa, càng ngày sống gắn kết hơn với Chúa, và nhờ vậy mà đời sống đức tin của chúng ta trở nên vững mạnh. Lòng thương xót đem lại lợi ích thiêng liêng cho thế giới. Tôi tin rằng, việc thực hành Lòng thương xót Thiên Chúa qua sự tha thứ như Chúa muốn là con đường tốt nhất dẫn chúng ta đến việc hòa giải, hiệp nhất với anh em mình, đó là điều kiện thiết yếu để hoà giải với Thiên Chúa. Tha thứ bảy mươi lần bảy, tha thứ không giới hạn chính thực là Hành Động Của Lòng Thương Xót.