Đâu là lẽ sống?
ĐÂU LÀ LẼ SỐNG? (CN XIII.TN-A)
Con người sống trên đời ai mà chẳng “tham sinh uý tử” (tham sống sợ chết). Và khi có ai đó (là người đáng tin cậy) mách bảo lẽ sống còn (con đường hạnh phúc, thuốc trường sinh, sống vui, sống khoẻ…) thì ham thích lắm, nghe theo liền, dù chưa biết cái lẽ sống ấy sẽ đi về đâu. Khi các môn đệ đi theo Đức Ki-tô thì cũng vậy, ai cũng muốn mình sẽ được thế này thế nọ (Vd: Hai người con ông Dê-bê-đê xin được ngồi bên tả bên hữu Chúa Giê-su [tức là Tả Hữu Thừa Tướng của Vua Giê-su] – Mc 10, 35-45; hoặc ít ra thì cũng được làm dân chài đi ”lưới người” thay vì “lưới cá” – Mc 1, 17).
Tuy vậy, nghe lời mời gọi của Đức Ki-tô thì lại thấy không hấp dẫn một chút nào. Bài Tin Mừng hôm nay (CN XIII TN/A – Mt 10, 37-42) là một ví dụ. Xin cùng nghe thử: "Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được." (Mt 10, 37-39); "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo" (Mt 16, 24)…Tất cả đều chứng mình muốn theo Chúa không phải chuyện dễ dàng. Duy chỉ có một lần Người nói khác hẳn: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng." (Mt 11, 28-30). Ách của Người êm ái và gánh của Người nhẹ nhàng ư? Nếu thế thì ai chẳng muốn theo, nhưng tại sao lại "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo"? Vác thập giá mà coi là êm ái, nhẹ nhàng sao? Có gì mâu thuẫn chăng? Như vậy thì phải hiểu Lời dạy của Thầy Chí Thánh như thế nào?
Trước hết, Lời dạy "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo" phải được hiểu theo nghĩa ẩn dụ và cái thập giá ấy chính là những tội lỗi trì trệ của tính xác thịt bản thân. Đó chính là cây thập giá của mình, là cái gánh nặng nề, cùng với cái ách chẳng êm ái một chút nào. Sẽ có một vấn nạn: Chúa dạy "ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng"; nhưng tại sao Chúa vác thập giá của Chúa (cái ách, cái gánh của bản thân), sao lại nặng nề quá như vậy, nặng đến độ ngã xuống đất 3 lần, phải nhờ Si-mon vác đỡ? Vấn đề chính ở điểm này: Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật, chẳng chút bợn nhơ, nhưng vì vâng lệnh Chúa Cha, Người xuống trần mặc lấy thân xác yếu hèn của phàm nhân, gánh lấy tội lỗi loài người để cứu độ nhân loại; Người đã vác cây thập-giá-tội-lỗi-loài-người quá sức nặng nề bằng thân xác phàm nhân, nên mới quỵ ngã ba lần. Thập giá ấy không phải của Chúa, mà là của loài người đã chất lên vai Chúa. Vì thế nên khi Người nói "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo" là Người muốn dạy người tín hữu hãy tự gánh lấy tội lỗi của bản thân, đi theo con đường thập-tự-Giê-su thì sẽ được cứu rỗi (“nghỉ ngơi bồi dưỡng”). Lời mời gọi chân tình đó chính là "ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng" vậy.
Sở dĩ Chúa dạy như vậy vì Nguời biết rõ tính xác thịt của con người rất là nặng nề; nặng nề nhưng lại quyến rũ hơn cả tinh thần hướng thượng. Con người không những đã chiều theo tính xác thịt, mà còn viện dẫn trăm ngàn lý do để bào chữa. Thánh Phao-lô đã cảnh báo: “Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt; còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí. Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an.” (Rm 8, 5-6). Quả thực, theo Thầy thì rất muốn theo Thầy, nhưng bảo phải vác thập giá mình mà theo thì lại... buồn rầu bỏ đi một nước (giống hệt anh chàng thanh niên giàu có muốn theo Thầy – Mt 19, 16-22). “Thật vậy, hướng đi của tính xác thịt là sự phản nghịch cùng Thiên Chúa, vì tính xác thịt không phục tùng luật của Thiên Chúa, mà cũng không thể phục tùng được.” (Rm 8, 7). Hoá cho nên anh cần phải biết phân biệt rạch ròi ánh sáng và bóng tối. Đừng ngụp lặn trong bóng tối mà vẫn cứ ru mình trong ảo vọng đã tìm được hướng đi đích thực. Vâng, "ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa." (Ga 3, 19). Ấy cũng bởi vì “ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.” (Ga 3, 20).
Để phân biệt được ánh sáng và bóng tối, không phải là chuyện dễ dàng, nhất là ở cái thế kỷ XXI vàng thau lẫn lộn này. Chính những nơi mình cứ tưởng là chan hoà ánh sáng, lại là bóng tối, tội lỗi ngập đầu. Bởi ngay như Đức Giê-su Ki-tô là “ánh sáng cho trần gian…, là ánh sáng thế gian” (Ga 8, 11-12), mà cũng còn có Giê-su giả nữa kia (“Thật vậy, sẽ có những Ki-tô giả và ngôn sứ giả xuất hiện, đưa ra những dấu lạ lớn lao và những điềm thiêng, đến nỗi chúng lừa gạt cả những người đã được tuyển chọn, nếu có thể.” – Mt 24, 24). Thiết nghĩ, chỉ còn một phương cách duy nhất, hữu hiệu nhất, đắc dụng nhất, đó là cầu nguyện, cầu nguyện liên lỉ để xin ơn soi sáng, xin ơn trợ giúp từ chính Đấng Bảo Trơ là Thánh Thần, là Thần Chân Lý. Vâng, một cách cụ thể, chỉ có một con đường “độc đạo” cho chúng ta: Đó là, hãy sống theo Sự Thật do Đức Thánh Linh mạc khải và hướng dẫn.
Tóm lại, “vì chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô nhờ được chết như Người đã chết thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại. Chúng ta biết rằng: con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Ki-tô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa. Quả thế, ai đã chết, thì thoát khỏi quyền của tội lỗi. Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta. Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Ki-tô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người. Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su.” (xc. Bài đọc 2: Rm 6, 5-11). Hãy vững tin và dâng lời khẩn nguyện:
Ôi! “Lạy Chúa, Chúa đã dủ lòng thương nhận chúng con làm nghĩa tử để chúng con trở thành con cái ánh sáng; xin đừng để chúng con sa vào cảnh tối tăm lầm lạc, nhưng gìn giữ chúng con luôn rạng ngời ánh sáng chân lý Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. A-men.” (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 13 mùa Thường niên).
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: