Hãy tự mang lấy "ách" và "gánh" của mình
HÃY TỰ MANG LẤY “ÁCH” VÀ “GÁNH” CỦA MÌNH (CN XIV.TN-A)
Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật Lời Đức Giê-su kêu gọi: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng." (Mt 11, 28-30). Theo từ nguyên thì "ách" có 3 nghĩa: *1- Đoạn gỗ cong mắc lên cổ con vật (trâu, bò, ngựa…), để buộc dây kéo xe, cày, bừa (vd: bắc ách, quàng ách vào cổ trâu, tháo ách); *2- Gông cùm, xiềng xích (vd: ách áp bức, ách đô hộ, ách kìm kẹp); *3- Tai hoạ, việc rắc rối phải gánh chịu (vd: "ách giữa đàng quàng vào cổ" (tục ngữ); ách giặc giã cướp bóc). Cả 3 nghĩa đều nói lên "ách" là một ép buộc, một tai họa từ bên ngoài đưa tới, chẳng ai muốn gánh chịu. Như vậy, Lời dạy của Đức Giê-su "ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng" thì có gì là mâu thuẫn không?
Nếu tỉ mỉ tìm hiểu những Lời của Đức Giê-su mời gọi mọi người đến và đi theo Người, thì sẽ thấy tất cả đều khác hẳn (nếu không muốn nói là mâu thuẫn) với lời mời gọi nêu trên. Thật thế, Đức Giê-su thường răn dạy các môn đệ: "Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được." (Mt 11, 38-39) ; "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo." (Mt 16, 24); "Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi." (Mt 19, 21)... Đi theo Đức Giê-su phải sống và thực hành Lời dạy của Người như nêu trên, vậy mà gọi là "ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng" được sao? Một vấn nạn nảy sinh: Chúa dạy "ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng" thế thì tại sao Chúa vác thập giá của Chúa (cái ách, cái gánh của bản thân), sao lại nặng nề quá như vậy, nặng đến độ ngã xuống đất 3 lần, phải nhờ Si-mon vác đỡ?
Vấn đề đặt ra là phải hiểu cây thập giá ấy do đâu mà có? Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật, chẳng chút bợn nhơ, nhưng vì vâng lệnh Chúa Cha, Người xuống trần mặc lấy thân xác yếu hèn của phàm nhân, gánh lấy tội lỗi loài người để cứu độ nhân loại; Người “đã làm việc bằng đôi bàn tay của con người, đã suy nghĩ với trí thông minh của con người, đã hành động với ý chí của con người, đã yêu thương với trái tim của con người.” (Hiến chế Mục Vụ về Giáo Hội “Gaudium et Spes”, số 22). Vì thế nên với thân xác phàm nhân ấy, Người đã vác cây thập-giá-tội-lỗi-loài-người quá sức nặng nề đến nỗi phải quỵ ngã ba lần. Thập giá ấy không phải của Chúa, mà là của loài người đã chất lên vai Chúa; nên khi Người nói "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo" là Người muốn dạy người tín hữu hãy tự gánh lấy tội lỗi của bản thân (thập giá của mình) – nói cách khác là nhìn lại mình mà ăn năn sám hối tội lỗi đã mắc phạm – kiên quyết đi theo con đường Thập-tự-Giêsu, thì sẽ được cứu rỗi (“nghỉ ngơi bồi dưỡng”). Lời mời gọi chân tình đó chính là "ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng" vậy.
Sở dĩ Chúa dạy như vậy, vì Nguời biết rõ tính xác thịt của con người rất là nặng nề, nặng nề nhưng lại quyến rũ hơn cả tinh thần hướng thượng (“thân xác dễ hư nát này khiến linh hồn ra nặng, cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống.” – Kn 9, 15). Con người không những đã chiều theo tính xác thịt, mà còn viện dẫn trăm ngàn lý do để bào chữa cho những hành vi mang tính xác thịt đó. Thánh Phao-lô đã cảnh báo: “Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt; còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí. Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an.” (Rm 8, 5-6). Quả thật, theo Thầy thì rất muốn theo Thầy, nhưng bảo phải vác thập giá mình mà theo thì lại... buồn rầu bỏ đi một nước (giống hệt anh chàng thanh niên giàu có muốn theo Thầy Chí Thánh – Mt 19, 16-22).
Rõ ràng “Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy.” (Gl 5, 19-21), nên “hướng đi của tính xác thịt là sự phản nghịch cùng Thiên Chúa, vì tính xác thịt không phục tùng luật của Thiên Chúa, mà cũng không thể phục tùng được.” (Rm 8, 7). Điều đó cho thấy giữa “tính xác thịt” và Thiên Chúa luôn luôn đối lập nhau như ánh sáng và bóng tối: Thiên Chúa là ánh sáng ≠ tính xác thịt của con người là bóng tối. Vâng, "ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa" (Ga 3, 19). Ấy cũng bởi vì “ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách” (Ga 3, 20).
Quả thật chỉ có “từ bỏ chính mình”, từ bỏ bóng tối, thì mới đi theo được Ánh Sáng Chúa Ki-tô. Muốn được vậy, phải cầu xin Thiên Chúa ban ơn soi sáng để sống theo Thánh Linh như lời khuyên của Thánh Phao-lô (Gl 5, 16-18), ngõ hầu được trở nên những người con tự do (con cái ánh sáng) của Thiên Chúa. Sống đời Ki-tô hữu tốt đẹp là biết bước đi theo Thánh Linh, để Thánh Thần dẫn đưa. Có thể, người tín hữu học hỏi nhiều về Đức Ki-tô, nhưng vẫn chưa biết rõ về Người, chưa yêu mến và gắn bó với Người. Lý do là vì chưa bước đi theo Thần Khí của Người. Cũng bởi vì Thánh Thần là Đấng nối kết chúng ta với Chúa Ki-tô và với anh em chung một niềm tin; Thánh Thần là Đấng Soi Sáng, Đấng Giải Thoát, Đấng Bảo Trợ đầy sức mạnh thần thiêng làm cho chúng ta không bao giờ mệt mỏi, mất sức trên hành trình thi hành sứ vụ; đồng thời mở lòng mở trí cho chúng ta, để chúng ta nhận ra ý muốn của Thiên Chúa, giúp chúng ta giải quyết tốt đẹp các vướng mắc, dạy chúng ta cách cư xử cho phù hợp với ơn gọi Ki-tô hữu. Thánh Thần còn là Đấng Hiệp Thông (Thánh Phao-lô gọi Người là Ơn Thông Hiệp). Tắt một lời, Thánh Thần làm cho sự sống thần linh trong chúng ta triển nở và lớn lên, đạt tới tầm vóc viên mãn của Chúa Ki-tô (trở nên “đồng hình đồng dạng với Người” cách trọn vẹn).
Chính là nhờ Thánh Thần, với Thánh Thần và trong Thánh Thần, mọi Ki-tô hữu cùng hiệp thông xây dựng Nhiệm Thể Chúa Ki-tô (Giáo Hội) bền vững và phát triển đến thiên thu vạn đại. Để được như vậy, người Ki-tô hữu hãy tiến bước theo Thánh Linh trên con đường dấn thân phục vụ: Phục vụ trong tinh thần hiệp nhất “nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”; phục vụ vô vị lợi (phục vụ trong tinh thần “vị tha ”, hơn là “vị kỷ”); phục vụ trong khiêm tốn và thầm lặng (không khua chiêng gõ mõ, không “mồm loa mép giải”, không “ngồi trên tòa ông Mô-sê” hoặc “đứng ở ngã ba ngã tư”, “ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng..., ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc...” (Mc 23, 1-36). Chung quy là hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Đức Vua Phục Vụ Giê-su Ki-tô.
Cấp bậc cao nhất của việc từ bỏ chính mình là sẵn sàng hy sinh mạng sống khi việc phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân đòi hỏi. Từ bỏ sự sống mình theo như Đức Ki-tô đòi hỏi, biểu hiện trong thực tế bằng việc phấn đấu và nỗ lực hằng ngày, chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ (vác thập giá mình) trong cuộc sống chứng nhân, sẵn sàng thực thi những chứng tá bác ái. Khi người tín hữu “thuộc về Đức Ki-tô Giê-su thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5, 24), thì đó chính là lúc người tín hữu đã chết đi hằng ngày để được cùng sống lại với Đức Ki-tô (“Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người.” – Rm 6, 8). Chỉ có như vậy, người Ki-tô hữu mới thực sự được “nghỉ ngơi bồi dưỡng” tận hưởng “hoa quả của Thần Khí” (“Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ.” – Gl 5, 22-23).
Tóm lại, đi theo Đức Giê-su thì tất cả cái ách là những gánh nặng, những gông cùm, xiềng xích của tội lỗi đè nặng trên bản thân sẽ được Người vác thay (“Chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta. Chính Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; Người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.” (Is 53, 4-5; Mt 8, 17). Vì thế nên đi theo Đức Giê-su thì sẽ được hưởng cái "ách êm ái, gánh nhẹ nhàng" của Người. Chính hoa quả của Thánh Linh sẽ giúp người Ki-tô hữu hiểu rõ được Lời dạy của Đấng Cứu Thế.
Khi đã hiểu rõ “nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.” (Rm 8, 11); người Ki-tô hữu hãy cầu xin Thiên Chúa ban sự sống cho bản thân, ban Thánh Thần để có đủ sáng suốt và dũng khí tiến bước theo Đức Ki-tô, để được hưởng hoa quả đầu mùa “ách êm ái, gánh nhẹ nhàng”. Vâng, “Những ai thuộc về Đức Ki-tô Giê-su thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê. Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước.” (Gl 5, 24-26).
Ôi! “Lạy Chúa, nhờ con Chúa hạ mình xuống, Chúa đã nâng loài người sa ngã lên, xin rộng ban cho các tín hữu Chúa niềm vui thánh thiện này: Chúa đã thương cứu họ ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi, xin cũng cho họ được hưởng phúc trường sinh. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ CN. XIV/TN-A).
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: