Làm Từ thiện- Bác ái ở đâu cũng thế
TỪ THIỆN Ở ĐÂU CŨNG THẾ - AI LÀM CŨNG THẾ ?!
1. Em mới mở doanh nghiệp tư nhân, lại mới trúng mánh…
Em hứa với Chúa sẽ ủng hộ từ thiện làm bác ái, số tiền kha khá.
Cuối năm, chính quyền kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ làm từ thiện giúp các hộ nghèo khó trên địa bàn để họ có quà ăn tết…
Nhớ lời hứa với Chúa, nghĩ làm từ thiện, bác ái chỗ nào cũng như nhau, ai làm cũng thế nên em ủng hộ số tiền khá khá…
Có người thắc mắc, sao không làm từ thiện Bác ái ở chỗ Cô nhi viện X, nhà cưu mang chị em cơ nhỡ Y của cha T… tốt hơn không !
Cái thắc mắc này làm em ‘chột dạ’ tí nên mới hỏi: Làm Từ thiện- Bác ái ở đâu cũng thế, ai làm cũng thế, có phải không ?
Tớ nói: - Trên bình diện nhân bản nếu làm từ thiện- bác ái, loại trừ vấn đề lợi dụng, tức làm với tất cả thiện tâm thì có thể coi như nhau được, rất tốt.
Còn xét kỹ một tí, trên bình diện Tôn giáo có Lời Chúa soi sáng thì việc ‘cào bằng’ chỗ nào cũng như nhau, ai làm cũng như nhau… xem ra có sự bất công cho cả người giúp và người được giúp…
- Là sao, con không hiểu ?
Biết Em là người có học, đã từng có thời là Giáo Lý Viên gương mẫu… Nghĩa là về tri thức, về vốn Giáo lý, về đời sống Đạo Em nhỉnh hơn bình thường.
Nghĩ vậy tớ hơi dài dòng theo kiểu… ‘lý luận’.
1. Thứ nhất: Xét trên bình diện thuần túy con người, sống nhân nghĩa, biết chia sẻ theo tinh thần tương trợ, lá lành đùm lá rách (thậm chí là rách đùm lá nát) là một đức tính cao quý, không thể thiếu để làm người (nhân bản) và càng khẩn thiết trong xã hội nhân sinh đầy bất trắc… Song cần hết sức cẩn thận và cảnh giác.
Tại sao ta làm từ thiện?
Xét theo thường tình, vì thấy người ta khổ hơn mình, nghèo hơn mình, hoặc thấy mình lá lành nên cần giúp người lá rách (giả như mình lá rách, vẫn giúp vì thấy người ta là lá nát)… Nghĩa là thấy mình vẫn ‘hơn’ người khác, ‘trên cơ’ người khác, giúp người khác như cách ta ‘ban cho’, xuất phát từ ‘thương hại’… Và như thế, mặc nhiên người được giúp ít nhiều bị ta coi thường, luôn nằm ‘dưới cơ’ mình.
Xét cho kỹ, làm từ thiện cứ theo lăng kính ‘trên cơ’ này sẽ dẫn đến một nguy hiểm không phải cho người khác mà là cho chính mình. Vì cứ thấy ta ‘hơn người’ khi làm điều tốt tất có lúc dẫn ta bước vào xa lộ kiêu ngạo lúc nào không hay- mà kiêu ngạo là đầu mối các thứ tội lỗi. Khi bước vào xa lộ kiêu ngạo, lương tri dễ chai đá, trái tim dễ ngạo nghễ- vô cảm. Thiên thần Luxiphe sa hỏa ngục đời đời cũng vì tội kiêu ngạo, chai đá, không còn khả năng sám hối. Nguyên tổ sập bẫy ma quỷ - đánh mất ơn nghĩa với Chúa cũng vì tội kiêu ngạo, may mà lương tri chưa chai đá, còn có khả năng sám hối, phục thiện.
Đấy là lý do tớ nói cần cẩn thận, cảnh giác.
Làm từ thiện xuất phát từ thương hại, kiểu ban phát, thiếu tôn trọng người khác thì…có đúng làm việc Từ thiện không?
2. Thứ hai, Ở góc độ khác, làm từ thiện trong lăng kính Luân hồi nghiệp báo (người Việt ảnh hưởng nhiều quan niệm này), thì người nghèo khổ, bất hạnh khó mà được tôn trọng. Gặp họ dễ thường ta nghĩ ngay: Sở dĩ kiếp này nó nghèo khổ, tàn tật… bởi vì kiếp trước nó ăn ở thất đức, gian ác tạo nên nghiệp dữ nên kiếp này bị quả báo, tất nhiên…
(Bạn thử nghĩ, với những người bệnh tật, nằm bệnh nhiều năm hay sinh ra đã bệnh tật; họa tai gặp cảnh khốn khổ… họ quá khổ rồi, cả thống thân lẫn thống tâm giờ lại thêm cái ‘ách’ nghiệp chướng mặc định của ta nữa thì quá…bất công cho họ !)
Làm từ thiện, gặp ‘đối tượng’ vốn rất đáng thương ta đã có ngay ‘kết án’ trong đầu ‘quả báo kiếp trước’ thì có còn từ thiện không?.
Ông bà mình nói, của cho không bằng cách cho. Cái người nghèo cần không chỉ ở vật chất, quan trọng hơn là ở sự trân trọng họ.
3. Kitô giáo làm từ thiện thì sao ? (nói chuẩn theo ngôn ngữ nhà Đạo sống Bác ái)
Nhờ Lời Chúa mạc khải, ta biết Con người dựng nên giống Hình ảnh Thiên Chúa- có phẩm giá hết sức cao quý, thiêng liêng, vượt trội hơn tất cả các thụ tạo khác. Mọi người như ta đều là con cái Thiên Chúa, đều là anh chị em trong gia đình Thiên Chúa.
Khi ta làm bác ái, như việc trong gia đình anh em giúp đỡ lẫn nhau. Người được giúp là anh em cùng phẩm giá như mình. Điều này giúp ta gỡ bỏ được cái nhìn ‘cao thấp- trọng khinh’ khi làm bác ái. Vả lại Chúa Giêsu từng căn dặn: ‘các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho đi nhưng không’ (Mt 10. 8)
Quan trọng hơn, Chúa Giêsu đã đồng nhất với người nghèo khó, kém may mắn, giúp đỡ họ là giúp đỡ cho chính Chúa. Và nơi Tòa Chung Phẩm, việc lên Thiên đàng hay sa hỏa ngục, hệ tại ta có sống Bác ái ở đời này hay không (x.Mt 25, 31 tt).
Như thế, người nghèo khổ chính là hiện thân của Chúa Giêsu.
Khi khám phá người bất hạnh, kém may mắn là hiện thân của chính Chúa Giêsu thì việc ta sống Bác ái làm sao có thể ‘thương hại, ban cho’ được, làm sao có thể ‘nổ’ được!... Và xét cho cùng, sống Bác ái như cách để phần nào ta tạ ơn Chúa. Trong lăng kính này, như Mẹ thánh Têrêxa Calcutta, ta sẽ phám phá ‘chân lý’ thú vị: Người nghèo không chỉ là anh chị em mà còn chính là ân nhân của ta.
Tóm lại, đối với Kitô giáo việc Từ thiện hay sống Bác ái yêu thương không thể thiếu bởi vì nơi ấy không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm trong đại gia đình Thiên Chúa mà hơn nữa còn như cách ta tạ ơn Chúa trước muôn ơn Chúa đã ban cho ta. Bác ái thuộc bản chất Kitô giáo.
Ngoài ra, Chúa Giêsu quả quyết: ‘Ai cho một trong những người bé nhỏ này, dù chỉ bát nước lã thôi, vì kẻ ấy là Môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật người đó sẽ không mất phần thưởng đâu’ (Mt 10,42).
‘Vì kẻ ấy là môn đệ Thầy’, theo tớ hiểu cả hai phía- bên người nhận và cả bên người cho. Cái tuyệt vời của người là Môn đệ Chúa Giêsu (Kitô hữu) là ở chỗ ấy. Khi Kitô hữu nhận hay chia sẻ Bác ái, ngay cả những việc làm Bác ái trong con mắt người đời hết sức tầm thường, chẳng có giá trị gì thì Chúa vẫn trân trọng, không quên, nghĩa là đều có ý nghĩa và giá trị lớn lao.
Và điều này càng cho thấy rõ, khi sống Bác ái là mình đang thực thi công việc hết sức cao đẹp, thiêng liêng, giá trị tồn tại không chỉ đời này mà còn mãi đời sau.
4. Khi nghe tớ ‘lý luận’ dài dòng, dường như Em hiểu vấn đề và có chút…buồn.
Tớ trấn an ‘không sao, vẫn tốt’…
Nói thế không có nghĩa mình không cộng tác với các hội từ thiện, đạo- đời khác. Tất cả các tổ chức Từ thiện đều cao quý, vấn đề ở chỗ ta ý thức phẩm giá cao quý mình là Kitô hữu, sống Bác ái trong lăng kính Tin Mừng, làm trong tư cách môn đệ Chúa Giêsu…
Với lại, việc từ thiện- bác ái nhiều lúc khẩn cần (vd thiên tai lũ lụt…), tổ chức nào đảm bảo- uy tín, trao tận tay và đầy đủ cho người hoạn nạn, ta cần phải hợp tác, không chần chừ.
Em về !…
Nghĩ lại ‘lý luận’ tớ giật mình…
Giật mình, bởi giữa Chân lý Bác ái Kitô giáo và cuộc sống thực tiễn, xem ra tôi còn khoảng cách rất xa.
Mang danh cao quý ‘Kitô hữu’ liệu tôi có để Chúa hiện diện trong lời nói và hành động chưa ?
Tôi sống để cho Chúa lớn lên hay mượn danh Chúa để mình to hơn ?!
Lm.Đaminh Hương Quất
- Tổng Hơp: